(Kỷ niệm 70 năm thành lập Hội văn hóa cứu quốc Việt Nam, tháng 3/1943 – tháng 3/2013)

Nhà văn Học Phi

Sau khi Mặt trận Việt Minh ra đời – 1941 – các đoàn thể, quần chúng của Đảng đều lấy tên là cứu quốc, chỉ có ngành văn hóa là chưa có tổ chức riêng, bây giờ theo chủ trương mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Trung ương quyết định thành lập một tổ chức riêng cho ngành văn hóa, giao cho tôi và anh Vũ Quốc Uy đi vận động. Nhưng Trung ương còn thắc mắc không biết lấy tên là gì cho phù hợp với tính đặc thù của ngành văn hóa, anh Trường Chinh liền viết thư cho tôi mang vào Hà Nội để trưng cầu ý kiến anh em.

Vào Hà Nội tôi tìm đến gặp một số anh em trước đã làm công tác văn hóa với tôi trong thời kỳ mặt trận bình dân, trong số đó có các anh Đặng Thai Mai, Như Phong và Ngô Lê Động. Anh Động không phải là văn nghệ sĩ, nhưng một thời gian đã là quản lý báo En-avant (Tiến lên) của Đảng, hoạt động rất tích cực. Các anh nhất trí, phải tập hợp những người làm công tác văn hóa vào một tổ chức để họ nắm được đường lối văn hóa của Đảng, chứ không thì sẽ có nhiều người dao động trước những luận điệu mị dân của bọn phản động, nhất là những luận điệu “đồng văn, đồng chủng”, “á Đông của người á Đông”, “cũng là máu đỏ da vàng thì phải đoàn kết với nhau để chống kẻ thù chung là người da trắng” của bọn Nhật tung ra. Đã có một số người bị mê hoặc, cụ thể là nhóm “Tự lực văn đoàn” của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam đã đi theo chúng thành lập Đảng “Đại Việt dân chính”, nhưng chỉ ít lâu sau thì bị Pháp khủng bố, Nhật cũng bỏ rơi, phải chạy trốn sang Tàu…

Anh em cũng phát biểu về bức thư riêng của anh Trường Chinh nhưng không có ý kiến nào xác đáng. Tôi báo cáo tất cả lên trên, ít lâu sau thì nhận được Nghị quyết của Trung ương gọi là “Hội văn hóa cứu quốc” như các hội cứu quốc khác.

Thế là Hội văn hóa cứu quốc ra đời. Cuộc họp đầu tiên được tổ chức ở nhà anh Ngô Lê Động, 11 phố Hàng Đường. Dự cuộc họp có các anh: Ngô Lê Động, Như Phong, Vũ Quốc Uy và tôi. Riêng anh Mai không dự. Anh đề nghị hãy để cho anh được liên lạc đơn tuyến với tôi, vì Thành ủy Hà Nội vừa bị vỡ, anh đang bị mật thám theo dõi, nếu liên lạc nhiều, gặp nhiều anh em thì sẽ dễ bị lộ. Tôi báo cáo ý kiến của anh với Trung ương, được Trung ương đồng ý, và giao cho anh nhiệm vụ đi vận động bọn Pháp De Gaulle (Đờ-gôn) là những người Pháp kháng chiến chống Phát xít Đức, vì anh có quen biết nhiều người Pháp dân chủ trong chi nhánh Đảng xã hội S.F.I.O ở Hà Nội…

Thế là cuộc họp ở phố Hàng Đường chỉ còn có 4 người. Sau khi thống nhất với nhau về tôn chỉ mục đích của Hội văn hóa cứu quốc, chúng tôi bàn đến việc phát triển hội. Một câu hỏi được đăt ra: Đối tượng của hội là những ai? Người thì cho là của tất cả những người làm nghề trí óc: Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà khoa học. Người thì cho chỉ là của riêng văn nghệ sĩ, vì phạm trù văn hóa rất rộng, nếu kết nạp cả những nhà giáo, những người làm khoa học thì đó là cả một mặt trận rồi, không còn riêng là của một hội nữa. Hai bên tranh luận một lúc lâu mà vẫn không ngã ngũ, tôi phải ghi lại để xin ý kiến Trung ương. Mãi đến Đại hội văn hóa kháng chiến toàn quốc lần thứ nhất họp tháng 6-1945 ở Việt Bắc, vấn đề này mới được giải quyết. Đại hội quyết định chia hội văn hóa ra làm ba: Hội văn nghệ, hội khoa học và liên đoàn giáo dục.

