Tác phẩm Văn học cổ điển Hàn Quốc (NXB Văn nghệ TP.HCM 2009) của dịch giả Đào Thị Mỹ Khanh, một trong số các cuốn sách văn học Hàn hiếm hoi được dịch sang tiếng Việt
Hội thảo có sự tham dự của các nhà nghiên cứu văn hóa, dịch giả Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Mông Cổ, Đài Loan.
Tại Việt Nam, nói đến phim Hàn Quốc, gần như không có người Việt nào chưa từng xem. Vì hàng ngày, hàng giờ trên khắp các kênh truyền hình ở xứ ta đều có phim Hàn Quốc trình chiếu. Đến độ lưu truyền câu nói: “Ăn phim Hàn, ngủ phim Hàn, thở cũng phim Hàn”. Nhưng nói đến văn học Hàn Quốc thì dường như ít người biết đến. Điều này cũng dễ hiểu trong thời đại văn hóa nghe nhìn đang lấn át văn hóa đọc hiện nay.
PGS – TS Phan Thị Thu Hiền, Trưởng bộ môn Hàn Quốc học, Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam, đưa ra những con số thể hiện sự ít ỏi này của văn học Hàn Quốc tại Việt Nam. Theo TS Hiền, từ năm 2006 đến tháng 6/2011, trên trang web thương mại của Nhà sách Phương Nam, thì có 277 đầu sách văn học của Trung Quốc, 55 đầu sách của Nhật Bản, còn Hàn Quốc chỉ có 13. Tra cứu danh mục sách ở Thư viện Quốc gia Việt Nam đến tháng 6/2011, sách văn học Hàn Quốc chỉ có 9 đầu sách, trong khi Nhật Bản có 85 và Trung Quốc có 539. Tại Thư viện Tổng hợp TP.HCM, sách văn học Hàn Quốc có 13 cuốn, Nhật Bản có 99 và Trung Quốc có 464 cuốn.
TS Hiền cho rằng, trong khu vực Đông Bắc Á, việc văn học Trung Quốc được dịch nhiều là đương nhiên. Tuy vậy, việc văn học Hàn Quốc được dịch sang tiếng Việt ít hơn văn học Nhật Bản là điều còn bất cập, vì dung lượng và thành tựu của hai nền văn học này không chênh lệch nhiều như thế.
Cũng theo PGS – TS Phan Thị Thu Hiền, từ năm 1992 đến nay, mối quan hệ Việt – Hàn đã vươn đến tầm đối tác chiến lược. “Khoảng 2.400 công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam với khoảng 400.000 người Việt đang làm việc ở các công ty này. Hàng năm, có hàng vạn lao động người Việt sang Hàn Quốc làm việc. Trên 40.000 phụ nữ Việt kết hôn với người Hàn”, theo TS Hiền. Do vậy, người Việt cần hiểu văn hóa Hàn Quốc, không chỉ qua phim ảnh, mà còn hiểu thêm ở cả góc cạnh văn học.
Riêng ông Joo-Youn Kim, Viện trưởng Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc, cho biết trong thời gian ở TP.HCM, ông sẽ đi thăm một số NXB để tìm đầu ra cho văn học xứ Hàn.
Hoàng Nhân
Nguồn: thethaovanhoa.vn.