NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Thời học sinh tôi rất phục “Quái kiệt” Trần Văn Trạch và thuộc những bài ông hát giúp vui trong các cuộc quảng cáo Xổ số kiết thiết quốc gia.
Hát bài “Xe lửa mùng 5 tết”, Trần Văn Trạch nhái tiếng xe lửa chạy cà- rịch cà-rịch rất giống. Nhắc đến Trần Văn Trạch có buồn mấy tôi cũng phải cười vui. Không ngờ sau nầy tôi lại có dịp được làm “người em kết nghĩa”, “người bạn vong niên” của chính anh ông Trạch là nhà dân tộc nhạc học Trần Văn Khê. “Tình bạn” vong niên giữa anh ông và tôi không chỉ diễn ra trong một thời kỳ, một hoàn cảnh nào đó mà đã giữ được đến không ngờ vừa đúng nửa thế kỷ (1965 – 2015). Nếu “Anh Khê” chưa qua đời vào tháng 6/2015 thì tình “bạn vong niên” ấy còn kéo dài thêm một thời gian nữa. Nhiều lần tôi kể với “Anh Khê” chuyện tôi mê Trần Văn Trạch như thế nào. Và tôi được “Anh Khê” cho biết những năm tháng cuối đời của Trần Văn Trạch và “Anh Khê” đã giúp đỡ cho gia đình Trần Văn Trạch như thế nào. Hôm tổ chức đám tang cho “Anh Khê” (6/2015), tôi bất ngờ được gặp con trai Trần Văn Trạch ở Pháp mới về. Tiếc là hôm đó quá bận rộn nên không thăm hỏi thêm người ấy được điều gì mới nữa.
Tôi nhớ có lần – trong một cuộc phỏng vấn – nhà văn nữ làm việc ở báo KTNN hỏi tôi đại ý: Ông là người nhỏ hơn GS Trần Văn Khê đến 16 tuổi, ông cũng không hẳn là người nghiên cứu dân tộc nhạc học, lại là cán bộ kháng chiến ở trong nước làm sao ông có thể có mối liên hệ anh em thân thiết với GS. Khê ở tận bên Pháp đến như vậy?
Chuyện hơi dài dòng nên hôm đó tôi không tiện kể, và xin hẹn người đẹp một dịp khác. Sau đó nhân ngồi tâm sự với “Anh Khê” ở 32 Huỳnh Đình Hai (Bình Thạnh, Tp. HCM), tôi thuật lại câu hỏi của nhà văn nữ ở KTNN. “Anh Khê” trả lời một cách đơn giản rằng:
– “Nhất ẩm nhất trác, giai do tiền định”1 cả thôi, em Xuân ơi!
Tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, số 1 Xuân 1966 |
Đó là cách nghĩ của “Anh Khê”. Sự thực theo tôi là do hoàn cảnh của đất nước hồi ấy đã vô tình nối liên lạc giữa tôi và “Anh Khê”. Như tôi đã viết trong hồi ký2, vào những năm 1964 – 1966, phong trào dân tộc vận động hòa bình nổi lên rất mạnh ở các đô thị miền Nam Việt Nam. Làm luận văn ra trường Đại học Sư phạm Huế tôi chọn một đề tài văn hóa dân tộc là “Hát Bội”. Tôi được TS. Lê Văn Hảo – học trò của GS. Trần Văn Khê ở Pháp mới về Huế, cho tôi mượn luận án Tiến sĩLa Musique Vietnamienne Traditionnelle (Âm nhạc Truyền thống Việt Nam) của Trần Văn Khê để tham khảo phần âm nhạc Hát Bội trong đó. Rồi qua TS. Lê Văn Hảo, tôi được liên lạc với GS. Trần Văn Khê. Giáo sư hướng dẫn cho tôi nghiên cứu các sân khấu Hát Bội ở Cố đô Huế như Duyệt Thị Đường (đời Minh Mạng), Minh Khiêm Đường (đời Tự Đức), Cửu Tư Đài (đời Khải Định) để đưa vào luận văn Hát Bội của tôi. Cũng trong thời gian ấy, TS. Lê Văn Hảo và tôi bắt chước tạp chí Étude Vietnamienne của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ở miền Bắc cho ra đời Tập san Nghiên cứu Việt Nam (1966). Số 1 Xuân 1966 Nghiên Cứu Việt Nam đăng bài Minh Khiêm Đường của tôi và bài Le Théâtre musical de tradition Chinoise của GS. Trần Văn Khê.
Mối quan hệ thầy trò của tôi với GS. Trần Văn Khê kể từ đó. Sau nầy tôi được GS. Trần xưng hô với tôi là “Anh” (giống như Phạm Duy xưng hô với tôi). Ông là thầy mà được gọi là anh nên tôi luôn phải viết “Anh Khê” trong ngoặt kép là vì thế.
