Đỗ Anh Vũ

Đỗ Anh Vũ: (Đọc tập thơ Chưa thể đặt tên của Ngọc Lê Ninh, NXB HNV, 2017)

Vào những ngày cuối cùng của năm âm lịch Bính Thân, tôi nhận được tin vui từ nhà thơ Ngọc Lê Ninh, thông báo tập thơ thứ hai của anh vừa in xong, hiện đã có thể sẵn sàng trao đến tay thân hữu và chuẩn bị ra mắt đông đảo bạn đọc. Nhớ lại cách đây tròn một năm, cũng đúng vào những ngày cuối cùng của năm âm lịch Ất Mùi, Ngọc Lê Ninh xuất bản tập thơ đầu tay sau 24 năm ấp ủ với giới thiệu của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm – tập Vỡ cùng hy vọng (NXB Hội nhà văn, tháng 1/2016). Nếu như tập thơ đầu là sự tập hợp những bài thơ anh làm rải rác trong nhiều năm, từ khi còn là sinh viên cho đến khi ra trường rồi trở thành kỹ sư nổ mìn, thành “tiến sĩ rác”, thì ở tập thứ hai này, toàn bộ 27 bài thơ đều được anh vừa viết trong năm 2016. Sự tinh khôi ấy, anh muốn dành tặng tới tất cả bạn đọc, cả những người đã quen biết và chưa quen biết anh, như một lời khẳng định tình yêu tha thiết của anh với thi ca, và anh vẫn đang tiếp tục sáng tác để trở thành một người viết (writer) trong không khí văn học đương đại. Cái tình thơ của Ngọc Lê Ninh thật đáng để mỗi người đọc sách, mỗi người yêu thơ ca thêm trân trọng và sẽ thật nâng niu tác phẩm của anh trên tay, mở ra đọc từng bài để sẻ chia với anh. Nếu may mắn, Ngọc Lê Ninh sẽ có thêm những tâm hồn đồng điệu với những đứa con tinh thần của mình, giống như tình thương mến mà thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm đã thốt lên thành câu lục bát: Từ trong đống đá chui lên/Tập thơ “Chưa thể đặt tên” ra đời..

 

Và đây, trước mặt tôi là tập thơ thứ hai của Tiến sĩ rác, kỹ sư nổ mìn phá đá Ngọc Lê Ninh mang tên Chưa thể đặt tên (NXB Hội nhà văn, tháng 1/2017) gồm 27 tác phẩm, là những hơi thở thi ca mới nhất của chàng kỹ sư đêm ngày lăn lộn ngược xuôi trên những cung đường đá núi của tổ quốc, vẫn không quên dành thời gian cho nàng thơ. Anh có thể viết trên những chuyến xe miệt mài từ Hà Nội lên Tây Bắc hoặc có khi vào tới tận Tây Nguyên, lên những thung lũng cao nguyên bạt ngàn. Anh có thể viết vào những giây phút nghỉ trưa cùng anh em đồng đội, ngay bên công trường bụi đá còn mù mịt, quyện lẫn khói thuốc và cả những giọt mồ hôi nhọc nhằn. Phải nói tới như vậy thì độc giả mới bất ngờ, mới trân trọng và yêu hơn những câu thơ như thế này của Ngọc Lê Ninh: Gió bất chợt luồn tay vào khóm lá/Chim giật mình ngơ ngác mắt mùa thu/Mây sà xuống hôn đồi non hối hả/Áo thu rơi bờ cỏ đẫm sương mù (Áo thu rơi). Tôi không rõ Ngọc Lê Ninh đã viết những câu thơ tuyệt đẹp này trong miền không gian nào của đất nước ta, nhưng cái lãng mạn nhẹ nhàng như mơ như khói này, tâm hồn người viết phải thanh thoát, trẻ trung, hồn nhiên và đa tình lắm mới viết ra được. Chỉ trong bốn câu thơ mà dường như có tất cả những sinh thể sống động và gợi cảm nhất của mùa thu: gió, lá, chim, mây, đồi, cỏ, sương mù. Nhà thơ dường như còn là một họa sĩ. Thiên nhiên không chỉ hiện lên êm ái, quyến luyến và giao tình tha thiết với nhau mà dường như còn lấp ló gửi gắm ẩn giấu cả một nỗi vương vấn nào đó của con người. Rất có thể, người thi sĩ của chúng ta đang nhớ tới một bóng hình nào đó và kín đáo đưa vào một câu chuyện của bức tranh thu. Trong một bài thơ khác, sự giao tình của thiên nhiên còn được đẩy lên gấp nhiều lần, buộc người đọc phải hiểu văn bản như một thông điệp được ẩn dụ hóa. Giống như giọng điệu của bài Khi tình yêu vùng dậy trong tập Vỡ cùng hy vọng, nhưng ở bài thơ tôi sắp nói dưới đây, ngoài sự táo bạo, cuồng nhiệt, cháy bỏng còn có cả sự lả lơi, khiêu khích, gợi tình theo lối mời mọc, thêm chút trách móc hờn dỗi nhẹ nhàng và đâu đó có cả một tinh thần u mặc (humour), hài hước của kẻ sĩ phương Đông: Đêm giật thót gió vùi vào ngực núi/Núi dùng dằng làm lá đổ xôn xao/Gió siết chặt vai núi gầy tóc rối/Gió du dương bên tai núi ngọt ngào/Đêm sột soạt gió lần theo khe suối/Núi xôn xao dào dạt gió tuôn trào/Vạch lau lách gió luồn theo kẽ núi/Núi lơ mơ trong tay gió lào xào/Trên ngực núi gió cuồng điên hối hả/Gió loay hoay trong cỏ núi mơ màng/Nghe bục đất ngàn sương rơi xối xả/Núi sụt sùi xem gió ngáy vang vang (Gió và Núi). Tôi cảm nhận được sự cố gắng từng ngày của Ngọc Lê Ninh trong mỗi bài thơ, mỗi câu thơ. Anh luôn có ý thức để làm mới mình hơn, để sáng tạo hơn những ngày đã qua. Ngay cả ở những chất liệu cũ, hình ảnh cũ và những đề tài muôn thuở, thì thế nào cũng phải xuất hiện một vài nhân tố mới, ghi dấu ấn của người viết mà chúng tôi vẫn thương mến gọi là “thi sĩ nổ mìn”.