Từ đấy anh em văn nghệ sĩ hoạt động riêng, nhưng phong trào tiến nhanh, chứ không ì ạch như những ngày đầu thành lập hội. Cách đây đã lâu trong một cuộc họp ở báo “Văn nghệ” để đánh giá vai trò của văn hóa cứu quốc đối với phong trào văn học – nghệ thuật nói chung của toàn quốc, có anh em hỏi tại sao trong một thời gian dài sau khi thành lập, hội không phát triển rộng rãi để nhiều anh em được tham gia. Có phải vì quá cẩn thận mà trở nên hẹp hòi không? Đúng là hồi bí mật thì phải cẩn thận, nhưng cẩn thận quá hóa ra hẹp hòi. Chả thế mà tính từ ngày thành lập hội, tháng 3-1943 đến ngày chúng tôi bị bắt tháng 8-1944, hơn một năm mà chỉ chính thức có 2 tổ: Tổ của chúng tôi ở Hàng Đường và tổ của anh Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi. Đến cả các ông Nguyễn Công Hoan và Ngô Tất Tố cũng chưa được kết nạp. Mà trong thời gian ấy các ông ấy đang nổi tiếng với những tác phẩm hiện thực sâu sắc, như “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan. Riêng ông Tố cũng chỉ sinh hoạt đơn tuyến với tôi như ông Đặng Thai Mai, vì chúng tôi quen nhau từ khi còn làm báo “Tương lai” của Đinh Khắc Giao, một tờ báo tiến bộ trong thời kỳ mặt trận bình dân…

Nói đến văn hóa cứu quốc không thể không nói đến bản “Đề cường văn hóa Việt Nam” của Đảng. Chúng tôi nhận được bản đề cương vào khoảng tháng 9-1943. Trung ương có cử anh Trần Độ về để hướng dẫn cho anh em nghiên cứu. Rất tiếc tôi không được dự cuộc họp ấy, vì tôi đang bận công tác ở Tỉnh ủy Hưng Yên. Sau đấy chỉ được nghe anh Vũ Quốc Uy phổ biến lại cho tôi và ông Ngô Tất Tố. Nghe xong ông Tố nói: “Có thế chứ, nếu văn hóa Macxit mà như bọn Hàn Thuyên chửi cả tổ tông, ông bà thì tôi xin vái cả nón”. Riêng đối với tôi thì bản đề cương là một cái cẩm nang đã giải đáp cho tôi nhiều vấn đề về văn hóa mà tôi vẫn thắc mắc từ lâu. Ngày ở trong tù Hỏa Lò, Hà Nội, anh em chúng tôi đã có cuộc tranh luận về chủ đề: “Cách mạng văn hóa đi trước hay đi sau cách mạng chính trị”. Có hai ý kiến đối lập nhau, nhưng vì lúc ấy trình độ còn thấp tôi không phân biệt được ý kiến bên nào là đúng, bên nào là sai. Bây giờ đọc bản đề cường của Trung ương tôi mới thấy sáng hẳn ra. Bản đề cương ghi: “Cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị. Những phương pháp đề ra trước đó – ý nói khi chưa cướp được chính quyền – chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để sau này”. Bản đề cương còn nói thêm: “Nhưng phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được công cuộc cải tạo xã hội”, thật là rõ ràng. Bản đề cương còn nêu ra một vấn đề rất mới đối với chúng tôi là ba phương châm: Dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Nghiên cứu ba phương châm trên chúng tôi đánh giá đúng hơn những xu hướng văn hóa bảo thủ, triết trung lập lờ, bi quan, thần bí… đang đầy rẫy trên thị trường văn hóa lúc bấy giờ. Những xu hướng ấy dù muốn dù không, hoặc nhiều, hoặc ít đều làm cho quần chúng hoang mang, chán nản, giảm lòng tin vào cách mạng, cần phải đấu tranh chống lại…

