Có một nhà đạo diễn điện ảnh, hình như là Lê Hoàng trên truyền hình thì phải, sau sự ra đời của bộ phim ăn khách ‘Những cô gái chân dài’, đã có lần phát ngôn trên truyền thông đại chúng một nhận xét đậm màu hiện thực : “Phim không có đàn bà thì đếch ai xem!”. Cái hay của câu nói khẳng định đó không phải là ở cái thật của sự thế, hay ở từ ‘đếch’ bụi bậm, mà chính là ở hai tiếng ‘đàn bà’ được nói ra trong một ngữ cảnh mà nếu dùng hai tiếng cùng nghĩa khác thay thế thì câu nói xem chừng sẽ trở nên nhạt nhẽo, mất đi phần nào cái hay của một sự thật, ví thử ‘Phim không có phụ nữ thì đếch ai xem!’. Điều này cũng như khi đọc tên phim : ‘Người đàn bà nghịch cát’ người ta còn tò mò muốn xem, chứ nếu tên phim là ‘Người phụ nữ nghịch cát’ thì chắc số khán giả sẽ giảm đi một nửa (!). Hai tiếng ‘đàn bà’ nghe thật dễ chịu, nó như nốt nhạc cứ ngân nga, ngân nga … trong tâm trí người nghe. Một cánh đồng bát ngát, một hương thơm dịu dàng, một vầng trăng dịu êm, một dòng suối mát lạnh, một hơi ấm nồng say…Đàn bà là nước, đàn ông là bùn. Không biết có nhà ngôn ngữ Việt nào đã nghiên cứu về hai từ ‘đàn bà’ ? Nó ra đời như thế nào? Vì sao trong các văn bản hành chính lại chỉ dùng từ ‘phụ nữ’ mà không dùng từ ‘đàn bà’, vì từ ‘đàn bà’ kém sang trọng ư ? Hay vì từ ‘phụ nữ’ gốc Hán, từ ‘đàn bà’ gốc Việt?
Với văn chương, thì từ xưa đến nay ‘đàn bà’ luôn là một biển cả mênh mang cho nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác. ‘Đàn bà’ là 50% thế giới thực, nhưng‘đàn bà’ đã làm nên 90% kiệt tác văn chương của mọi thời đại – đó là một sự thật khó mà chối cãi ! Không ai yêu văn chương có thể quên được tiểu thuyết ‘Bà Bovary’ của nhà văn nổi tiếng người Pháp Gustave Flaubert khi nói về ‘đàn bà’ trong văn chương thế giới. Flaubert bắt đầu viết ‘Bà Bovary’ vào năm 1851, đến năm 1856 ông hoàn thành và cho in thành sách năm 1857. Kiệt tác ‘Bà Bovary’ có lẽ là một trong tiểu thuyết hiện thực lãng mạn đầu tiên viết về ‘đàn bà’ theo đúng nghĩa của từ này, nó đã tạo nên một ‘làn sóng đàn bà’ chấn động xã hội Pháp thời đó với vụ án mà Flaubert và tiểu thuyết của ông là bên bị cáo. Thật hiếm có một người ‘đàn bà’- một hình tượng văn chương – lại phải hầu tòa của đời thực. Cả xã hội sục sôi vì người ‘đàn bà’ văn chương và nàng đã trắng án nhờ một sự thật đơn giản : nàng là một người ‘đàn bà’ ! Cái tên riêng ‘Bovary’ đã đi vào ngôn ngữ Pháp, đẻ ra danh từ chung ‘bovarisme’ (chủ nghĩa Bovary ) là như vậy. Làm sao có thể quên được hình ảnh Emma Bovary áo trắng mỏng manh chân trần chạy băng qua cánh đồng sương mù lạnh buốt, cô đơn tê tái đến với tình yêu mà nàng khao khát. Emma Bovary đã cựa quậy, giãy giụa để thoát khỏi cuộc sống nghẹt thở bao vây quanh nàng, cuộc sống mà chính Flaubert nguyền rủa và đã vạch trần trong tiểu thuyết của mình. Đứng bên hình ảnh Emma Bovary – người ‘đàn bà’ – và trước cái chết đau đớn của nàng, những gã đàn ông và cả xã hội Pháp thời bấy giờ trở nên tầm thường nhạt nhẽo vô cùng !