Ở tập thơ thứ hai này, các đề tài thi ca của Ngọc Lê Ninh cũng khá rộng mở. Tôi bắt gặp nhiều bài thơ với ân tình quê hương thiết tha sâu nặng, có cả những bài mang âm hưởng trong sáng, giàu chất đồng dao như muốn hướng tới đối tượng thiếu nhi. Lại có những bài đậm đà chất nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Ngọc Lê Ninh sinh ra ở một vùng quê nghèo, anh có thời gian dài gắn bó với nông thôn, với từng đồng lúa, ruộng rau, từng con kênh luống mạ, từng vụ mùa vụ cấy, từng khi gieo hạt trổ bông. Thế nên một bài thơ như bài Gió xuân chắc chắn đến lúc chín muồi sẽ phải được ra đời, và tôi gọi bài thơ này là một trong những điểm nhấn quan trọng của tập, là giây phút xuất thần trong ngòi bút của Ngọc Lê Ninh: Ơ kìa gió đã về/Mân mê chùm khế ngọt/Líu lo ngàn chim hót/Nhảy nhót mừng xuân sang/Nặng trĩu cành táo vàng/Rộn ràng tia nắng ấm/Mưa cười rơi lấm tấm/Đậu trên đầu muôn nơi/Xa tít tận trùng khơi/Xuân lần theo nòng pháo/Cùng các anh lính đảo/Giữ bình yên quê nhà/Xuân bay theo lời ca/Đến nhà nhà gõ cửa/Bao người dậy nhóm lửa/Cùng gió xuân bập bùng/Xuân vác cuốc ra đồng/ Đậu trên lưng mẹ cấy/Mạ xuân cười run rẩy/Chấm xuốn bùn xôn xao. Đọc bài thơ này, tôi bắt gặp lại giọng điệu thân thương của những bài thơ ca ngợi quê hương đất nước và tình yêu cuộc sống trong sách giáo khoa tiểu học những năm 80 của thể kỷ trước. Cái hồn nhiên trong trẻo này, bao năm nay đã hiếm gặp lắm trong những cây viết đương đại, thì giờ đây dường như được sống lại trong bài thơ của Ngọc Lê Ninh. Dấu vết kỹ thuật trong bài thơ đã được tan chảy cùng muôn vàn sự sống động, gọi mời, sinh sôi này nở của mùa xuân đất nước. Nhịp điệu thơ bay bổng, ngân vang, trải rộng, không gian được mở ra ở tất cả các chiều kích, chuyển di từ đất liền đến tận đảo xa, không quên nhớ tới những người lính đang ngày đêm hy sinh tuổi thanh xuân để giữ yên biển trời cho đất nước. Và kết thúc bài thơ, thi sĩ lại dẫn dắt người đọc trở về với nông thôn muôn đời thân thuộc trong từng bước chân của người mẹ ra đồng. Khổ thơ cuối đúng ra là một khổ  tươi vui rộn rã, mà sao tôi đọc lại thấy ứa nước mắt: Xuân vác cuốc ra đồng/ Đậu trên lưng mẹ cấy/ Mạ xuân cười run rẩy/Chấm xuống bùn xôn xao. Mấy câu thơ hiện lên trước mắt chúng ta hình ảnh người mẹ nông thôn tảo tần, lam lũ, bàn chân trần của mẹ vẫn ngày đêm trên cánh đồng nuôi bao đứa con khôn lớn thành người. Cái “run rẩy” của mạ xuân ấy đâu chỉ là tiếng cười. Nó còn là giọt nước mắt rơi thầm lặng, là giọt nước mắt của mẹ vui với những bước đường thành công an bình của đứa con, là giọt nước mắt người con lặn vào trong từng câu chữ. Âm thanh “xôn xao” của từng cây mạ mẹ đang gieo trên cánh đồng như muốn sẻ chia với tất cả những rung động và cảm xúc đang trào dâng trong lòng người. Chữ “chấm” trong câu thơ “chấm xuống bùn xôn xao” đích thực là một nhãn tự không chỉ của câu thơ mà của toàn bài thơ, khiến thi phẩm bừng sáng và như có cả một cái rùng mình đầy hồn vía.

