Chủ tịch Hồ Chí Minh tự nhận mình là nhà cách mạng chuyên nghiệp. Suốt cuộc đời cách mạng của mình, Người luôn luôn tìm mọi cách để tuyên truyền, vận động quần chúng hiểu và đi theo mục tiêu độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Khi hoạt động ở nước ngoài, Người viết báo, viết truyện, viết kịch, lên án và bóc trần sự áp bức tàn bạo của chế độ thực dân và phong kiến ở thuộc địa, gây bao cảnh đau thương tang tóc, bần cùng cho người dân Việt Nam. Trở về nước để chuẩn bị cho cuộc cách mạng “long trời lở đất”, giành chính quyền về tay nhân dân, Người vận dụng triệt để mọi hình thức, đặc biệt là hình thức văn vần, để tuyên truyền, vận động các tầng lớp lao động một cách dễ hiểu, dễ thực hiện những tư tưởng, đường lối và chính sách của cách mạng. Người coi hình thức văn vần là một trong những công cụ tuyên truyền sắc bén, trực tiếp đi thẳng vào lòng người, bởi tính thiết thực và mang tính truyền thống trong văn hóa của người Việt Nam. Ca dao nói:

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại thành hòn núi cao

thì Người viết:

Càng dài lại càng mỏng manh,

Thế gian ai sợ chỉ anh chỉ xoàng?

Nhờ tôi có lắm đồng bang,

Hợp nhau sợi dọc, sợi ngang rất nhiều.

Dệt nên tấm vải mỹ miều,

Đã bền hơn lụa, lại điều hơn da

(Ca Sợi Chỉ. “Điều” có nghĩa là tiếng)

để kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết toàn dân.

Nhằm đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm giáo dục người dân nâng cao hiểu biết về mọi mặt. Đối với lịch sử nước nhà, ngay từ đầu năm 1942, Bác đã cho xuất bản bài diễn ca Lịch Sử Nước Ta bằng thể lục bát, dài 210 câu, tóm tắt sinh động truyền thống dựng nước và bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam từ năm 2979 trước Công nguyên đến năm 1942, ca ngợi những bậc anh hùng tiêu biểu trong lịch sử: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám… Mở đầu bài diễn ca, Bác viết:

Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Bài diễn ca Lịch Sử Nước Ta có tác dụng rất to lớn trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, động viên, cổ vũ toàn dân đoàn kết, hăng hái tham gia cách mạng, tăng cường lòng tin tưởng vững chắc vào thắng lợi hoàn toàn.

Cũng từ cuốn sách Thơ Hồ Chí Minh (gồm bốn phần: Thơ Nhật ký trong tù, Thơ chữ Hán, Thơ chúc Tết và Thơ chữ Việt – Nxb. Văn hóa-Thông tin, 2006), chúng ta biết Bác còn viết một bài diễn ca khác, lâu nay ít được nhắc đến. Đó là tác phẩm Địa Dư Nước Ta. Trong sách, từ trang 382 đến trang 386, in phần mở đầu của bài diễn ca (theo tư liệu của Lê Khánh Soa). Cuốn sách dẫn từ tập hồi ký Được gặp Bác (Nxb. Dân tộc, Việt Bắc, 1970) cho biết thêm: sau phần mở đầu, Bác đã biên soạn riêng 28 bài địa dư của 28 tỉnh Bắc Kỳ bằng văn vần để quần chúng cách mạng dễ thuộc, dễ nhớ, và cuối cùng là phần kết luận. Phần mở đầu của Địa Dư Nước Ta dài 70 câu lục bát, khái quát cả ba miền Bắc, Trung, Nam với đầy đủ địa danh các tỉnh thành (theo cách phân chia và tên gọi trước năm 1945).

Dân ta phải biết nước ta,

Một là yêu nước hai là trí tri.

Hai câu mở đầu bài diễn ca, Bác nhấn mạnh: sự hiểu biết đất nước là rất cần thiết đối với tất cả mọi người dân, vừa nâng cao lòng yêu nước vừa suy xét thấu đáo những điều kiện, hoàn cảnh tự nhiên và xã hội của từng vùng đất, để tiến hành các hoạt động sản xuất và sinh hoạt cho phù hợp, nhằm đem lại những lợi ích thiết thực.

