Chung Sơn (thực hiện)
(Lược thuật bài nói chuyện của nhà thơ, TS.Nguyễn Phan Quế Mai cho sinh viên viết văn – Đại học Văn hóa HN)
Nhận lời mời của Khoa Viết văn, Báo chí – Đại học Văn hóa Hà Nội, sáng ngày 18/4/2022 nhà thơ, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai đã có cuộc nói chuyện với sinh viên ngành Viết văn. Cùng tham dự cuộc trò chuyện này, có một số cựu học viên Viết văn, một số bạn văn của chị cũng đã tới dự. Sau lời phát biểu, giới thiệu của nhà văn Văn Giá, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã dành gần 2 tiếng đồng hồ trò chuyện, trao đổi với sinh viên. Dưới đây là bài lược thuật rút gọn của chúng tôi.
Trong không gian lớp học giản dị, thân gần, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai (NPQM) đã tập trung vào hai vấn đề chính (dựa trên đề xuất của Khoa): Một là ở Đại học Lancaster – Anh Quốc và một số nước Âu – Mỹ, việc đào tạo cử nhân, thac sĩ, tiến sĩ ngành viết văn (creative writing) được tiến hành như thế nào; Hai là cuốn tiểu thuyết “The Mountains Sing” viết bằng tiếng Anh của chị (vừa ra mắt độc giả phương Tây, đã được dịch ra 12 thứ tiếng trên thế giới và đã nhận về một số giải thưởng danh giá) được ra đời như thế nào. Quá trình xuất bản, PR, chinh phục độc giả phương Tây ra sao?
Về vấn đề thứ nhất, nhà thơ NPQM cho biết: Đại học Lancaster tổ chức dạy học viết văn theo hướng đặc biệt coi trọng thực hành kỹ năng viết, khả năng biểu đạt bằng ngôn ngữ cảm xúc của con người, và viết để bảo tồn sự khác biệt và tính dân tộc của mỗi nhà văn. Cũng như nhiều chương trình viết văn khác, trường Lancaster đề ra mục tiêu là khi tốt nghiệp khóa Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ, người học có một bản thảo sách dày dặn, đủ chất lượng xuất bản. Chị nói: “Khi tham gia các khóa học, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô, tôi được tiếp cận với các quyển sách về lý luận phê bình, về kỹ năng sáng tác, đồng thời đọc thêm rất nhiều các tác phẩm văn học của thế giới. Tôi nhận được rằng, để tạo sự khác biệt, tôi cần giữ gìn bản sắc Việt trong các tác phẩm của mình. Tôi cần viết để giúp xóa bỏ định kiến của xã hội, và viết để phản kháng lại sự đô hộ của phương Tây trong văn học.”
Nhà thơ NPQM nói: “Nơi tôi được đào tạo, họ rất coi trọng năng lực phản biện của người học. Phản biện thầy, phản biện sách vở, phản biện lẫn nhau. Nhờ vậy, hình thành nên khả năng nhìn sâu vấn đề. Chúng tôi luôn được lưu ý rằng viết chính là cách để trao quyền cho mình và trao quyền cho những người yếu thế. Trao quyền cho mình tức là cất lên tiếng nói về những điều khiến người viết day dứt và trăn trở nhất, để mong đem lại sự thay đổi nào đó trong người đọc. Người viết cũng cần đi sâu vào đời sống xã hội, hiểu và giúp nói lên tiếng nói của những người yếu thế, để giúp tạo ra một xã hội cảm thông hơn”. Chị nhấn mạnh: “Tôi học được sự quan trọng của việc duy trì đạo đức của người viết. Ví dụ, khi phỏng vấn các nhân vật thật ngoài đời, tác giả cần phải biết cách hỏi những câu hỏi không tổn thương đến họ. Và khi đưa họ vào tác phẩm, tác giả cần có sự đồng thuận của họ cũng như cần tôn trọng quyền riêng tư của nhân vật và gia đình họ”.
Liên quan đến chủ đề “viết để phản kháng lại sự đô hộ của phương Tây trong văn học”, nhà thơ NPQM cho biết hiện nay có hàng chục ngàn tác phẩm bằng tiếng Anh về Việt Nam đã được xuất bản nhưng trong số đó, có rất ít tác phẩm được viết bằng người Việt trong nước. Chị cho rằng hiện nay ở các bộ phim Hollyood và các tiểu thuyết của các tác giả Mỹ, phương Tây thường hay biểu đạt nước Việt, người Việt theo cách rất thứ yếu, cốt để làm nền cho câu chuyện của họ; như vậy, vô hình trung đó là cách đô hộ trong văn chương, nghệ thuật. Khi người Việt chúng ta góp được tiếng nói của mình vào dòng văn học tiếng Anh – ở đó chúng ta đặt người Việt làm trung tâm, ở đó chúng ta viết về Việt Nam như một nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc – chính là một cách chúng ta lên tiếng để chống lại sự đô hộ đó.
Chị nhấn mạnh: “Một tác phẩm cần có sự cân bằng giữa lý trí và cảm xúc. Lý trí được hình thành từ việc thu thập tư liệu, kiến thức, việc phát triển tư duy lý luận… Nhưng tác phẩm có đi vào lòng người hay không phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc. Nếu viết không bằng cảm xúc từ mình thì làm sao hy vọng độc giả có cảm xúc được? Tôi chọn viết về những chủ đề gây xúc động sâu sắc nhất cho mình, khiến mình mất ăn mất ngủ, chứ không nghĩ đến thị hiếu của bạn đọc khi bắt tay vào viết một quyển sách mới”.