Nghiên cứu xong, chúng tôi bàn đến việc phổ biến. Làm thế nào để phổ biến rộng rãi bản đề cương? Không như một tờ truyền đơn thông thường có thể đem rải bất cứ ở đâu, hay đưa tay cho bất cứ ai cũng được, mà chỉ có thể đưa cho những người có trình độ và đáng tin cậy. Người đầu tiên tôi đến gặp là cụ Nguyễn Văn Tố. Tôi biết cụ Tố từ thời kỳ mặt trận bình dân khi đoàn thể mời cụ đứng ra làm Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ. Cụ là một nhà bác học uyên thâm, cả Nho học và Tây học. Hồi còn nhỏ tôi đã học tư cụ ở Hội quán hội Trí tri phố Hàng Quạt. Hồi ấy cụ còn để búi tó, cụ bảo bố mẹ sinh ra như thế nào thì cứ để nguyên như vậy. Không nhuộm răng, không cắt tóc. Hồi làm hội truyền bá quốc ngữ thì cụ đã cắt tóc, không để búi tó nữa. Không biết có phải vì các báo hồi ấy thường vẽ búi tó của cụ có những con chấy bò lổm ngổm không? Tính cụ Tố rất sôi nổi. Sau khi nghe tôi giới thiệu về nội dung bản đề cương văn hóa Việt Nam của Đảng mà tôi làm như ý kiến riêng của cụ, cụ nói: ý kiến của ngài hay lắm – cụ thường gọi mọi người là ngài – ba cái phương châm: Dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa đều đúng cả. Chính tôi vẫn làm việc theo tinh thần ấy. Đây nhá! Mở lớp học dạy chữ Quốc ngữ cho dân để dân mình khỏi mù chữ có phải là đại chúng không? Còn công việc nghiên cứu của tôi tất nhiên là khoa học rồi. Mà trong việc này thì chủ yếu tôi nghiên cứu những cái hay, cái đẹp của nền văn hóa dân tộc mình – Cụ ngừng một lát rồi tiếp – Các báo họ cứ chê tôi là tờ A, tờ B nhưng làm công việc nghiên cứu mà không thận trọng, không thực sự cầu thị thì nguy lắm ngài ạ. Không khéo thì râu ông nọ cắm cằm bà kia. Đối với tôi thì việc trước tiên là tư liệu phải thật chính xác, như thế mới khoa học.

Cụ còn nói về vấn đề này nhiều nữa, nhưng có bà con trong quê ra thăm cụ, câu chuyện phải tạm dừng. Từ đấy đến ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, tôi mới có dịp gặp lại cụ ở Bắc Kạn. Hồi đó với danh nghĩa là Chủ tịch Quốc hội, cụ lên Bắc Kạn để tuyên truyền cho kháng chiến. Chúng tôi cùng ở một phòng trong nhà khách của Uỷ ban tỉnh. Lần này được ở gần cụ hơi lâu, tôi mới có dịp tìm hiểu thêm về cụ. Là một học giả uyên bác, nhưng tính cụ rất hồn nhiên, giản dị: Cụ ăn khỏe, ngủ khỏe, đang ngủ có báo động máy bay cũng mặc, đánh thức cụ cũng không dậy, khi địch nhảy dù xuống Bắc Kạn cụ đã bị chúng bắt và sát hại.