Cũng vào trước những ngày cuối năm Bính Thân, Ngọc Lê Ninh có những chuyện khá vất vả về gia đình. Người vợ của anh bỗng nhiên ốm nặng phải vào viện điều trị. Vậy là một mình anh tất tả xuôi ngược, vừa lo việc cơ quan, vừa lo chăm sóc vợ, vừa lo cho hai cô con gái ở nhà. Có những lần tôi trông thấy anh đi xe máy từ nhà tới bệnh viện, bên phải bên trái đằng trước đằng sau thôi thì đủ các thứ đồ lỉnh kỉnh, rồi anh lại khệ nệ tay xách nách mang vào tận giường cho chị nhà, có cả một túi bưởi do người nhà ở quê vừa gửi ra cho vợ chồng anh. Chứng kiến những giây phút như vậy để thêm yêu thêm mến con người thi sĩ của Ngọc Lê Ninh, ngoài những giây phút đắm đuối với thi ca, anh vẫn là một người sống rất thực trong đời với đầy đủ những lo toan sinh hoạt bình thường nhất. Rồi vận hạn cũng qua đi, vợ anh dần bình phục, được về nhà điều trị. Trước khung cảnh của quá khứ và hiện tại cuộc sống, bài thơ Ngọc Lê Ninh viết ra trong những đêm nằm thức ở hành lang bện viện để riêng tặng cho vợ mình cũng chính là nhan đề của cả tập thơ: Chưa thể đặt tên. Có lẽ, niềm xúc động nghẹn ngào và sự chân thành đã mang thơ đến cho anh, để mỗi người đọc cùng được sẻ chia với sự sâu lắng mà tha thiết của dòng cảm xúc bất tận: Bài thơ tình anh viết tặng riêng em/Dài vô hạn giấy mực nào cho đủ/Nên anh viết bằng con tim không ngủ/Mực yêu thương là máu chạy quanh người/Bài thơ này anh viết đã lâu rồi/Tìm lật lại trang đầu không tới được/Chỉ nhơ nhớ ngày đầu ta nguyện ước/Giờ hai con đã chạm tuổi trăng tròn/Yêu em nhiều anh cứ viết dài hơn/Thơ đóng quyển không biết bao nhiêu tập/Chắc báo chẳng đăng, nhà in không đủ mực/Thư viện không lưu hết nổi tình mình/Anh gom thơ này vào bộ nhớ tâm linh/Và nén lại từng file trong trí não/Ta nhớ mãi lỗi lầm gieo mưa bão/Làm buồn đau sạt lở những ngày xanh/Như đất nước mình đi qua hết chiến tranh/Những cuộc chiến làm rừng sâu mất ngủ/Những trận đánh xé toang thành quách đổ/Nghe máu văng nhuộm tím cả trời chiều/Nhớ những ngày hốt hoảng chạy liêu xiêu/Bám mẹ xuống hầm tránh làn bom cày xới/Ruột đu cành tre, thịt treo cành ổi/Làng xóm tan hoang đâu đó tiếng thét gào/Ta lớn lên trong đạn xới, bom đào/Mũ rơm quấn quanh đầu ta đi học/Dưới hầm sâu ngày đêm ta vẫn đọc/Chữ thầm reo gieo nỗi nhớ trong nhau…/Bài thơ này anh viết đến mai sau/Khi hai đứa đã nằm im dưới cỏ/Nhưng em ơi! Tình hai ta vẫn thở/Nhịp yêu thương khuấy động dải thiên hà.

Hà Nội, những ngày đầu xuân Đinh Dậu

(Theo Báo Văn Nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, số 11/2017, ra ngày 18.3.2017)

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài