Bài phỏng vấn Elif Shafak do William Skidelsky thực hiện, đăng trên tờ The Observer (Anh) số ra ngày 8.4.2012.
Nhà văn Elif Shafak.
Cuốn tiểu thuyết mới của bà mô tả một kẻ giết người vì danh dự trong một gia đình nhập cư nửa Thổ nửa Kurd ở Vương quốc Anh. Điều gì đã lôi kéo bà đến chủ đề này?
Tôi luôn quan tâm về đề tài gia đình, chắc vì tôi không được trưởng thành trong một gia đình. Tôi được một bà mẹ độc thân nuôi dưỡng. Điều này hơi khác thường trong thập niên 1970 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tiểu thuyết này, tôi muốn tìm hiểu vì sao chúng ta lại luôn làm đau những người chúng ta yêu thương nhất. Tôi tập trung vào những mối quan hệ mẹ – con trai, cách những bà mẹ nuôi dưỡng những đứa con trai của họ như những ông lớn trong nhà và điều này tàn hại hạnh phúc con người về lâu về dài như thế nào.
Khó khăn nhất khi thể hiện điều này là gì?
Trong những cuốn tiểu thuyết trước đây của tôi, đã có những người đàn bà cương nghị, muôn màu, thuộc mọi gốc gác – Hồi giáo, Kitô, Do Thái. Lần này, có một nhân vật nam ở tâm điểm câu truyện và không phải là một nhân vật thú vị. Iskender chẳng phải là anh hùng cũng không phải là phản anh hùng. Y là một kẻ ác ôn, một người làm tan vỡ những trái tim. Điều quan trọng là tôi phải đặt mình vào vị trí của y để nhìn thế giới như cách y nhìn nó, không phán xét y từ bên trên. Điều đó là một thách thức về cảm xúc.
Tiểu thuyết này là cuốn sách bán chạy ở Thổ Nhĩ Kỳ trong sáu tuần. Rõ ràng, chủ đề của nó đã gây chấn động ở đấy…
Nó đã tạo nhiều tranh luận. Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia đa phức. Hầu hết độc giả là nữ giới, thuộc mọi thế hệ, và họ say mê đọc sách. Tuy nhiên, văn hoá viết hầu hết mang tính phụ quyền. Nói chung, đàn ông viết, đàn bà đọc. Tôi hẳn muốn dạng thức này thay đổi. Sẽ có nhiều đàn bà viết tiểu thuyết, thơ, kịch hơn và hy vọng, sẽ có nhiều đàn ông đọc truyện hơn.
Trong một xã hội mất quân bình như thế, điều gì khiến bà có thể đột phá?
Danh dự là tiểu thuyết thứ tám và là cuốn sách thứ 11 của tôi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi cuốn sách mới của tôi ra đời là lượng độc giả lại nhiều hơn. Những độc giả của tôi hỗn tạp một cách kỳ lạ. Từ những phụ nữ khăn che đầu, đến những độc giả theo thuyết tự do, tả phái, nữ quyền, theo thuyết hư vô, bảo vệ môi trường, và theo thế tục. Rồi những nhà huyền học, những người theo thuyết bất khả tri, những người thuộc sắc tộc Kurd, những người thuộc sắc tộc Thổ, những người thuộc trường phái Alevi, những người thuộc trường phái Sunni, đồng tính nam, nội trợ, và nữ doanh nhân… Họ là những người đời thường chẳng bao giờ nói chuyện với nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại cùng đọc những cuốn tiểu thuyết của tôi. Điều này khiến tôi hạnh phúc. Nghệ thuật và văn học nên giúp chúng ta thoát ra khỏi những cái kén tinh thần.
Là một nữ nhà văn người Thổ Nhĩ Kỳ với gốc gác Hồi giáo, bà cảm thấy những áp lực nào?
Sinh năm 1971, Elif Shafak là tác giả của tám cuốn tiểu thuyết và là nhà văn nữ được phổ biến nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Tác phẩm của bà đã được dịch sang 30 ngôn ngữ và bà được trao tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh về nghệ thuật và văn học. Bà phân chia thời gian của mình giữa Istanbull và London. Năm 2006, cuốn tiểu thuyết The Bastard Of Istanbul của bà bị cáo buộc là sỉ nhục quốc thể, vi phạm điều luật 301 của bộ luật hình sự Thổ. Phiên toà xử bà đã diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ của EU, cuối cùng, nhà văn được trắng án. |
Khi bạn là một “nhà văn nữ với một gốc gác Hồi giáo”, thường có sự trông mong rằng bạn sẽ viết về căn cước của mình, về những phụ nữ ở những xã hội Hồi giáo. Một chức năng được gán cho tiểu thuyết từ thế giới phi Tây phương. Tác phẩm của bạn nên mang tính thông tin, tính đại diện. Một nhà văn Mỹ da trắng có thể thử nghiệm về hình thức và lựa chọn bất cứ chủ đề nào anh ta muốn, nhưng một nhà văn nữ từ Algerie hay Afghanistan nên sản sinh những câu chuyện phù hợp trong một ô văn hoá nhất định.
Bà đã viết Danh dự bằng tiếng Thổ và rồi chính bà dịch nó phải không?
Chín năm vừa qua, tôi viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Thổ. Đầu tiên tôi viết những tiểu thuyết của mình bằng tiếng Anh, rồi chúng được các dịch giả chuyên nghiệp dịch sang tiếng Thổ. Rồi tôi lấy bản dịch của họ và viết lại. Cho nên về căn bản tôi viết cùng một cuốn tiểu thuyết hai lần. Có nhiều điều tôi thấy để nói bằng tiếng Thổ dễ dàng hơn và những điều khác bằng tiếng Anh dễ dàng hơn. Nếu tôi viết về nỗi buồn và mong nhớ, bằng tiếng Thổ thì dễ hơn. Nếu tôi viết về hài hước, mỉa mai, châm biếm, bằng tiếng Anh thì dễ hơn.
Bà đã nói về chống đối với lời răn “viết cái bạn biết”…
Tôi luôn bắt đầu nói với sinh viên học viết văn của mình rằng: “Đừng cảm thấy bó buộc phải viết cái bạn biết!” Bạn có thể làm điều đó, chắc chắn rồi. Đó không phải là toàn bộ văn học. Hãy viết điều bạn cảm nhận bằng trái tim mình.
Hồ Liễu (dịch)
Nguồn: Sài Gòn Tiếp thị.