Nhà văn Uông Triều

Tôi có cảm giác văn chương hiện nay đang “hoang mang” , không biết đi thế nào cho đúng hướng, tránh được quá tiêu cực hoặc thiên lệch. Tuy vậy, văn chương vẫn như một làn sóng ngầm âm thầm xói sâu vào tâm hồn người đọc, vẫn lay động thức tỉnh con người trước cái các, cái xấu.

Cho đến giờ đọc lại những tác phẩm của các nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao… trong việc chống tiêu cực và xuống cấp đạo đức chúng ta không khỏi tự giật mình. Là người viết trẻ, anh nghĩ gì về vai trò của văn học trong việc chống tiêu cực và xuống cấp đạo đức?

Uông Triều: Tôi nghĩ văn chương có giá trị tự thân trong việc điều chỉnh hành vi đạo đức xã hội. Đọc “Mất cái ví” của Nguyễn Công Hoan ta thấy giật mình vì thói ti tiện vì đồng tiền gây nên, con người ta đôi khi có thể chỉ vì vài đồng bạc lẻ mà trở lên nhỏ nhặt, tầm thường, liệu có lúc nào ta đã từng đối xử với người thân giống như “ông cháu” với “ông cậu” như thế không. Văn chương nhắc nhở ta điều ấy, nó cũng gợi mở ra một viễn cảnh mà ta có thể gặp phải, hay từng phải đỏ mặt xấu hổ vì phạm một điều tương tự. Văn chương có ý nghĩa thức tỉnh tâm hồn người đọc, nhà văn có thể phơi bày ra cái các, cái xấu, những thứ mà có khi trong cuộc sống ta chỉ lờ mờ nhận ra nhưng khi đưa vào văn học thì ra rõ ràng hơn, sắc nét hơn. Liệu khi đọc xong “Chí Phèo”, những người dân ở làng Vũ Đại có cảm thấy đôi chút day dứt, khi từng có những ứng xử đôi chỗ bất nhẫn. Đọc “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng tự thấy giật mình. Nhà văn chua cay, cười cợt, độc giả thì đau xót, nghĩ ngợi. Tôi nghĩ văn học không bao giờ mất đi ý nghĩa tự thân của nó, đó là thức tỉnh con người, cảnh báo những hành động, ý nghĩ tiêu cực của xã hội, đôi khi khiến người ta chùn tay trước cái ác. Tôi nghĩ, ví dụ như ai đó đã từng đọc “Tội ác và hình phạt” của F. Doxtoevxki, thấy kẻ sát nhân phải chịu vô số những dằn vặt vô cùng ghê gớm, tinh thần hoảng loạn, gần phát điên lên thì nếu có cơ hội thực hiện điều ác, có thể anh ta sẽ nản lòng chăng?

Nhìn nhận về những tác phẩm chống tiêu cực  và xuống cấp đạo đức hiện nay, theo anh chúng đã thực sự phát huy được vai trò trong đời sống hay chưa? Vì sao?

Uông Triều: Tôi nghĩ chống tiêu cực đôi khi nhà văn phải phô bày ra một bức tranh màu tối để người đọc tự nhìn thấy mà suy ngẫm. Nhà văn không cần phán xét mà người đọc vẫn cảm thấy những “bản án” trong đó. Ví như trước đây khi đọc “Không có vua” của Nguyễn Huy Thiệp, tôi thấy rùng mình, người ta có thể tàn nhẫn và tha hóa đến mức ấy ư. Sự khiếp sợ từ những lời cảnh báo ấy khiến con người sẽ không dám phạm vào những điều ác, ví như ai dám biểu quyết để giết cha của mình, anh em đối xử với nhau không khác chi hàng tôm, hàng cá. Đôi khi chúng ta cứ nói phải ca ngợi cái đẹp, cái thiện nhiều quá, nhưng khi “lật mặt” được cái xấu, cái ác, làm cho nó trơ chẽn, ai nấy cũng tìm cách tránh xa, cũng là một cách để tôn vinh cái đẹp, dành khoảng trống cho cái đẹp, cái thiện phát triển. Tôi nghĩ, những tác phẩm văn học phơi bày được cái xấu xa của con người, cảnh báo và trừng phạt cũng là một cách hạn chế cái xấu phát triển, nhưng liều lượng thế nào còn là tài nghệ của nhà văn. Tôi có cảm giác văn chương hiện nay đang “hoang mang” trước thể tài này, không biết đi thế nào cho đúng hướng, tránh được quá tiêu cực hoặc thiên lệch. Tuy vậy, văn chương vẫn như một làn sóng ngầm âm thầm xói sâu vào tâm hồn người đọc, vẫn lay động thức tỉnh con người trước cái các, cái xấu.

