Có thể nói, từ năm 1992 đến nay, Võ Thị Xuân Hà là một trong những cây bút nữ rất sung sức với khoảng 15 tập truyện ngắn, 2 tiểu thuyết, 5 truyện dài, ghi chép, khảo cứu, 7 kịch bản phim truyện điện ảnh, truyền hình… Điều đó cho thấy ở chị một nội lực mạnh mẽ, sức sáng tạo dồi dào.
Sáng tác của Võ Thị Xuân Hà theo 3 hướng chính: đi vào những bí ẩn nội tâm, với bút pháp phân tích tâm lý sắc sảo; đi vào hiện thực xã hội với những vấn đề bức xúc và những phận người bất hạnh; đi vào tâm linh với những huyền bí của tiền kiếp, của luân hồi, những dự cảm về nhân quả kiếp người. Và càng ngày chị càng tiếp tục mở rộng đề tài, không ngại thể nghiệm những hình thức mới, dấn sâu vào tâm linh và tiềm thức.
Trong một bài báo, Võ Thị Xuân Hà tâm sự về nghề viết của mình thế này: “Tôi không cố tình áp đặt cho mình một lối viết. Tôi chỉ là một nhà văn viết theo phong cách đa chiều, như một nhà phê bình đã nhận xét, là “một ngôi nhà gương”. Trong đó có nhiều lối đi và nhiều cách định dạng, tuỳ theo sự cảm của mỗi người”. Khi nhiều người cổ vũ cho những xu hướng du nhập từ phương Tây, với những chủ nghĩa này nọ thì chị khẳng định, chị không chạy theo một trường phái có tính thời thượng nào đó mà hướng vào nội cảm. Chị nói, khi viết chị lắng nghe tâm hồn mình. Có một sự mách bảo trong tâm linh khiến câu chữ cứ thế trào ra. Chị viết rất nhanh. Mỗi truyện ngắn thường được viết trong một vài đêm, nhiều truyện chỉ viết trong một đêm, thỉnh thoảng mới có một truyện phải kéo dài thời gian. Tiểu thuyết thì chị cũng chỉ viết trong vài tháng. Ngồi vào bàn, tập trung suy nghĩ, đặt mục tiêu và cố gắng đạt được những gì mình đề ra. Đó là cả một quyết tâm sắt đá.
Có thể Võ Thị Xuân Hà được trời ban cho một đời sống phong phú: chị trải qua nhiều nghề, nhiều cơ quan. Nơi ở cũng thay đổi luôn. Cả tuổi ấu thơ là sự chuyển dịch, giống nhiều gia đình miền Nam tập kết. Nhưng có một thứ không thay đổi, đó là sự đam mê với văn chương. Làm gì chị cũng nghĩ đến sáng tác và luôn tranh thủ thời gian để viết. Thời học phổ thông, Võ Thị Xuân Hà giỏi cả văn và toán. Chị thi vào ngành toán lý và trở thành một cô giáo dạy phổ thông. Nhưng tình yêu văn chương thôi thúc chị, không thỏa mãn với nghề nghiệp hiện có, chị đăng ký thi vào khoa Ngữ văn đại học Tổng hợp Hà Nội. Học ở đó chỉ còn một năm là tốt nghiệp, chị lại chuyển sang học ở trường Viết văn Nguyễn Du. Ra trường đi làm báo, cũng là để nuôi nghiệp văn…
Khi mới đến với nghề viết, Võ Thị Xuân Hà chủ tâm mạch văn trong sáng, trữ tình. Rồi tiến thêm bước nữa, chị bắt đầu định tầng cảm thức với lối phân tích tâm lý sắc sảo và tinh tế. Lúa hát là một trong những truyện ngắn khá đặc trưng cho sáng tác thời kỳ đầu của chị. Câu chuyện kể về một phụ nữ trẻ trong một ngôi làng ra phố mua diêm và muối (để bón cho lúa), trên đường cô gặp một người lái xe, hai người trò chuyện với nhau. Và “trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, bỗng dưng như có một sợi dây vô hình rung trong trái tim người đàn bà”. Cái hay của truyện một phần thể hiện ở sự mô tả khéo léo những chuyển động ngầm trong nội tâm qua những chi tiết rất thực, rất đời. Tác giả đã mô tả một trạng thái cảm xúc tưởng chừng thoáng qua mà không kém phần dữ dội. Nó là trạng huống thường thấy trong mỗi con người, nhưng không phải ai cũng có thể nói ra