Alice Munro, cây bút truyện ngắn được nhiều người ca ngợi – “Chekhov của chúng ta” như cách gọi của Cynthia Ozick – người đoạt giải Man Booker International Prize và gần như mọi giải thưởng văn chương Bắc Mĩ quan trọng mà bà được chọn, khi nhận một giải thưởng văn chương tại Toronto tháng rồi, đã nói với người phỏng vấn của một tờ báo rằng, “Có thể tôi sẽ không viết nữa”.
Bà Munro, tuần tới sẽ bước sang tuổi 82, trước đây đã từng nói thế này. Năm 2006, bà nói với một cây bút của tờ Toronto Globe and Mail, “Tôi không biết liệu mình còn sức lực để làm chuyện này nữa không”. Sau đó bà tiếp tục xuất bản thêm tập truyện khác, tập truyện thứ mười bốn, có nhan đề “Dear Life”. Nó được công bố mùa thu năm rồi, và những nhà điểm sách, như thường lệ, nhận xét bà có cách trình bày sâu sắc về những chủ đề như sự ảm đạm nơi cuộc sống ở thị trấn nhỏ bé; sức mạnh phun trào, có khả năng chuyển hoá của dục tính; và những người đàn bà phiền muộn tìm lối vào cõi sống do đàn ông cai quản.
Nhưng gần đây, khi ngồi ngoài hàng hiên sau nhà mình ở rìa thị trấn, bà Munro khẳng định rằng lần này bà thực sự có ý nghỉ hưu. Bà mặc quần tây, áo cotton rộng thùng thình và đôi dép thoải mái dưới chân làm lộ ra những móng chân sơn màu xanh lục sáng, và bà trông có vẻ tươi tắn và thanh thản. Sẽ không có thêm cuốn sách nào nữa sau “Dear Life”, bà cho biết, và bốn câu chuyện dạng hồi kí kết lại cuốn sách đó là những truyện cuối cùng – những mẩu chuyện kể lại theo cách thức nào đó, những truyện bắt đầu sự nghiệp của bà. “Hãy đặt cược cho chuyện này đi,” bà nói.
Đối với những nhà văn lớn, chuyện nghỉ hưu là một lựa chọn nghề nghiệp xảy ra mới gần đây thôi. Luôn có những nhà văn, như Thomas Hardy và Saul Bellow, những người cứ làm việc mãi đến tận phút chót, nhưng cũng có nhiều nhà văn khác, như Proust, Dickens và Balzac, những người chết sớm, kiệt sức vì chính chuyện viết lách. Margaret Drabble có lẽ đã khởi sự nên một xu hướng khi mà năm 2009, ở tuổi 69 bà tuyên bố rằng bà sẽ chấm dứt nghề viết. Bà Munro nói rằng bà được cổ vũ nhờ trường hợp của Philip Roth, người tuyên bố hồi mùa thu năm ngoái rằng ông đã xong xuôi rồi, lúc mà ông đã bước sang tuổi 80. “Tôi đặt niềm tin rất lớn vào Philip Roth,” bà cho biết, và nói thêm, “Giờ đây ông ta dường như rất hạnh phúc”.
Năm 2009, bà Munro tiết lộ rằng bà đã trải qua lần phẫu thuật cầu nối mạch vành và được điều trị bệnh ung thư, nhưng bà nói rằng giờ thì sức khoẻ tốt rồi – hay nói đúng hơn là không quá tệ. “Đó là cách chúng tôi nói chuyện ở Canada,” bà giải thích. “Bạn không nói với ai đó rằng, ‘Anh/chị trông khoẻ khoắn quá’. Bạn sẽ nói, “Anh/chị trông dường như không quá tệ”. Bà nói thêm, biến động lớn gần đây trong đời bà là cái chết hồi tháng Tư của người chồng thứ nhì, Gerald Fremlin, là người “rất đỗi thân thiết” với bà.
Từ dạo đó, bà cứ sống, nỗ lực để hoà đồng hơn nữa, để gặp nhiều người và nhận nhiều lời mời. “Giờ thì tôi sẽ làm những thứ có ý nghĩa để thoát ra vươn tới bề mặt cuộc sống,” bà cho biết. “Đối với tôi điều đây chỉ là chuyện tự nhiên khi làm những gì mà một người 81 tuổi phải làm.” Bà bật cười và nói thêm, “Nếu bạn nói cho tôi biết điều đó là gì.”
