Thằng bạn của tôi, Trần Chính là nhà quay phim chiến trường, suýt chết không biết bao nhiêu lần, một con người dày dạn. Sau ngày Giải phóng anh được đưa đi học nghề dạo diễn ở nước ngoài. Trở về, hai đứa.gặp lại nhau tại quán cà phê vỉa hè dưới gốc một hàng me. ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp lại anh: anh trẻ hơn nhiều! Trước, anh vừa gầy vừa đen, cái màu đen của nắng, của bụi, của cả khói đạn. Năm năm ở nhà trường nước ngoài, màu da anh như được rửa sạch. Da mặt vừa hồng vừa mơn mởn. Không phải đẹp trai mà ngon trai, mái tóc dợn sóng, đôi mắt trong, đôi mắt lúc nào cũng quan sát, liếc nhìn người qua lại, ngước nhìn cây, cúi xuống nhìn những lá me vừa rụng xuống bàn, thật linh động.
Chiếc áo khoác ngoài màu xám tro, không có tay nhưng rất nhiều túi. Trước ngực lủng lẳng chiếc máy ảnh Nicon, đúng phong cách con nhà điện ảnh. Anh có danh xưng mới: “đạo diễn trẻ”, trẻ thật, mới hơn ba mươi – nhiều mối tình nhưng chưa có vợ. Trong nhiều chuyện trao đổi qua lại, có một câu nói của anh tôi nghe lạ – Anh đưa tay chỉ lên trời, ngón tay múp míp:
– Trên trời có tạo hóa dưới trần gian thì có đạo diễn.
– Mầy nói sao tao nghe không rõ?
Trần Chính nhắc lại kèm theo lời giải thích:
Trên trời có tạo hóa, tạo hóa sanh ra muôn loài và quyết định cả sinh mạng của muôn loài, trong đó có con người. Dưới trần gian thì có đạo diễn, đạo diễn đẻ ra nhân vật, đạo diễn điều khiển nhân vật của mình, có thể biến cải nhân vật của mình từ giàu đến nghèo, từ nghèo đến giàu, từ xấu đến tốt, từ tốt đến xấu và quyết định cả số phận của họ.
Tôi nghe cũng có lý, nhưng chưa thật sự được thuyết phục. Tôi muốn tranh luận nhưng thôi, một người dốt lý luận không thể tranh luận với một người dược trang bị lý luận suốt năm năm, lại là năm trăm ở nước ngoài.
Để xem?
*
Đạo diễn Trần Chính nhận kịch bản “Mặt trận thầm lặng”, trong kịch bản có một vai phụ, nữ tình báo – rất nhiều đất diễn. Trần Chính tiếp xúc cả chục cô gái, nhưng chẳng ưng ý cô nào – Các cô ở Sài Gòn cô nào cũng đẹp cũng đều hợp với vai khi hoạt động ở thành phố. Nhưng nhân vật nữ tình báo Cẩm Thiên lại là cô gái gốc gác ở miền Tây, một cô gái nông dân, biết mò cua bắt ốc, biết chèo, chống. Dạy cho các cô gái này cũng được, nhưng không thể nhuần nhuyễn, dễ giả tạo. Đã có một trường hợp như vậy. Khi anh còn ở miền Bắc – kịch bản “Sóng to gió cả” mà anh là người quay lùm có nhân vật là một cô gái Nam bộ, biết chèo xuồng ba lá – Cô diễn viên Hà Nội lại không biết chèo – Đành phải đóng giả. Đồng nước là hồ Bảy Mẫu, nước cũng mênh mông như đồng nước của Nam bộ, coi như được. Nhưng cô diễn viên đẹp gái của Hà Nội lại không biết chèo, dành phải chơi kỹ xảo. Trước mũi xuồng có một cái khoeo, móc vào một sợi dây chìm dưới nước nối lên bến. Người trên bờ kéo chiếc xuồng lướt tới – Đúng là mỗi lần hai mái chèo đập xuống, nước quẫy lên thì mũi xuồng mới cất lên, lướt tới. Đằng này, người kéo và người chèo chẳng biết ý nhau. Hai mái chèo chưa đập xuống thì mũi xuồng đã cất lên lướt tới ào ào.
