Chân dung nhà thơ Thế Mạc

Nhà thơ Thế Mạc –  nhà giáo Kiều Thể (1934- 2009), người con của làng quê Cần Kiệm, (Thạch Thất, Hà Nội0, đã vĩnh biệt bạn thơ Xứ Đoài gần năm năm. Nhưng ấn tượng về con người cùng thơ ca của ông vẫn được lưu giữ, trân trọng trong học trò, bạn bè, cùng những người yêu thích thơ ông. Một cuộc đời 75 năm, thì hơn 50 năm viết văn làm thơ, 31 năm dạy học. Thế Mạc cứ lặng lẽ nghĩ suy, chiêm nghiệm lẽ đời; từ lịch sử, địa lý, danh nhân, huyền thoại trong chiều sâu văn hóa kết tinh. Để lại hơn chục tác phẩm, gồm  thơ, kịch, truyện, tản văn, phê bình. Nhận hàng chục giải thưởng về sáng tác văn chương. Nhưng phần đọng lại và có lẽ nhà thơ tâm đắc nhất, cũng là thành công nhất đó là thơ ca. Vì thơ đã theo suốt ông trong hành trình chữ nghĩa văn chương, ông dồn nhiều tâm lực cho nó.

Làm thơ từ những năm học Đại học Văn khoa Hà Nội (1958-1959), trong tuyển Thơ Thế Mạc (Nxb Hội nhà văn, 2003), giai đoạn sáng tác ban đầu này ông đặt tên “Trên đỉnh núi” (1959-64), có 37 bài. Đây là những bài thơ có chung đề tài nhà trường, với sự việc, con người cụ thể : dạy học ở miền núi, nhưng có ý tưởng khái quát. Không ra ngoài giọng điệu cảm hứng chung của thời đại: tấm lòng người mẹ nuôi miền núi (“Mẹ tôi”- giải thưởng Báo Văn nghệ, 1960), tấm tình cô giáo chăm sóc các em nhỏ qua một hành vi được cách điệu: “Cô giáo rửa từng tay thon nhỏ/ Như chính cô đang rửa núi đồi/ Những bàn tay ấy rồi đây sẽ/ Cầm búa dựng xây lại đất trời (“Niềm vui” – giải thưởng “Thầy giáo và nhà trường”, Bộ Giáo dục); có khi chỉ qua chiếc áo màu chàm được dệt mà thấy cả rừng núi, cuộc đời: “Em lấy tuổi thanh xuân dệt cuộc đời/ Thêu rừng núi đẹp một nghìn lần hơn thổ cẩm” (“Áo chàm” – giải thưởng Việt Bắc, 1963). Theo ông cho biết: nhà thơ Xuân Diệu khen thơ ông viết về miền núi chân thật, đằm thắm; còn Chế Lan Viên động viên ông khai thác những nét lạ, cái không khí miền núi.

Giai đoạn hai, Thu (1964-1975), có 22 bài; trung thành với cảm hứng thời đại, vẫn quanh đề tài nhà trường, hình ảnh quê hương đất nước trong những ngày công nghiệp hóa. Giai đoạn ba, Tiếng chim sơn ca (1975-1993), 23 bài, báo hiệu cho một giai đoạn có chất suy nghĩ trong thơ hơn, nhân cảnh vật mà ngẫm về lẽ sinh tồn. Không tả mà “suy tưởng” tiếng chim: “Chim Sơn Ca bỗng vút lên từ đất/ Như ngôi sao đổi ngôi rồi biến mất/ Tiếng hát xoáy sâu khoan mãi lên trời/ Tất cả chim và tiếng hát tan xanh khắp nơi” (“Tiếng chim sơn ca”).

