Lịch sử luôn là đề tài lớn, nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo. Cách viết, nguyên tắc nhìn nhận, luận giải về lịch sử ở mỗi giai đoạn, qua mỗi thể loại chịu sự chi phối của các yếu tố như bối cảnh lịch sử, văn hóa, trường tri thức thời đại, tài năng, phong cách, cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn. Truyện ngắn về đề tài lịch sử từ đầu thế kỉ XX đến nay đã trải qua ba chặng đường chính: từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945, từ năm 1945 đến năm 1975, và từ năm 1975 đến nay. Xem xét quá trình vận động, biến chuyển qua mỗi thời kì là cách thức để chúng ta nhận diện, giải mã những đổi mới trong tư duy nghệ thuật cũng như những đóng góp của thể loại cho sự phát triển chung của văn học nước nhà.

1. Giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945

Văn học giai đoạn đầu thế kỉ XX đến năm 1945 cùng với sự ra đời của một số loại hình văn xuôi như tiểu thuyết tâm lí, tiểu thuyết hiện thực, tiểu thuyết lãng mạn, tiểu thuyết kiếm hiệp, truyện trinh thám, truyện quái dị… còn có sự xuất hiện của dòng truyện lấy đề tài lịch sử với một đội ngũ sáng tác khá đông đảo và một khối lượng tác phẩm tương đối đồ sộ. Trong đó có nhiều tác phẩm để lại tiếng vang lớn và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong công chúng độc giả bởi tinh thần dân tộc, ý chí đấu tranh sâu sắc. Ở thể loại truyện ngắn lịch sử, mặc dù chưa có nhiều thành tựu rực rỡ như tiểu thuyết lịch sử hay kịch lịch sử, song cũng đã kịp để lại những dấu mốc của mình qua tác phẩm của hai tác giả cũng là hai nhà cách mạng tiêu biểu: Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc.

Những tác phẩm của nhà chí sĩ Phan Bội Châu có thể xem như những tiểu truyện, liệt truyện bổ sung cho chính sử, cho lịch sử cách mạng Việt Nam. Các sáng tác của ông chịu nhiều ảnh hưởng từ truyền thống văn xuôi tự sự trung đại, nhất là những truyện về lịch sử và truyện danh nhân có từ thế kỉ XI trở đi. Lịch sử trong truyện ngắn của Phan Bội Châu là một “lịch sử gần”. Ông sáng tác để ca ngợi người anh hùng, chiến sĩ cách mạng, qua đó nhằm cổ vũ cho phong trào cách mạng đang nhen nhóm phát triển. Nếu như trong tiểu thuyết Trùng Quang tâm sử, ông chọn tái hiện thời đoạn lịch sử Hậu Trần thế kỉ XV, cách thời đại ông năm thế kỉ; thì trong truyện ngắn khoảng cách được rút ngắn đáng kể, mang ý nghĩa thời sự nóng hổi. Đó là câu chuyện về nhân vật lịch sử Cao Thắng (1864 – 1893) và câu chuyện mẹ Lân, nữ hào kiệt (Sùng bái giai nhân) cách thời điểm ông viết chưa đầy ba mươi năm (1907); hoặc câu chuyện về những người đồng chí, những nhân vật sống cùng thời với ông như Hoàng Hoa Thám (Chân tướng quân, 1917), Bùi Chính Lộ (Tái sinh sinh, 1918), Phạm Hồng Thái (Truyện Phạm Hồng Thái, 1925)… Có thể nói, với những chân dung nhân vật lịch sử cùng thời, Phan Bội Châu đã truyền được tinh thần dân tộc, thức tỉnh lòng tự tôn, kêu gọi đồng bào ghi nhớ sứ mệnh đối với nước nhà trong cảnh lầm than, mất nước. Mặc dù còn phảng phất lối tự sự trung đại trong việc sử dụng ngôn từ, kiến tạo kết cấu, xây dựng nhân vật, tổ chức thời gian, nhưng cái mới, mang màu sắc hiện đại của Phan Bội Châu là quan niệm về anh hùng và thời thế.