Khán giả chẳng mấy ai để ý, còn anh, với lương tâm nghề nghiệp, anh xấu hổ quá – Là đạo diễn của bộ phim đầu tay, anh phải tự chứng tỏ mình, không được trật văn phạm.
Một buổi chiều lang thang, có xe honda nhưng anh thích đi xe đạp, đi xe đạp nhìn người rõ hơn. Chiều mưa lất phất, mưa như bụi, mát mặt mà không ướt người, anh đi qua hàng trái cây. Anh giật mình thấy một cô gái dong dỏng, mái tóc dài, mặt xương sắc nét, mũi dọc dừa, mày lưỡi liềm, môi chúm chím, khoác hờ trên vai chiếc áo bờ lu dông màu gạch non. Đạo diễn Trần Chính vừa xúc dộng vừa bối rối, vừa vui mừng, anh dừng xe vào lề, bước thẳng đến cô gái:
– Cô chọn cho tôi một trái xoài riêng.
– Bao ăn, anh khỏi lo.
Cô gái cầm cái cuống trái xoài riêng để lên bàn cân, nói giá tiền, trao cho anh.
– Tôi muốn ăn tại đây, cô tách dùm.
Cô gái nhanh nhẹn đặt một cái ghế đẩu trước mặt anh. Trong túi của anh luôn có một chai rượu nhỏ. Trước mắt cô gái,
anh là một người khách kỳ lạ, ăn một múi xong anh lại ngửa cổ tu một hớp rượu.
– Anh nhậu à?
– Nhậu, không có mồi nào ngon bằng xoài riêng. Cô tên gì?
– Thiều.
– Quê cô ở đâu?
– Miền Tây.
– Cô lên Sài Gòn lâu chưa?
– Dạ mới vài năm.
– Cô có biết chèo, chống không.
– Bơi, chèo, chống, mò cua bắt ốc, con gái miền Tây ai cũng biết.
– Nhà cô ở đây.
– Dạ không, em thuê vỉa hè, nhà hẻm, xa lắm.
– Lúc nào cô có mặt ở đây.
– Dọn hàng từ năm giờ sáng, tối mười một giờ dọn hàng nghỉ.
– Cực quá ha?
– Kiếm miếng cơm đâu có dễ anh.
Qua vài câu dối thoại, anh nắm được sơ bộ lai lịch của cô, anh hài lòng.
Qua chiều hôm sau, anh đưa phó đạo diễn chỉ đạo diễn xuất cùng nhà quay phim chính – Cả ba cùng ngồi ăn xoài riêng, uống rượu, mỗi người mỗi câu thay nhau hỏi chuyện.
– Cô thích xem phim không?
– Phim thì ai mà hổng thích.
– Tên cô là Thiều, Thiều có nghĩa là gì?
– Nhà em đều đặt tên cá – Anh hai em là Rô, cá rô. Chị ba em là Ngát, cá ngát, em tên Thiều là khô Thiều.
Cả ba đều cười qua cách đối đáp vừa mộc mạc vừa duyên dáng của cô Đạo diễn Trần Chính đi thẳng vào đề:
– Ba anh em tụi tôi đều làm điện ảnh, tụi tôi muốn mời cô đóng phim.
– Trời đất? – Cô trố mắt rồi cười rũ xuống, cười chảy cả nước mắt – Thôi đừng phá em.
Thế là cô Thiều bán trái cây nhập vai Cẩm Thiên, nữ trinh sát đặc công – Cẩm Thiên khi ở nội thành, khi ở bưng biền, ra vào như con thoi. ở bưng biền, Cẩm Thiên với bộ đồ bà ba màu lá cây chống xuồng trên cánh đồng nước trong tầm pháo của địch, từng cột nước dựng lên trước mũi xuồng thật hấp dẫn. Lại thêm một cảnh cô chèo chiếc xuồng ba lá len lỏi qua kinh rạch dưới tầm bay của trực thăng, một viên đạn rocket nổ trước mũi xuồng, cô lao xuống nước, lặn mất, tưởng cô chết, không ngờ cô trồi đầu lên từ giề lục bình.