Bà Munro có tiếng là khiêm tốn và e dè trước đám đông – những nét nghiêm nghị một phần xuất phát từ tính khiêm nhường kiểu xưa cũ ở Canada và một phần từ việc cảnh giác, không muốn ai trói buộc mình. Trong những lần phỏng vấn thì bà rất khôi hài, thẳng thắn và không khoe khoang, không chỉ thế mà còn có chút khó hiểu, hay đặt ra một số câu hỏi gần như nhiều bằng số lần bà trả lời. Không ai ở Clinton biết bà là ai, bà cho biết, “hoặc họ có biết, nhưng họ hơi ngượng thôi.”
“Đây không phải loại đời sống mà bạn muốn,” bà nói tiếp. “Nhưng tôi thích việc không ai ở đây quan tâm nhiều đến chuyện viết lách. Nó cho phép tôi cảm thấy hoàn toàn tự do.”
Bà Munro cho biết, từ lúc lên 14 tuổi bà đã biết chắc chắn mình muốn trở thành nhà văn. “Nhưng hồi ấy bạn không đi vòng vòng để thông báo những chuyện như thế,” bà nói. “Bạn không kêu gọi sự chú ý. Có lẽ đó là do người Canada, có lẽ đó là do đàn bà như thế. Có lẽ cả hai.” Bà theo đuổi sự nghiệp của mình bằng hình thức kỉ luật khác thường, lúc nào cũng phải xong số lượng trang viết mỗi ngày trong lúc phải nuôi nấng ba cô con gái và đỡ đần cho người chồng đầu tiên, James Munro, trong việc quản lí tiệm sách, và cứ duy trì thế, mặc dù thuở ban đầu ấy bà không nhận được nhiều sự công nhận. Chỉ đến năm 1968 khi bà 37 tuổi thì tập truyện ngắn đầu tiên của bà mới ra mắt, và tác phẩm đó không thu hút sự chú ý của độc giả bên ngoài Canada cho đến khi nó bắt đầu xuất hiện trên tờ New Yorker hồi cuối thập niên 1970. (Tôi là biên tập viên đầu tiên của bà ở tờ đó.)
Bà bắt đầu tạo dựng tên tuổi bằng hai tập truyện thứ năm và thứ sáu của mình, “The Moons of Jupiter” (1982) và “The Progress of Love” (1986), trong đó bà thường xuyên bác bỏ kiến trúc truyền thống của truyện ngắn, bắt đầu ở ngay phần kết và đôi khi kết thúc ở phần giữa. Dần dần sau đó bà lên được tới địa vị mà Margaret Atwood cho rằng đó là con đường đi đến “tước vị thánh trong văn đàn quốc tế”.
“Những gì tôi cảm thấy bây giờ là tôi không còn sức lực nữa,” bà nói, vang vọng lại những điều bà đã nói với tờ Globe and Mail năm 2006. “Khởi đầu như tôi từng làm ở thời điểm mà người đàn bà không làm nhiều việc gì khác hơn việc nuôi dạy con cái – chuyện đó rất khó khăn, và bạn trở nên rất mệt mỏi. Tôi giờ đây cảm thấy có chút mệt mỏi – mệt mỏi trong dễ chịu.” Bà ngưng lại và nói thêm: “Đó là cảm giác thú vị về việc trở nên giống như bao người khác vào lúc này. Nhưng nó còn có nghĩa là điều quan trọng nhất đời tôi đã không còn nữa. Không, không phải là điều quan trọng nhất. Điều quan trọng nhất là chồng tôi, và giờ thì tất cả đều đi mất.”
Căn nhà của bà Munro là kiểu nhà gỗ một tầng hồi cuối thế kỉ 19 trên con phố cụt nhìn xuống mấy đường ray, đây là căn nhà ông Fremlin sinh ra và lớn lên. Ở ngoài phía sau nhà là lùm cây hồ đào do ông trồng, và trong sân nhà là những bức điêu khắc kì dị, trong số đó là cái bồn tắm được sơn phết trông như giống bò Holstein. Bên trong thoải mái mà giản dị và gần như khước từ nét hiện đại. Trong phòng ăn còn có bức chân dung của Hoàng hậu Victoria, cùng với cái giá để từ điển và nhiều món trang trí do mẹ của bà Munro sưu tầm. Ông Fremlin, nhà địa lí đã về hưu và là chủ biên của cuốn The National Atlas of Canada [Tập bản đồ quốc gia Canada], có văn phòng riêng, còn bà Munro lại viết – hay đã viết – trong góc phòng ăn, ở cái bàn nhỏ bé đối diện cửa sổ nhìn ra ngõ lái xe vào nhà.