Nếu như những sáng tác của Phan Bội Châu đều bằng chữ Hán thì những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn này phần lớn được viết bằng tiếng Pháp. Lịch sử trong truyện ngắn của Nguyễn Ái Quốc được khai thác, chiếm lĩnh, tái hiện từ nhiều nguồn: hình thức dân gian, truyền kì, ước lệ; kho tàng văn hóa nhân loại… Tác giả đã vận dụng, kết hợp nhuần nhuyễn thủ pháp nghệ thuật truyền thống và lối viết tân kì, hiện đại từ phương Tây. Bằng cảm hứng lịch sử và dân tộc sâu sắc, với một ý đồ nghệ thuật sắc nét, Nguyễn Ái Quốc đã đề ra nguyên tắc tiếp cận, khám phá, lí giải hiện thực lịch sử khá độc đáo. Hiện thực lịch sử – cụ thể hay trữ tình – lãng mạn, tượng trưng hay huyền thoại, viễn tưởng, đều được sử dụng như những phương thức tiếp cận hiện thực. Đa phần lịch sử trong truyện ngắn của Nguyễn Ái Quốc là “lịch sử gần”, những sự kiện, biến cố, nhân vật lịch sử gắn với thời đại ông (Vi hành, Những trò lố hay là Varenne và Phan Bội Châu…); cũng có khi lịch sử trôi về kí ức xa xưa qua màn sương hư ảo của huyền thoại, truyền thuyết (Lời than vãn của bà Trưng Trắc). Lịch sử lúc này được soi rọi bằng điểm nhìn gần, mang hơi thở của cuộc sống “đang tiếp diễn”, “thời hiện tại chưa hoàn thành”.

Nếu xét trong những yêu cầu nghiêm ngặt của thể loại văn xuôi về đề tài lịch sử thì truyện ngắn của Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc chưa thật sự đáp ứng trọn vẹn. Thời điểm lịch sử được tái hiện khá gần, thậm chí là cùng thời với tác giả. Tuy vậy, từ cảm hứng, quan điểm sáng tác, phương thức thể hiện hiện thực phần nào đó đã mang hình hài của thể loại văn học lịch sử. Những tác phẩm này là nguồn cảm hứng, tạo tiền đề cho những sáng tác trong những giai đoạn sau.

Trong giai đoạn này chúng tôi ghi nhận một truyện ngắn lịch sử “chính hiệu” của Khái Hưng – Linh hồn thi sĩ. Truyện ngắn này mang đầy đủ đặc trưng của thể loại: lấy bối cảnh triều đại nhà Hồ, với nhiều sự kiện gắn liền nhân vật lịch sử có thật Hồ Quý Ly, Trần Thuận tông. Nối kết quá khứ, thông qua câu chuyện giữa Hồ Quý Ly và người nghệ sĩ Trần Can, Khái Hưng đã gửi gắm thông điệp về khát vọng tự do, ý thức “vượt thoát” những ràng buộc, định kiến vươn tới chân trời sáng tạo nghệ thuật của thời đại ông.

2. Giai đoạn 1945 – 1975

Gắn liền với vận mệnh dân tộc, số phận nhân dân, thể loại văn học lịch sử giai đoạn này cũng đạt được một số thành tựu quan trọng. Sự xuất hiện của nhiều tiểu thuyết lịch sử với cảm hứng khẳng định, ngợi ca đã góp phần gợi lên không khí sử thi, anh hùng cách mạng của thời đại. Tuy vậy, so với những thể tài khác, thể tài lịch sử vẫn bị “lép vế”, chưa có nhiều những cách tân, thể nghiệm mới mẻ, vẫn thiên về truyện kể hơn là tiểu thuyết.