Trở lại nội thành, Cẩm Thiên ăn mặc rất mốt: áo hở ngực, jup ngắn, hai đùi như hai cái đùi ếch, vàng vòng đỏ ngực, đỏ tay. Khi đi xe honda, khi ngồi trong một chiếc xe hơi sang trọng. Đêm, Cẩm Thiên đến vũ trường, nhảy với sĩ quan ngụy, và chỉ có một điệu, điệu “sì lô”, ôm nhau đưa đẩy trong ánh đèn mờ nhịp nhàng với điệu nhạc gợi tình, thật mùi mẫn. Có đêm cô ngồi uống rượu với lính Mỹ – (cô Thiều không biết tiếng Anh nhưng Cẩm Thiên nói tiếng Anh như gió nhờ lồng tiếng). Nữ trinh sát Cẩm Thiên nắm hết qui luật của khách sạn, nhờ đó đặc công đặt mìn đánh sập khách sạn, giết không biết bao nhiêu lính Mỹ.
Bộ phim ra đời, cô nổi tiếng – Hình ảnh Cẩm Thiên được phóng to, rạp chiếu bóng nào cũng có – Hình ảnh cô lên lịch, bán khắp nơi. Cô ra đường, con nít chạy theo coi mặt, lại có khán giả đón đường xin chữ ký.
Trong thời gian làm phim, đạo diễn Trần Chính và cô diễn viên là đôi tình nhân. Ai cũng nghĩ, sau ngày làm phim, họ sẽ làm dám cưới, thật đẹp đôi vừa lứa. Nhưng sự đời lại khác, cô diễn viên Thiều – Cẩm Thiên tuột dần ra khỏi tầm tay của đạo diễn Trần Chính.
Những đêm hẹn hò ngày càng thưa, đêm đến vũ trường của Thiều Cẩm Thiên càng ngày càng nhặt và rồi đêm nào cô cũng có mặt ở vũ trường – Khác hơn cảnh trong phim, cô không chỉ biết nhảy “sì lô”, mà điệu nào cô cũng rành. Cô có một cái tên mới, tên cúng cơm ghép với tên nhân vật – Thiều Cẩm Thiên, tên Thiều trở thành cái họ, cái họ độc đáo chưa ai nghe thấy bao giờ.
Thiều Cẩm Thiên bước vào vũ trường như một hiện tượng, thật lộng lẫy, tất cả cặp mắt dều đổ dồn lên tóc tai mặt mũi và thân thể của cô. Nhạc của vũ trường trỗi lên như để chào đón cô. Dân chơi vũ trường không ai không muốn nhảy với cô, có người ghiền cô vì thêm một lẽ “mùi hương phấn người” từ người cô tỏa ra.
Cô tâm sự với một diễn viên của đoàn, cô vẫn mến, vẫn mang ơn đạo diễn Trần Chính, nhưng Trần Chính không thể bảo đảm đời sống của cô. Từ khi cô nổi tiếng thì bà con dòng họ cô từ quê kéo lên, người nào cũng mong được cô giúp đỡ. Không ai biết và cũng không ai tin là tiền thù lao cho diễn viên như cô chỉ đủ tiêu xài trong những ngày làm phim, người ta tưởng cô đã trở thành tỉ phú.
Trong phim có cảnh giặc càn, chủ nhiệm xuất tiền dựng lên cái chòi để đốt, tiền của mấy cái chòi được nâng lên thù lao trên một người một ít. Giặc đi càn, người bị bắn chết là lẽ tất nhiên, nhưng cũng phải bắn chết con bò – Người chết chết giả, bò thì chết thật. Cả đoàn làm phim được một bữa bồi dưỡng, nghĩ lại thật buồn cười.
Còn đạo diễn Trần Chính anh vẫn sống tập thể không quá hai mươi mét vuông, toilet thì toilet tập thể. Có duyên mà không có nợ! Đành phải chia tay.
Đạo diễn Trần Chính đâu phải lúc nào cũng được làm phim. Đạo diễn thì nhiều mà kịch bản thì ít, Trần Chính phải vác máy đi quay đám ma, đám cưới kiếm miếng ăn. Có người nhìn anh bằng con mắt xem thường, nhưng anh phớt lờ – Anh tìm ra ý nghĩa của việc làm – Thời chiến tranh, anh ghi lại hình ảnh xông pha ngoài mặt trận, hình ảnh người chiến sĩ ngã xuống. Bây giờ anh ghi lại hình ảnh hạnh phúc của lứa đôi. Với anh đây là sự chuyển tiếp của đời sống, cần phải giữ
lại cho mai sau.
