Văn xuôi nữ tích cực lên tiếng nói về bản thân vào cuối thập niên 1980 – đầu thập niên 1990. Từ đó đến nay diễn ra không ngừng những cuộc thảo luận về nó. Có những quan điểm khác nhau về vấn đ, rằng những văn bản được viết bởi các nhà văn phụ nữ có quyền được xem như một lĩnh vực độc lập của văn học hay không. Để tìm hiểu hiện tượng văn xuôi nữ từ giữa những năm 1990, trong nghiên cứu văn học Nga bắt đầu sử dụng thuật ngữgiới” (gender). “Những nghiên cứu về giới trong các lĩnh vực khác nhau đã cho thấy, rằng tập hợp những đặc điểm hành vi và tâm lý, mà theo truyền thống thường được xem là vốn thuộc phái nữ hay vốn thuộc phái nam, thường thường là một khuôn mẫu phân định giới tính, là một cấu trúc văn hoá xã hội. Việc sử dụng khái niệm này (gender) nhấn mạnh mối tương tác giữa các giới, chú ý đến toàn bộ tính chất phức tạp của những đặc điểm về sinh lý, tâm lý, xã hội và văn hoá”[1]

Có một số nhân tố tạo điều kiện cho “văn xuôi nữ” tách ra trong bối cảnh văn học đương đại Nga là: tác giả là phụ nữ, nhân vật trung tâm là phụ nữ, những vấn đề ít nhiều đều liên quan đến số phận phụ nữ. Đóng vai trò không kém quan trọng là cái nhìn vào hiện thực từ quan điểm phụ nữ, chú ý đến những đặc điểm tâm lý phụ nữ. “Văn xuôi nữ” được thừa nhận một cách chính thức vào cuối thế kỷ XX và hiện nay đang nổi lên như một hiện tượng đặc biệt bền vững của văn học Nga. Sáng tác của các nhà văn nữ được đem ra phân tích. Những công trình nghiên cứu chuyên biệt được xuất bản, trong đó khảo sát những phương diện khác nhau của văn xuôi nữ. Diễn ra các cuộc tranh luận, các hội thảo được tổ chức. Hiện tượng này được cả các nhà ngữ văn học, lẫn các nhà sử học, xã hội học nghiên cứu. Người ta đang cố giải quyết những vấn đề như: có hay không mỹ học của phái nữ, ngôn ngữ của phái nữ, lối viết riêng biệt của phái nữ. Nhưng chủ yếu các nhà nghiên cứu đều đi đến kết luận, rằng trong “văn xuôi nữ” cũng diễn ra những tiến trình như trong phần còn lại của văn học, những tiến trình tìm kiếm những mối quan hệ mới trong nghệ thuật và những thủ pháp mới trong lối viết. Nhà phê bình, đồng thời là nữ nhà văn O. Slavnikova cho rằng phụ nữ trên thực tế luôn là những người đi trước trong việc khai mở những nội dung mới. Sự nở rộ của văn xuôi nữ ở Nga là bằng chứng cho thấy văn học ở Nga đang tồn tại và sẽ tồn tại: “Tại sao sự xuất hiện văn xuôi nữ… lại đối lập với cáo chung văn học? Bởi vì phụ nữ không bao giờ đi vào chốn không người. Trong chương trình di truyền của phụ nữ không có việc trở thành chất liệu thủ tiêu tiến hoá. Trong tình huống cực kỳ khủng hoảng, khi đàn ông có trách nhiệm hi sinh, thì phụ nữ có trách nhiệm sống sót”[2]

Nhiều nhà phê bình (như N.Gabrienlian, M.Abasheva và những người khác) cho rằng cần nói về văn học nữ không phải trong ngữ cảnh “phân chia” văn học thành nam hay nữ, mà chỉ nên ngầm hiểu là sự mở rộng di sản văn học khi khẳng định tính độc đáo và tính cá nhân sáng tạo của các phụ nữ viết văn.