Cùng với đó, truyện ngắn về lịch sử cũng chưa được chú trọng đúng mức. Dường như yêu cầu của thời đại lịch sử khiến thể loại này phải “nhường chỗ” cho những thể loại nóng hổi tính thời sự, có khả năng xâm nhập nhanh và tác động trực tiếp đến cuộc sống của con người đương thời. Cho nên, truyện ngắn lịch sử giai đoạn này có rất ít thành tựu, kể cả về đội ngũ sáng tác lẫn số lượng tác phẩm. Có thể nói những truyện ngắn luận đề mang màu sắc lịch sử của Vũ Hạnh là một trong những “của hiếm” về thể loại trong giai đoạn này.

Trong tập truyện Bút máu (1958) có ba truyện ngắn luận đề xuất sắc: Bút máu, Chất ngọc, Vàng trong cổ tháp. Trong đó có hai truyện đề cập đến thái độ của văn nghệ sĩ trước bọn quan lại, vua chúa tham lam, tàn bạo.

Trong Bút máu, Vũ Hạnh đã sử dụng những chi tiết mang màu sắc kì ảo, một thứ kì ảo tiên đoán, dự cảm thường thấy trong trong thể loại truyền kì trung đại (Truyền kì mạn lục – Nguyễn Dữ). Tác phẩm miêu tả cuộc đời của Lương Sinh, người đất Mãn Châu, danh sĩ tài hoa, thông minh, phong lưu. Sau khi thao thao bất tuyệt phóng bút ca ngợi tài đức viên quan cáo già họ Lý, anh ốm nặng như bị ma ám. Ngòi bút của anh bỗng dính đầy máu “từng giọt, từng giọt thắm hồng như rỉ ra từ tim” cùng những ám ảnh về vô số oan hồn đòi mạng. Lời nói của người cậu từ trong núi Hoa Dương trở về như một luận đề cảnh báo bọn bồi bút thời Mĩ Diệm về thứ “văn chương vô đạo”, “phi nhân”. Vàng trong cổ tháp là một loại truyện lồng trong truyện, bối cảnh xoay quanh làng Đồng Dương, giữa vùng đồi núi miền Thượng Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, thuộc khu vực của kinh đô Chiêm Thành ngày xưa. Thông qua ba câu chuyện liên hoàn, hiện tại, quá khứ gối tiếp, đan cài vào nhau. Mỗi lần phục hiện quá khứ là một lần con người hiện đại chiêm nghiệm, lí giải, phơi bày những dục vọng đen tối, tham tàn, mê muội của mình. Câu chuyện về người họa sĩ yêu nước A Doan như một thông điệp tác giả muốn gửi gắm đến những người nghệ sĩ đương thời ý thức về vai trò, sứ mệnh của người cầm bút đối với vận mệnh của dân tộc và nhân dân. Chất ngọc tái hiện câu chuyện về Sầm Hiệu, người nông dân cương trực, dũng cảm, sống hết lòng với những người dân cơ cực, lầm than. Cái chết và sự hóa thân thành “một khối ngọc hồng như kết tinh lại máu huyết uất hận từ tim” như một minh chứng cho sức sống bất diệt của lí tưởng, khát vọng trước cường quyền. Lời kết của tác phẩm cũng chính là luận đề cho toàn tác phẩm: “Từ đấy, bao nhiêu mảnh ngọc lại được truyền đi khắp dân gian. Thiên hạ lưu giữ ngọc ấy làm bảo vật để gửi lại cho đời sau. Ngày nay có nhiều người lính còn mang trong lòng chất ngọc lưu truyền, chất ngọc tượng trưng cho sự kiên quyết bảo vệ lẽ phải và lòng thiết tha yêu mến nhân dân”.  Quả thật, những truyện ngắn luận đề mang màu sắc lịch sử của Vũ Hạnh như một sự thức tỉnh cho những người cầm bút trong thời đoạn đặc biệt của dân tộc; đó cũng là lời trao gửi, nhắn nhủ tâm huyết của nhà văn đến tất cả những người đang đứng lên tranh đấu về lí tưởng sống lớn lao vì nhân dân, về sự nghiệp độc lập, tự do của dân tộc.

