Bài tham gia diễn đàn “Dạy và học Văn”: HỌC VĂN – HỌC ĐỂ LÀM NGƯỜI

Đặt vấn đề:

Là một giáo viên Văn đứng trên bục giảng hơn 40 năm, tôi khẳng định rằng: Môn Văn và môn Toán trong nhà trường phổ thông là hai môn quan trọng nhất. Song, hiện nay học sinh chỉ phần lớn chú trọng học Toán Lý Hóa để thi khối A là chủ yếu. Còn việc học Văn trong nhà trường phổ thông cũng như ở đại học đang đứng trước những thử thách, trái với những kỳ vọng của chúng ta về môn Văn. Ở đại học, môn “Tiếng Việt thực hành” nhiều sinh viên khoa Tự nhiên rất thờ ơ, chỉ học qua loa, đối phó thi cử. Còn sinh viên khoa Ngữ văn rất lười đọc sách, ít tự học với tư duy sáng tạo, phần lớn sao chép lại các giáo trình trên mạng hoặc bài giảng của thầy để đưa vào bài làm, luận văn. Đặc biệt những bài viết về Nghị luận xã hội rất yếu, vì nhiều em ít tìm hiểu thực tế, ít giao lưu với bạn bè, thầy cô, ít tham gia các hoạt động xã hội… Và khi ra trường nhiều em rất “ngơ ngác” trước thực tế cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Vì thế, trước hết nên xác định “học Văn là học để làm người”.


Trong một lần nói chuyện với sinh viên đại học, nhà thơ Chế Lan Viên đã tâm sự: “Học thơ, thơ từ cổ chí kim, của bất cứ ai, đáng gọi là thơ, học kịch, học văn và học cả những gì dường như văn chương không bao giờ đụng tới”. Bể học là mênh mông và học văn thì “không có nấc thang cuối cùng”. Và sách đã giúp chúng ta mở ra những “chân trời mới”. Nhưng “Văn chương có loại đáng thờ và không đáng thờ. Loại không đáng thơ là loại chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ loại chuyên chú ở con người” (Nguyễn Văn Siêu). Vậy, việc chọn lựa những gì giúp cho việc học văn, học làm người là điều rất đáng suy ngẫm…

Mấy năm gần đây Bộ GD-ĐT đã có nhiều cải cách về chương trình, sách giáo khoa, cải tiến phương pháp giảng dạy, thi cử… thu được một số kết quả bước đầu, tuy vẫn còn nhiều bất cập. Song, hiện nay đa số học sinh, sinh viên không thích học Văn, ít thi vào lớp văn ở các trường THPT chuyên, ít đăng ký thi Đại học- khối C (năm 2011 TP Hồ Chí Minh chỉ có 1,8% số thí sinh đăng ký thi khối C, Hà Nội có 4,3%)

Ở đây có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan về phía xã hội, thời đại và người dạy người học. Nào là khó khăn về chương trình văn vừa cũ vừa quá tải, nào là tìm việc làm của sinh viên khối C sau khi tốt nghiệp ra trường rất khó. Nếu tìm được việc làm thì lương cũng “ba cọc ba đồng”. Nào là phương pháp dạy Văn của các thầy cô còn nặng nề, luôn sợ “cháy” giáo án. Và đời sống giáo viên Văn nhìn chung là “cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu). Ở bài viết nhỏ này tôi xin nêu vài thiển ý về Dạy văn và Học văn:

Trước hết phải vun đắp tình yêu văn chương:

Điều quan trọng của việc học Văn cũng như học các bộ môn khác là lòng đam mê, yêu thích. Riêng với môn Văn điều này cực kỳ quan trọng. Cố nhà thơ Xuân Diệu đã nói: “Mỗi áng văn là một cá lội, con bướm bay, con chim hót. Việc nghiên cứu thơ văn là phải đưa vào trái tim người đọc cái kỳ diệu của chim hót, bướm bay, cá lội, chứ không phải làm cho bướm ép dẹp, chim nhồi rơm và cá chết khô”.

Một thực tế mà không ai chối cải là lâu nay các em ít mặn mà với môn Văn, vì nhiều em không cảm được nó hay ở chỗ nào. Điều đó có lý do ở người dạy. Nhiều thầy cô quên mất đặc trưng của văn chương, dạy văn mà cứ như dạy chính trị, giáo dục công dân hay sử, địa. Suốt 45 phút không thấy có một lời bình văn,không khai thác được những “điểm sáng thẩm mỹ” của hình tượng văn học. Quanh đi quẩn lại chỉ thầy trò vấn đáp rời rạc, rồi nếu có màn hình vi tính thì cho các em xem vài cảnh đẹp thiên nhiên, con người, tác giả, tác phẩm…Học sinh ra khỏi lớp là quên tất cả.