Trước Flaubert, năm 1833, nhà văn hiện thực vĩ đại người Pháp, một trong những nhà văn lớn nhất của thế giới – Honore De Balzac – người hiểu biết sâu sắc về tâm lý ‘đàn bà’ – đã cho ra đời tác phẩm ‘Ogieni Grangde’, mà theo nhiều nhà nghiên cứu văn học đánh giá ‘suýt trở thành kiệt tác’. Lại một người ‘đàn bà’ nữa – Ogieni Grangde – đã đi vào văn chương nhân loại. Nhưng trái hẳn với sự nổi loạn của Emma Bovary , Ogieni Grangde là một người ‘đàn bà’ hiền lành, lặng lẽ, gần gũi thân thương như bao người ‘đàn bà’ trên thế giới này. Nàng bị đè nặng dưới cái bóng của người cha Grangde – một cái tên đã trở thành một tính từ (gờ-răng-đê), ít nhất là trong ngôn ngữ Việt .
Nói về những người ‘đàn bà’ trong các kiệt tác văn chương Pháp, ta không thể không nhắc tới đại văn hào Victor Hugo với những người ‘đàn bà’ mang tên Phăng–tin, Cô-dét, đã làm say mê không biết bao thế hệ độc giả trên toàn thế giới và quá đỗi quen thuộc với các độc giả Việt nam với tiểu thuyết ‘Những người khốn khổ’ (Les Misérables) nổi tiếng. Hugo còn tặng cho văn chương thế giới cô gái Bohémiens xinh đẹp bất hạnh mang tên Esméralda làm nghề múa rong trong tác phẩm ‘Nhà thờ Đức Bà Paris’ (Notre-Dame de Paris) mà qui mô đồ sộ không kém gì kiệt tác ‘Những người khốn khổ’ như một định mệnh văn chương của văn hào người Pháp. Ta cũng không thể quên nàng Stéphanette xinh đẹp – một ngôi sao bé nhỏ thanh tú nhất từ bầu trời sao lấp lánh lạc đường xuống đậu trên vai chàng chăn cừu ở xứ sở Luberon thuộc dãy núi Alpes – trong truyện ngắn như mơ ‘Những vì sao’ của Alphonse Dauet. Và ’nhiều nữa, nhiều nữa… những người ‘đàn bà’ đã làm rạng rỡ nền văn chương cổ điển Pháp. Họ đã sống mãi qua mọi thời đại nhờ văn chương mặc dù thời đại của họ đã qua đi lâu rồi, nhưng con người vẫn thế …
Không chỉ trong văn chương Pháp, những người ‘đàn bà’ còn xuất hiện đầy cảm hứng trong nền văn chương Nga đặc sắc. Cũng như nàng Bovary của Pháp, Anna Karênina – một người ‘đàn bà’ quý tộc Nga cũng đã vượt qua biên giới nước Nga để đến với nhân loại qua tiểu thuyết mang tên nàng của đại văn hào Lev Tolstoi sáng tác năm 1877. Không biết Tolstoi có lấy cảm hứng từ nàng Bovary của Flaubert hay không, nhưng có một sự giống nhau đến kỳ lạ về thân phận ‘đàn bà’ giữa Bovary và Anna Karênina, dù hai nàng sống trong hai dân tộc khác nhau, trong hai xã hội khác nhau, trong hai tầng lớp hoàn toàn khác nhau. Tình yêu lứa đôi, tình mẹ-con, khát vọng tự do… – những thứ tồn tại muôn đời trong những người ‘đàn bà’ mỏng manh như những cánh hoa, trong như những giọt sương buổi sớm – khiến họ đi vào văn chương muôn thuở. Cái chết oan nghiệt của Anna Karênina và Emma Bovary mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm của hàng triệu triệu độc giả trên toàn thế giới, khiến chúng ta càng hiểu thêm về những người ‘đàn bà’ sinh ra trên cõi đời này như một định mệnh. Cũng từ Tolstoi, chúng ta còn được biết đến những người ‘đàn bà’ mang tên Natasha, Marya trong tiểu thuyết ‘Chiến tranh và hòa bình’ nổi tiếng. Mỗi người một thân phận, một hoàn cảnh éo le,một tính tình không thể trộn lẫn, nhưng họ đều là những điển hình của những người ‘đàn bà’ của chiến tranh và hòa bình muôn thuở …
