Hình ảnh Văn Thùy khó mà lẫn được vào đâu được. Nếu như ai gặp ông chắc chắn sẽ được phát ngay một tập thơ chép tay photo có tên đơn vị xuất bản là “Hợp tác xã Hồn Rơm”, tên tập thơ và thời điểm ấn hành tùy theo cảm hứng của tác giả. Và mặt sau của tập thơ còn chua thêm: “Chuyên chế tạo ca dao – Sản xuất thơ sạch – Nguyên liệu cổ truyền – Ngôn ngữ dân gian – Bền cùng trí nhớ – Kiểu dáng độc nhất…”. Và nếu như may mắn thì trong tập thơ ấy sẽ còn được đọc một bản di chúc của tác giả.

Văn Thùy có cái vẻ lãng đãng hồn thi sĩ rất điển hình, mà là lãng đãng trời sinh chứ không phải thứ lãng đãng cố ý làm duyên làm dáng. Mọi thứ dường như đều nằm ngoài thế giới của ông, để một mình ông độc diễn trên sân khấu, khóc cười đắng ngọt. Dù đã gặp, đã vỗ vai bá cổ nói chuyện thơ phú với Văn Thùy thì đừng nghĩ như thế đã là chỗ thân thiết, gặp lại mà Văn Thùy còn nhớ người ấy là ai thì đúng là chuyện lạ. Thế nhưng dù không nhớ thì ông cũng chẳng xa lạ, quan cách gì, bởi với ai ông cũng đã như quen. Người ta chẳng thể biết ông ở đâu, từ đâu đến, và đến để làm gì. Một mớ tóc xù xịt buột túm, một chiếc bóp da cũ xỉn quàng ngang hông, một chiếc kính với hai mắt to tổ bố đối kịch với gương mặt gầy như que cùng sợi dây đeo nhuộm màu năm tháng vắt qua sau gáy. Hơn thế, ở đầu một bên gọng còn được buộc bằng một đoạn dây cước thò đuôi xoăn tít. Phản ứng thông thường của một một kẻ bình thường khi nhìn thấy Văn Thùy là trong đầu rất dễ nảy ra câu hỏi “ở đâu ra cái giống này nhỉ?!”, cho đến khi cái dáng lòng lòng ấy đã khuất dạng thì vẫn cứ băn khoăn “cái giống này ở đâu ra nhỉ…”. Không thế mới là lạ!

Có lần, sáng sớm tinh mơ đã thấy Văn Thùy mò đến Nhà xuất bản Quân đội nhân dân khi bảo vệ vẫn còn đang ngái ngủ. Ông vào xin được rửa mặt nhờ ở vòi nước rửa xe của cơ quan rồi ngồi chờ đến giờ làm việc để lên phòng Văn nghệ… làm việc. Có lần, vào dịp giáp Tết ông đến Nhà xuất bản Quân đội bày ra một xấp giấy dó đủ màu và bút lông mực tàu ngồi… viết thư pháp. Các cô biên tập viên từ các phòng bu lại xem, mỗi người xin một chữ, thế là Văn Thùy làm không hết việc. Rồi người nọ rỉ tai người kia, từ các phòng khác mọi người cũng kéo sang xem vây đen đỏ quanh một ông già tóc tai bù xù quỳ mọp trước sảnh sản xuất thư pháp như đám xem chọi gà. Chữ thư pháp của Văn Thùy cũng thật đặc biệt, nó không giống bất cứ một nhà thư pháp nào. Mỗi năm gần Tết ông lại chiếm một ô trên phố thư pháp Văn Miếu ngồi ngự. Câu “nét chữ nét người” trong trường hợp Văn Thùy rất đúng, những con chữ cũng gầy còm, run rẩy, te tua hệt như chủ nhân của nó vậy. Ngoài viết thư pháp ông còn tranh thủ bán những tập thơ viết tay đóng xén be bé. Cách bán cũng chỉ có một, người yêu thơ ông bán mười nghìn, kẻ ghét thơ sẽ phải mua với giá hai mươi nghìn. Ấy thế mà cũng khối người tò mò cúi xuống lật giở những tập thơ có một không hai được bày bán tại Văn Miếu. Chả hiểu ông có bán được tập thơ nào không, nhưng ai đọc cũng thấy tủm tỉm, hết nhìn thơ lại nhìn trộm tác giả.

