Cuộc sống hiện đại đã cuốn con người vào guồng xoáy vật chất, đặt họ vào cực hút của đời sống thị trường, xa dần những xúc cảm đời tư. Chấn thương của đời sống tâm lý hiện đại đã mở ra những rạn nứt khó hàn gắn của thế giới xúc cảm. Hơn lúc nào hết, con người cần một bản nhạc tinh thần để kéo lại những xúc cảm lãng quên. Cao Tiến Lê đến với bạn đọc bằng mối thâm tình của một người từng trải, với những nghiệm sinh sâu sắc về tình yêu/ sự sống/ cái chết. Ông muốn gỡ gạc với thời gian bằng “bản nhạc ngôn từ” mà mình đau đáu quy ẩn vào kí hiệu, hoài thai đứa con tinh thần với tập truyện ngắn đầy đặn Xin đừng quên tôi.


Với văn phong trong sáng, giản dị, nhẹ nhàng, Xin đừng quên tôi mang đến cho bạn đọc những khoảnh khắc nghiệm sinh thú vị. Mười sáu truyện ngắn là mười sáu khúc biến tấu đa điệu của bản nhạc cuộc sống, lùa thanh âm trong trẻo của tâm hồn nghệ sĩ vào đời sống hiện thực trần trụi, nơi con người đang bế tắc và mất thăng bằng. Xin đừng quên tôi giống như một loài hoa mà tác giả của nó đã gieo mầm lên cuộc sống với thông điệp nhân văn sâu sắc: tình người là loài hoa đẹp nhất mà con người có thể tìm thấy ý nghĩa về một đời sống đích thực. Sẽ là gì đây khi sức ì vật chất đang dồn con người vào những cột mốc tha hóa nhân tính? Là gì đây khi chấn thương tâm lí đang ám ảnh lên những giấc mơ bình dị của trẻ thơ?
Thật vô lí, khi người ta đẻ ra chữ “đẹp” để chữ “xấu” thành ám ảnh lẩn tránh. Nhưng làm gì có cái đẹp cũng như làm gì có cái xấu trong cuộc đời này. Nếu nó hợp, tán tụng ta thì nó là đẹp, còn nó làm ta tổn thương, cảm giác bị “hoạn thiến” cái tôi trong mình, thì nó là xấu. Cái đẹp đi về đâu khi cái gọi là đẹp không thể giảm thiểu những cuộc hỗn chiến “tự xưng” vì cái đẹp vẫn đang hoành hành; về đâu, khi ai cũng tự nhân danh vì nhân bản mà hành động cho vị thế, chức vụ của mình; về đâu, khi vế còn lại của cái đẹp (tức cái xấu) luôn bị người đời chê trách, xa lánh; về đâu, khi những chấn thương tâm lí không ngừng chảy máu trong các phác hoạ thảm kịch sống: trẻ thì mồ côi, người giết người, người phụ bạc người… Vậy thì, cái đẹp đó của loài người hẳn rằng đã bị kênh so với nhịp sống thẩm mỹ của loài/đồ vật. Nhưng con người lại bày ra ngôn ngữ, ngăn cách sự thông hiểu của họ với sinh khí, nhuệ khí trong đời sống của chúng thì sao biết được đẹp với chúng có ý nghĩa gì. Vậy là con người lại trở về với cái tôi cô đơn cùng cực của mình, tự mình hoang tưởng và sợ hãi chính mình. Nhưng gục ngã lại là trạng thái con người trở về với kí ức được ngưng tụ thành vô thức. Biết gục ngã, con người đã biết mình bị/cần hành hương về trạng thái thực của tâm hồn, là sống như trẻ thơ không vướng bận việc đời, là người điên sống tại thế chẳng phân lập giữa chính/tà, thiện/ác, chiến tranh/hòa bình… Bạn đọc sẽ thấy cách giải quyết nhẹ nhàng từ tác phẩm, với triết lý bình dị, dễ hiểu như khúc biến tấu mơ mộng mà con người thường mơ về.
Tác phẩm không phải là sự dụng công nghệ thuật cầu kỳ, cũng chẳng bằng tư tưởng cao siêu, mà bằng lối tự sự dí dỏm đan xen giọng điệu, hơi thở của tính thơ đã tạo nên sự nhịp nhàng hài hòa trong việc biểu tả xúc cảm, ký ức, kỷ niệm về những gì sống trải của nhà văn. Để rồi, từ sự sống trải cá biệt ấy, thông điệp của nhà văn đã mở rộng biên độ ảnh hưởng của nó tới bạn đọc đang muốn tìm lại sự cân bằng cảm xúc trong mình qua thế giới ngôn từ mang giữ triết lý bình dị: “Người với người sống để yêu nhau“. Tình yêu là sợi dây xúc cảm không chỉ giúp cân bằng trạng thái tinh thần con người, khi mà đời sống thị trường đang bao phủ sự ảnh hưởng của nó lên hiện thực, mà còn là nhịp cầu nối kết những con người xa lạ nhích lại gần nhau trong khoảnh khắc đồng điệu về tâm hồn.

Thuỵ Phong

Nguồn: TCNV 03-2012.