Có nhà văn từng nói rằng: “Đàn ông có thể coi văn chương như một thứ say mê, tạo kỳ đài. Còn đàn bà viết văn xưa nay phần nhiều là để trải lòng, viết cho mình. Viết bằng thứ bản năng mách bảo thần thánh nhiều hơn là viết bằng trí khôn. Thế nên, đàn ông viết văn nhiều khi viết bằng cái thông minh lồng lộng, còn đàn bà thường viết bằng tình yêu, bằng trái tim giàu trắc ẩn”. Tác phẩm của những cây bút nữ thường mang xúc cảm mãnh liệt, bộc lộ sự tinh tế, đằm sâu với những góc nhìn rất riêng của phái đẹp.


Nữ tác giả Hoàng Kim Yến (giữa), hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh
trò chuyện với độc giả yêu thơ xứ Tuyên.

Trên văn đàn Tuyên Quang thường xuất hiện những nữ tác giả như: Hoàng Kim Yến, Thùy Dung, Kim Cúc, Dương Bích Thuận, Ma Thị Hồng Tươi… Tác phẩm của các chị mang hơi thở cuộc sống, phản ánh những khao khát về hạnh phúc, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương, làng bản.

Trong cuốn sách Văn học Tuyên Quang thời kỳ đổi mới (1986 – 2006), tác phẩm và dư luận, nói về tác giả Hoàng Kim Yến, nhà văn Trịnh Thanh Phong viết: “Tôi không có ý khích lệ,  động viên mà muốn để nói về một thân phận có thật, một Hoàng Kim Yến đang sống và tự vươn lên, tự tựa vào văn chương để an ủi đời mình”. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tuyên Quang, cuộc đời nhiều biến cố thăng trầm khiến những trang viết của Hoàng Kim Yến trở nên từng trải và gai góc. Tác giả đã thành công với nhiều truyện ngắn; nhân vật trong truyện tương đối điển hình, có cá tính và mang đậm dấu ấn cuộc đời. Các tác phẩm đều toát lên tình yêu thương, sự sẻ chia đồng cảm với những người phụ nữ bất hạnh. Một nhân vật Hấy quá lứa lỡ thì trong “Guốc mộc”; cô gái Mua quê mùa, nghèo khổ trong “Chuyện trên cát”… Với tiểu thuyết “Đoản khúc giao mùa” độc giả bắt gặp nhân vật Thu – một người phụ nữ đa đoan, trắc trở trong tình duyên. Thu như một gốc cây bị đốn nhưng cố nứt chồi xanh, vươn lên bầu trời hạnh phúc. Nhân vật Thu là biểu tượng của niềm khao khát tình yêu, hạnh phúc đến khôn cùng…

Được biết, những năm gần đây sức khỏe của Hoàng Kim Yến giảm sút nhiều thế nhưng cảm hứng văn chương vẫn chưa bao giờ vơi cạn. Trên văn đàn, chị luôn được đánh giá là cây viết có bút lực khá dồi dào. Nhìn lại thành quả của chị với nhiều cuốn sách in riêng như tập truyện ngắn Khi không còn mùa thu; tập thơ thiếu nhi Phiên chợ trên sân; tiểu thuyết Đoản khúc giao mùa… và hàng loạt tác phẩm thơ, văn đăng trên các số Báo Tân Trào. Sắp tới chị tiếp tục cho ra mắt tập tiểu thuyết Người ở bản và tập thơ thiếu nhi Giấc mơ của bé.

Những năm 2010, độc giả yêu văn nghệ xứ Tuyên khá bất ngờ với cây viết mới với bút danh Thùy Dung tên thật là Nguyễn Thị Thanh Lương. Là giáo viên dạy Toán của Trường Tiểu học và THCS Trung Thành, xã Thành Long (Hàm Yên), thế nhưng chị vẫn gắn bó với nghiệp văn chương như một sức mạnh tinh thần không thể thiếu. Chị nói rằng: “Văn chương không có ranh giới hay sự phân biệt. Văn chương là tiếng lòng, là sự kết nối giao hòa của cảm xúc con người. Tác phẩm chính là cách tôi trò chuyện với chính mình, với cuộc sống; cách tôi khoác lên tâm hồn mình đôi cánh để phiêu du trong trí tưởng tượng và những đắm say”. Quả thực, khi đọc những truyện ngắn như: Bình yên cho ngày thường, Câu chuyện vườn cam, Sương ngang lưng núi, Hoa đào nơi rừng thẳm… ta mới hiểu được sự tinh tế, dịu dàng của người phụ nữ vừa qua tuổi 40 này.