Rất sơ lược chỉ cốt để gợi nhớ về một vài người ‘đàn bà’ trong trong vô vàn những người ‘đàn bà’ của hai nền văn chương cổ điển lớn trên thế giới đã ảnh hưởng sâu đậm đến sự phát triển (trong quá trình hội nhập phương Tây từ ép buộc đến tự giác) của văn chương Việt nam trong thế kỷ vừa qua đi.
Còn những người ‘đàn bà’ Việt xuất hiện trong văn chương Việt nam từ xưa đến nay là những ai?
Chắc chắn đầu bảng phải nhắc đến là hai nàng Kiều của thi hào Nguyễn Du : “Đầu lòng hai ả tố nga / Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân”, bởi ‘Truyện Kiều còn thì nước Nam còn’ (Trần Trọng Kim). Có ai nói Kiều đến từ Trung hoa thì hãy hỏi những người ‘đàn bà’ Việt nam chân lấm tay bùn trên mọi miền quê đất nước, hãy hỏi những người đã được lớn lên từ những lời ru của mẹ để trưởng thành hôm nay, hãy hỏi chính trái tim mình… Thật đáng buồn cho đất nước của những lời ru cứ mất dần đi cùng những người ‘đàn bà’ gọi là hiện đại với điện thoại di động bấm luôn tay mọi nơi mọi lúc. Nàng Kiều và những lời ru tắc ngẹn trong lễ hội triền miên, nàng Kiều hình như chỉ còn lại trong tâm tưởng của các nhà nghiên cứu (!). Có một thời gian người ta đã giảng Kiều rất hay trong các trường học, nhưng kỳ lạ hơn vẫn là Kiều trong lời ru của những người ‘đàn bà’ quê mùa một nắng hai sương trên võng tre kẽo kẹt trong bóng râm mát rượi của những rặng tre già giữa những buổi trưa hè oi bức. “Đau đớn thay phận đàn bà” bị bỏ quên sau lũy tre xanh, nhưng cũng kỳ lạ thay sự cảm nhận văn chương âm thầm nhưng sâu sắc đến tột cùng của những người ‘đàn bà’ Việt qua những lời ru từ Kiều. Chính họ – những người đàn bà quê mùa ấy – mới thực sự khiến Kiều trở nên bất hủ. Kiều như ngọn lửa âm ỷ cháy trong lòng những người ‘đàn bà’ Việt và lan tỏa trong đời sống xã hội Việt nam một thuở. Trong sâu thẳm tâm hồn những người ‘đàn bà’ quê mùa phải chăng là sự khát khao tự do hạnh phúc đơn sơ của dân tộc Việt ? Tiếc thay, “mua vui cũng được một vài trống canh”.…
Cùng với Kiều, không thể không nhắc đến những người ‘đàn bà’ tuy không có tên riêng, nhưng hình bóng họ không hề phai mờ trong tâm trí người Việt. Đó là những người ‘đàn bà’ mang tên ‘chinh phụ’ sống trong thời khắc “thiên địa phong trần” -“thuở trời đất nổi cơn gió bụi”- đã được khắc họa trong kiệt tác ‘Chinh phụ ngâm’ của Đặng Trần Côn – Đoàn thị Điểm ; là những người ‘đàn bà’ mang tên ‘cung nữ’ với số phận hiu hắt trong gác tía lầu son, được nhà thơ uyên bác Nguyễn Gia Thiều phản ánh trong tác phẩm bác học ‘Cung oán ngâm khúc’. Cũng cùng thân phận của định mệnh “đau đớn thay phận đàn bà”, của “kiếp má hồng nhiều nỗi truân chiên”, kêu trời không thấu, gọi đất chẳng hay từ ngàn xưa vậy…