Nghĩ ngợi, toan tính, Cẩm Thiên bước vào con đường kinh doanh bằng cái thời tiếng tăm của mình. Qua một năm lựa chọn, cuối cùng cô làm vợ bé cho một ông giám dốc công ty xuất nhập khẩu. Ông giám đốc liền tặng cho cô một ngôi nhà, một căn nhà hai lầu, tám phòng ở một con hẻm. Nhà trong hẻm nhưng ô tô ra vào thông thống. Sau một năm, người chồng không hôn thú của cô ra tòa, tòa kêu án hai mươi năm tù giam vì tội tham nhũng.
Bị hụt hẫng một lúc, cô lấy căn nhà mở quán karaoke. Nữ tiếp viên của quán cô không ai được quá hai mươi làm tuổi, tuổi hai mươi lăm bị gọi là ngoại – Nữ tiếp viên của cô là đội tuyển U 18 – 20. Cô là chủ nhưng khách nào cũng muốn ngồi riêng với cô. Khách của cô không phải là dân giàu, giàu thì sang, còn khách của cô là dân nghèo có tiền, họ thích chơi, ngông. Cô không hề đi thăm người chồng không giá thú của cô. Có ai hỏi, cô bảo “quên đi” – Rồi cô cặp một ông Việt kiều. Ông Việt kiều về nước, cô cặp ông giám đốc. Cô thay tình nhân như thay áo.
Khách hâm mộ điện ảnh như quên cô thì bất thình lình cô trở lại trên mặt báo. Quán karaoke Thiều Cẩm Thiên bị ngưng hoạt động. Sau khi nộp phạt hành chính, một tuần sau, quán lại khai trương. Cô bịa ra là ngày sinh nhật của cô, khách lại nườm nượp, đâu lại vào đấy.
Lại nói về dạo diễn Trần Chính – Mối tình của anh với diễn viên Thiều như một ngọn gió thoảng qua, một chút choáng váng, chẳng có gì phải vương vấn. Đôi lúc anh cảm thấy may, có một người vợ như Thiều Cẩm Thiên thì sự nghiệp anh còn gì.
Anh đi lấy vợ, vợ anh là cô giáo dạy văn, mẫu mực và hiền từ, là “hậu phương” vững chắc cho anh. Cô giúp cho anh một việc mà anh không ngờ tới – Kịch bản phân cảnh của anh, cô vừa đánh máy sạch sẽ vừa sửa tất cả lỗi chính tả cho anh. Anh chẳng bao giờ phân biệt dấu hỏi ngã, một số từ ở chữ cuối có “g” hay không có “g” anh cũng quên béng. Cầm kịch bản của anh, chưa đọc nhưng đã vui mắt rồi, có người khen anh tiến bộ.
Nghĩ đến cuộc đời Thiều Cẩm Thiên có người tổng kết: “Người đàn ông nào đụng đến nó, trước sau gì đời cũng tàn. Không đi tù thì cũng bị cách chức”. Đúng như vậy thật. nhưng với Trần Chính, anh không có gì để tàn mà ngược lại ngày càng vững bước trên con đường nghệ thuật. Vợ chồng anh đã có ngôi nhà nhỏ, một mảnh vườn xinh xinh, có chậu hoa hồng, có giò phong lan, có giàn hoa lý, đẹp như lời hát của một ca khúc trữ tình.
Một hôm gặp lại Trần Chính, tôi đùa:
– Hồi đó mày có nói đạo diễn là tạo hóa dưới trần gian phải không?
– Phải, đó là chức năng của đạo diễn.
– Mày nói đạo diễn đẻ ra nhân vật, điều khiển và quyết định cả thân phận của nhân vật?
– Chớ sao.
– Bây giờ tao hỏi mày, mày có thể điều khiển Thiều Cẩm Thiên trở về một cô gái chân chất, mộc mạc như trước đây không?
Đạo diễn Trần Chính ngửa mặt cười ngất và đưa hai tay lên trời:
– Xin thua.
Nguyễn Quang Sáng – Tháng 11 – 2001
Exit mobile version