Năm 2013 này có chừng 195 tác giả trên toàn thế giới đã được đề cử cho giải thưởng văn chương cao quý nhất trên hành tinh. Các nhà báo Nhật Bản, Mỹ sẽ còn quay lại Stockhom năm sau hoặc năm sau nữa… Trong số những ứng cử viên được cho là nặng ký thì vẫn trở về tay trắng, như nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, các tác giả Mỹ như Joyce Carol Oates và Philip Roth, nhà văn người Syria Ali Ahmad, thường được biết đến nhiều hơn dưới bút danh Adonis, ngay cả niềm hi vọng của châu lục đen là Kényan Ngugi wa Thiong’o. Và cũng không phải Svelana Alexievitch, công dân của đất nước Biélorussie đã quyến rũ được ban giám khảo! Bởi rốt cục viện Hàn Lâm Thụy điển đã quyết định một cú đúp bất ngờ, đó là trao vương miện cho nữ văn sỹ Canada viết bằng tiếng Anh : Alice Munro. Đây là văn sỹ đầu tiên của Canada nhận giải và cũng là sau 112 năm tồn tại, lần đầu tiên Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel Văn chương cho một tác giả chuyên viết truyện ngắn.

Bà là là nữ văn sỹ thứ 13 được nhận giải thưởng cao quý này. Bà cũng là nhà văn thứ 27 viết bằng tiếng Anh được trao giải.


Alice Munro, tên khai sinh là Alice Ann Laidlaw. Chào đời ngày 10/07/1931 tại Winhgham (Ontario, Canada). Cha của bà là người chăn nuôi gia cầm, còn mẹ là cô giáo tiểu học. Ngay khi lên 11 tuổi bà đã quyết định trở thành nhà văn và đã toại nguyện trong suốt cuộc đời mình. Bắt đầu sáng tác từ khi còn là sinh viên và làm việc không ngơi nghỉ cho đến ngày nay ở tuổi 82. Như bà đã từng tâm sự : «Tôi chả có bất kỳ tài năng nào khác, tôi không phải là trí thức, lại xoay xở rất tồi với vai trò là bà chủ gia đình. Thế nên chả có gì đến quấy quả những gì tôi thực hiện cả ! »

Alice Munro đã nhiều lần xuất hiện như một ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel. Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng chính văn phong tao nhã lịch sự của bà đã khiến bà trở thành một ứng kỷ viên nghiêm túc cho Giải này.

Những truyện ngắn của bà thường viết về phụ nữ và thân phận của họ. Những cuộc đời «nho nhỏ» ở vùng Ontario hoặc vùng Colombie-Britanique từ những năm 1940 đổ về đây. Những câu chuyện ngắn viết về những sự thật bị che giấu, những cuộc trốn chạy không thể hay cả về sự đầu hàng số phận của người đàn bà. Bằng tác phẩm của mình Alice Munro đồng hành cùng những người phụ nữ, nhìn họ sống, nhìn họ xoay xở với những mớ mâu thuẫn và sự đơn độc bất tận của họ.

Tác phẩm đầu tay xuất bản khi bà đang học tập tại trường đại học University of Western Ontario, kiếm sống bằng nghề bồi bàn và đôi khi là giữ chân thủ thư. Năm 1951 bà dời trường đại học và thành hôn cùng James Munro. Năm 1963, vợ chồng bà cùng nhau mở một hiệu sách tại bang Victoria. Nghề bán sách đã tiếp thêm niềm đam mê văn chương cho chủ nhân tương lai của giải Nobel. Năm 1968, bà xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên mang tên Dance of The Happy Shades (Vũ điệu của những cái bóng hạnh phúc) và đã giật ngay giải Gouverneur Général (giải thưởng văn chương cao quý nhất của Canada). Năm 1971, tập truyện thứ hai của bà ra đời có tên Lives of Girls and Women. Năm 1972, bà li dị James Munro và quay về sinh sống gần Ontario. Cũng tại đây vào năm 1976, bà tái hôn cùng nhà địa lý học Gérald Fremlin. Hai người đã sống cùng nhau đến tận tháng tư 2013 vừa qua, khi Gérald Fremlin qua đời.

Trong suốt sự nghiệp văn chương của mình, với 14 tập truyện ngắn và một tác phẩm tiểu thuyết duy nhất, Alice Munro đã được trao nhiều giải thưởng văn chương cao quý. Sách của bà đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Những truyện ngắn của bà mang tính cách điển hình riêng biệt do sự hiện diện của người kể, người dẫn chuyện thường đứng bên ngoài, rồi bất ngờ xen vào để giải thích ý nghĩa của những sự kiện. Các nhân vật và phong cảnh được diễn đạt với một sự tỉ mỉ tột đỉnh. Văn phong của bà thường xuyên được so sánh với văn phong của nhà văn Nga Anton Tchekhov bởi nghệ thuật miêu tả và cách đặt vấn đề gây hồi hộp trong những chi tiết phụ để làm nổi bật phần phân tích tâm lý nhân vật. Đôi khi những truyện ngắn đó liên hệ, liên kết với nhau thông qua những nhân vật trung tâm.