Trước Kiều, nhân vật Vũ nương trong truyện ‘Người con gái Nam Xương’ của Nguyễn Dữ có lẽ là một trong những người ‘đàn bà’ đầu tiên xuất hiện trong văn chương Việt. Nàng là một phụ nữ đức hạnh bị mắc tiếng oan, đời tan nát chết bi thảm. Chồng đi lính vắng nhà , nàng sống đảm đang chung thủy nuôi con thơ, mẹ chồng. Chồng về, nghe câu nói ngây thơ ‘cái bóng trên tường’ của đứa con nhỏ dại vội nghi cho nàng không chung thủy. Nàng đã thống thiết minh oan nhưng người chồng hẹp hòi đa nghi đã đánh đuổi nàng đi. Vũ nương đã tìm đến dòng sông để tự minh oan cho mình bằng cái chết bi thảm. ‘Nước’ lại về với ‘nước’ …
Vào những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, trong thời gian khởi đầu của cuộc chuyển đổi từ ý thức hệ phong kiến sang ý thức hệ tư sản (‘Cái chết của chữ Nôm- bước ngoặt của văn hóa Việt nam” – Phongdiep,Net), chúng ta được gặp rất nhiều người ‘đàn bà’ trong văn chương Việt nam. Từ hình ảnh người vợ của nhà thơ nghèo Tú Xương : “Quanh năm buôn bán ở mom sông / Nuôi đủ năm con với một chồng / Lặn lội thân cò khi quãng vắng / Eo sèo mặt nước buổi đò đông…”, đến những người ‘đàn bà’ phá rào Phong kiến như những người ‘đàn bà’ trong “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách, trong ‘Hồn bướm mơ tiên’, trong ‘Nửa chừng xuân’ … của Tự lực văn đoàn. Họ là những người ‘đàn bà’ của một kỷ nguyên mới, dù vẫn còn mờ nhạt, nhưng đã ghi lại những dấu ấn khó quên cho một thời của văn chương Việt nam…
Có một chuyện gần đây xin được kể để bạn đọc nghe : ‘Thị Nở’ của Chí Phèo đã đi xin đất xây trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà nội và đã thành công (theo lời kể của diễn viên Đức Lưu đóng vai Thị Nở trên Tập san của trường). Xin được đất vàng giữa Thủ đô giữa những năm tháng đua chen giàu lên bởi đất mà không phải ‘lót’ tay, nhờ cái tên ‘Thị Nở’. Nhà văn Nam Cao chưa kịp có nhiều nhân vật ‘đàn bà’, nhưng chỉ với một Thị Nở của Chí Phèo trong vườn chuối đầy ánh trăng đong đưa, cũng đã kịp ghi dấu ấn không bao giờ phai mờ trong văn chương có ‘đàn bà’ Việt, đến nỗi giống như ‘Bovary’ ở Pháp, cái tên ‘Thị Nở’ đã trở thành một từ riêng được dùng trong những ngữ cảnh đặc biệt trong ngôn ngữ Việt nam hiện đại từ nông thôn đến thành thị. Và thị đã xin được đất để xây trường Đại học giữa lòng Hà nội hôm nay. Quả là phi thường ! Nhắc đến ‘Thị Nở’ ta cũng không thể không nhắc đến chị Dậu – một người ‘đàn bà’ cũng đã nổi tiếng và quen thuộc của văn chương Việt nam trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố. Nhưng buồn thay, cái thời của ‘chị Dậu’ đã qua đi và rất nhiều học sinh khi đọc trường đoạn chị Dậu cùng quẫn phải bán con là cái Tý và con chó cún (phải đọc vì phải học) – trường đoạn đã khiến biết bao độc giả một thời phải thổn thức – đã buông một câu đáng kinh sợ : ngu thì chết (!), hoặc tương tự (chính tai người viết bài này nghe thấy). Vì sao đến nông nỗi này? Thế hệ trẻ bây giờ còn xúc cảm gì về những người ‘đàn bà’ trong văn chương ? Với ‘Thị Nở’ cũng chỉ là một trò đùa sao?