Trong giai đoạn này, chúng tôi cũng muốn nhắc đến một truyện ngắn kì lạ đã mang lại không ít sóng gió cho cuộc đời người sáng tạo ra nó – Phùng Cung và truyện ngắn lịch sử Con ngựa già của chúa Trịnh. Tác phẩm xuất hiện lần đầu tiên trên tờ Nhân văn, số 4, 10/1956. Số phận của Kim Bông, con thiên lí mã tự do tự tại, tung hoành chiến trận, một hôm chấp nhận vào phủ chúa Trịnh chịu mang hàm thiếc, bị che mắt chỉ được nhìn thẳng, chạy thẳng một hướng như một thành công về biểu tượng phúng dụ, một thông điệp nghệ thuật thâm thúy, sâu sắc lúc bấy giờ và có sức lan tỏa đến tận hôm nay.

Như vậy, truyện ngắn lịch sử giai đoạn này chưa có nhiều tiếng vang, chưa trở thành dòng chủ lưu trong đời sống văn học, song mỗi tác phẩm đã ghi đậm dấu ấn cá nhân và ở một phương diện nào đó đã chuyên chở những suy tư của con người đương thời về nhiệm vụ người nghệ sĩ và nghệ thuật, về khát vọng nhân sinh, nhân bản sâu sắc.

3. Giai đoạn sau năm 1975

Sau năm 1975, đặc biệt là sau thời kì Đổi mới, trong xu hướng dân chủ hóa và tự do sáng tác, lĩnh vực thể loại văn học lịch sử bắt đầu hồi sinh và trở thành một trong những đề tài chủ chốt của văn học nước nhà. Các tác phẩm không chỉ mở rộng đề tài, chủ đề theo hướng tiếp cận gần gũi hơn với hiện thực đời sống sinh hoạt, đời tư thế sự, thân phận con người, đời sống văn hoá tâm linh dân tộc, mà quan niệm của các nhà văn về một số vấn đề về thể loại và về lịch sử cũng mang những màu sắc thẩm mỹ mới. Với nhu cầu nhận thức lại lịch sử, văn học đã đi đúng vào bản chất, khám phá lịch sử và con người ở tầng vỉa sâu của những bí ẩn, khuất lấp, ý thức và vô thức, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường. Bên cạnh sự thành công của thể loại tiểu thuyết lịch sử với những tên tuổi ưu tú: Nguyễn Xuân Khánh, Võ Thị Hảo, Nam Dao, Hoàng Quốc Hải, Thái Bá Lợi, Nguyễn Quang Thân… truyện ngắn về đề tài lịch sử cũng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Về số lượng tác phẩm và lực lượng sáng tác: Theo thống kê sơ bộ (có thể chưa đầy đủ) của chúng tôi trên báo, tạp chí lớn và trong các tuyển tập truyện ngắn (in chung và in riêng), từ năm 1975 đến nay có trên 200 truyện ngắn về đề tài lịch sử. Trong nhiều tuyển tập truyện ngắn được tuyển chọn hằng năm, số lượng tác phẩm về lịch sử chiếm một dung lượng đáng kể. Ví như trong Tuyển tập truyện ngắn hay 2000 (NXB. Hội Nhà văn) trong số 15 truyện thì có đến 5 truyện lấy đề tài lịch sử; trong 10 truyện ngắn hay được bình chọn trên báo Văn nghệ năm 2002 có 2 truyện ngắn lịch sử…

Bên cạnh những cây bút đàn anh đàn chị đã khẳng định được phong cách của mình trên văn đàn: Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khắc Phục, Trần Thùy Mai, Võ Thị Hảo, Nguyễn Phan Hách, Ngô Văn Phú, Trần Hạ Tháp, Văn Chinh, Sương Nguyệt Minh…, giai đoạn này cũng xuất hiện nhiều cây bút trẻ tài năng, đam mê với những thể nghiệm tới cùng như Trần Thị Huyền Trang, Uông Triều, Phạm Thái Quỳnh, Hoàng Tùng, Phùng Văn Khai, Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Phú, Nguyễn Thúy Ái, Lê Vũ Trường Giang…