Trở lại chuyện bản “Đề cương văn hóa Việt Nam”. Sau khi gặp cụ Nguyễn Văn Tố, tôi đến gặp bác sĩ Nguyễn Văn Luyện. Bác sĩ Luyện là một trí thức tiêu biểu lúc bấy giờ. Ông có bệnh viện tư (Clinique) ở phố Ngõ Trạm, gần trụ sở báo “Tin tức” của Đảng. Ông vừa làm thuốc, vừa viết báo, cả chữ Việt và chữ Pháp. Đầu năm 1940, ông cho ra tờ báo hàng ngày “Tin mới” gây được tiếng vang rộng lớn trong giới báo trí và trong độc giả. Vì báo ra khổ rộng, chữ tốt, trình bày đẹp như một tờ báo hằng ngày của Pháp, lại có máy rô-ta-ti-vơ 16 bát, in nhanh, kịp đưa tin giờ chót vào phút cuối, nên bán rất chạy, số lượng gấp đôi các tờ báo khác.

Nhưng điều đáng chú ý hơn ở báo “Tin mới” là thái độ chính trị của tờ báo. Hồi ấy cuộc chiến tranh đế quốc lần thứ hai đang vào giai đoạn gay cấn. Sau khi thôn tính một số nước phương Tây, bọn phát xít Hít-le đã quay lại phương Đông, tiến công vào Liên Xô. Ông Luyện có lập trường ủng hộ Liên Xô, chống phát xít rõ rệt, vì vậy mà bọn Nhật đã cưỡng bức ông phải bán tờ “Tin mới” cho tay sai của chúng là Mai Hàm…

Tôi đến thăm bác sĩ Luyện vào giữa lúc ông đang chán nản do bị bọn Nhật cướp mất tờ báo mà ông đã tốn bao nhiêu tâm tư, công sức trong ngót 10 năm trời mới xây dựng lên được. Ông nói: Sở dĩ tôi muốn làm báo, vì làm thầy thuốc chỉ chữa được bệnh cho một số ít người, còn làm báo thì có thể chữa cho hàng ngàn, hàng vạn người cùng một lúc. Nhưng tình hình này thì giá có còn tờ báo cũng chẳng làm được trò gì, ho he một tý là chúng bóp chết ngay.

Nhân dịp tôi liền giới thiệu với ông những điểm chính trong bản “Đề cường văn hóa Việt Nam”. Nghe tôi nói xong gương mặt ông rạng rỡ hẳn lên. Ông nói: Thế tại sao trong thời kỳ mặt trận bình dân không thấy báo chí của các ông đả động gì đến vấn đề dân tộc mà chỉ hô hào đầu tranh đòi những quyền lợi hằng ngày?

– Thưa bác sĩ, tôi đáp, người cộng sản chúng tôi bao giờ cũng coi nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu. Trong sách báo bí mật, chúng tôi thường xuyên nhắc đến, nhưng trên sách báo công khai thì phải dè dặt, vì còn phải tranh thủ những người Pháp dân chủ, và những người nước ngoài đang làm ăn sinh sống trên đất nước ta để đưa họ vào mặt trận dân chủ Đông Dương.

Sở dĩ tôi dám nói thật với ông, vì ông đã biết tôi là Cộng sản, và tôi đã biết ông là một trí thức yêu nước chân chính, không có gì phải e ngại. Trước khi tôi ra về ông đề nghị tôi nhắc lại 3 khẩu hiệu “dân tộc hóa, khoa học hóa, và đại chúng hóa” để ông ghi và suy nghĩ thêm. Từ đấy ông tích cực ủng hộ Việt Minh, có mặt trong các cuộc diễu hành khổng lồ của quần chúng ngày 17-8, và hai ngày sau tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội. Sau khởi nghĩa, ông được bầu làm đại biểu quốc hội Hà Nội. Đến ngày toàn quốc kháng chiến, ông bị giặc Pháp sát hại cùng với một số người trong gia đình khi ông cầm súng chống lại chúng ở tại nhà ông.

Bảy mươi năm đã qua, bây giờ nhìn lại tôi thấy bản “Đề cường văn hóa Việt Nam” của Đảng đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Nó không chỉ là bó đuốc soi đường cho chúng ta trong những năm sống dưới ách thống trị của đế quốc Pháp và phát xít Nhật, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta trong cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Chủ trương xây dựng một nền văn hóa hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta hôm nay cũng là bắt nguồn từ ba phương châm: “Dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa” của bản đề cương.

(Văn nghệ số 11/2013)

Exit mobile version