O.Gavrilina gắn khái niệm “văn học nữ” với hai ý nghĩa cơ bản: “… trong nghĩa rộng, đó là tất cả những tác phẩm được viết bởi phụ nữ, không phụ thuộc vào việc tác giả khi sáng tác đứng trên quan điểm nữ quyền hay vẫn tuân theo những truyền thống phụ quyền. Trong nghĩa hẹp, đó là nhóm những văn bản trong đó thể hiện cái nhìn riêng của phụ nữ đối với những vấn đề truyền thống của nhân loại (sự sống và cái chết, tình cảm và nghĩa vụ, mối quan hệ qua lại giữa con người với thiên nhiên, gia đình và nhiều vấn đề khác)”.[3]

Chân trời văn học Nga hiện đại xuất hiện những nhà văn nữ tài năng và rất khác nhau như Ludmila Petrushevskaya, Tatiana Tolstaya, Ludmila Ulitskaya, Viktoria Tokareva và những người khác – điều này đã làm cho vấn đề “văn học nữ” là gì và nó hoà vào bối cảnh văn học hiện đại nói chung như thế nào trở nên mang tính thời sự. Xuất hiện những hình thức phong phú, đa dạng của “văn xuôi nữ”, trong số đó, được sử dụng nhiều hơn cả là các thể loại tiểu thuyết tình cảm tâm lý xã hội, tiểu thuyết sinh hoạt, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu luận.

Có thể xem tính chính luận, tính thời sự, tính biểu cảm mạnh trong văn xuôi nữ là đặc tính của hiện đại. Một đặc điểm nổi bật nữa là: trong tác phẩm của các nhà văn nữ, những vấn đề gắn với ước mơ, hạnh phúc, tình yêu và tuổi thơ có ý nghĩa rất lớn. Xuất hiện kiểu nhân vật mới và hiện thực mới, một thế giới nghệ thuật không lặp lại. Hệ vấn đề mới và thi pháp mới giúp tạo nên những tác phẩm trong đó người phụ nữ trở thành nhân vật chính, chứ không chỉ là hiện thân của tư tưởng tác giả. Ngày nay có thể nói rằng, chính nhờ những phẩm chất nghệ thuật cao, văn xuôi nữ của Nga đã nổi lên như một hiện tượng rất quan trọng của văn học hiện đại, thu hút sự quan tâm sâu sắc của độc giả và giới phê bình.

Những đề tài chủ yếu của văn xuôi nữ bao trùm các vấn đề gia đình, sự đối lập tuổi thơ với cuộc sống của người lớn, đề tài “thiên đường bị đánh mất”, sự tìm tòi ý nghĩa cuộc đời, mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội, những vấn đề “con người nhỏ bé”. Như nhà văn Ludmila Ulitskaya phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, rằng: “Thế giới đàn ông và thế giới phụ nữ là những thế giới khác nhau. Chúng có thể giao thoa với nhau ở một số chỗ, nhưng không hoàn toàn trùng nhau. Trong thế giới phụ nữ, có ý nghĩa quan trọng hơn là những vấn đề gắn với tình yêu, gia đình, con cái”.[4]

Môtíp ngôi nhà, gia đình là trung tâm của sáng tác Ludmila Ulitskaya. Như nhà nghiên cứu M.Zolotonosov viết: “Bản chất các tác phẩm của bà là mọi thứ trong chúng thường xuyên dao động giữa loại tiểu thuyết gia đình (theo kiểu mẫu thế kỷ XIX) và tiểu thuyết mang tính chất văn hoá pop hiện đại của phụ nữ, trong đó thể hiện “những ước mơ phụ nữ” và liệt kê những nỗi đau và khát vọng điển hình. Ulitskaya cải biến hình thức tiểu thuyết cô điển cho phù hợp những thói quen “tiêu dùng dễ dãi”, dịch ngôn ngữ cổ điển sang ngôn ngữ văn hoá hiện đại”[5]