Sở dĩ đã mấy chục năm trôi qua mà lớp nhà giáo đã nghỉ hưu như chúng tôi vẫn còn nhớ như in những giờ Dạy văn của một số thầy hồi còn học cấp II, cấp III hay Đại học, chính là nhờ những phút giây được “thăng hoa” cùng lời bình văn của các thầy. Những giây phút đó trí tưởng tượng của chúng tôi được “bay lên” cùng những vần thơ giàu tính họa, tính nhạc, hoặc được sống với những nhân vật trong văn xuôi, kịch. Một lời bình hay, đúng lúc, đúng chỗ sẽ nâng cao giá trị thẩm mỹ của bài văn, bài thơ, khơi dậy ở trái tim non trẻ của các em tình yêu người, yêu đời để các em biết ghét cái ác, cái xấu mà hướng tới chân, thiện, mỹ.

Hồi còn đi dạy tôi đã cố gắng tập ngâm thơ, tập đọc diễn cảm đối với văn xuôi, kịch, các thể thơ, hoặc tập hát các làn điệu dân ca, đôi khi còn ghi âm lại, mở băng cho các em nghe, rồi tu sửa cho tới khi ưng ý. Tất cả các bài thơ và những đoạn văn xuôi, đoạn kịch hay chúng tôi đều thuộc lòng. Đã có một thời các cụ đồ Nho gọi dạy văn là bình văn thông qua cách đọc diễn cảm. Trong phong trào Đông kinh nghĩa thục trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, các buổi diễn thuyết người ta thường xen vào việc bình văn để thu hút người nghe:

Buổi diễn thuyết người đông như hội

Kỳ bình văn khách tới như mây.

Nói vậy không có nghĩa là bảo thủ theo lối dạy và học Văn truyền thống, thiên về bình văn và “tầm chương trích cú” của các cụ đồ Nho xưa. Lúc đó, người ta quan niệm: Văn chương là điểm quy chiếu của triết học, lịch sử, đạo đức… là một thứ giáo lý “văn sử bất phân”, “văn triết bất phân”, “văn dĩ tải đạo”. Các loại sách như: Tam tự kinh, Sơ học vấn tân, Ấu học ngũ ngôn thi, cho tới Tứ thư, Ngũ kinh… đều được phải học thuộc lòng, nhớ suốt đời theo sách mà thầy đã giảng. Vì vậy lối dạy và học khoa cử ấy hạn chế rất nhiều đến sự suy nghĩ độc lập sáng tạo của học sinh.

Tuy nhiên, nhiều người đã vượt qua rào cản của lối học ấy thoát ra khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc của văn chương cổ Trung Hoa và tạo nên những tác phẩm lớn mang bản sắc dân tộc. Đó là các nhà văn hóa, nhà thơ, nhà văn lớn, như: Trương Hán Siêu, Cao Bá Quát, Trần Thái Tông, Nguyễn Trãi, Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Lê Qúy Đôn, Phan Huy Chú, Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… mà đỉnh cao Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều.

Ngày nay việc dạy và học Văn luôn đổi mới theo tinh thần cải cách giáo dục. Trong dạy và học Văn, học trò được đưa lên vị trí thứ nhất. Người thầy chỉ làm “đạo diễn” đứng sau “sân khấu”, ở vị trí thứ hai để chỉ đạo còn học trò được đưa lên vị trí chủ động để tự tìm hiểu, khám phá bài văn. Thầy không cảm thụ thay cho trò, mà chỉ gợi mở dẫn dắt… đó là điều đáng khuyến khích. Một bài thơ, bài văn có nhiều tầng nghĩa chìm, nổi khác nhau, tùy trình độ mỗi em mà có cách cảm thụ, phát hiện cái hay cái đẹp của nó hoặc những mặt còn hạn chế. Đó là cách “Đọc – Hiểu” tác phẩm, cách dạy “Nêu vấn đề” của thầy để đông đảo học sinh tham gia xây dựng bài “đồng sáng tạo” cùng tác giả, tác phẩm. Tuy nhiên ở cách dạy này người thầy phải đầu tư rất nhiều cho bài giảng: Đọc kỹ tác phẩm, dự kiến những tình huống phát sinh, soạn hệ thống câu hỏi kiểu “trắc nghiệm”, phần viết “tự luận” 5 đến 7 phút để kiểm tra sự cảm thụ và hiểu biết của học sinh. Thầy Vũ Anh Khuyến – nguyên trưởng bộ môn Văn trường TPPT Chuyên Lý Tự Trọng thành phố Cần Thơ, cho biết: “Theo tinh thần mới dạy văn theo phương pháp “tích hợp và đọc- hiểu” ba trong một (nghĩa là qua bài văn vừa dạy văn chương, vừa dạy ngữ pháp và tập làm văn), nếu thầy và trò không chuẩn bị tốt ở nhà để xâm nhập tác phẩm, tác giả thì khi lên lớp với 45 phút rất lúng túng, dễ “cháy” giáo án mà học sinh không nắm được bài giảng. Một tác phẩm dài 5 đến 10 trang SGK chỉ đọc thôi cũng hết trên 10 phút Vì vậy việc giảng cái gì, phần nào phải là trọng tâm phần nào lướt đều phải “cân đo đong đếm”. Đặc biệt hệ thống câu hỏi phải phong phú phù hợp với các đối tượng học sinh giỏi, khá, trung bình: Có câu hỏi phát hiện, câu hỏi phân tích, liên hệ, câu hỏi dạng mở, câu hỏi quy nạp, khái quát hoặc câu hỏi diễn dịch… Mỗi giáo viên cần phải có một “ngân hàng câu hỏi” cho mỗi thể loại thơ, truyện, ký, kịch…”