Theo nhận định của viện Hàn lâm Nobel : «Alice Munro được đánh giá cao vì nghệ thuật tinh tế của truyện ngắn, ghi dấu ấn bằng một văn phong sáng sủa mạch lạc và tính tâm lý hiện thực […]  Những câu chuyện bà kể thường diễn ra trong những ngôi làng hoặc thành phố nhỏ hẻo lánh, nơi mà cuộc chiến giữa người với người vì một cuộc sống khả dĩ thường dẫn đến kết cục làm nảy sinh những vấn đề liên hệ và những mâu thuẫn xã hội – rắc rối vốn được bỏ neo mọc rễ giữa những thế hệ khác nhau hoặc những dự định về cuộc sống mâu thuẫn với nhau. Những truyện ngắn của bà thường điểm xuyết những miêu tả sự kiện diễn ra hàng ngày nhưng lại mang tính quyết định, một kiểu như là sự hiện thân của Đức Chúa, chúng khiến hình thái câu chuyện sáng lên và làm cho những vấn đề hiện sinh trở nên lấp lánh […] Alice Munro được biết đến trên hết như là một tác giả chuyên viết truyện ngắn, nhưng bà cũng đem đến chừng ấy sự sâu rộng lắng đọng, sự hiểu biết sâu xa thông thái và sự chính xác cụ thể như phần lớn các tiểu thuyết gia vẫn làm trong các tác phẩm của họ […] Đọc Alice Munro, mỗi lần ta lại khám phá ra điều gì đó bất ngờ mà trước đó ta không thể hình dung, nghĩ tới hay đoán ra… » Và cũng chính vì những nhận xét như vậy mà Viện Hàn Lâm Nobel Thụy Điển đã phong bà là «Nữ hoàng của nghệ thuật truyện ngắn đương đại». Truyện ngắn The Bear Came Over the Mountain (Gấu vượt núi) đã được Sarah Polley dựng thành phim vào năm 2007 với tựa đề Còn rất xa em với nữ tài tử Julie Christie thủ vai chính. Phim đã được đề cử giải Oscar năm 2007.

Thông thường, cứ bốn năm bà ra một đầu sách.

Những tác phẩm :

Dance of the Happy Shades (1968) (Vũ điệu của những cái bóng hạnh phúc). Cùng năm, tác phẩm nhận Giải Prix du Gouverneur général.

Lives of Girls and Women (1971).

Something I’ve Been Meaning to Tell You (1974).

Who Do You Think You Are? (1978). Cùng năm, tác phẩm đoạt Giải Prix du Gouverneur Général.

The Moons of Jupiter (1982) (Trăng và Sao mộc)

The Progress of Love (1986). Cùng năm, tác phẩm đoạt Giải Prix du Gouverneur général.

Friend of My Youth (1990) (Cô bạn thời trẻ của tôi)

Open Secrets (1994) (Bí mật mà ai cũng biết)

The Love of a Good Woman (1998) (Mối tình của người thiếu phụ đoan trang). Cùng năm, tác phẩm đoạt Giải Giller Prize,.

Hateship, Friendship, Courtship, Loveship, Marriage (2001) (Một chút, rất nhiều, chẳng có gì). Tác phẩm Gấu vượt núi nằm trong tập này.

Runaway (2004), đoạt Giải Giller Prize cùng năm.

The View from Castle Rock (2006)

Too Much Happiness (2009) (Quá nhiều hạnh phúc). Cùng năm này, bà nhận giải : Man Booker International Prize cao quý.

Dear Life (2012). Đoạt Giải Trillium Book Award.

Tập Mối tình của người thiếu phụ đoan trang gồm tám truyện ngắn. Mỗi truyện gồm bốn chương đều xoay quanh những vấn đề về thân phận người phụ nữ. Tình yêu của người phụ nữ đoan trang xoay quanh một cái chết bí hiểm của một bác sỹ đo thị lực ở thị trấn Walley ngay sau khi chiến tranh kết thúc trong vùng Ontario, và cuộc đời của nữ hộ lý Enid, người đã chăm sóc bà Quinn. Jakarta : cuộc đời của hai người phụ nữ trẻ Kath và Sonje, họ là bạn của nhau trong những năm 1950. Cortes Island : nữ nhân vật chính kể về cuộc sống của mình trong những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ trước ở Vancouver, chị phải sống trong hầm ngầm của ngôi nhà ông bà Gorrie, vốn có tính cách của những tên bạo chú. Save the Reaper (Hãy cứu lấy những người thợ làm mùa) kể về một người đàn bà tiếp cô con gái của mình và gia đình cô trong vùng Ontario, nhưng nhường như vô tình, cô con gái lại đến cùng đứa cháu ngoại trong một trang trại đầy dẫy những người xa lạ. The children stay (Những đứa trẻ ở lại : nói về sự chia tay bất ngờ của người vợ trẻ với chồng trong những năm 1960 ở Vancouver…