70 câu trong phần mở đầu tác phẩm Địa Dư Nước Ta cho chúng ta thấy, Bác Hồ không chỉ rất rành đường đi lối lại từ Bắc vào Nam, mà Người còn rất rõ cảnh quan, khí hậu, nguồn lợi thiên nhiên và phong tục, tập quán của người dân ở từng vùng đất:

Gần bể mấy tỉnh đẹp thay,

Quảng Yên nhiều cá không tày Kiến An.

Hay:

Trung Kỳ một dải rất dài,

Bên đông biển rộng, bên đoài rừng xanh.

Hoặc:

Cà Mau gần bể, cá nhiều,

Nam Kỳ mấy tỉnh thương yêu một nhà.

Sài Gòn, Chợ Lớn phồn hoa,

Đều là lãnh thổ nước nhà Việt Nam.

Và, thật đặc biệt khi Bác viết về ba hải cảng quan trọng ở miền Trung:

Quy Nhơn, Đà Nẵng là hai,

Nhưng mà tốt nhất mai ngày: Cam Ranh.

Bác đánh giá rất cao tầm quan trọng vị trí chiến lược của các cảng biển này và nhấn mạnh cảng Cam Ranh là “tốt nhất” trong công cuộc phát triển và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ sau này khi nước nhà giành được độc lập.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta đã biết, trong từng thời đại, từng giai đoạn, ông cha ta rất chú trọng công việc nghiên cứu và ghi chép địa dư đất nước, từ toàn thể lãnh thổ Tổ quốc (Dư địa chí đất nước), đến địa dư các tỉnh, cho đến các huyện và tận các xã (Địa chí địa phương, còn gọi là Địa phương chí), nhằm phục vụ công cuộc dựng nước, giữ nước, quản lý đất nước và để dạy học. Công việc biên soạn Dư địa chí (còn gọi là địa sử) thường được giao cho các nhà sử học, các quan cai quản địa phương đảm nhiệm. Đó là những ông quan có học, có tài và có tâm, bất kỳ ở vị trí nào cũng dày công nghiên cứu, tìm hiểu đến nơi đến chốn những đặc điểm, điều kiện mà thiên nhiên ưu đãi để khai thác hiệu quả cho đời sống người dân, phục vụ sự phồn vinh của dân tộc, đồng thời có những giải pháp chủ động và kịp thời hạn chế đến mức có thể những thiên tai, những hiện tượng thiên nhiên bất lợi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân cũng như tới qua trình lao động sản xuất. Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Siêu, Dương Văn An, Ngô Văn Triện, Lương Văn Can v.v., là những người như thế. Các ghi chép của họ trở thành công cụ đắc lực cho công việc quản lý giang sơn, bảo vệ bờ cõi dưới các triều đại khác nhau. Ngay từ việc mở mang, lấn biển hay đắp đê trị thủy, cho đến việc bài binh bố trận đánh đuổi giặc ngoại xâm, đều xuất phát từ sự hiểu biết sâu sắc địa dư. Hay, nói theo cách của khoa học quản lý ngày nay, cha ông ta rất chú trọng phương thức quản lý lãnh thổ (còn gọi là quản lý vùng). Qua sách Dư địa chí, người ngày nay biết những mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, những đặc sản nổi tiếng: nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), cam Bố Hạ (Bắc Giang), cam Vinh (Nghệ An), bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), hoa đào Nhật Tân (Hà Nội); những làn điệu dân ca đặc sắc: hát ví hát dặm Nghệ Tĩnh, hát quan họ Bắc Ninh, chèo làng Khuốc (Thái Bình), đờn ca tài tử Nam Bộ, tuồng Bình Định, vân vân và vân vân, tất cả được đúc kết và đi vào cao dao, tục ngữ nước Việt và nằm lòng trong các thế hệ tiếp nối. Văn sách và ca dao, tục ngữ, thành ngữ truyền miệng, trở thành những bài học cho mọi tầng lớp, giai tầng xã hội, ở trong nhà trường, lớp học và trong mỗi gia đình, ngoài việc cung cấp tri thức còn bồi bổ tình yêu quê hương đất nước, yêu thương giống nòi, kế tục tinh hoa truyền thống, văn hóa cha ông để lại.

Đến thời đại mới – thời đại Hồ Chí Minh, do chính Người sáng lập, Bác Hồ kính yêu là người kế tục truyền thống về sự hiểu biết đất nước một cách tường tận. Diễn ca Địa Dư Nước Ta của Người là sự kết tinh của sự học rộng, hiểu sâu và truyền đạt tới dân chúng một cách giản dị mà cũng rất uyên thâm. Bài ca sau đây của Bác là một ví dụ về phong cách gần dân, vì dân, đặc biệt là sự hiểu biết nhà nông và công việc đồng áng như một lão nông thực thụ:

Nước phải đủ, phân phải nhiều,

Cày sâu, giống tốt, cấy đều rảnh hơn.