Làm thế nào để văn chương chống tiêu cực không bị sa vào lối văn chương minh họa?

Uông Triều: Văn chương thể hiện cái hồn cốt, cái hiện thực đã qua lăng kính nhà văn, còn nếu cứ bê nguyên vào e rằng thô lậu, một chiều. Nỗi đau phải ngấm sâu hơn, gợi hơn, cũng không cần “dạy dỗ”, tuyên ngôn gì hết, văn chương tự thân đã có ảnh hưởng, không cần thêm gia vị tuyên truyền. Nhà văn không cần là một nhà giáo dục, nhà văn là người truyền cảm xúc, như thế mới tự nhiên, suy tưởng. Nếu câu chuyện đã được thấm đấm trong trí não, được chắt lọc và đau đáu qua nhiều tầng, nhiều lớp. Nó sẽ mất đi tính minh họa một chiều.

Vấn đề đặt ra là làm sao để mỗi người viết ý thức về trách nhiệm của mình trong việc chống tiêu cực, xuống cấp đạo đức bằng chính tác phẩm mình viết ra?

Uông Triều: Tôi nghĩ nhà văn không nhất thiết phải gương ngọn cờ này, ngọn cờ kia. Cứ cảm nhận những điều mình chiêm nghiệm sâu sắc mà viết, đôi khi lột vỏ những chỗ tăm tối mà vẫn hướng tới ánh sáng nhân văn. Viết về cái thiện hoặc cái ác cũng không quá quan trọng, điều quan trọng là sau những dòng chữ ấy là sự rung cảm, ám ảnh để đôi lúc người ta phải nghĩ lại mình, làm như thế có đúng không, có đáng không, có cần thiết phải tàn nhẫn, độc ác như thế không. Chỉ cần vọng lên được một câu hỏi trong lòng người đọc về cái ác, cái xấu, ti tiện là tác phẩm đã thành công rồi. Người ta đôi khi cứ thần thánh hóa nghề nghiệp của mình, nhà văn chỉ cần hoàn thành trách nhiệm công dân và những đòi hỏi về nghề nghiệp chuyên môn của mình, thế là quá đủ.

Xin cảm ơn anh

PVVNT thực hiện


Ý KIẾN NGẮN

Nguyễn Thế Hùng: Không thiếu tác phẩm hay về chống tiêu cực và xuống cấp đạo đức.

Thời gian qua văn chương chống tiêu cực thường ngả về hai hướng một là cực đoan quá, hai là tô hồng quá theo lối văn chương minh hoạ, lỗi này cũng chính vì…không có tài, muôn sự do cái tài mà ra cả. Nói như vậy không có nghĩa là thời gian qua không có các tác phẩm hay về chống tiêu cực và xuống cấp đạo đức. Tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tiểu thuyết Đàn trời của nhà văn Cao Duy Sơn hay một số tiểu thuyết và truyện ngắn của nhà văn Ma Văn Kháng thời gian gần đây đều là những tác phẩm hay, đi vào vi phẩu các vấn đề, bắt đúng bệnh và có cả toa thuốc chữa, điều cơ bản là có ai dám uống thuốc hay không khi mà văn hoá đọc lại đang xuống cấp như hiện nay.

Đọc lại các tác phẩm của các nhà văn như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố…  đến nay vẫn còn thấy hay, còn có tính thời sự cao. Từ tác phẩm soi vào đạo đức và lối sống của chính các nhà văn đó ta thấy như là một điều tất yếu, họ đã sống trong sạch, thanh cao, khẳng khái… Cái tâm sáng, cộng với tài năng lớn, họ đã cho ra đời những tác phẩm văn chương đỉnh cao. Tôi may mắn khi về VNQĐ được tiếp quản phòng làm việc của nhà văn Lê Lựu, một nhà văn mà tài năng và đạo đức đáng để cho mình học tập và giờ đây về công tác tại VNCA lại đang được ngồi làm việc trong phòng cũ của nhà văn Nguyễn Công Hoan, hàng ngày mở cửa thấy bức tượng đồng của ông trên tủ vẫn…mỉm cười như khích lệ cũng như diễu cợt mình. Và tôi thường nghĩ: Tài năng là trời cho, còn chọn cách sống, thái độ sống là do mình. Muốn viết các tác phẩm chống tiêu cực và xuống cấp đạo đức thì trước tiên nhà văn phải không tiêu cực và không xuống cấp đạo đức cái đã. Sống như thế nào thì viết như thế ấy, chẳng có tác phẩm nhân văn nào được viết ra từ ngòi bút của một tên bất nhân, bất nghĩa, bất tín… Tôi tin vào điều ấy.

