Sự đổ bộ một cách ồ ạt của phim truyền hình Ấn Độ trên các kênh truyền hình Việt Nam không những khiến thị phần phát sóng và quảng cáo bị chia sẻ mà còn khiến phim Việt ít nhiều bị “ghẻ lạnh”. Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng phim Việt sẽ bị “thất sủng” trước phim Ấn.
Rating phim Ấn cao hơn phim Việt
Theo số liệu thống kê của Phòng Khai thác phim truyện, Đài truyền hình TP. HCM (HTV) số lượng phim Việt phát sóng so với phim nước ngoài trên truyền hình Việt trong năm 2014, ngang ngửa ở mức 30 – 30 (30 phim Việt Nam và 30 phim nước ngoài được phát sóng). Trong 6 tháng đầu năm 2015, phim Việt có phần nhỉnh hơn với tỷ lệ 15 – 13 (15 phim Việt Nam và 13 phim nước ngoài được phát sóng).
Trên sóng VTV, nếu để ý sẽ thấy số lượng phim truyền hình nước ngoài với phim Việt cũng bằng nhau về số lượng hoặc phim nước ngoài nhỉnh hơn. Tuy nhiên, khung giờ vàng phát sóng dành cho hai thể loại phim này đều tương đương nhau. Trong khi đó, phim Việt thường chỉ xê dịch từ 30 đến 40 tập/phim, còn các phim nước ngoài thường kéo hàng trăm tập. Riêng các phim của Ấn Độ phải kéo dài từ 100 tập đến hơn 2000 tập.
Thực tế, hầu hết các hãng phim tư nhân hoặc các công ty media đều thú nhận, nhiều năm qua họ đã chuyển hướng sang khai thác các bộ phim truyền hình của nước ngoài, nhất là phim Thái Lan và Ấn Độ chứ không hợp tác sản xuất các bộ phim truyền hình Việt như trước. Lí do mà họ đưa ra là bởi lượng rating phim nước ngoài (nhất là phim Ấn) cao gấp 3 – 5 lần so với phim Việt và đó là điều giúp họ kéo được nhiều quảng cáo hơn.
Vốn dĩ các đài truyền hình vẫn trả kinh phí cho các nhà nhập khẩu phim bằng nguồn thu từ quảng cáo trên sóng truyền hình. Chính vì vậy khi dòng phim Ấn Độ thu hút được khán giả, nghĩa là thu hút được quảng cáo thì phong trào “kênh nào cũng có phim Ấn Độ” ngày càng được đẩy mạnh. Theo tiết lộ của một nhà nhập phim thì kinh phí mua bản quyền phim Ấn Độ hiện nay khá cao, từ 1.500 – 2.000 USD/ tập, chỉ xếp sau phim truyền hình Hàn Quốc.
Không dừng lại ở đó, hiệu ứng của những bộ phim Ấn Độ nói riêng và phim nước ngoài nói chung đang khiến cho khán giả Việt thay đổi rất nhiều thói quen. Nhiều bà nội trợ sẵn sàng bỏ đi chợ để ở nhà xem cho phim “Cô dâu 8 tuổi” hoặc cứ đến 20h là chuẩn bị ngồi trước màn hình để theo dõi “Vợ tôi là cảnh sát” đã trở thành “hiện tượng” khá phổ biến ở Việt Nam. Thậm chí, có những người dù không biết tiếng Anh nhưng khi xem các bộ phim truyền hình Ấn Độ xong người ta vẫn thuộc làu làu từng cái tên nhân vật trong phim. Người ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh các bà, các mẹ và các chị ngồi “buôn” chuyện một cách rất say sưa về những gì vừa xem trên truyền hình liên quan đến phim Ấn Độ hoặc những câu cửa miệng quen thuộc của các nhân vật trong phim như: “Ôi, thần linh ơi”. Đó cũng là lí do mà khi các diễn viên đóng những bộ phim này qua Việt Nam đã được các fan ra tận sân bay nồng nhiệt chào đón. Đây là những điều mà khán giả Việt rất hiếm khi làm đối với phim Việt.
“Trong những năm qua, khán giả Việt Nam đã được trải nghiệm rất nhiều thể loại phim khác nhau đến từ các quốc gia châu Á có nền công nghiệp phim ảnh phát triển như: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc hay gần đây là dòng phim của Ấn Độ, Thái Lan, Philippines. Suốt một thời gian dài nhập và phát sóng dòng phim này, thị trường phim truyền hình Việt Nam gần như bão hòa trong khi thị hiếu khán giả ngày một thay đổi, nhu cầu giải trí của người xem cũng ngày một đa dạng. Điều khán giả quan tâm lúc này là sự khác lạ trong những thước phim mà họ xem và chính những yêu cầu khắt khe từ khán giả đã giúp cho thị trường phim truyền hình trên màn ảnh Việt đòi hỏi phải có sự đột phá. Đó cũng là một trong những nguyên do để dòng phim Ấn Độ du nhập và “thống lĩnh”, ông Lâm Chí Thiện – Chủ tịch tập đoàn IMC, kênh truyền hình TodayTV nói.