Về giải thưởng và thành tựu: So với “hòn đá tảng”, “chiếc máy cái” – tiểu thuyết lịch sử được vinh dự nhận nhiều giải thưởng danh giá hàng năm, truyện ngắn lịch sử có vẻ khiêm tốn hơn về số lượng cũng như “đẳng cấp” giải thưởng. Năm 2010, tập truyện ngắn Dị hương của Sương Nguyệt Minh (trong 10 truyện ngắn chỉ có duy nhất Dị hương lấy đề tài lịch sử, nhưng đây lại là tác phẩm “đinh”, được dư luận và các nhà lí luận, phê bình chú ý) đạt Quán quân giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Ngoài ra, nhiều truyện ngắn lịch sử cũng được vinh danh trong các giải thưởng do các báo, tạp chí tổ chức. Ví như trong cuộc thi truyện ngắn do báo Văn nghệ tổ chức năm 2000 – 2001, Trần Hạ Tháp đã được chọn trao giải Nhất cho tác phẩm viết về đề tài lịch sử Cuộc cờ lều Ngộ Vân. Còn nhiều tác phẩm được lựa chọn đưa vào các tuyển tập truyện ngắn hay hàng năm và từng giai đoạn. Điều đó phần nào đã khẳng định sức sống cũng như giá trị của thể loại này trong đời sống văn học đương đại.

Về dư luận độc giả và hiệu ứng xã hội: Cũng như các tiểu thuyết lịch sử, truyện ngắn lịch sử cũng nhận được nhiều sự quan tâm, đánh giá với những ý kiến trái chiều, đôi khi gây những tranh cãi quyết liệt trên văn đàn. Nguyễn Huy Thiệp đã “đại náo làng văn” bằng chùm truyện ngắn “giả/giải lịch sử” lấy chất liệu thời Quang Trung và Gia Long (Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết). Những nhìn nhận, khen chê khác nhau đã dấy lên những cuộc đối thoại, luận bàn về sự thật và hư cấu lịch sử, về vai trò chủ quan và giới hạn của nhà văn, về đặc trưng thể loại… Gần đây dư luận có nhiều “xôn xao” về các sáng tác của Sương Nguyệt Minh (Dị hương), Trần Vũ (Gia phả, Giáo sĩ, Mùa mưa gai sắc), Nguyễn Thúy Ái (Trở về Lệ Chi Viên)… Điều đó một lần nữa buộc công chúng độc giả và những người sáng tác, nghiên cứu phải quan tâm đến thể loại hấp dẫn này.