Học văn là phải đọc văn:

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và sự ứng dụng rộng rãi các phương tiện nghe nhìn của công nghệ thông tin vào đời sống đã tạo ra những biến đổi đa dạng trong nhu cầu thị hiếu của con người. Văn hóa nghe, nhìn đang lấn át văn hóa đọc. Hứng thú đọc của các em đang chịu sự chi phối của tâm lý xã hội, hệ thống thẩm mỹ của thời đại. Phim chưởng, truyện tranh, truyện trinh thám, băng đĩa… đã hút các em xa dần các tác phẩm văn học. Mặt khác một số tác phẩm văn học chọn đưa vào SGK chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ hiện nay của học sinh. Có những tác phẩm không còn đáp ứng được đòi hỏi của lịch sử, xã hội hiện nay nữa.

Hiện tại nhiều học sinh không có thói quên đọc sách in. Nếu có đọc thì chỉ đọc các trang blog, web trên mạng internet. Thậm chí một số thầy cô cũng chưa đọc hết những tác phẩm có trong chương trình mà chỉ đọc những đoạn trích, nhất là những tác phẩm văn học nước ngoài. Ví dụ: Học đoạn trích: “Uy- lit- xơ trở về” mà chưa được đọc sử thi “Ô- đi- xê” của Homer thì làm sao thấy được tâm trạng của Uy- lít- xơ. Học “Hồi trống cổ thành” (hồi 28) mà chưa đọc “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung thì làm sao hiểu được một phần tính cách của nhân vật Quan Công, Trương Phi. Học “Hoàng hạc lâu” của Thôi Hiệu mà không đọc thơ Đường, thơ Tống thì làm sao cảm được hết cái hay của nó. Chỉ bốn câu Nguyễn Du tả tiếng đàn của Thuý Kiều buổi đầu đánh cho Kim Trọng nghe mà người dạy không đọc “Tì bà hành” của Bạch Cư Dị thì làm sao thấy được cái tài “vay mượn” rất khéo léo và sáng tạo của Nguyễn Du trong việc tả tiếng đàn trực tiếp hay gián tiếp…

Nếu không đọc – hiểu sâu về tác phẩm thì không thể hiểu hết được cái hay cái đẹp của tác phẩm. Chúng ta hãy cố đọc diễn cảm bài thơ, bài văn đó cho tốt. Đọc lần thứ nhất chỉ là “bì phu” (mới sờ tới phần “da” của tác phẩm), đọc lần thứ hai hiểu thêm một tầng nghĩa nữa, là cách đọc “cốt nhục” (hiểu được xương, thịt của tác phẩm), và đọc đến lần thứ ba là cách đọc “hút tuỷ” (hiểu được những phần tinh túy nhất của tác phẩm và ở ngoài tác phẩm do sự liên tưởng đem tới). Đánh giá cao vai trò đọc văn, GS-TS Trần Đình Sử đã đưa ra đề nghị với Bộ Giáo dục- Đào tạo “Theo tôi gọi môn văn trong nhà trường là môn dạy đọc văn là đúng nhất và sát nhất” (Báo Văn Nghệ số 46- ra ngày 17- 11- 2007). Tuy nhiên nhận định trên theo tôi, mới chỉ là điều kiện “cần nhưng chưa đủ”, còn nhiều điều phải bàn thêm. Song, trò không được đọc tác phẩm, hoặc có tác phẩm mà không biết cách đọc thì khó thẩm thấu được cái hay, cái đẹp của tác phẩm ấy. Còn thầy dạy Văn do phải làm thêm để “kiếm sống” nên thời giờ dành cho đọc tác phẩm cũng rất eo hẹp mà chỉ có sách Giáo khoa và sách Giáo viên (sách hướng dẫn soạn, giảng bài) làm “cẩm nang”. Điều đáng buồn là hiện nay “văn hóa đọc” của sô đông giáo viên và học sinh đang xuống cấp một cách đáng báo động.

