Đối với người Mường, Tết Nguyên Đán là cái tết quan trọng nhất, to nhất trong năm. Trong dịp tết, mỗi nhà tổ chức một bữa cơm thịnh soạn để dâng tổ tiên và thần thánh, bữa đó gọi là làm tết.

Lịch Mường xưa là lịch tính theo tuần trăng, hơi khác với người Kinh là cách tính “ngày lui, tháng tới” (Ngày trăng tròn, lịch Mường tính lui lại một ngày đó là ngày 14). Tết bắt đầu vào cuối tháng Chạp của năm cũ và đầu tháng Giêng của năm mới.

Những ngày giữa hay nửa cuối tháng Chạp, nhiều gia đình đã bắt đầu chẻ lạt gói bánh chưng, làm cặp nướng thịt… Ngày 27 tháng Chạp ở vùng Lạc Sơn còn gọi là ngày tha lả – rửa lá. Do vậy các chị em trong bản mang toàn bộ bát đĩa, xoong, nồi, lá dong… ra sông, suối rửa sạch sẽ.

4
Những chiếc bánh uôi

Bánh chưng, bánh dày thể hiện trời tròn, đất vuông và cũng là để tưởng nhớ Vua Lang (vị Vua của người Mường) là những loại bánh không thể thiếu trong ngày tết của người Mường.

Trong ngày tết, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình làm nhiệm vụ bày biện mâm cỗ cúng.

Thông thường, bàn thờ tổ tiên được đặt ba mâm: mâm ngoài cùng thờ bố mẹ, mâm thứ hai thờ ông bà, mâm thứ ba (trong cùng) thờ cụ kị.

Ngày 30 âm lịch, người Mường gọi là ngày chín lụn, đây cũng là ngày đón giao thừa. Trong lễ đón giao thừa các hộ gia đình đánh chiêng, đánh trống… con cháu ra vó nước lấy nước về đặt trên bàn thờ tổ tiên.

Người già đứng lên nói lời chúc cho con cháu sang năm mới mạnh khoẻ, làm ăn giàu có… (tiếng Mường gọi là “buông cỗ”). Sau đó mọi người mời nhau uống rượu và ăn những món ăn truyền thống.

Sự mời mọc diễn ra liên tục suốt cả bữa cỗ, gần như là mỗi lần cầm đũa là một câu hát thường dang, bọ mẹng, hát ví, mo, kể chuyện tình… làm bữa ăn thêm hoan hỉ.
Vào ngày mùng 1, mùng 2, thanh niên trong làng bản cùng trẻ nhỏ dắt nhau đánh cồng rộn ràng, miệng hát sắc bùa. Đi qua nhà nào thì nhà ấy mở cửa cho trẻ ít tiền hoặc bánh. Trong ngày xuân, hội cồng Mường là hội không thể thiếu.

Theo phong tục của người Mường thì trước khi mở hội cồng chiêng, làng phải có một thủ tục làm mâm lễ trình với các vị Thánh trong làng. Đây cũng là nét văn hoá đặc trưng của người Mường.

Khách và chủ nhà cùng nhau vui bên những điệu múa truyền thống xung quanh cây nêu đặt ở giữa sân nhà. Tết Nguyên Đán của người Mường (Hòa Bình) là phong tục đẹp chứa đựng nhiều biểu tượng, tín hiệu văn hóa từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả, hiện vẫn được người Mường lưu giữ và truyền lại cho mai sau.

 

 

Theo Vũ Thành Duy, Hoàng Thành – Văn nghệ quân đội

 

Exit mobile version