Giai đoạn đổi mới (1993-1998), đánh dấu bằng hai tập thơ HồNguồn. Tập thơ Hồ (Nxb Văn học, 1994), thực sự gây “sốc” cho giới làm thơ ở địa phương Hà Tây lúc ấy. Cuộc hội thảo về tập thơ do Hội VHNT Hà Tây tổ chức (ngày 28.7.1994) diễn ra trong một không khí sôi nổi chưa từng có trong sinh hoạt văn chương ở tỉnh này. Những ý kiến tranh luận “nảy lửa” về tập thơ, từ cảm hứng, đề tài, hình tượng, câu chữ, đến “sự khó hiểu” của thơ. Là người có tham luận tại hội thảo, tôi khẳng định: “Tập thơ Hồ nổi bật ở tính hàm ẩn, đa nghĩa, mang đặc trưng và biểu hiện của thơ; có sức chứa, sự gợi mở và bao quát. Đó chính là điều Alberto Moravia (1907-1990, nhà văn Ý, giải Nô ben) đã nói: “Sự bao quát mà thơ chỉ có được vào khoảng khắc bừng ngộ cao độ. Thơ không đặt cho mình mục đích tái tạo thực tại”. Sự kiện này là một cú hích cho thơ Hà Tây khởi sắc, sôi động. Những tranh luận thơ ca, học thuật tiếp tục diễn ra sau hội thảo. Xung quanh các vấn đề cốt lõi, “Thế nào là thơ?”, “Thế nào là thơ hay?”, “Thế nào thơ mới?”… đã có nhiều ý kiến bày tỏ trên Tạp chí Tản viên sơn, báo Hà Tây. Tập thơ của Thế Mạc đánh dấu thời điểm một bước “rẽ ngoặt”, tạo một lối đi khác, báo hiệu “cái mới”. Cái mới không phải bao giờ cũng được mọi người chấp nhận ngay, lịch sử xã hội là như thế. Thơ Thế Mạc không nằm ngoài qui luật tiếp nhận ấy.