Tiểu thuyết “Medea và các con” của Ulitskaya đụng tới không chỉ những mối liên kết gia đình, mà cả những mối liên kết sâu sắc của con người nói chung, những mối liên kết củng cố những quan hệ muôn đời. Nhà văn khai phá đề tài sự tồn tại của phụ nữ trong bối cảnh các thời đại lịch sử thay đổi nhanh chóng. Như nhà phê bình T.Rovenskaya nhận xét, tiểu thuyết này là một trường hợp hiếm hoi đối với văn học nữ hiện đại, khi nhà văn không chỉ chọn một người phụ nữ làm nhân vật chính, mà còn đưa tên bà vào nhan đề tác phẩm. Nhà nghiên cứu tin rằng, “…theo ý đồ của nhà văn, nhan đề tác phẩm là để nói trước khi các trang truyện của bà lên tiếng. Bởi thế khó có thể lý giải rằng việc Ulitskaya chon cho nhân vật mình một cái tên gợi nhiều tầng ý nghĩa văn hoá, có nguồn gốc từ nhân vật nữ huyền thoại Medea trong sử thi Corinth, là một sự ngẫu nhiên. Nhưng Medea của Ulitskaya không những không có những nét hận thù dữ dội, mà còn không có cả con cái. Bà không giết các con của mình, mà tập hợp quanh mình các con cháu của những anh chị em đông đảo của bà. Cuộc sống của Medea xoay vần quanh ngôi nhà và gia đình – là những thứ cấu thành nên sự tồn tại của bà. Sự tồn tại đó là một mô hình mang tính biểu tượng của thế giới phụ nữ, mà nhà văn muốn tái dựng theo cách của riêng mình”.[6] Tiểu thuyết của Ulitskaya nổi bật trên nền của những tác phẩm văn học hiện đại viết về đề tài gia đình, nơi các tác giả viết chủ yếu về sự tan rã của gia đình, về những gia đình không bền vững hay không đầy đủ, về việc những mối quan hệ bị phá vỡ như thế nào. Medea của Ulitskaya trở thành linh hồn, trung tâm thống nhất cả đại gia đình.

Một điều mà các tác phẩm của Ludmila Petrushevskaya quan tâm là vấn đề “những người cha” và “những người con”, vấn đề vĩnh cửu về sự kế thừa các thế hệ. Các nhà phê bình cho rằng nhà văn thể hiện trong sáng tác của mình sự khủng hoảng trầm trọng của gia đình như một định chế xã hội: “Tình huống bi kịch nơi Petrushevskaya luôn vạch trần sự lệch lạc của các quan hệ giữa người với người, đặc biệt trong gia đình hay giữa đàn ông và đàn bà, sự không bình thường và bệnh hoạn của những quan hệ đó nhất định sẽ dẫn các nhân vật của bà đến sự tuyệt vọng và cảm giác cô độc không thể vượt qua nổi”[7]

Viết với nhiều thể loại khác nhau, Petrushevskaya giải quyết nhiệm vụ nghệ thuật chủ yếu: nhà văn theo dõi quá trình biến dạng của nhân cách dưới ảnh hưởng của môi trường, cố gắng khám phá thế giới nội tâm của con người hiện đại, mô tả con người đó trong những hoàn cảnh sống hết sức phức tạp, trong những diện mạo hết sức khác nhau – từ rất quen thuộc đến rất dị thường khó tin. Đặc điểm đó của văn xuôi Petrushevskaya càng trở nên rõ rệt đối với độc giả sau khi đọc truyện vừa “Groznaya nhỏ bé” – một tác phẩm cũng nêu lên vấn đề gia đình theo một cách rất riêng.