Về khuynh hướng và cảm thức lịch sử: Truyện ngắn giai đoạn này ghi nhận sự đa dạng trong khuynh hướng sáng tác. Khuynh hướng tái hiện chân thực lịch sử với những tác phẩm tiêu biểu như: Thời của chim Hồng chim Hạc (Phạm Ngọc Quý), Nghĩa động càn khôn (Trần Hạ Tháp), Vụ án rạch Láng Thé (Phạm Văn Thúy), Người làm thuê quán trọ thành Thăng Long (Khúc Hà Linh), Đào viên tình sử (Phạm Thái Quỳnh)… Khuynh hướng luận giải lịch sử, xem sự kiện lịch sử như phương tiện, phông nền để nhà văn thể hiện những suy tư, chiêm nghiệm về các vấn đề của lịch sử, văn hóa và số phận con người: Kiếm sắc, Phẩm tiết, Vàng lửa, Mưa Nhã Nam, Phủ Tường Vi, Cội nguồn vang bóng, Phong hầu, Thần nữ đi chân không, Dị hương, tập truyện Đêm cuối cùng ở Ngọa Vân… Ngoài hai khuynh hướng tiểu biểu trên, truyện ngắn lịch sử giai đoạn này còn có các khuynh hướng độc đáo khác: Khuynh hướng truyện ngắn lịch sử – kiếm hiệp, lịch sử – huyền ảo, huyền thoại: tập truyện Bảo kiếm truyền kì, Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm, Dị hương, Giáo sĩ, Hồn quỳnh, Ngủ giữa trùng sơn; khuynh hướng truyện ngắn lịch sử – văn hóa, phong tục: Vũ khúc Vijaya, Sông cạn, Người hát ca trù… Truyện ngắn lịch sử sau năm 1975 vừa kế thừa cảm thức chiêm bái, ngưỡng vọng, ngợi ca của các giai đoạn trước (Lênh đênh buồm sóng, Nghĩa động càn khôn, Cội nguồn vang bóng, Trần Quang Diệu, Viễn khúc…); đồng thời có sự vận động, đổi mới trong cảm thức trên nguyên tắc nhận thức lại lịch sử bằng điểm nhìn văn hóa, triết học lịch sử và tinh thần nhân bản hiện đại: cảm thức phân tích, “giải thiêng” (Phẩm tiết, Mùa mưa gai sắc, Trở về Lệ Chi Viên, Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm…); lịch sử được lí giải từ số phận cá nhân, bi kịch nội tâm của con người (Phủ Tường Vi, Phong hầu, Thể Cúc, Án lục người đàn bà họ Tống, Nàng Điểm Bích, Người con gái Yên Tử…); cảm thức khơi mở những bí ẩn, khuất lấp trong lịch sử (Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm, Trần Quang Diệu, Hành trạng tâm linh, Ngày cuối cùng của dâm phụ…).

Về những cách tân và thể nghiệm về hình thức nghệ thuật: So với hai giai đoạn trước, truyện ngắn lịch sử giai đoạn này đã có nhiều thể nghiệm, đổi mới về hình thức thể hiện. Đó là sự đổi mới nguyên tắc khám phá, luận giải lịch sử – văn hóa; độc đáo trong tư duy tự sự lịch sử với những lối kết cấu linh hoạt, tăng cường nguyên tắc đối thoại, gấp bội điểm nhìn, đa tầng bậc không – thời gian truyện kể, diễn ngôn dung chứa nhiều lớp trầm tích: lịch sử – dã sử – huyền thoại – văn hóa… Bên cạnh đó, nhiều tác giả còn thể hiện sự nỗ lực làm mới thể loại bằng sự cách tân loại hình nhân vật theo hướng đa dạng, nhiều chiều; cùng với sự đa thanh, phức hợp trong giọng điệu và lối kể chuyện linh hoạt, những chiến lược tự sự hiệu quả…

Có thể nói, truyện ngắn về đề tài lịch sử từ đầu thế kỉ XX đến nay đã có sự vận động không ngừng trên nhiều phương diện: cảm thức lịch sử, tư duy tự sự lịch sử, loại hình nhân vật lịch sử, tổ chức kết cấu … Xuất hiện ngày càng nhiều các phong cách, các xu hướng bên cạnh những đổi mới trong quan niệm về thể loại, về vai trò của nhà văn và nghệ thuật xây dựng văn bản truyện kể. Mặc dù còn có những hạn chế, non nớt nhất định, nhưng đây là những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ vào sự “hồi sinh” của thể loại, đem lại cho thể loại văn xuôi lịch sử một vị trí không thể thay thế trong dòng chảy văn học đương đại.

N.V.H

……….

Nguồn: vannghequandoi

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phan Cự Đệ (Chủ biên, 2007), Truyện ngắn Việt Nam, lịch sử – thi pháp – chân dung, NXB. Giáo dục, H.

2. Bùi Văn Lợi (1998), Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945, diện mạo và đặc điểm, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Sư phạm, H.

3. Nguyễn Thị Tuyết Minh (2008), Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ 1945 đến nay, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Viện Văn học, H.

4. Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn, những vấn đề lí thuyết và thực tiễn thể loại, NXB. Đại học Quốc gia, H.