Không gian thơ gắn với đặc điểm vùng quê, khi rộng mở như hồ đầm, dốc đồi, hang động, thác lũ, mây trời, sấm động… mang tên những địa danh Xứ Đoài. Có khi nhỏ bé, chi tiết: một cành cây gẫy, một cuống lá. Ở đây, không có phản ánh, tái tạo cảnh quan (dù có tên gọi cụ thể), mà chỉ là chỗ cho cảm xúc neo đậu, bộc bạch những suy tư triết – mỹ. Lấy tên Hồ – tên một bài cuối tập – đặt tên tập thơ đã là một ngụ ý: “Ta mở mắt/ Hồ tròn như số KHÔNG”, “Ta nhắm mắt/ Hồ cứ xoay tròn tất cả/ MỘT và HAI cứ thế sinh ra/ Anh và Em đứng giữa nhị hoa” (Hồ). Quan niệm Dịch, Lão đã thành hình tượng (Thái cực sinh lưỡng nghi…). Không phải ngẫu nhiên mà cặp từ “một”, “hai” cứ trở đi trở lại. “Mình tôi múc và gánh hai thùng nước”, “Một chiếc vòng hạ huyền rơi xuống”(Gánh), “Từ núi rích ra hai dòng nước”(Xuân), “Một ngọt/ Một cay/ Rót vào hai suối”(Hố Suối Hai), “Một hạt u linh vừa vứt xuống trần gian/ Ta bỗng thấy đi trong chiều nhị hợp” (Dốc Lễ Khê). Ý thức về tồn tại nhức nhối một câu hỏi: “Ta là ai, từ đâu đến và đi về đâu?”. Điều này, có nhà thơ đã viết một cách ít nhiều “hiển ngôn”: “Ta là ai, câu hỏi siêu hình? Ngọn gió hư vô thổi nghìn nết tắt”. Còn Thế Mạc nhìn bản thể trong tương quan “cái tôi” và sự vật. “Thân đá tôi mòn ra/ Thớ gỗ tôi mục ra/ Lá của tôi rã xuống/ Đất của tôi mùn chảy”(Phân trấp), “Một mình đối diện mình trên vách” để “Ta ngẫm vào mình lặng lẽ trong hang/ Xóa nỗi buồn của một thú hoang”(Hang ). Trong sự va đập nhân sinh ông nhận ra sự tán tụ, giao thoa: “Hình hài này hay hình hài khác/ Cũng gập gềnh và bắn tung những nước/ Đang tán chia những giọt buồn giọt hát/ Nhập và thành những tặng vật cho nhau”(Thác). Một đoạn thơ trong bài “Đầm Đượng” (“Đượng”, tên cổ địa danh)  dựng một cảnh trở về với Nước – khởi thủy tự nhiên, nơi bắt đầu sự sống – bản nguyên hiện ra  thật chất phác, hồn nhiên, mà cũng đầy bi tráng: “Tôi ngụp lặn sải tay ô ê vụng hát/ Thân xác trần chân quơ dẫm đạp/ Tóc bết bùn như những mảng cứt trâu/ Đất cắn răng ôm tôi vào đất nâu”; không kém phần hào sảng “Cho tới lúc một đám mây sà xuống/ Đất vỡ bung ra Đầm Đượng/ Tiếng khóc thiêng suốt dọc sông Đà/ Một con Rồng, từ mặt đầm, bay ra”. Nhận thức cuộc sống là “quà tặng”, từ hoang sơ, nhỏ bé mà thành lớn lao: “Ta đi trong hoang vu/ Lác đác bàn chân rêu phủ/ Giật mình giọt gì rơi xuống/ Ngoảnh nhìn đọng lại thành hồ” (Quà tặng). Trong mảng bài về văn hóa, thi ca (Hồ xuân, Chùa chìm đáy hồ, Sấm, Bí ẩn của Lý, Xin phép Tagor ,…) nhà thơ mô tả hình ảnh thi nhân hành trình cô độc, cái kiếp “giời đày”, nếu ở Nguyễn Bính là trực ngôn: “Mình tôi giời bắt làm thi sỹ” (Hoa với rượu), “Mẹ hiền mất sớm giời đày làm thơ” (Nhà tôi); thì ở đây, Thế Mạc dựng hình tượng với hai nhà thơ Xứ Đoài: Tản Đà, Quang Dũng – hiện hình, cảnh báo: “Đường chiều đông hun hút/ Thoáng lướt hai bóng người/ Người trước gánh lặc lè/ Người sau lê theo mây”, “Cút về theo sao nổi”(Sấm). Những câu thơ vẫn dùng hình ảnh, từ cũ theo người trước, kế thừa thâu thái mà vẫn mang ý vị giọng điệu riêng. Ở Thi hào Nguyễn Du là “Phong vận kỳ oan ngã tự cư” (Độc Tiểu Thanh ký), ở thi sỹ họ Hàn là “Người thơ phong vận như thơ ấy” (Xuân đầu tiên), còn Thế Mạc viết “Phong vận nòi thơ sương áo mong manh” (Hồ xuân). Trong tập “Hồ” có nhiều bài mang tên địa danh Sơn Tây (Ba Vì, Nhật tiên kiều, Nguyệt tiên kiều, Hồ Suối Hai, Đầm Đượng, Dốc Đá Bạc, Dốc Lễ Khê, Dốc Ghề,…) những tên này chứa nhiều huyền tích về Sơn Tinh- Tản Viên sơn thánh. Với Thế Mạc là gợi cảm thức thẩm mỹ, chứ không phải đơn thuần khái niệm. Từ suy tư theo Thiền, Dịch, quan niệm thời gian luân chuyển, thay mùa có vẻ đẹp tự nhiên, đậm chất thiền: “Con ngựa đen mệt mỏi mùa đông/ Đường không tiết dằng dặc dài vô tận/ Chỗ rẽ ngoặt một ông già ngồi đấy/ Rót rượu hồ nâng chén bâng quơ/ Hỏi chẳng nói chỉ tay về phía ấy/ Sương lâng lâng trôi dọc trời xa/ Tôi xuống ngựa mùa thay ngựa xanh/ Buông vó nhẹ – Đóa mai sực trên cành” (Rẽ ngoặt). Khao khát trở về với tự nhiên, cội nguồn tươi trẻ, thô phác. Khi nhắc đến Thiền luận của D. Suzuki, ông tâm đắc câu nói “Ta trở về ngồi trong nhà ta, ở đó bản lai là tự do và yên tịnh”. Người đọc thơ Thế Mạc đều nhận ra những gửi gắm, ấp ủ trong thi tứ. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng nhận: “Ông là người nghiên cứu kinh Dịch, và từ đó, ít nhiều có cái nhìn đời sống của con mắt kinh dịch, có âm dương, phong thủy (bài Người lạc vào thành phố). Còn nhà thơ Dương Kiều Minh đã đồng cảm, đồng tình, trong lời hữu lý: “Con người hoan hỉ cùng trời đất, sông, hồ, cỏ, cây và muôn vật. Đọc Thế Mạc, nhắm mắt lại ngộ ra lẽ Huyền Đồng” (Lời bạt tập Hồ). Nhà thơ Nguyễn Trác đưa ra nhận định về thành tựu tập thơ: “Thơ ông, chỉ xét ở khía cạnh hình thức hay đề tài qua một tập thơ Hồ, theo tôi cũng đã là một gợi ý cho chúng ta về một xu hướng thơ hiện đại, về một trong những con đường làm phong phú đa dạng nền thơ Việt Nam vốn đã giàu truyền thống” (bài Thế Mạc qua hai tập thơ Hồ và Nguồn). Nhân nói đến cảm hứng Thiền, Dịch trong thơ; nếu không từ hình tượng mà lại đem khái niệm diễn giải; trở thành lạm dụng, rơi vào bí hiểm. Kiểu như những câu “Từ vô lượng kiếp để gặp hôm nay đương xứ” (Hồ xuân), hoặc như “công án” của Thiền (Bí ẩn của Lý), hay là lối chơi chữ “Thiền vào cõi giấc – thoáng mơ định một tâm trăng”. Mặc dù trong thơ ca trung đại có người đã dùng “hào từ”, “tượng quẻ” để biểu ý. Đó là đặc điểm tư tưởng thẩm mỹ mang tính thời đại. Như Lê Thánh Tông, trong bài “Ngự chế Nam thiên động chủ” có câu: “Tráng tâm sơ cảm hàm tam cổ/ Tín thủ dao đề tốn nhị quyền”- (lấy ý nghĩa các hào cửu tam “quẻ Hàm”, hào cửu nhị “quẻ Tốn” để nói hoàn cảnh địa vị của mình khi trước là Hoàng tử, và sau làm Vua). Ngô Thì Nhậm trong bài “Bệnh thuật” viết: “Súc hữu lý thời tu dưỡng chính/ Tổn phùng ích xứ tiện hồi xuân” – Lúc quẻ “Súc” gặp quẻ “Lý” thì nên giữ đạo chính/ Khi quẻ “Tổn” gặp quẻ “Ích” thì xuân liền trở về ). Có thể coi đây là phần hạn chế của tập “Hồ”.