Nhân vật nữ chính của truyện đã đuổi các con mình ra khỏi nhà để giữ gìn tổ ấm gia đình. Để giữ tài sản của gia đình, không cho ai bán đi căn hộ 150 mét vuông của chung tất cả mọi người, bà đã thể hiện một sự kiên quyết lạ thường: đuổi đứa con trai cả ra khỏi nhà cùng cô vợ đang mang bầu, đuổi đứa con trai út bị bại liệt không cho mang theo thậm chí cả chiếc chăn để đắp chân, không cho hai đứa trẻ mồ côi mất nhà vào năm đói 1944, vốn là các con gái người bạn thân nhất của chồng, bước chân vào cửa, v.v… “Các nhân vật của Petrushevskaya sống cuộc sống khó khăn, bất hạnh, những điều kiện sinh tồn làm cùn tình cảm của họ. Thế giới của Petrushevskaya quả thực là một “thế giới của mặt trái”, bệnh hoạn và u ám, không được tô vẽ bởi những cảm xúc cao thượng và những hứng khởi tinh thần. Các nhân vật của Petrushevskaya thường khiếm khuyết về thể chất hay bị bệnh tâm thần; chính nhờ sự trợ giúp của các nhân vật này mà nhà văn vạch ra sự thiếu hoàn thiện của thế giới, chính cái gọi là “sự sai lệch chuẩn mực” theo kiểu Chekhov có thể cho phép nhìn thấy được một cách rõ ràng hơn và bao quát hơn bản thân “chuẩn mực”.[8]

Đối với các tác phẩm của Tatiana Tolstaya, rất tiêu biểu là cách đặt vấn đề liên quan đến những câu hỏi về tồn tại, những đề tài “vĩnh cửu” về điều thiện và cái ác, về sự sống và cái chết, về sự lựa chọn đường đi, những mối quan hệ qua lại với những người xung quanh, ý thức về bản thân và về thiên chức của mình.

Liên quan với điều này, rất đáng chú ý là ý kiến phát biểu của V.Slavina, người đã nhận xét rằng rất rõ nơi Tolstaya là nỗi buồn thương cho những giá trị nhân văn trong nghệ thuật bị đánh mất. Theo nhà phê bình, đó là một trong những dấu hiệu đầu tiên của sự trở lại của văn học Nga về với chân lý tinh thần và cuộc sống của nó.[9]

Đặc trưng cảm quan thế giới của Tolstaya làm nên sự thống nhất giữa những văn bản chính luận và những văn bản nghệ thuật của nhà văn. Hầu như tất cả các nhà nghiên cứu đều nhận ra rằng các nhân vật của Tolstaya thường là những kẻ mộng mơ, lơ lửng giữa hiện thực và thế giới của những ước vọng không thể đạt tới. Ở phương diện này, hai tác phẩm “Ô vuông” và “Ngày phụ nữ” được xây dựng theo mô hình giống nhau. “Có thế giới tuyệt diệu của ước mơ, nơi mọi thứ đều hài hoà và không có một chút khiếm khuyết nào về thể chất, về tinh thần, về tình yêu song phương và về thức ăn. Cái thiên đường thần tiên đó đối lập với hiện thực thực dụng thô thiển và đê hèn, không khác gì địa ngục. Bởi sự hài hoà thần linh không thể đạt tới được, nên đành phải thích ứng với hiện thực”[10]

Lập trường tác giả của Tolstaya thể hiện trong sự lựa chọn các nhân vật – người kể chuyện và sự nghịch dị của những cách nhìn thế giới. Các tác phẩm của bà thường phô bày một cách trào phúng sự vô nghĩa, phi lý của nhiều phương diện cuộc sống, nhưng đồng thời cho thấy cả tầm cao của những lý tưởng đạo đức của dân tộc Nga (các tiểu luận “Ô vuông”, “Cái thây chính”, “Những khuôn mặt không thích hợp”, tiểu thuyết “Mèo hoá cáo”, các truyện ngắn “Đêm”, “Sonia”, “Vòng tròn”).

Tatiana Tolstaya ở trong hàng ngũ của những nhà văn thuộc một xu hướng văn học Nga hiện đại, trong đó tổng hợp những đặc điểm của cả chủ nghĩa hiện thực lẫn chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại.