Hoàng Hải Lâm: Hội Nhà văn phải là đơn vị đi tiên phong

Một bộ phận không nhỏ (con người) đang bị chệch hướng đạo đức. Họ không hãm phanh! Người hãm phanh dùm cho họ tay đã vấy nhớt hoặc là vết luyn của cuộc đời. Người trắng tay (tay sạch) vẫn có nhưng chưa đủ cho một hành trình xuống dốc của đạo đức từng con người, gia đình, nhà trường và của cả xã hội.

Văn học – như một con người – cái tôi giả dụ, hiện nay đã sa vào lối văn chương chống tiêu cực minh họa.

Lật trở những trang báo chống tiêu cực và xuống cấp đạo đức mới thấy rằng điều đó thực sự khó khăn đối với văn học hiện nay. Báo chí làm được một cách rõ ràng với số lượng đồ sộ còn văn học chỉ rãi rác và chỉ đếm được đầu ngón tay.

“Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư “được” lôi ra kiểm điểm vì “được” cho là nói xấu quê hương và tác giả thuộc trong nhóm được tham gia học tập lý luận chính trị, trau dồi đạo đức phẩm chất, nâng cao ý thức trách nhiệm của người cầm bút!

“I am đàn bà” của Y Ban bị thu hồi. Vì Sex? Cũng phải thôi, từng có một nhà văn chủ bút của một tờ báo văn học lớn có lời phát khi đọc truyện của một tác giả 9X phát biểu rằng “đặc biệt trong truyện ngắn của C.T.A không có sex”! Đã hẳn, sex theo nghĩa này không trong sáng. Sex! Cần coi nó như một thực đơn trong bửa ăn hàng ngày.

Cái tôi giả dụ ngoái đầu nhìn lại, từng có một tầng lớp nhà văn đi trước như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Phạm Duy Tốn… đã phản ánh những tiêu cực và sự xuống cấp đạo đức của con người, của xã hội một cách xuất sắc, rõ nét như kiểu gọi tên chỉ mặt từng người. Đã có một cuộc bút chiến về “dâm hay không dâm”… Văn học hiện nay thì không.

Phải chăng xã hội của chúng ta bây giờ không có những Ông quan phụ mẫu “sống chết mặc bay”? Phải chăng xã hội bây giờ không có những tên Chí Phèo hay lão cường hào, Bá Kiến? Phải chăng xã hội của chúng ta bây giờ không có những anh chàng Xuân Tóc đỏ, không có Cụ Cố Hồng, không có những ả làm đĩ?

Nếu không có, thì đạo đức xã hội làm sao xuống cấp mà lại là xuống cấp từ nhiều con đường khác nhau?

Còn nếu có thì tại sao văn học không phản ánh được?

Trở lại chuyện báo chí và văn học. Trong khi báo chí phanh phui từng thực thể tiêu cực trong xã hội có phầm êm thấm thì trong văn học mới chỉ có mấy nét chấm phá minh hoạ cũng đã được ưu tiên đưa vào xem xét kiểm điểm. Thơ còn bị “làm khó” kiểu văn xuôi cái tôi ở đây nghỉ rằng dễ bị xử trảm lắm!

Các nhà văn có tài, hay chí ít đủ sức để viết về vấn đề này một cách nghiêm túc hiện nay không thiếu. Nhưng nếu viết xong, viết ra rồi cơ quan ngôn luận nào đẩy được chúng lên mặt giấy? Nếu tác phẩm viết ra có chất lượng mà không được đăng trên những trang chính thống kiểu như làm khai sinh cho con ngoài giá thú; hoặc giả không còn là con mình nữa vì chúng được gọt đẽo…

Hội Nhà văn phải là đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực chống tiêu cực và xói mòn đạo đức xã hội. Các báo chí chuyên san về văn học cũng cần mạnh dạn làm “số đặc biệt” riêng cho chuyên mục này.


Vũ Anh (ghi)

Nguồn: Vannghetre