Văn chương Việt nam còn nhiều, nhiều nữa những người ‘đàn bà’ được nhắc tới trong văn học sử. Khó mà quên được Tám Bính – người đàn bà kẻ cắp – trong tiểu thuyết ‘Bỉ vỏ’ – một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán – được Nguyên Hồng cho ra đời vào lúc ông còn rất trẻ, mới 20 tuổi (Nguyên Hồng sinh năm 1918, ‘Bỉ vỏ’ ra đời năm 1938). Người ‘đàn bà’ kẻ cắp Tám Bính tiêu biểu cho một lớp người ‘đàn bà’ sống dưới đáy xã hội, cuộc sống lầm than, không lối thoát cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng vẫn rất ‘đàn bà’ – một điển hình cho những người ‘đàn bà’ Việt cùng khổ dưới chế độ thực dân nửa phong kiến lỡ chân từ nông thôn bước vào thành thị, chưa từng được mô tả thành công như thế trong văn chương Việt . Cũng gần như cùng một chủ đề về những người ‘đàn bà’ cùng khổ, nhưng với những vần thơ đầy chất lãng mạn của thơ mới, nhà thơ Xuân Diệu đã cho ta gặp người kỹ nữ với những lời “vỡ vì nước mắt” mở đầu bằng khổ thơ :
“Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa
Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi
Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời
Khách không ở, lòng em cô độc quá”
Và kết thúc chới với như tiếng kêu cứu :
“Xao xác tiếng gà. Trăng ngà lạnh buốt.
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi.
Du khách đi
Du khách đã đi rồi”
“Lời kỹ nữ” – một thi phẩm đã làm xốn xang lòng người một thời bởi sức hấp dẫn kỳ diệu của người ‘đàn bà’ trong thơ – vẫn còn đầy sức lan tỏa trong thời hiện đại ngày nay…
Vào những năm chống Pháp, tác giả của truyện cho thiếu nhi ‘Dế mèn phiêu lưu ký’ nổi tiếng một thời – Tô Hoài – bỗng bất ngờ cho ra đời một người ‘đàn bà’ tên Mỵ của núi rừng Tây bắc huyền bí. Cũng là người ‘đàn bà’ cùng khổ, nhưng Mỵ có một vẻ hấp dẫn riêng của một bông hoa ngát hương của núi rừng bị vùi dập, và nhờ cách mạng, Mỵ đã có một kết cục có hậu như trong các truyện cổ tích quen thuộc của người Việt. Tiếp đến thời kỳ đánh Mỹ, rất hiếm những người ‘đàn bà’ ở tầng lớp trên như Phượng trong tiểu thuyết 2 tập ‘Vỡ bờ’ (1962-1970) của nhà văn tài hoa Nguyễn Đình Thi xuất hiện. Phượng có đôi nét nào đó đáng thương giống như những người ‘đàn bà’ bế tắc trong cuộc sống như Bovary, Anna Karênina thế kỷ trước. Đa số những người ‘đàn bà’ xuất hiện trong văn chương thời kỳ này là những người ‘đàn bà’ của thời “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Những hình tượng chị Sứ, chị Út Tịch còn đó trong đời và trong ‘Hòn Đất’, trong ‘Người mẹ cầm súng’ của nhà văn Anh Đức và Nguyễn Thi ; người ‘đàn bà’ trong ‘Mẫn và tôi’ của nhà văn Phan Tứ ; những cô Định, cô Thao, cô Nho trong truyện ngắn ‘Những ngôi sao xa xôi’ của Lê Minh Khuê… Còn lại sâu đậm hơn