Làng Cầu Mây của ông nằm trên doi đất rộng, giữa một bên là đồi Dồ, một bên là suối Cây Chu. Hồi xưa ấy, những ngày cuối Chạp, ngôi làng nhỏ này luôn nhộn nhịp, tưng bừng như vào mùa hội…

Tôi về làng Cầu Mây, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa vào một chiều hanh hút gió núi mùa đông. Được ngồi bên bếp lửa, hàn huyên chuyện thơ, chuyện Mường với nhà thơ xứ Thanh Bùi Nhị Lê. Quãng ngày cuối năm thế này, người ta dễ bắt gặp ở lòng mình những cảm xúc rộn rạo khó tả, trước những tất bật hối hả cho Tết, trong tiết trời mang hơi thở và sắc màu rất riêng của Một, Chạp. Dễ bắt gặp cả ký ức xa gần, về những cái Tết đã đi qua đời mình. Chung dòng cảm xúc ấy, giữa không gian và đất trời ngày chạm Chạp nhiều khơi gợi ấy, nhà thơ kể tôi nghe về miền tuổi cũ, cái thời đã qua lâu mà vẫn làm thương, làm nhớ đến da diết, đến run rẩy những vần thơ, trang văn đẹp của mình.

Ở tuổi bảy mươi ba, Bùi Nhị Lê vẫn minh mẫn để ngược nhớ về thời còn là chàng trai mới lớn. Mỗi lời ông kể như một nét vẽ thần kỳ, dựng dần nên một bức tranh sinh động, về cuộc sống và các nếp sinh hoạt chuẩn bị đón Tết ở Mường xưa. Tất cả gợi một không gian văn hóa, sắc màu và âm hưởng cổ, như đâu đó người ta từng bắt gặp trong bài Xường, bài Mo của người già.

Làng Cầu Mây của ông nằm trên doi đất rộng, giữa một bên là đồi Dồ, một bên là suối Cây Chu. Hồi xưa ấy, những ngày cuối Chạp, ngôi làng nhỏ này luôn nhộn nhịp, tưng bừng như vào mùa hội. Bắt đầu từ ngày hai mươi, cả làng rủ nhau lên đồi tìm hái lá dong và chặt ống giang tước lạt gói bánh. Ông kể, lúc nhỏ mình cũng hay theo người làng đi hái lá. Có lần, vì nghĩ càng hái nhiều lá càng có nhiều bánh ăn, nên đã cố để kiếm được một gánh lớn. Đến khi thấy mẹ chỉ gói ít cái, còn lại tấp hết lá xuống góc nhà, ông đã khóc vì tủi thân và tiếc cái công trầy trật đem gánh lá to hơn người từ đồi cao về. Trẻ con đâu biết rằng, lúa nếp mẹ dụm cả mùa chỉ đủ cho vài đĩa xôi trắng ngày Tết và ít bánh chưng gọi là. Thời khó khăn, ngoài ít lương thực có được từ lao động công điểm, hay những đám ruộng khai hoang thêm, thì người ở bản chỉ biết trông chờ bữa ăn vào rừng núi với củ nâu, củ mài. Thế nên nhà nào kha khá mới dành được nhiều lúa nếp để gói nhiều bánh chưng, những bữa cơm trắng kéo dài được đến mồng chín, mồng mười tháng Giêng. Nghèo như nhà ông, gắng lắm cũng chỉ dụm đủ cho ba ngày cơm trắng và vài bò gạo bánh. Có khi chưa qua Mồng Ba đã ăn cơm độn củ với muối trắng, rau rừng. Bởi thế nên chẳng cứ trẻ con, mà người lớn cũng mong Tết đau đáu. Đêm Ba mươi nào trẻ nít cũng thức thật muộn, không phải để đón Giao thừa như bây giờ, mà chỉ để đợi mẹ luộc chín bánh, đem thắp hương bàn thờ gia tiên xong thì mỗi đứa phải ăn một cái bánh cho đỡ thèm rồi mới ngủ được. Bánh của người Mường chỉ nhỏ như nắm tay con nít, thế nên ăn hết cái bánh thèm lại càng thèm hơn, đi ngủ mà cứ thấp thỏm mong cho nhanh đến bữa Mồng Một.