Tập thơ Nguồn, 41 bài, vẫn tiếp nối cảm hứng từ Hồ, nhưng đã mở rộng, bắt sang truyền thuyết lịch sử, ấn tượng văn hóa. Cảm tưởng dễ đọc, dễ hiểu hơn. Câu thơ co duỗi, dài ngắn tự do; xuất hiện bài dài, trường thiên. Báo Văn nghệ chọn đăng bài Chiều Văn Lang (số 52/1995) được bạn đọc chú ý. Tuyển thơ Việt Nam 1975-2000 (tập 2, Nxb Hội nhà văn, 2001) in ba bài Hạ điền, Cổng làng, Trống đồng. Đọc tên bài thơ nghe dễ gần : Hoa đại Sài Sơn, Cây cổ thụ đền Kiếp Bạc, Chúng tôi trên hồ Đồng Mô, Ở cuối Sông Đà, Chín khúc Khoang Xanh, Núi cả – sông cái… Dù có nói Giờ Dần, Gió hồ, Tế lễ, Cốc vũ, Vuông tròn, thì người đọc chẳng cần khó “giải mã” lắm. Nhiều người thích bài Uống trà, quan niệm đời người, viết theo lối đồng dao: “Đời người chớp thoảng qua/ Quyện nhau: ta, bạn, trà/ Trước sau rồi quên hết/ Về cùng hương thoảng xa”. Bài Sáo cũng hay được dẫn, có cái mạnh của tưởng tượng “Khi tôi rời khỏi rừng/ Được chặt ra một khúc/ Tình nhếnh nháng rỗng không/ Lòng tối tăm rạo rực/ Môi em kề miệng đấy/ Thổi vào tôi mùa thu”. Nhà thơ, đạo diễn Lưu Trọng Ninh (học trò năm cấp 3 của thầy Thể; khóa 1966-1967, ở Quốc Oai) dẫn bài Nhặt trám, rồi mô tả cảm giác: “…Lại lấy rổ lên đồi mai nhặt trám/ Cứ om mãi cái mầu bầm tím/ Cứ ngâm cả cái hình thoi dáng mắt/ Cứ quặn thắt mình giấc trám mùa thu”, “Thơ thật đến là lạ! Cả người tôi lùng nhùng lên nỗi bàng hoàng của không gian” (Thị xã Sơn Tây và người thầy của tôi, Kiến thức gia đình, số 135/ 28.11.1999)