được. Một điềm đáng chú ý nữa là nhà văn đã đặt người đọc vào trạng thái chông chênh khi sử dụng một cái kết lửng, đa nghĩa: “Nhưng có một điều mà cô sẽ luôn phải nhớ đến, đó là sự có mặt của chiếc bật lửa. Sớm trưa chiều tối, ngọn lửa từ sợi bấc nhỏ xíu sẽ hiện diện trong nếp nhà hai vợ chồng trẻ cùng đứa con trai của họ./ “Nhưng cả cánh đồng lúa của họ, cả bầu trời và đức Phật từ bi của họ, và cả họ nữa, sẽ chẳng bao giờ biết rằng có một mối tình đã tan vỡ…”. Mối tình nào tan vỡ? Như một thách đố với người đọc. Vậy là ngay trong truyện ngắn tưởng chừng đơn giản này, đã tồn tại nhiều cách hiểu. Câu chuyện ẩn chứa trong nó một “tảng băng chìm”, dấu ấn “đa chiều” của Võ Thị Xuân Hà từ những ngày đầu tiên ấy đã bắt đầu lộ ra.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà
Chỉ một thời gian sau, Võ Thị Xuân Hà đã đưa ngòi bút vượt qua giới hạn của bút pháp tâm lý, kết hợp với việc mở rộng biên độ của trí tưởng tượng, phân tích những trạng huống tâm lý đặc biệt có màu sắc tâm linh, kỳ dị. Đàn sẻ ri bay ngang rừng báo hiệu một xu hướng mới thoát dần khỏi con người cá nhân, đi vào mô tả con người như một phần biểu trưng của hiện tại trong sự tương liên với quá khứ. Câu chuyện kể về một phụ nữ (Diễm) biệt danh là cáo Ecmơlin, như một tất yếu của lịch sử dân tộc, trở thành người hy sinh cho công cuộc tìm mộ liệt sĩ là người anh chồng, và rồi luôn bị ám ảnh và dần dần dường như nảy sinh một mối tình (nghĩa vụ) bí ẩn, thầm lặng với linh hồn người anh chồng, một người lính đã hy sinh ở thành cổ Quảng Trị. Loại tâm lý này nhuốm màu sắc ẩn dụ và gợi nhiều ngẫm suy. Truyện ngắn này báo hiệu một xu hướng vượt qua thực vào ảo, thay vì mô tả mối quan hệ giữa con người với con người, Võ Thị Xuân Hà mô tả mối quan hệ giữa người sống với người chết, sự tương tác bí ẩn giữa hai thế giới âm và dương. Với một xu hướng như vậy, cốt truyện đã chuyển biến một cách bất ngờ khiến người đọc phải giật mình và câu chuyện găm vào trí nhớ độc giả như một ám ảnh không dễ gì xóa mờ, như một bí ẩn không dễ gì thấu hiểu đến tận cùng. Truyện ngắn được viết năm 1993 này cho thấy tác giả đã mạo hiểm vượt qua những quan niệm luân lý thông thường để mô tả một mối quan hệ có màu sắc loạn – luân – thánh – thiện (trong hoàn cảnh ép buộc) giữa hai con người ở hai thế giới dương và âm.
Gần đây, Võ Thị Xuân Hà càng đi sâu vào những điều ảo diệu trong thế giới tiền kiếp và luân hồi. Câu chuyện của Nàng Thê là một ví dụ. Truyện kể về nàng Thê trải qua từng tầng kiếp, với những thân phận khác nhau, nếm trải cả tình yêu và khổ hạnh, đớn đau và vị tha. Nghệ thuật đồng hiện sử dụng như một thủ pháp chính tạo nên mối tương liên giữa tiền và hậu kiếp của nhân vật, làm nên chất kết dính của mạch truyện.
Không chỉ đẩy cái nhìn về tiền kiếp, về sự luân hồi của kiếp người, Võ Thị Xuân Hà còn hình dung ra cả thế giới âm của loài vật. Có vẻ như chị đặc biệt yêu mến loài chó. Trong truyện Thế giới tối đen chị mô tả cuộc trở về từ cõi âm của con chó Money yêu quý. Cái thế giới ấy, là nơi quần tụ của bao linh hồn chó. Lạ lùng là chó dù đã chết rồi mà cũng có tình cảm, sự trở về của con Money dù chỉ là trong giấc mơ, nhưng được mô tả sống động, linh ảo và giàu cảm xúc. Đối với Võ Thị Xuân Hà, cái thế giới bi ẩn đó là một hiện hữu, ít nhất là trong cảm thức của con người.
