Tặng sách là một hành động đẹp đẽ, đáng trân trọng và có lẽ không còn xa lạ trong giới văn chương. Nhưng sách tặng cũng cần phải có giới hạn để giá trị thực sự của sách được tôn lên.

Sách tặng bị giảm giá trị vì… thơ!

Vào cái thời sách hiếm hoi cách đây mấy chục năm thì sách tặng vô cùng quý giá. Cho đến nay, khi việc ra sách đã vô cùng dễ dàng, số lượng đầu sách đã không ngừng tăng lên một cách chóng mặt thì sách được tặng vẫn là món quà quý của người cầm bút đối với bạn bè đồng nghiệp.

Khi một tác giả in sách, bên cạnh việc được chi trả nhuận bút thì có khoảng dăm cuốn sách biếu. Thường số sách biếu này không đủ để tác giả tặng những đối tượng thân thiết. Vì thế, muốn có thêm sách tặng người cầm bút phải trích một phần nhuận bút để mua sách của chính mình!. Tất nhiên, khi tác giả mua lại sách của mình thì giá cũng được ưu đãi hơn so với độc giả thông thường.

Như thế để thấy phải mất hàng năm trời người cầm bút mới viết xong một cuốn sách, nhuận bút thu về cũng không đáng là bao, chỉ bằng 1/10 so với giá bìa nên thường phải là người thân thiết với tác giả thì mới nằm trong danh sách được tặng sách.

Tuy nhiên, việc tặng sách đang dần bị giảm đi giá trị bởi sự mất giá của những tập thơ mới xuất bản trong những năm gần đây. Theo đó, tác giả in thơ vừa phải tự bỏ tiền túi ra in, vừa phải tự phát hành. Nói là phát hành cho oai chứ thực ra số tác giả ký gửi thơ ở các cửa hàng sách và bán được không đáng là bao so với người làm thơ, có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn chủ yếu là mang đi tặng. Tặng bạn bè thân thiết, tặng những nơi có thể “gửi gắm” sự đánh giá, viết bài giới thiệu trên báo chí đã đành. Nhưng ngần ấy đối tượng tặng vẫn không hết số sách đã in nên có khi người mới quen, người chưa thân thiết, người không rõ có yêu thơ không, có hợp gu với tạng thơ mình không… cũng được tặng.

Cũng phải nói thêm rằng, việc in thơ dễ dãi, chỉ cần bản thảo không vi phạm các vấn đề chính trị, thuần phong mĩ tục… và tác giả lo được kinh phí nên không ít tập thơ ra đời chỉ là sự lấy oai chứ chưa, không, hoặc rất ít giá trị nghệ thuật. Những đối tượng này luôn có xu hướng gia tăng và góp thêm phần vào sự mất giá của thơ, dễ dãi của việc tặng sách và vạ lây cho các tác giả lao động con chữ miệt mài.

Còn độc giả, dần dần hình thành thói quen, thích tập thơ của tác giả nào thì chỉ cần xin tác giả. Tác giả không những không đắn đo mà có khi còn vui mừng, tưởng có người tri kỷ yêu mến mà tìm đến và chả có lý do nào từ chối tặng thơ.

Thơ không bán được. Thơ được tặng tập thể, được phát miễn phí.

Tác giả viết văn xuôi thì đỡ hơn. Nhưng không phải ai cũng trở thành tên tuổi đủ sức đảm bảo “phơi mặt” ra hiệu sách mà thu về lợi nhuận, hoặc chí ít là đủ vốn cho nhà xuất bản. Vì thế, cũng không hiếm tác giả văn xuôi phải chịu cảnh bỏ tiền ra in sách và chấp nhận lấy nhuận bút bằng sách. Nhuận bút được trả bằng sách dao động từ hàng chục đến hàng trăm cuốn. Khi nhận được nhuận bút kiểu này thì tác giả cũng phải tìm cách chia cho người khác bằng cách duy nhất là… tặng!

Sự luẩn quẩn này hình thành cái gọi là “lạm phát tặng” tác phẩm văn học, khiến một bộ phận độc giả không quý trọng sức lao động nghệ thuật của người cầm bút.