Văn Thùy chơi rặt một thứ thơ lục bát. Đa phần trong những tập thơ tự xuất bản của ông là những câu, những đoạn lục bát ngắn, trong đó chủ yếu về nhân tình thế thái, về thói đời, và ở những câu thơ ấy chất tự trào đậm đặc trong từng câu chữ. Với những người lăm le đọc thơ mình, Văn Thùy đã có một lưu ý như “hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”: Trót ăn bả giọng điệu xưa/ Thích nghe gai góc xin chừa tôi ra. Thơ ông không phải là thứ lục bát rưng rưng, đó là những vần thơ đậm hồn quê không phải theo kiểu “thương Đông nhớ Đoài” mà là những câu thơ vừa nghịch ngợm, vừa ngông ngạo. Ông đã tự sự về thơ mình: Lẻn vào cửa Khổng sân Trình/Véo câu lục bát tụng kinh ghẹo rùa… Đọc thơ Văn Thùy, sau cái bông phèng câu chữ, sau cái cười cửa miệng, người ta bỗng ngẩn ra mà ngẫm ngợi, rồi đắng lòng thừa nhận “sao mà đúng thế”. Đó là những chiêm nghiệm, đúc kết của một kẻ đã đi đến cuối cuộc đời: Bóng ta đổ dưới chân ta/ Cả đời không bước nổi qua bóng mình. Hay những tự sự đầy thi sĩ: Bây giờ tôi chẳng giống tôi/ Ngày đi săn nắng đêm ngồi bẫy trăng… Tình yêu trong thơ Văn Thùy cũng độc đáo vô cùng, cái cách “bênh vực” Thị Mầu của ông có lẽ phải khiến cô Mầu đỏ mặt: Phải tay tớ gặp Thị Mầu/Không sưng đầu mõ, cũng nhầu vú chuông/Yêu đương chìm đắm là thường/Biết bao mù quáng con đường tìm nhau/Cuộc tình xanh chín bao lâu/Mà bia miệng tạc Thị Mầu đa đoan…

Về ngoại hình khá “dị biệt” của mình Văn Thùy đã viết: Làm thơ khổ cái thân chưa/ Răng thiếu lục bát, mồm thừa thất ngôn. Ai đã từng gặp tác giả của những vần thơ này hẳn phải bật cười về độ chuẩn xác của nó. Bởi nếu đưa nguyên một bức chân dung của ông để họa sĩ Còm biếm họa thì tôi cam đoan Nguyễn Hữu Khoa cũng phải bó tay vì nguyên mẫu đã hội tụ đủ những yếu tố… biếm họa rồi.

Tuy vẫn còn khỏe mạnh, đi lại thun thút giữa Hưng Yên – Hà Nội nhưng Văn Thùy lại lo… viết di chúc từ rất sớm. Thực ra đều là những bài thơ mượn giọng người cha dặn dò con cái, người thân để tự trào. Đến năm nay Văn Thùy đã có tất cả mười di chúc thơ, di chúc sau là chỉnh lý, bổ sung của di chúc trước. Mở đầu bản di chúc thơ ông đề: “Gửi em ruột, em nuôi, em họ. Gửi con ruột, con nuôi, con họ. Gửi vợ ruột, vợ nuôi, vợ họ. v.v…”. Bản di chúc được mở màn bằng những lời “đánh võng” ỡm ờ: Vài mươi năm nữa bố đi/Thuận theo cung số tử vi của giời/Rủi ro sống mãi thì thôi/May mà chết sớm nghe lời bố đây:/- Cấm mâm cao, cỗ phải đầy/(nói thôi chứ của nhà này đâu ra!)/- Tăng mếu máo, giảm rên la/(chết dân cũng kín như là chết vua)/Sinh thời bố khỏe bông đùa/Tang gia phải tếu không thua đám nào/Những bài đăng báo ồn ào/Cho làm bùa sớ tầm phào yểm ma… Còn việc cúng bái được ông dặn dò: Cúng gà con chớ vặt lông/Thắp hương xong lại nhốt lồng mà nuôi. Và còn nhiều những “hướng dẫn” độc đáo khác cho đám tang sẽ diễn ra của ông. Yêu lục bát đến mức ở một trong những di chúc thơ của mình Văn Thùy đã dặn dò: Mai sau về cõi hư vô/ Đốt câu lục bát gió mưa gọi hồn.

Bao nhiêu năm miệt mài đi tặng thơ của “Hợp tác xã Hồn Rơm”, đến năm 2008 tập thơ của Văn Thùy có tên “Điệu ru của mẹ” đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in trang trọng, nhưng ông cũng vẫn thích tặng thơ thủ công tự sản xuất hơn. Và những câu thơ lục bát ám ảnh của Văn Thùy có lẽ cũng vẫn được người ta nhớ đến qua nét chữ viết tay của chính tác giả. Bởi đó là phong cách riêng của Văn Thùy.

Nguồn: PHONGDIEP.NET

Exit mobile version