Họ chuyển tới đây hồi cuối thập niên 1970 để chăm sóc cho người mẹ già của chồng mình, bà giải thích, và không bao giờ thấy có vấn đề gì để rời khỏi đó. Bà Munro lớn lên ở Wingham, tại một thị trấn nhỏ khoảng 20 dặm về hướng bắc, nơi đó cha của bà có nuôi mấy con gà tây. Những thị trấn này và vùng quê Hạt County xung quanh, những khoảng đất mênh mông của khu đất nông nghiệp Ontario bị tách đôi ra bởi những con đường cắt ngang nhau chính xác theo một góc vuông, và được điểm xuyết bằng mấy tháp cao trữ thức ăn gia súc hoặc mấy căn nhà nông trại bằng gạch đỏ với lá cờ chứa hình chiếc lá gỗ thích bay phấp phới trước nhà, đó là thế giới trong tác phẩm của bà Munro: một thế giới gồm những cộng đồng nhỏ bé, biệt lập nơi đó không tán thành những tham vọng, đặc biệt ở những người đàn bà; nơi đó những khao khát được giữ bí mật; và mọi người đều biết, hoặc nghĩ là họ biết, công chuyện của những người khác.
“Đối với tôi, đó là nơi thú vị nhất trên thế giới,” bà Munro nói. “Tôi cho rằng đó là vì tôi biết về nó nhiều hơn. Tôi thấy nó bao giờ cũng hấp dẫn.” Dù vậy, bà nói thêm Hạt County đã thay đổi kể từ khi bà bắt đầu viết văn. “Người ta giờ đây nhận thức nhiều hơn về chốn thành thị và về những cách sống khác nhau,” bà giải thích. “Tôi cho rằng chuyện viết lách mà tôi làm là một mẩu thuộc về quá khứ và tôi không chắc đó là dạng viết lách tôi sẽ làm nếu bây giờ tôi bắt đầu lại.”
Những nhà phê bình thường gọi những truyện ngắn của bà Munro là những tiểu thuyết thu nhỏ, một lời khen mà bà có chút kháng cự lại. “Chúng ta có thể nói mà không cần dùng từ ‘thu nhỏ’,” bà nói rõ ràng ra thế, nhưng rồi bà lại nói thêm rằng trong nhiều năm qua bà không thoả mãn với việc viết truyện ngắn. “Trong khi cố công hoàn tất năm quyển sách đầu tiên của mình, tôi cứ ước ao gì mình đang viết tiểu thuyết,” bà cho biết. “Tôi từng nghĩ chỉ khi bạn viết tiểu thuyết, thì người ta mới nghiêm túc xem bạn là một nhà văn. Điều này thường làm tôi phiền muộn rất nhiều, nhưng giờ đây không có gì làm tôi phiền muộn, và ngoài ra mọi chuyện đã thay đổi rồi. Tôi nghĩ truyện ngắn hiện nay đã được người ta xem xét đến nghiêm túc hơn trước đây.”
Một chuyện khác làm bà Munro bận lòng ít hơn lúc trước là chuyện trở nên già hơn, chủ đề ám ảnh một số truyện ngắn hay nhất của bà. “Tôi giờ lo lắng ít hơn trước,” bà nói. “Bạn không thể làm gì trong chuyện này, và điều này còn tốt hơn việc chết đi. Tôi cảm thấy mình đã làm được những gì muốn làm, và điều đó khiến tôi cảm thấy tương đối hài lòng.”
Bà mỉm cười và nói thêm: “Tôi giờ có thể có nhiều người xung quanh hơn, bởi vì tôi không còn phải lúc nào cũng xua họ đi để có thể làm việc tiếp với cuốn tiểu thuyết của mình. Ý tôi là với cuốn phi tiểu thuyết ấy.”
Charles McGrath là biên tập viên và là nhà báo người Mĩ. Ông trước đây từng làm biên tập viên cho tờ New Yorker và cho mục điểm sách của tờ New York Times.
Nguồn:
McGrath, Charles. “Alice Munro Puts down Her Pen to Let the World in.” New York Times, 7/2013
Văn nghệ Trẻ