Phố sách Tết Bính Thân thu hút hàng nghìn lượt người tới đọc và mua sách (ảnh VK)

Cả độc giả và tác giả cần thay đổi

Ngay từ những tập thơ đầu tiên, một trong những nhà thơ trẻ kiên quyết nói không với sách tặng là Vi Thùy Linh. Vi Thùy Linh sẵn sàng mời bất cứ ai mua thơ của mình, rồi ký tặng, thậm chí tặng thêm quà nhưng nhất quyết phải trả tiền cho tập thơ. Quan điểm của Vi Thùy Linh thời ấy không hẳn nhận được sự đồng tình tuyệt đối từ phía đồng nghiệp cũng như độc giả. Thậm chí có người còn nói rằng sợ gặp nhà thơ trẻ này vì rất có thể khó từ chối việc mua thơ của chị.

Còn nhớ trong một ngày hội sách ở Hà Nội độc giả đã chen chúc xô đẩy nhau chỉ vì thông tin được tặng sách miễn phí bất kể quyển sách ấy có nội dung gì, mình có nhu cầu đọc thật sự hay không. Điều này chứng tỏ tâm lý thích được cho không sách nằm ở số đông chứ không riêng lẻ một hai trường hợp.

Nhiều tác giả sau khi hân hoan khoe hình hài cuốn sách mới của mình trên trang cá nhân bên cạnh những lời chúc mừng từ bạn bè đồng nghiệp là những “gợi ý” từ xa đến gần, từ ý tứ bóng gió xa xôi đến trắng đen rõ ràng, nào là có thể tặng, bán trả góp, tập hợp đủ bộ sưu tầm, hoặc chuyển file word, post dần lên mạng… cho độc giả được không?. Có tác giả lặng im không trả lời để những câu hỏi đó tự rơi tõm vào khoảng không. Nhưng cũng có tác giả thẳng thừng, xin lỗi tôi chỉ có vài bản để tặng vài người rất thân, nếu ai muốn đọc có thể ra hiệu sách để mua.

Tác giả trẻ Huyền Lê từng thành thật rằng thấy rất buồn mỗi khi nhận được lời đề nghị post chương này chương kia của một cuốn sách vừa rời nhà in lên mạng để độc giả được đọc miễn phí. Tác giả trẻ này nhẹ nhàng mà thâm thúy: “Nếu các bạn thích đọc nó, muốn đọc nó thì xin hãy mua sách về đọc chứ ai lại đi đọc “chùa” như thế! Bạn biết, để viết được một cuốn sách, dù hay hay dở… bản thân tác giả cũng phải nai lưng ra lao động chứ đâu có thảnh thơi gì đâu. Nếu, xác định đăng lên mạng cho vui thì không sao, nhưng đã in thành sách thì bất kỳ tác giả nào cũng mong muốn sách mình được các bạn mua hơn là ngồi rung đùi chờ có link “chùa” trên mạng để đọc. Việc các bạn mua sách cũng là một cách trân trọng thành quả lao động của tác giả, cũng là cách gián tiếp “trả công” cho người phục vụ các bạn đấy chứ! Đời này, có ai đi làm mà không thèm nhận công đâu!!!… Đó, thế nên, các bạn iu quý! Nếu không thích thì thôi, đừng quan tâm, đừng ngó ngàng, nhưng nếu đã thích thì đừng làm tan nát trái tim, cảm hứng, và niềm yêu thích của tác giả nữa! Làm ơn! Đừng đọc “chùa”“.

Hiện nay một số người cầm bút đã tuyên bố… nói không với sách tặng!. Ngay cả bạn bè thân thiết có tặng sách thì họ cũng sẽ bỏ tiền theo đúng giá bìa để trả lại cho tác giả. Có thể việc “sòng phẳng” này sẽ khiến tác giả phật lòng vì cho rằng chả nhẽ “không thể tặng bạn được một cuốn sách”. Đã đến lúc, vì sự tôn trọng lao động con chữ các tác giả cũng phải thích nghi dần với ứng xử văn minh như thế này ngay từ bạn bè thân thích. Thử đặt giả thiết, đến một thời điểm nào đó, tất cả các cuốn sách đến được tay độc giả đều không phải do tặng thì có lẽ các nhà văn mới sống được bằng nghề cầm bút.

Một giả thiết hơi xa vời, nhưng nếu không thay đổi được suy nghĩ từ tác giả đến độc giả thì cái sự xa vời ấy không có cơ hội được rút ngắn mà có nguy cơ trở thành viễn tưởng, viển vông.

Theo Hiền Nguyễn – báo điện tử Tổ quốc

Exit mobile version