Từ thực tế này, không ít người đã đặt ra câu hỏi liệu tình trạng này kéo dài có khiến phim Việt bị “lép vế” ngay trên sân nhà?.
Liệu phim Việt có bị “lép vế” ngay trên “sân nhà?
Cá nhân ông Lâm Chí Thiện cho rằng, thực tế trên là một thách thức lớn không chỉ đối với kênh TodayTV mà của rất nhiều kênh truyền hình khác. Tuy nhiên, ông Thiện cho rằng: “Là một đơn vị nhập phim ngoại cũng như sản xuất phim Việt, cá nhân tôi đánh giá phim Việt luôn có sức hút đặc biệt với khán giả Việt vì sự gần gũi, phù hợp văn hóa xã hội, người xem dễ dàng thấy được bản sắc, văn hóa của người Việt trong phim. Không chỉ riêng TodayTV, nhu cầu sản xuất phim Việt trong nước cũng đang ngày một thu hút sự quan tâm của các đoàn thể, doanh nghiệp và vấn đề được đưa lên hàng đầu chính là chất lượng kịch bản, diễn xuất chuyên nghiệp của diễn viên, bối cảnh phim cũng như tính nhân văn… Một khi những yếu tố này được chú trọng sẽ có thể cạnh tranh được với thị trường phim nước ngoài”.
Theo ông Thiện, kênh của ông luôn định hướng rất rõ trong việc đẩy mạnh sản xuất phim Việt, đó cũng là lý do để chúng tôi thành lập công ty sản xuất phim cách đây không lâu.
NSƯT, đạo diễn Trọng Trinh lạc quan rằng, phim Việt không bao giờ sợ lép vế trước phim ngoại bởi đã từng có thời phim truyền hình dài tập của các nước Nam Mỹ, rồi phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đổ bộ truyền hình Việt nhưng phim Việt vẫn đứng được. Phim ngoại chỉ như một món “phở” lạ miệng nhất thời, còn phim Việt vẫn như “cơm” ăn mãi không chán. Người ta xem phim Ấn Độ nhiều rồi đến một lúc sẽ cảm thấy nhàm chán và tự thay đổi “gu” thẩm mỹ của mình.
“Theo tôi chúng ta không nên mất tự tin quá. Ngay cả phim Hàn Quốc, Trung Quốc hay Ấn Độ thì cũng có phim được khán giả đón nhận nhưng cũng có phim bật lên có ai xem đâu. Theo tôi, có dòng phim ngoại vào sẽ thúc đẩy hơn nữa tính cạnh tranh giữa dòng phim nội. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận rằng, nếu phim Việt không nỗ lực hơn nữa để vượt lên thì tự chúng ta giết chết chính chúng ta”, đạo diễn phim “Zippo, mù tạt và em” nói.
Đạo diễn Trọng Trinh cho rằng, Việt Nam cần phải học hỏi cách làm phim của các nước như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản… Điều phải học trước tiên theo vị đạo diễn này là học tính chuyên nghiệp và cách nghiên cứu thị trường.
“Chúng ta xem phim Hàn Quốc, Ấn Độ thấy đẹp, hình ảnh rất trau chuốt, diễn viên rất lung linh, diễn xuất rất tốt, quay phim rất có nghề, đạo diễn cực tài năng, kịch bản rất hấp dẫn… Tóm lại tất cả mọi thứ đều tuyệt và chúng ta nên học họ điều đó. Tại sao họ làm được một bộ phim theo văn hóa của đất nước họ nhưng mình là người Việt Nam vẫn xem rất say xưa. Chẳng hạn như gần đây là: “Hậu duệ mặt trời”, “Cô dâu 8 tuổi”, “Vợ tôi là cảnh sát”, “Con gái của cha”… Ta học họ bắt đầu bằng việc hợp tác làm phim. Chúng ta không ngồi đó để so bì vì sao Bollywood, Hàn Quốc là những nước có nền công nghiệp phim ảnh phát triển cao mà nên nghĩ cách họ cái hay cái tốt của họ”, đạo diễn Trọng Trinh nói.
Ông Lâm Chí Thiện cho biết, qua việc phát sóng phim Ấn Độ trên kênh TodayTV, kênh của ông đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ cách sản xuất phim của Ấn Độ, hiểu được lý do vì sao thu hút được thị hiếu của khán giả để từ đó đút kết và đưa vào áp dụng cho việc sản xuất phim Việt hiện nay của tập đoàn…
Theo Hà Tùng Long – Dân trí