Với giọng văn nhẹ nhàng, trong trẻo, tác phẩm Sương ngang lưng núi tựa như một bản tình ca lãng mạn. Đó là một cô giáo miền xuôi hy sinh hạnh phúc riêng để lên tình nguyện cắm bản vùng cao. Chị say nghề, yêu thương lo lắng những đứa trẻ, buổi lên lớp, buổi đi vận động học sinh đến trường. Tất cả đó là niềm vui của người đàn bà đã qua một đời chồng. Những tưởng rằng xuân sắc chị trôi theo năm tháng, vậy mà ở núi rừng xa xôi này chị gặp được Mẫn – một chàng trai độc thân chưa vợ lên vùng cao công tác âm thầm yêu thương, quan tâm chị. Vượt qua bao nhiêu khó khăn, lời dị nghị họ đến với nhau trong một buổi chiều “sương ngang lưng núi”. Tác phẩm đã thắp lên một niềm tin cho con người về những giá trị tốt đẹp ở đời, về những phép nhiệm màu mà nếu như ta sống chân thành và biết tin cuộc sống thì điều kỳ diệu sẽ đến. Truyện ngắn được in trong tập sách Văn nghệ Tuyên Quang, một chặng đường của Nhà xuất bản Văn học.

Từ một cô gái thanh niên xung phong Trường Sơn, đất nước hòa bình, Phạm Thúy Mơ trở thành nhà kinh doanh trong lĩnh vực thương mại. Tâm hồn lãng mạn và con tim giàu xúc cảm gắn kết chị với nghiệp văn chương. Đến với tập thơ Duyên phận, bút ký Còn vang mãi những câu bất hủ, tập truyện ký Mối tình đầu trên con đường huyền thoại… người đọc bắt gặp ở đó những trang viết đầy trách nhiệm với cuộc sống. Tác phẩm của Phạm Thúy Mơ đầy ắp niềm yêu quê hương và những kỷ niệm một thời xa vắng. Từng là chiến sỹ chiến đấu trên chiến trường nên trong những trang viết của chị chất chứa tình cảm nồng hậu của cô gái thanh niên xung phong năm xưa với đồng đội, với cuộc sống đầy ắp nghĩa tình. Nhiều người nhận xét, tác phẩm của bà mộc mạc nhưng giàu xúc cảm. Lối viết dung dị, chân thành, dù nhân vật trải qua những đau khổ, túng quẫn nhưng bà luôn dành cho nhân vật lối thoát. Đó là những trang viết thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc. Đọc truyện của Phạm Thúy Mơ, độc giả thêm yêu cuộc sống và có niềm tin tương lai tươi sáng.

Tuy xuất hiện không đều đặn trên Báo Tân Trào thế nhưng các tác giả Kim Cúc, Dương Bích Thuận, Ma Thị Hồng Tươi… cũng để lại dấu ấn trong lòng độc giả. Bên cạnh những giây phút bận rộn, vất vả lo toan như bao người phụ nữ khác thì khi ngồi trước trang giấy là các chị được sống thật với bản thân. Độc giả nhớ đến một Kim Cúc với giọng văn già dặn, chiêm nghiệm trong từng con chữ. Một Dương Bích Thuận nhẹ nhàng, thủ thỉ, cách phân tích tâm lý nhân vật khá sâu sắc. Hay một Ma Thị Hồng Tươi với những truyện ngắn có kết cấu giản đơn nhưng lối biểu đạt tinh tế, phản ánh chân thực thân phận đời sống con người miền núi.

Chưa bao giờ văn học Tuyên Quang thiếu vắng những cây bút nữ. Các chị trải lòng mình qua từng trang viết bằng chất giọng nhẹ nhàng, tinh tế, cái nhìn đôn hậu đầy yêu thương. Nhìn lại những thành quả đạt được của nữ văn nghệ sỹ chúng ta thấy được những đóng góp không nhỏ của các chị, thêm tự hào về người con gái xứ Tuyên.

Giang Lam

(Nguồn: Báo Tuyen Quang)

Exit mobile version