Qua hai tập HồNguồn, Thế Mạc đã hoàn thành sự cách tân thơ ca mình, và cũng đạt tới đỉnh trong sự nghiệp thơ ông. Nhà nghiên cứu phê bình Đỗ Lai Thúy nhận định khá chuẩn xác: “HồNguồn với Thế Mạc là khăng khít… Hồ và Nguồn là sự kết hợp giữa đời và đạo, giữa đạo và thơ”, “Đi vào bên trong, thơ ông bỏ rơi thứ âm nhạc bên ngoài (vần) để phổ biến thứ âm nhạc bên trong (nhịp điệu) tự do hơn, nhưng khó hay hơn. Thơ Thế Mạc vì thế phóng túng hình hài. Nhưng thật ngạc nhiên, cũng vì thế nó mang tính hiện đại. Đi tận cùng quá khứ thì bắt gặp tương lai” (bài Thế Mạc, hành trình từ núi đến hồ”). Như vậy, Thế Mạc là một minh chứng cho sự cách tân thơ Việt, cho việc hiện đại hóa thơ – một vấn đề còn nguyên tính thời sự. Một điều cần lưu ý, đây là thời kỳ ông đã nghỉ việc dạy học (về hưu “non”) tập trung dồn sức cho nghiên cứu, sáng tác, cùng hoạt động văn hóa khác.

Hai phần Viết lên trời xanhCành mai Mãn Giác (1998-2002) 67 bài, chỉ là tiếp tục việc làm thơ, không có thể nghiệm gì mới. Đáng kể là phần thơ viết cho thiếu nhi, đây là sự bền bỉ một tình yêu trẻ thơ, “Người bao giờ cũng nghĩ tới trẻ con”. Đáng tiếc là ông không in phần trường ca, một thể loại được quan tâm và thể nghiệm. Vào thời điểm in tập Thơ Thế Mạc là lúc sức khỏe ông đã sút kém (không quán xuyến được, nên tập thơ còn nhiêu lỗi in ấn). Thế Mạc thường động viên khích lệ mọi người đến với thơ và làm thơ, từ người có tuổi đến học trò ông. Cái cách ông truyền nghề, thường dùng lối vấn thoại, nên khơi mở rất nhiều. Ông sẵn lòng chỉ bảo, cung cấp tư liệu văn chương, văn hóa, lịch sử, địa lý,…

Nhà thơ Thế Mạc – nhà giáo Kiều Thể, trong ngổn ngang sự thế, nhiều biến động đổi thay, kể cả đến lúc bệnh tật, tuổi già, ông chịu đựng lặng lẽ thanh thản; biết nhớ và quên. Một người sống vì thơ, hết mình cho thơ. Gần ngày ra đi ông vẫn lạc quan; “Người hiểu ta lặng lẽ/ Những cơn đau rút dần/ ở bên kia thế giới/ Chắc có nhiều mùa xuân”(Lưng đau và mùa xuân, thơ Di cảo). Thơ ông để lại, là thêm vào một giọng điệu, bản sắc thơ Xứ Đoài – vùng đất mang tên một quẻ trong Bát quái của Kinh Dịch.

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version