Như vậy là Võ Thị Xuân Hà đã thoát ra khỏi cái quan niệm hạn hẹp một thời trước đổi mới, khi người ta chỉ tin vào hiện thực với những gì kiểm nghiệm được, bài xích những quan niệm về sự hiện hữu của thế giới linh hồn. Và không chỉ thế, khi viết về cái thế giới của linh hồn, của tiền kiếp, của cõi âm đó, ngòi bút của chị được thỏa sức phóng túng, sự tưởng tượng được phát huy hết khả năng của nó tạo nên nhiều tình huống truyện lạ và độc đáo, giàu tính nhân văn. Tuy nhiên, điều thường trực và đau đáu nhất trong tâm tư chị vẫn luôn là những bất cập, bất công của cuộc sống thực. Đó cũng là phần sáng tác quan trọng của chị.
Trong vô vàn loại nhân vật của đời sống, Võ Thị Xuân Hà đã chọn viết nhiều về những con người nhỏ bé, những người nghèo khổ, những người dưới đáy cùng xã hội. Chuyện của con gái người hát rong (gồm 3 phần) có thể xem như 3 truyện ngắn kế tiếp nhau, có mối tương liên đặc biệt, hoặc thậm chí có thể coi cả 3 phần như một truyện vừa gồm những bộ phận hữu cơ móc xích nhau kể về những câu chuyện của gia đình Út Kim gồm 3 người. Người mẹ đã chết. Hai cha con làm nghề hát rong. Thông qua ngôi kể là người con, với giọng thủ thỉ như rót vào tai người bên cạnh, Võ Thị Xuân Hà xoáy sâu những chuyện thầm kín trong tâm tư của nhân vật. Những nghịch lý, trớ trêu, những khát vọng và thất vọng của nhân vật truyện sống cái kiếp đời hát rong, trôi dạt hết nơi này sang nơi khác đã được tái hiện một cách sống động. Tác phẩm này không chỉ là sự đồng cảm, sự thấu hiểu sâu sắc với những số phận bất hạnh của con người, mà còn là sự khám phá về đời sống tinh thần khá phức tạp của những nghệ nhân lang thang, với những ân oán chưa thể nào trả hết…
Tiểu thuyết Tường thành tiếp tục khai thác mảng đề tài về những con người nhỏ bé một cách có dụng ý. Được cấu trúc dưới dạng tiểu thuyết phóng sự, qua tác nghiệp của các nhà báo, người đọc hình dung về một phần hiện thực bị khuất lấp… Câu chuyện mở đầu bằng đám cháy khu xóm liều bên hồ Hỏa Tước. Một thây người chết cháy trên tảng đá lạnh ngắt không một cơ quan nào để ý. Một người tù đưa thây ma đi chôn. Một cô gái điếm đầy lòng tốt. Và câu chuyện nhuốm màu bi thương, bí ẩn của cô gái con ông già chết cháy… Họ là những người dưới đáy cùng xã hội, những người bị khinh rẻ, bị nguyền rủa. Nhưng ở đây, Võ Thị Xuân Hà đã đưa cái nhìn xuyên qua vẻ nhếch nhác bên ngoài, phát hiện những bi kịch đáng thương, phát hiện những vẻ đẹp trong sâu thẳm tâm hồn họ, cả sự thương tổn rướm máu.
Xa hơn, thăm thẳm hơn, Võ Thị Xuân Hà còn đưa ngòi bút hướng đến những linh hồn của những hài nhi. Những hình hài chưa kịp làm người, những linh hồn chưa kịp ở lại với thế gian đã phải rời xa vì những toan tính vô tình và tội lỗi của những bậc làm cha, làm mẹ trong truyện ngắn Vườn hài nhi. Hoặc trong một trường hợp khác, một người già đã chết không có nơi chôn cất, đứa con gái mười hai tuổi đã phải chấp nhận làm thuê cho ông chủ đất để mẹ mình được chôn trong khu vườn của ông ta trong truyện ngắn Cõi người.
Chúng ta có thể tìm thấy trong sáng tác của Võ Thị Xuân Hà hàng trăm cảnh đời bất hạnh, những tình huống trớ trêu, những nghịch lý của số phận con người. Đó là những trang viết chắt ra từ chính tâm hồn nhân ái của nhà văn, từ nỗi đau, nỗi thương với những phận người bất hạnh bị lãng quên, bị ruồng bỏ, bị đe dọa hoặc chìm trong tăm tối của định mệnh, trong sự cùng quẫn bế tắc.
Võ Thị Xuân Hà cũng là một trong những nhà văn dấn sâu vào đời sống hiện đại với những vấn đề đặt ra gay gắt. Tường thành là một tiểu thuyết “nóng”, trong đó đề cập đến mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, nói đến sự tha hóa của một số kẻ cầm quyền, những sự dối trá được che đậy. Tường thành là một cái nhìn thẳng thắn. Một tiếng nói cảnh tỉnh “Đến như thế này thì tất cả những bức tường thành đạo đức sẽ sụp đổ”. Nhưng ở một suy tư khác, nhà văn lại hy vọng: “Không, tình yêu thương rồi sẽ lên ngôi. Tình yêu thương sẽ dựng bức tường thành che chở cho con người khỏi sự tang thương, bệnh hoạn, nghèo đói, bội bạc, hèn đớn”.