Quả vậy, trong tác phẩm của mình, Alice Munro viết quá nhiều và ca ngợi quá nhiều vẻ đẹp tâm hồn của phái nữ, nhưng theo như nhà văn, dịch giả và nhà phê bình văn học Mỹ David Homel thì : «Bà viết về phái nữ, nhưng bà cũng không ‘quỷ hóa’ phái nam». Còn theo lời Olivier Cohen, xuất bản gia xuất bản những tác phẩm của bà bằng tiếng Pháp và tại Pháp thì : «Bà là một trong những nhà văn vỹ đại viết bằng tiếng Anh», bà là người «đã sáng tạo ra một thể loại văn chương không phải là truyện ngắn nhưng cũng không phải là tiểu thuyết. »

Tiết lộ đã chữa trị được căn bệnh ung thư (giống hệt như một trong những nhân vật nữ của bà đã mắc phải) vào năm 2000, đến tuổi 82, Alice Munro luôn ở trạng thái báo động về căn bệnh này, nhưng năm 2012 bà đã xuất bản tập truyện thứ 14 Dear Life và có lẽ sẽ là tác phẩm cuối cùng, bà thổ lộ điều này khi giải thích rằng bà muốn học tập nhà văn Mỹ, Philip Roth.

Mặc dù sự thành công liên tiếp với hàng loạt các giải thưởng cao quý mà bà lần lượt được trao tặng trong suốt bốn mươi năm qua, nhưng Alice Munro vẫn rất kín tiếng và khiêm tốn, hệt như hình ảnh những người phụ nữ trong các tác phẩm của bà, mà trong những truyện ngắn ấy, bà không bao giờ nâng cao người phụ nữ bằng vẻ đẹp hình thể. Có lẽ là một tiếng vang, những ảnh hưởng chặt chẽ về mặt nguyên tắc đã được ghi dấu ấn trong môi trường thời thơ trẻ của bà! Cũng vẫn theo lời David Homel : «Đây không phải là nhà văn quý tộc, người ta hiếm khi nhìn thấy bà giữa đám đông, bà không chạy theo những vụ quảng cáo để lăng xê sách của mình.»

Vào tháng sáu 2013, trong cuộc trò chuyện với tờ National Post, nhân sự kiện bà đoạt giải Trillium Book Award cho tập truyện cuối cùng Dear Life của mình, Alice Munro đã tuyên bố ngừng viết, với lí do dành thời gian cho các con và nhất là các cháu nội ngoại.

Vẫn rất khiêm tốn khi trả lời phỏng vấn nói về cảm nghĩ của mình được trao giải Nobel Văn chương, bà đã nói rất hạnh phúc khi được mọi người biết đến những truyện ngắn của mình và quả là tuyệt vời khi được thưởng công bằng giải thưởng cao quý nhường ấy : «Con gái tôi đã đánh thức tôi dậy để thông báo tin vui.» «Mọi chuyện hình như là không thể và thật tuyệt vời khi một chuyện như vậy xảy đến »,  bà nói thêm và «đã không thể tả được» những cảm giác bao trùm lên mình vào lúc con gái báo tin. Trả lời phỏng vấn về cảm giác khi được trao giải Nobel văn chương, bà nói: «Tôi nghĩ đến cha tôi, ông hẳn sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu, nhưng tôi cũng nghĩ đến rất nhiều người khác xung quanh tôi ». «Những người luôn luôn quây quần bên tôi, giúp tôi trong công việc sáng tác. Chồng tôi, mới  qua đời cách đây mấy tháng, chắc cũng sẽ rất hạnh phúc khi biết được tin này», – bà nói thêm với niềm xúc động dâng trào. «Tôi cũng rất vui vì việc được trao giải thưởng này sẽ thu hút nhiều hơn sự chú ý của thế giới đến nền văn học Canada.»

Trong một thông cáo thông qua xuất bản gia của mình, Douglas Gibson, bà lật lại những cảm giác đầu tiên của mình khi tuyên bố : «Tôi đã biết mình thuộc những ứng cử viên nặng ký, nhưng không bao giờ tôi nghĩ có thể dành chiến thắng. Tôi rất sửng sốt và rất vinh dự. Tôi đặc biệt hài lòng về việc tôi được trao giải thưởng này sẽ khiến biết bao người dân Canada cảm thấy hạnh phúc.»

Paris 11/10/2013

Hiệu Constant

Exit mobile version