có lẽ là người ‘đàn bà’ tên Nguyệt trong truyện ngắn ‘Mảnh trăng cuối rừng’ của Nguyễn Minh Châu – mảnh trăng toả sáng giữa cái không gian đạn bom chết chóc của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nguyệt – mảnh trăng cuối rừng ấy – đôi gót chân hồng, đôi dép cao su sạch sẽ, quần lụa chấm mắt cá là biểu tượng của tuổi trẻ một thời hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước; là người ‘đàn bà’ Tây nguyên địu con kiên cường trong truyện ngắn ‘Rừng xà nu’ của Nguyên Ngọc một thời. Những người ‘đàn bà’ dịu dàng chung thủy nhưng quyết liệt với kẻ thù là những mẫu hình tượng của văn chương Việt thời chiến. Đó là những người ‘đàn bà’ mà chiến công của họ thầm lặng nhưng bất tử với năm tháng và còn mãi trong lòng mỗi người dân Việt và văn chương Việt nam một thời kháng chiến. Nhưng cũng phải nói rằng những người ‘đàn bà’ thời chiến vẫn đang còn tìm chỗ đứng trong kiệt tác văn chương nào đó của văn chương Việt nam, họ vẫn phải trông đợi ở những tài năng văn chương đích thực xa lánh chốn ồn ào để đi xa hơn nữa, để thành công dân toàn cầu trong thời đại hội nhập …
*
Thật lạ kỳ, ở đâu đó trên khắp thế giới này, dù khác nhau về màu da, khác nhau về văn hóa dân tộc, khác nhau về địa vị xã hội, về lối sống v..v.., người ‘đàn bà’ nào ta được gặp trong những áng văn chương kiệt tác cũng vô cùng gần gũi. Ta có thể khóc, có thể cười, có thể say mê cùng những người ‘đàn bà’ xa lạ ấy. Thế mới biết sức mạnh của những ngòi bút hiện thực đầy lãng mạn của những nhà văn, nhà thơ đã đổ mồ hôi sôi nước mắt để tạo nên những hình tượng văn chương – những người ‘đàn bà’ của nhân loại. Ở họ luôn toát lên cái chân, cái thiện, cái mỹ của những tâm hồn chan chứa tình nhân văn – điều mà các tác phẩm văn chương đích thực luôn hướng tới và đã từng đạt tới trong các kiệt tác văn chương thế giới. Chính nhờ những người ‘đàn bà’ này tâm hồn nhân loại trở nên phong phú hơn, lòng nhân loại chan chứa hơn tình yêu thương đồng loại, trí tuệ của nhân loại sâu sắc, lung linh hơn trong hành trang mang theo để đi hết trên các nẻo đường trong cuộc sống làm NGƯỜI …
Nói đến những người ‘đàn bà’ trong văn chương, sẽ là thiếu sót nếu không nói đến những người ‘đàn bà’ thế giới và nhất là những người ‘đàn bà’ Việt nam cầm bút sáng tạo ra những tác phẩm văn chương đáng nể (và nhiều người còn nổi tiếng hơn cả những hình tượng văn chương mà họ đã sáng tạo ra (!)). Đấy sẽ là phần hai của bài viết này …. Còn phần một trên đây không biết có góp được phần nhỏ bé nào vào việc cứu những người ‘đàn bà’ trong văn chương khỏi cái chết dần chết mòn vì môi trường ô nhiễm của đời sống ngỡ tưởng là hiện đại ngày nay ???
Hà nội, ngày đàn bà Việt nam,
20/ 10/2013
Văn nghệ Trẻ