Liên tục mở rộng đề tài, từ những điều cấp thiết của đời sống, đi xa hút vào những khám phá bí ẩn trong phận người, trong tâm tưởng, trong tâm linh và những ám ảnh vượt qua ranh giới của cõi dương gian, Võ Thị Xuân Hà liên tục thể nghiệm, tìm kiếm những cách thức thể hiện mới. Sự linh hoạt trong ngôi kể, sự thả lỏng cốt truyện, kỹ thuật đảo kết cấu tạo bất ngờ thường được chị chú ý sử dụng gây được hiệu quả rõ nét qua nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết của chị.
Mấy năm gần đây Võ Thị Xuân Hà về công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam. Chị từng đảm nhận vị trí Phó ban sáng tác, và hiện nay là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Nhà văn Trẻ khóa 8 kiêm Tổng biên tập tạp chí Nhà văn. Ở Ban Nhà văn Trẻ, chị luôn nhiệt huyết với phong trào. Tham gia các diễn đàn. Mở rộng kết nối với các địa phương, đưa các nhà văn trẻ đi thực tế ở nhiều vùng đất, ra sức đoàn kết mọi người, tập hợp đội ngũ trẻ cầm bút và giới thiệu với Hội Nhà văn. Còn làm tổng biên tập thì lại phải đối phó với cái nghiệt ngã của thời kinh tế thị trường. Văn chương đang ở cái thời ngổn ngang, những chuẩn mực cũ bị phá vỡ, dò dẫm một lối đi riêng thực không dễ dàng gì.
Hàng ngày chị sống rất giản dị. Sau mỗi ngày làm việc ở cơ quan, tối về, chị làm đủ thứ việc trong nhà. Khuya thì bắt đầu viết. Có khi chị thức trắng đêm vì một truyện ngắn. Vất vả thế, lạ lùng là tháng nào chị cũng có truyện ngắn được in. Và cứ mỗi năm lại có một tập truyện mới ấn bản. Sức làm việc ấy bền bỉ trong 20 năm không thuyên giảm. Và mỗi khi cầm bút, như có một nguồn năng lượng bí ẩn tràn ra trang giấy, chị say mê, hóa thân trong từng con chữ thiêng liêng, mê dụ, mang dấu ấn tâm hồn mình.
Hà Nội tháng 6-2012
T.S
Box: TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN
Tập truyện ngắn:
Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào; Bầy hươu nhảy múa; Cổ tích cho tuổi học trò; Kẻ đối đầu; Giá nhang đèn và những truyện khác; Màu vàng thần tiên; Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà; Đàn sẻ ri bay ngang rừng; Chuyện của con gái người hát rong; Cái vạc vàng có đòn khiêng bằng kim khí; Thế giới tối đen; Ăn trái đào hái hoa hồng đào, Tiếng gà gáy trong rừng hoa A-rui; Vàng son thạch thủy khí…
Tập truyện dài:
Chiếc hộp gia bảo; Chuyện ở rừng Sồi
Sắp in: Câu chuyện của nàng Thê
Tiểu thuyết: Tường thành; Trong nước giá lạnh
Các thể loại khác: Gia đình Phật tử (khảo cứu); Xứ Hàn, bạn tìm gì? (ghi chép)
GIẢI THƯỞNG:
– Tặng thưởng Cuộc thi truyện viết cho thiếu nhi, tập Chiếc hộp gia bảo – NXB Kim Đồng 1996
– Giải thưởng sách hay, tập Kẻ đối đầu – NXB Hội Nhà văn 1998.
– Giải B Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, tập Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà – NXB Phụ nữ 2003
– Giải nhất truyện ngắn Bạn rừng, báo Thiếu niên tiền phong, 2001
– Giải khuyến khích tiểu thuyết Tường thành, cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 2005
– Giải Nhất truyện ngắn Mặt trời ở lại, An ninh Thủ đô và Công an TP Hà Nội, 2010
– Giải C kịch bản điện ảnh Chiếc hộp gia bảo (Hãng phim truyện Việt Nam, 1997)
– Giải khuyến khích kịch bản Chuyện ở rừng Sồi (Cục Điện ảnh, 1998)
– Giải C kịch bản Đất lặng lẽ (Điện ảnh Quân đội, 2000)
…
Nguồn: báo Văn nghệ số 33 (2012)