Học văn và học nhiều điều trong cuộc sống:

Nhà văn Mác-xim-Gorky (người Nga), có nói: “Văn học là nhân học”. Ở đây ta có thể hiểu “văn tức là người” và suy rộng ra học văn cũng là để hiểu con người, để làm người và hiểu cuộc sống, và còn là sự khám phá đối với bản thân mình nữa. Còn thầy “dạy văn” cũng là “dạy người”, để các em “Biết lẽ phải, biết yêu thương, căn giận/ Biết đi tới và làm nên thắng trận” (Tố Hữu). Đôi khi văn chương đem đến cho ta sức mạnh về tinh thần hơn cả sức mạnh vật chất. Những bức thư trong “Quân trung từ mệnh tập” của Nguyễn Trãi, theo Phan Huy Chú “có sức mạnh hơn mười vạn tinh binh”.

Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:

Thơ đong từng ngao nhưng tát bể

Làm cái cân nhỏ xíu lại cân đời.

Và “Đời cần thơ như cần hồn chiến trận/ Cần tiếng sáo thổi lòng thời đại/ Cần giao liên dắt dẫn qua đường”.

Nhà thơ Nga Raxun Gamzatop trong tác phẩm “Thơ ca”, có đoạn viết:

… Có công việc làm hẳn có lúc ngừng tay

Có cuộc hành trình hẳn có mươi phút nghỉ

Thơ là việc nghỉ ngơi vừa là việc đầy lao lực

Thơ vùa là chỗ dừng chân, vừa là cuộc hành trình

Thơ vừa là bài hát ru ngây ngất đầu giường thơ bé

Như ước mơ mùa xuân như khát vọng chiến công.

Tôi yêu thơ và thơ liền hiển hiện,

Thơ đã sinh ra, tình yêu cũng đến cùng

Khi tôi nhỏ thơ giống như bà mẹ

Khi lớn lên thơ lại giống người yêu.

Chăm sóc tuổi già thơ sẽ làm con gái

Lúc từ giã cõi đời, kỉ niệm hóa thơ lưu

Có lúc thơ như trái núi cao không thể tới,

Có lúc thành cánh chim sà đậu xuống lòng tay…

Nhà văn lấy chất liệu từ cuộc sống và con người, và qua hư cấu, tưởng tượng làm nên tác phẩm văn học như con ong hút ngàn vạn bông hoa để làm nên mật ngọt cho đời. Tác phẩm đến với người đọc qua kênh “cảm thụ”, qua các thao tác phân tích, giải thích, chứng minh, bình luận theo một định hướng nào đấy của người thầy sẽ tác động đến bản thân học sinh và cuộc sống. Tác giả xây dựng những hình tượng văn học, còn người đọc sẽ giải mã những “hình tượng” đó theo một cách riêng, đôi khi trái ngược hay đồng điệu, hoặc cùng sáng tạo với tác giả.

Biết bao điều hay và dở của cuộc sống ùa vào tác phẩm qua sự chọn lọc của nhà thơ, nhà văn. Người đọc sẽ tìm thấy ở mỗi trang viết bao điều kỳ diệu của thế giới tự nhiên, xã hội, và cả tâm linh nữa. Nhưng “cuộc sống là một trường học lớn”. Vì vậy, học sinh cần phải học bao điều ngoài sách vở. Tục ngữ có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là thế. Phải “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Phải sàng lọc lấy những cái hay, cái đẹp, cái tốt mà học, chứ không phải thấy cái gì cũng “bắt chước”. Kiến thức của tiền nhân ở đông tây, kim cổ là một kho vô tận làm sao ta có thể học hết được. Vì vậy rất cần phải sàng lọc.

Kết luận:

Cả thầy và trò hãy tự thổi bùng ngọn lửa văn chương trong trái tim của mình trước cuộc đời, và trước mỗi trang sách là để mở ra trước mắt ta một chân trời mới với bao điều tốt đẹp. Khi dạy Văn, học Văn hãy gác lại tất cả những gì là “phiền muộn và lo lắng” để tác phẩm thăng hoa. Muốn thế, trước hết, chúng ta phải có lòng yêu và tự hào về tiếng Việt, về nhân dân và Tổ quốc:

“Tiếng tha thiết nói thường như hát

Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh

Như gió nước không thể nào nắm bắt

Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình, quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình”.

Lê Xuân

(Nguyên giáo viên Văn trường THPT chuyên Lý Tự trọng TP Cần Thơ)

 

Nguồn: yume.vn

Exit mobile version