Trừ sâu, diệt chuột chớ quên,

Cải tiến nông cụ là nền nhà nông.

Ruộng nương quản lý ra công,

Tám điều đầy đủ thóc bông đầy bồ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa kinh nghiệm mà người nông dân ở đất nước nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nóng ẩm đúc kết qua bao đời: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” mà phát triển thành tám điều cần ghi nhớ đối với sản xuất nông nghiệp; đặc biệt Bác nói đến việc cải tiến nông cụ, một tiền đề quan trọng của công cuộc công nghiệp hóa hướng về nông thôn, nông nghiệp và nông dân sau này; và, Bác cũng chỉ ra vị trí then chốt của công tác quản lý ruộng nương để tiến hành xây dựng thành công hợp tác xã nông nghiệp của thời kỳ quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa trong điều kiện không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.

Việc coi trọng nghiên cứu và ghi chép “Dư địa chí” trong lịch sử các triều đại ở nước ta xuất phát từ lối học phải đạt tới trình độ “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, từ đó vận dụng vào đời sống lao động và sinh hoạt hằng ngày bằng sự quản lý lãnh thổ chặt chẽ và linh hoạt. Bởi, sự phân cách địa dư trước tiên là phân cách về tự nhiên, qua tác động của con người dẫn tới phân cách về văn hóa (bao gồm sự cư trú, phương thức canh tác, tập tục sinh hoạt…), tạo nên những khác biệt giữa các vùng mang tính bản sắc, từ đó hình thành các vùng kinh tế và các vùng văn hóa không giống hệt nhau. Câu nói “đất nào cây ấy” (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) đã khái quát cái chung nhất tính khác biệt – đặc điểm đặc trưng của các vùng lãnh thổ, là điều kiện đầu tiên tiến hành quy hoạch các vùng chuyên môn hóa, từ đó tiến hành các hình thức tổ chức sản xuất (sản xuất trực tiếp, sản xuất phụ trợ, các loại hình dịch vụ…), chỉ ra các loại sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có giá trị xuất khẩu cao, cải thiện cuộc sống người dân. Như vậy, những tri thức về khoa học địa lý có vai trò và tầm quan trọng rất lớn trong việc phát triển lực lượng sản xuất và thay đổi quan hệ sản xuất theo định hướng đề ra, cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tác phẩm Địa Dư Nước Ta trong di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, lâu nay ít được nhắc tới, là một thiệt thòi không nhỏ đối với sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế mà Đảng ta cùng toàn dân đang phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Việc cần tiếp tục sưu tầm và cho in toàn vẹn diễn ca Địa Dư Nước Ta, gồm 70 câu mở đầu (đã có) và 28 bài địa dư của 28 tỉnh thành (chưa in) là rất thiết thực kỷ niệm 50 năm thực hiện Di Chúc của Người và cho con cháu mai sau.

50 năm trước đây (1969), trước lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh “đi gặp” các vị cách mạng tiền bối và các cụ C.Mác-Lê nin, Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân. Bác đặt niềm tin vào tương lai:

Còn non còn nước còn người,

Thắng giặc Mĩ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.

Nền nông nghiệp nước ta hiện nay chưa phát triển tương xứng với nguồn tiềm năng to lớn (tự nhiên và truyền thống lao động của nhân dân), còn lệ thuộc nhiều vào sự biến thiên khôn lường của điều kiện thiên nhiên, của cơ chế kinh tế thị trường, chưa tận dụng triệt để tiến bộ khoa học và công nghệ, nên chưa phát huy được thế mạnh của một nền nông nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Hơn nữa, việc giảng dạy và học tập môn địa lý trong hệ thống giáo dục phổ thông vẫn trong tình trạng chưa được coi trọng và quan tâm đúng mức, khiến tri thức địa lý đất nước và thế giới còn nhiều lỗ hổng, hạn chế đến công tác đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra sôi nổi trên toàn thế giới. Cùng với các bộ môn khác trong nhà trường, địa lý học cần phải được đặt lại đúng vị trí của nó, đặng hướng tới làm tốt phương châm “giáo dục toàn diện” mà Bác và các nhà cách mạng tiền bối nước ta đã từng phát biểu.

(Nguồn: Diễn đàn văn nghệ VN, 8-2019)