Nhà thơ hậu sinh Nguyễn Đình Phương “lẻ loi” một mình tìm về “Núi Đôi”. Anh chắc chắn nhà thơ Vũ Cao đã “già” (Vũ Cao sinh năm 1922, còn Nguyễn Đình Phương sinh 1945), nên kính lão đắc thọ, anh gọi Vũ Cao là “cụ”. Và lòng đầy tâm sự, anh đặt tên bài thơ là “Đi tìm cụ Vũ Cao”. Tìm nhưng chưa có dịp gặp.

Quê ở Hưng Long (huyện Ninh Giang, Hải Dương), Nguyễn Đình Phương mê thơ từ nhỏ. Lớn lên, gia nhập lực lượng vũ trang, anh thuộc nhiều bài thơ hay của các nhà thơ. Anh cũng làm nhiều bài thơ ghi trong sổ tay. Anh gửi thơ đăng báo. Năm 1987, anh chọn lọc các bài thơ tâm đắc nhất, in thành tập “Sỏi và hoa” (Nhà xuất bản Phụ nữ). Với tác phẩm này, năm 1988, anh được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hải Dương, sinh hoạt trong Ban thơ. Sau đó anh còn xuất bản hai tập thơ nữa: “Có một tình yêu” (Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2000) và “Đắng ngọt tình đời” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2002).

Tài năng đang độ chín, tiếc thay cũng năm này, anh bị tai nạn qua đời, hưởng thọ 57 tuổi.

Trong số các nhà thơ mà Nguyễn Đình Phương quý mến có nhà thơ Vũ Cao, một thời gian dài giữ cương vị Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tác phẩm của Vũ Cao khá phong phú, nhưng nếu có ai hỏi bài nào (hoặc truyện nào) thực sự tiêu biểu, gắn tên tuổi nhà thơ vào văn chương Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, thì người ta dễ dàng nhất trí là bài thơ “Núi Đôi”, sáng tác từ năm 1955. Bài thơ kể về câu chuyện tình lãng mạn và bi tráng của đôi thanh niên nam nữ ở một miền sơn cước có hai ngọn núi sóng đôi. Bài thơ có sự mới mẻ của phương thức diễn đạt và nhất là vẻ đẹp của lý tưởng trong tình yêu bâng khuâng man mác của hai nhân vật. “Núi Đôi” đã được in đi in lại cả ngàn lần, được chép vào sổ tay của học trò, của các chàng lính trẻ. Bài thơ đã ngâm trên sóng phát thanh, được giảng dạy trong nhà trường, được dịch ra nhiều thứ tiếng, được đưa lên màn ảnh nhỏ…

“Núi Đôi” lừng lững trong văn, “Núi Đôi” cũng thành danh trong đời: Năm 2006, thành phố Hà Nội lấy tên Núi Đôi đặt cho con đường rất đẹp, dài 2.100m từ trung tâm thị trấn Đa Phúc trên quốc lộ 3 đến ngã tư Bưu Điện – Văn hóa xã Tân Minh (huyện Sóc Sơn). Nhiều du khách đã bồi hồi xúc động đi trên con đường này để đến thăm “di tích – thơ”, đồng thời cũng là “di tích – núi”, trước đây từng “Lối ta đi giữa hai sườn núi/ Đôi ngọn nên làng gọi Núi Đôi”, còn ngày nay thì “Núi vẫn đôi mà anh mất em” (Núi Đôi).

Một trong số những người từng “mê” “Núi Đôi” là Nguyễn Đình Phương. Năm 1969, chiến đấu giữa miền trung Lào, Nguyễn Đình Phương vẫn sang sảng ngâm “Núi Đôi” cho đồng đội nghe. Anh không biết nhà thơ Vũ Cao như thế nào, đang ở đâu. Anh lẩm nhẩm: “Người năm ấy viết bài thơ/ Bước chân dong duổi bây giờ ở đâu?”. Đọc bài thơ, anh mường tượng ra địa danh từng là cái nôi để bài thơ ra đời: “Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa/ Bữa thì em tới bữa anh sang”. Rồi với cảm xúc dâng trào, anh sáng tác liền một mạch bài thơ lục bát 28 câu. Mở đầu là cảnh anh về “thăm” Núi Đôi:

Anh về Xuân Dục, Đoài Đông

Đường xe đi cuốn bụi hồng theo sau

Bây giờ, theo suy tưởng của nhà thơ, vùng đất chắc chắn đã đổi thay:

Núi Đôi đây đã nở hoa

Hương thơm ngát kẻ đi xa ấm lòng.

Chung niềm da diết tiếc thương người con gái năm xưa nay đã là “hoa trên đỉnh núi”, Nguyễn Đình Phương viết tiếp những dòng thơ nao lòng:

Giữa quê hương cảnh đẹp giàu

Núi Đôi đầu vẫn kề đầu, em ơi

Chợ Phù Linh đã tan rồi

Lẻ loi dưới một vòm trời mình ai…

Nhà thơ hậu sinh Nguyễn Đình Phương “lẻ loi” một mình tìm về “Núi Đôi”. Anh chắc chắn nhà thơ Vũ Cao đã “già” (Vũ Cao sinh năm 1922, còn Nguyễn Đình Phương sinh 1945), nên kính lão đắc thọ, anh gọi Vũ Cao là “cụ”. Và lòng đầy tâm sự, anh đặt tên bài thơ là “Đi tìm cụ Vũ Cao”. Tìm nhưng chưa có dịp gặp.

Cho mãi đến cuộc họp được tổ chức ở hội trường UBND huyện Chí Linh (Hải Dương) vào một năm cuối thế kỷ trước thì mới có cuộc hội ngộ khá bất ngờ. Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương mở hội thảo thơ, có đại biểu các tỉnh, thành và khách trung ương về dự, tại vùng đất địa linh nhân kiệt Chí Linh. Trong số khách mời, may mắn làm sao lại có nhà thơ Vũ Cao. Năm ấy, ông đã cao tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh, dáng người cao, mái tóc bạc trắng. Các nhà thơ Hải Dương vui mừng quây quần bên ông. Trong câu chuyện, nhiều người hỏi về “Núi Đôi”. Thế là nhà thơ vừa xúc động, vừa chân tình kể lại các tình tiết của đôi trai gái có thực trong “Núi Đôi”.

Giữa lúc ấy, có một người hết sức yêu Vũ Cao, đã từng đi “tìm” Vũ Cao xuất hiện. Anh người thấp nhỏ, mặc sắc phục Công an mang cấp hàm thiếu tá, Giám thị Trại giam Hoàng Tiến thuộc V26 Bộ Công an. Đó chính là nhà thơ Nguyễn Đình Phương. Nguyễn Đình Phương ôm bó hoa tươi, len tới bên Vũ Cao. Nhà thơ trẻ ôm chặt nhà thơ già, rồi đọc ngay bài “Đi tìm cụ Vũ Cao” trong con mắt ngơ ngác của chính tác giả “Núi Đôi” và trong tiếng vỗ tay tán thưởng dào dạt của mọi người đang ngồi kín hội trường.

Gần ba mươi năm mang trong tâm can bài thơ đi “tìm”, hôm ấy Nguyễn Đình Phương mới toại nguyện, gặp được

“cụ” Vũ Cao bằng xương bằng thịt ngay giữa làng thơ Xứ Đông

Nguyễn Hữu Phách

Nguồn: CAND

Exit mobile version