Minh họa: Phùng Minh. 


Tôi hỏi ông về chợ Tết xưa, ông hào hứng kể, phiên chợ hai lăm Tết là đặc biệt nhất, riêng trẻ và thanh niên mà không được đi phiên chợ ấy thì coi như Tết vô nghĩa rồi. Chẳng rõ từ bao giờ, ngày này đã trở thành một văn hóa không thể thiếu trong dịp Tết của người Mường. Không khí của hôm ấy giống như một ngày hội. Từ sáng sớm, khắp các con ngõ, đường làng đã nhao nhao, tíu tít tiếng trẻ nít cười nói, tiếng trai gái trêu đùa, gọi nhau. Trừ những người phụ nữ gánh được đôi lưng thúng lúa hay ôm được con gà đem bán để mua hương thắp, dầu đèn, túi muối cho ngày Tết, thì không ai đi chợ có tiền mang theo, cũng không ai có ý niệm đi chợ mua sắm gì đó. Thậm chí, không có nổi bộ quần áo lành lặn mà diện. Bọn trẻ con xuống chợ chỉ để được nhìn những sạp hàng của người xuôi, may mắn lắm thì được mẹ mua cho miếng bánh khảo mà cắn chung nhau. Ngắm những quả bóng bay hay chùm hoa giấy xanh đỏ treo ở góc chợ nào đó, để rồi mê mẩn đến líu ríu cả bước chân về.

Trai làng gái bản mong phiên chợ hai lăm như mong đợi những cuộc gặp gỡ, cuộc vui hẹn duyên lành. Họ đi chợ chỉ để được hòa vào cái không khí nhộn nhịp ấy, để được gặp mặt, trò chuyện, làm quen, hẹn hò với trai gái làng gần bản xa. Sáng, khi lưng chừng buổi, khắp mọi ngõ xóm, đổ ra đường lớn xuống chợ, ở đâu cũng có những tốp trai gái, lúc thì đi, lúc lại ngồi thật lâu ở ven đường. Ra đến chợ thường đã quá trưa trở chiều, nhưng chẳng ai để ý chợ bán gì, mua gì. Mặc thời gian, họ thư thả, mải mê trên các ngả đường. Có khi bin rịn mãi đến đêm mới về đến nhà.

Sau ngày chợ phiên thư thái, nhàn nhạ, tất cả lại trở về với tất bật lo toan cho những phần việc còn lại để đón Tết. Từ ngày hai sáu đến ngày hai tám, việc của đàn ông con trai là đi tìm bắt cá. Tết phải có cá gắp trong mâm cỗ, dù ít nhiều hay to nhỏ. Cứ trời sắp trưa là đàn ông con trai ăn cơm vội, lục đục đơm đó, rổ nơm theo nhau đi. Ngoài sông lớn người ta quăng chài thả lưới. Ở các suối khe và mương nhỏ, họ đóng cọc, đắp đập thành từng đoạn, sau đó tháo cống, tát nước để bắt cá. Cá bắt được đem gắp khô trên lửa, rồi giắt lên gác bếp, đợi Tết mới được đem xuống ăn. Ông Lê kể, dọc bờ suối Cây Chu nhỏ bé làng mình những ngày ấy chật bóng người, chật tiếng người náo nhiệt, reo hô. Và nhớ gác bếp nhà mình năm nào cũng nhiều cá vì nhà đông đàn ông biết chài lưới.