Văn xuôi nữ phản ánh những nét đặc trưng của nghệ thuật hiện đại, tổng kết những kiếm tìm thẩm mỹ của cả thế kỷ XX. Với những thử nghiệm nghệ thuật và những khám phá về phong cách, nó cho thấy triển vọng của văn hoá tương lai. Văn xuôi nữ phản ánh hành trình đầy khát khao đau đớn để kiếm tìm lý tưởng, bởi vì đó là ý nghĩa chính yếu của sáng tạo nghệ thuật nơi mỗi người nghệ sĩ ngôn từ chân chính. Mọi con đường khám phá loại hình sáng tạo nghệ thuật nữ giới đều giúp thâm nhập sâu sắc hơn vào bản chất sáng tạo nữ giới, điều cũng là nhiệm vụ của khoa học hiện đại về văn chương. Nghiên cứu đặc trưng văn xuôi nữ sẽ tạo điều kiện cho nó tiếp tục khẳng định và phát triển trên tiến trình văn học.

Nguồn: Akhmetova G.D. (chủ biên), Khoa học ngữ văn hiện đại: kỷ yếu hội thảo quốc tế (thành phố Ufa, 4/2011), 2011, trang 21-22.

I.G. Zumbulidze [11]

Trần Thị Phương Phương dịch

_________________

[1] Meleshko T., Văn xuôi nữ nước nhà: những vấn đề thi pháp trên phương diện giới, Giáo trình chuyên đề, Kemerovo, 2001, trang 8.

[2] Slavnikova O., “Cô ấy, người viết văn, hay Viên thuốc cho trí óc”, Tạp chí Tháng Mười, 2000, số 3, trang 173.

[3] Gavrinlina O.V., “Cảm xúc về tự nhiên như một trong những phương thức tạo hình tượng nhân vật nữ trong văn xuôi nữ”. Tin tức Đại học Tổng hợp Leningrad mang tên Pushkin, 2009, số 2 (26), trang 107.

[4] Ulitskaya L., “Tôi tiếp nhận mọi thứ được ban cho” (trả lời phỏng vấn), Tạp chí Những vấn đ văn học, 2000, số 1, trang 230.

[5] Zolotonosov M., “Người đàn ông mơ ước của nàng”, Tin tức Moskva, 13 tháng hai năm 2004, trang 7.

[6] Rovenskaya T.A., “Tiểu thuyết của L.UlitskayaMedea và các convà truyện vừa của L.PetrushevskayaGroznaya nhỏ bé”: kinh nghiệm sáng tạo huyền thoại mới của nữ giới”, Adam và Eva. Niên giám lịch sử giới tính, Moskva 2001, số 2, trang 20.

[7] Leiderman N.L., Lipovetsky M.N., Văn học Nga hiện đại, Moskva 2001, tập 3, trang 113.

[8] Chernyak M.A., “Bút pháp nữ trong văn xuôi hiện đại”, Văn học Nga hiện đại, Moskva, Forum, 2010, trang 178.

[9] Slavina V.A., “Văn học hiện đại trong cuộc kiếm tìm lý tưởng”, Tạp chí Giảng viên, 2005, số 2, trang 40

[10] Benevolskaya N.T., Tatiana Tolstaya và chủ nghĩa hậu hiện đại (Những nghịch lý sáng tác của Tatiana Tolstaya), Saint Petersburg, 2008, trang 33.

[11] Ia Guramovna Zumbulidze là một nhà nghiên cứu văn học trẻ, phó giáo sư, tiến sĩ ngữ văn của Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia mang tên A.Srereteli (Gruzia). Bài viết của cô là tham luận tại hội thảo quốc tế do Tạp chí Nhà khoa học trẻ (Molodoi ucheny) tổ chức tại thành phố Ufa (Nga) với chủ đề “Khoa học ngữ văn hiện đại” (4/2011). Nhà khoa học trẻ là tờ tạp chí tháng xuất bản ở Nga bằng hai thứ tiếng Nga và Anh, chủ yếu dành cho các nhà nghiên cứu trẻ (nghiên cứu sinh các bậc thạc sĩ, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học) thuộc nhiều lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn. Hơn 2500 bài viết của các tác giả đến từ trên 20 nước (Nga, các nước thuộc SNG, Trung Hoa, Đức, Pháp, Thuỵ Điển, v.v…) đã được đăng trên tạp chí này (số liệu năm 2010). Trang web chính thức của tạp chí là http://www.moluch.ru/


Nguồn: Văn nghệ Trẻ.