Sau khi phương án thay môn học lịch sử bằng một môn học khác đã không được chấp nhận, trong những ngày qua dư luận đã ít nhiều lắng xuống. Rất nhiều nhà khoa học, nhà văn lên tiếng phản đối.

 

Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng: “Với yêu cầu của giáo dục phổ thông, môn học nào cũng quan trọng, nhưng xét về chức năng giáo dục thì các môn quốc ngữ, quốc văn, quốc sử và toán học là cơ bản nhất, hay còn gọi là cốt yếu, cốt lõi nhất và đều mang tính bắt buộc”. Trong khi đó, lại một số ý kiến lên tiếng bênh vực ý tưởng tích hợp này khi cho rằng cần được sắp xếp lại, có thể tích hợp ở một vài cấp học… Nhưng có lẽ, khi tất cả đã lắng xuống, vẫn còn đó những băn khoăn khi giữa văn chương và lịch sử có một mối liên hệ khăng khít. Hay nói cách khác, lịch sử chính là một phần của văn chương.

Văn chương vốn nằm trong “khối” nguyên hợp của văn-sử-triết bất phân. Thậm chí, nhà bác học Lê Quý Đôn từng nhận xét rất cụ thể về sự gắn bó mật thiết này: “Tư Mã Thiên, Ban Cố, làm sử, chỉ cứ sự thật mà chép, chứ không có ý làm văn, cho nên hay. Tống Kỳ thì có ý lấy sử làm văn, cho nên văn không hay”.  Cho đến khi, văn chương thực sự trở thành một hình thái ý thức độc lập, nói cách khác, văn chương nghệ thuật đã trút bỏ được gánh nặng “hành chức” thì vẫn còn đó những yếu tố lịch sử nằm trong những điển cố, nhan đề, hình ảnh, cảm hứng. Thi hào Nguyễn Du từng đưa vào kiệt tác Truyện Kiều rất nhiều điển tích, Thơ mới mang hơi thở của thời đại “mưa Âu, gió Mỹ” nhưng vẫn có những Tiếng địch sông Ô, Điêu tàn của Chế Lan Viên, hay ở thể kịch là Vũ Như Tô

Trong suốt một chặng đường dài từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 và đến giai đoạn đổi mới, những trận đánh, những sự kiện lịch sử vẫn là đề tài của các nhà văn, nhà thơ. Chiến tranh là một phần của lịch sử làm thay đổi quan niệm, cách viết của các nhà văn thế hệ cũ và hình thành nên lớp nhà văn mới. Điều đặc biệt là, với những nhà văn trẻ tuy không được sống trong chiến tranh, được tiếp cận trực tiếp với những nhân vật lịch sử nhưng vẫn có những cái nhìn rất mới mẻ, có chiều sâu về tư tưởng. Những tiểu thuyết lịch sử như: “Phùng Vương” của nhà văn Phùng Văn Khai; “Cánh chim kiêu hãnh” của Đỗ Bích Thúy chính là một bằng chứng hùng hồn cho điều đó.

Nhưng dường như đang có sự mâu thuẫn giữa nhu cầu nhận thức lại lịch sử, hâm nóng lại lịch sử bằng những trang viết, bằng việc được đọc những trang viết và bi kịch của môn sử trong nhà trường. Nhất là khi, những công thức vật lý, hóa học, sinh học… dần được thay thế bằng các bài thi trắc nghiệm, nghiễm nhiên, môn sử thành rào cản suy nhất để học trò đến với những cổng trường đại học mà các em mơ ước. Vậy giá trị của môn lịch sử trong từng hoàn cảnh cụ thể có sự khác biệt hay chính môn sử cần phải tự thay đổi trong bối cảnh mới?

Câu trả lời thật đơn giản. Chúng ta cần có lịch sử, nhớ tới lịch sử bởi xuất phát từ chính nhu cầu được tiếp thu những bài học kinh nghiệm, sức mạnh truyền thống và giá trị nhân văn sâu sắc. Thiết nghĩ, chẳng có trang sử nào của bất kì một quốc gia nào trở nên tẻ nhạt khi từng ngày dân tộc ấy phải vượt qua những thử thách, gian lao, vượt qua chính mình. Chỉ có điều, khi phải lắng nghe những người truyền đạt những tri thức lịch sử với vốn tri thức, tư liệu nghèo nàn, hạn chế về tư duy khái quát vấn đề và không chỉ ra được sự liên hệ chặt chẽ giữa câu chuyện của hôm qua và hôm nay, học trò sẽ tự thấy môn sử trở nên nhàm chán. Phải chăng, thay vì đăt ra việc tích hợp môn sử điều cần thiết là nên mở rộng và phát triển môn học này để tạo nên sức hút với người học. Lịch sử cần được đầu tư mạnh mẽ, cần gắn văn chương và lịch sử. Khi mọi nhận thức lịch sử chỉ dừng lại ở ghi nhớ máy móc những địa danh (thậm chí đã thay đổi tên gọi) những trận đánh đã lùi vào quá khứ mà không gắn với sự suy ngẫm, chiêm nghiệm thì sẽ không thể có chỗ đứng trong lòng người. Dường như, sinh mệnh của lịch sử cũng ảnh hưởng không nhỏ tới văn chương. Cũng như, không thể có những tác phẩm hay nếu chỉ xoay quanh những tâm sự nỗi niềm của một nội tâm đơn giản, những ủy mị đơn lẻ của cá nhân. Bởi thế, bề dày tri thức lịch sử sẽ mãi là hành trang của các nhà văn, các nhà nghiên cứu văn hóa, lí thuyết lịch sử văn chương có thể mang theo trên hành trình sáng tạo của mình để có những tác phẩm thực sự chinh phục được lòng người.

Theo Phương Mai – Văn học quê nhà

Exit mobile version