Chị cho rằng, một trong những năng lực rất quan trọng của người viết văn là sự liên tưởng. “Ở nơi tôi học, các giảng viên luôn yêu cầu người học khi viết phải phát huy khả năng liên tưởng của mình. Ví dụ, khi đưa một bình hoa loa kèn vào tác phẩm, tác giả có thể tả màu sắc, hương thơm, và sức sống của những bông hoa, những quan trọng hơn là dẫn người đọc đến những câu chuyện xa hơn, sâu hơn qua màu sắc đó, hương thơm đó, sức sống đó. Nếu không có khả năng liên tưởng, con chữ chỉ còn là việc mô tả sự kiện, mà sự kiện thì khó có thể gây xúc động được. Tác giả Ocean Vuong trong Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian rất giỏi liên tưởng” – chị nói.
Về vấn đề thứ hai, nhà thơ NPQM cho hay chị đã có mong muốn viết tác phẩm “The Mountains Sing” từ nhiều năm trước, với mong muốn hiểu được lịch sử gia đình mình và của đất nước mình, nhưng chị không biết bắt đầu từ đâu. Chị nói: “Một lần, tôi đi cùng xe với một người bạn gốc Hà Nội. Tôi hỏi trong chiến tranh anh ấy ở đâu, và anh ấy kể về những trận bom kinh hoàng của Mỹ dội xuống thành phố Hà Nội vào năm 72. Nhiều năm sau đó, anh ấy lần đầu lên máy bay đi công tác. Tiếng động cơ máy bay khiến ký ức kinh hoàng sống dậy, anh ấy hoảng loạn, gào thét trên chiếc máy bay đang di chuyển… Sự xúc động của anh ấy khiến tôi và lập tức định hình tiểu thuyết, và bắt tay vào viết ngay tối hôm đó. Chương đầu tiên của tiểu thuyết chính là việc Mỹ bỏ bom xuống Hà Nội năm 1972… Cái quan trọng là làm sao duy trì được cảm xúc trong suốt tác phẩm. Để có được, tôi phải phỏng vấn rất nhiều nhân chứng lịch sử và cảm xúc của họ đã truyền lửa cho tôi. Mỗi khi viết bằng tiếng Anh cảm thấy không diễn đạt đúng ý tưởng, cảm xúc của mình, tôi trở về tiếng mẹ đẻ để mở cánh cửa cảm xúc, rồi mới viết tiếp bằng tiếng Anh”.
Việc xuất bản The Mountains Sing, theo như tác giả NPQM cho biết, chị may mắn được làm việc với các nhà xuất bản thương mại uy tín nên họ đầu tư vào việc quảng bá và phân phối sách cực kỳ bài bản. Các nhà xuất bản này thường không nhận bản thảo trực tiếp của tác giả mà chỉ qua người đại diện văn học. Người đại diện của NPQM là cô Julie Stevenson – người đã bán bản quyền tiểu thuyết Cảm tình viên của nhà văn Nguyễn Thanh Việt. Dù nhận được lời mời của một số nhà xuất bản, cô đã chọn làm việc với bà Betsy Gleick, giám đốc biên tập kỳ cựu của NXB Algonquin Books.
Về quá trình tìm nhà xuất bản nói chung, ban đầu người đại diện phải giới thiệu tác phẩm đến nhiều NXB cùng lúc, tìm được người muốn xuất bản tác phẩm, rồi thương thảo với họ. Chuyện này không dễ. Nếu chất lượng tác phẩm tốt, có thể truyền thông được, có thể bán được, thì họ mới tiến hành làm việc với tác giả. Từ khi người đại diện giao dịch, đến khi NXB mời tác giả làm việc khâu biên tập, có khi mất gần một năm. Sau đó, giữa biên tập viên (có vài ba người phụ trách các khâu khác nhau) thường xuyên làm việc với tác giả để giúp đưa tác phẩm lên tầm cao mới …Với The Mountains Sing, sau quá trình biên tập, tác giả NPQM đã cắt hơn 10 nghìn chữ để sách gọn hơn, súc tích hơn. Các NXB bên Mỹ cũng sợ sách quá dày, người đọc dễ nản trong bối cảnh truyền thông hiện nay. “Tuy nhiên – nhà thơ NPQM nói – tôi cũng phải có quan điểm của mình. Thí dụ, tôi đề nghị họ phải giữ tên các nhân vật, địa danh theo lối viết nguyên dấu của người Việt. Ngay cả việc sử dụng khá nhiều câu tục ngữ, ca dao của Việt Nam tôi cũng đề nghị giữ nguyên. Điều này rất quan trọng. Nó không chỉ tạo cảm thức văn hóa Việt cho người đọc mà còn là ý thức về tư thế văn hóa của dân tộc”.
Chị NPQM cho hay, khoảng 6 tháng trước khi in bản chính thức được phát hành, nhà xuất bản của chị ở Mỹ và Anh đã in hàng trăm bản đọc thử để khởi động chiến dịch truyền thông. Các bản đọc thử được gửi đến toà soạn các tờ báo, các nhà sách, những nhà phê bình, những người có tầm ảnh hưởng… để họ giúp tạo dư luận cho quyển sách.
Kết thúc cuộc gặp gỡ, nhà thơ NPQM nhấn mạnh nhiều độc giả quốc tế đã nói với chị rằng họ chờ mong những tác phẩm về Việt Nam, do người Việt viết. Chị hy vọng rằng các bạn sinh viên viết văn và những nhà văn Việt Nam tiếp tục trau dồi ngoại ngữ để có thể tiếp cận trực tiếp với trào lưu của văn học thế giới, để có thể tự viết/dịch tác phẩm của mình ra tiếng Anh. Chị mong ước sẽ làm được nhiều hơn nữa để đưa con thuyền văn học Việt Nam hội nhập vào nền văn chương thế giới.
(Bài lược thuật đã được nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai hiệu chỉnh và đồng ý công bố)