Việc đánh bắt cá thường kéo dài hết ngày hai tám tháng Chạp. Sang ngày hai chín, Ba mươi là thời gian tất bật nhất cho những công việc còn lại. Đàn bà, con gái lo xay lúa, giã gạo, giã bột. Trong các gầm sàn hối hả, nhộn nhịp tiếng sàng sảy, chày khua. Ngoài sông suối, đám con gái nhà nào nhà nấy gánh bát đĩa, nồi niêu, lá dong ngồi chật bờ để kỳ cọ, đánh rửa. Ở các sân nhà sàn lớn, sáng sớm đã thấy những bếp lửa rừng rực cháy, ngùn ngụt khói bốc cao, đàn ông các nhà xúm nhau làm thịt lợn. Thường cứ vài ba nhà chung nhau thịt một con lợn. Những nhà ăn ké sẽ phải trả tiền, hoặc trả lúa vào mùa sau, cũng có khi họ thay phiên nhau nuôi lợn để thịt chung vào các năm. Ông Lê bảo, nhà ông nghèo không có tiền, cũng chẳng khi nào nuôi được lợn, nên thường mỗi lần ăn Tết xong phải trả dần hai mùa lúa mới hết nợ thịt. Thế là hết chiều Ba mươi, dù khấm khá hay nghèo, dù ít hay nhiều, nhà nhà đều đã có đủ đầy mọi thứ để sẵn sàng đón đợi Tết với thịt treo, cá nướng, gạo nếp và đôi ba con gà dưới gầm sàn.

Xưa, người Mường có tục đi lấy nước Vía Rồng cúng năm mới vào đêm Ba mươi sang ngày Mồng Một. Khi tiếng gà gáy lần một, họ biết sang ngày, các chân thang ngõ xóm đèn dầu, đóm đuốc đều được thắp lên. Mỗi nhà một người mang theo ống nứa, ống luồng đi vào đồi hay ra bến sông, nơi có mạch nước mó, nước nguồn chảy ra để lấy nước về cúng. Phải chọn hứng được chỗ nước trong nhất, mới chảy trong nguồn ra. Người Mường quan niệm đó là nước lộc, nước thiêng, nước lành của đất trời, đem về cúng tổ tiên cầu mong cho những điều tốt đẹp trong năm mới. Lúc ấy, đêm đang tĩnh lặng, bản làng bỗng rộn lên trong tiếng người nói cười, tiếng chó sủa khắp nơi, và ngược xuôi đóm đuốc sáng rực. Bản làng thoáng chốc tưng bừng và kỳ diệu như một lễ hội đêm.

Nhà thơ Bùi Nhị Lê bảo tôi, ở Mường xưa mỗi độ cuối Chạp chuẩn bị cho Tết, các làng, các bản như cùng vào một mùa hội đặc biệt. Mùa hội mang những tất bật lo toan nhọc nhằn, nhưng niềm vui thì gấp bội trong khao khát, hân hoan, đón đợi. Mùa hội đẹp và làm ấm lòng người suốt một năm dài khó nhọc.

Cuộc sống hiện đại đem đến nhiều điều tốt, nhưng cũng làm mất đi những phong tục, những nếp sinh hoạt truyền thống đẹp. Thế hệ người Mường như ông thật may mắn vì đã được trải nghiệm và còn giữ được nó vẹn nguyên trong ký ức. Có lẽ bởi thế mà khi ông mang trong mình tâm hồn, tài năng văn thơ, thì những giá trị đó chính là yếu tố làm nên cái đặc sản, cái bản sắc ấn tượng riêng cho trang viết của mình. Tôi nghĩ về những câu chuyện hôm ấy, nghĩ đến những  giá trị văn hóa xưa cũ sẽ tiếp tục đi qua các trang viết, qua những lời kể, để truyền lại cho mai sau, để ta luôn thấy yêu, thấy tự hào về đất nước, về dân tộc này giàu đẹp từ những giá trị văn hóa đời thường nhất.

Theo QDND

Exit mobile version