Đang hào hứng với việc nghiên cứu Việt Nam bên cạnh TS. Lê Văn Hảo và với Thầy Khê bên trời Tây, không may cuộc tranh đấu vận động hòa bình đi vào ngõ cụt, và bị đàn áp khốc liệt, tôi phải thoát ly ra vùng kháng chiến. Mọi chuyện học hành nghiên cứu đều phải xếp lại. Tôi nghĩ không bao giờ còn có cơ hội được liên lạc với Thầy Khê nữa. Không ngờ, sau đó (1968) TS. Lê Văn Hảo cũng thoát ly và được ra miền Bắc công tác, tiếp tục liên lạc với Thầy Khê. Và, tôi hết sức cảm động khi nghe Lê Văn Hảo kể lại có lần Thầy Khê đã hỏi TS. Hảo:
– Nghe nói em Xuân đi kháng chiến và chết rồi phải không?
Hảo đáp:
– Chết đâu! Xuân vẫn còn xuôi ngược Trường Sơn ấy!
Thầy Khê:
– Cầu nguyện cho em được an lành.
Sau ngày thống nhất đất nước – đầu năm 1976 – TS. Lê Văn Hảo và tôi được đón nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và GS.TS. Trần Văn Khê (có cả cô con gái Thủy Tiên cùng đi) vào thăm, gặp văn nghệ sĩ tại trường Âm nhạc Huế (Duyệt Thị Đường cũ). Đất nước thống nhất thầy trò còn sống, gặp nhau vô cùng hạnh phúc. Chúng tôi rất tự hào khi nghe nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (Bộ trưởng Văn hóa của Chính phủ CHMNVN) giới thiệu:
– GS. TS. Trần Văn Khê là đại sứ văn hóa lưu động của Việt Nam trên thế giới!
Rồi từ đó, mỗi lần về Huế “Anh Khê” luôn gọi tôi để tâm sự. “Anh” bảo “Về Huế mà chưa gặp em Xuân coi như chưa tới Huế”. Có lần “Anh Khê” theo các nhà vật lý thế giới gặp mặt ở Huế rồi đi Hạ Long. “Anh Khê” tranh thủ mời tôi đi theo luôn để nói chuyện.
Năm 1996, qua Paris, tôi được đến thăm anh nhiều lần, có lần ở lại vài ba ngày nghe chuyện đời của “Anh”. Từ ngày “Anh” về định cư ở Tp. HCM (lúc đầu ở khách sạn Majestic cuối đường Đồng Khởi, sau về ở lâu dài tại 32 Huỳnh Đình Hai, Bình Thạnh), gần nhà tôi (257/6/12 Phan Xích Long, Phú Nhuận) tôi có nhiều dịp đến thăm “Anh”. Mỗi lần được gặp “Anh” tôi được học thêm, học kiến thức lịch sử văn hóa dân tộc, học về nếp sống nhân cách của “Anh”. Nhân kỷ niệm một năm “Anh Khê” qua đời, tôi xin ghi lại một ít kỷ niệm để người yêu mến Trần Văn Khê” hiểu ông hơn.
Đọc các tin tức thấy nào là GS.TS. Trần Văn Khê được Tổng thống Pháp François Mittérrand mời tháp tùng cùng đoàn Tổng thống đi thăm Việt Nam (1993), nào là Giáo sư Đại học Sorbonne, nào là Trần Văn Khê chuyên gia giúp cho hàng chục quốc gia tổ chức các Trung tâm dân tộc nhạc học của nước đó, nào là Viện sĩ thông tấn, Hàn lâm viện châu Âu, Khoa Học, Văn chương, Nghệ thuật v.v, tôi nghĩ “Anh Khê” phải có một cơ ngơi sang trọng tại Pháp. Hồi tháng 10/1996, đến thăm “Anh” ở ngoại ô Paris, tôi hết sức bất ngờ. Gian hộ của “Anh” trong chung cư 44 Rue Clément Perrot, 94400 Vytry-Sur-Seine, chật hẹp, chất đầy sách vở, các loại từ điển Bách khoa, các loại đàn dân tộc Việt, băng cát-xét, đĩa nhạc, các hộp phim nhựa và hàng chục thùng các-tông dán kín chất lên nhau. Nhà ở mà giống như một cái kho. Vào nhà tôi phải đi rón rén theo những lối đi hẹp. Nếu đi không khéo sẽ đụng đồ đạc rớt đổ như chơi. Phòng ngủ chật mà cũng để đầy sách, dụng cụ âm nhạc đầy ắp. Giường ngủ của “Anh” hẹp vừa đủ cho con người cao to của “Anh” nằm mà thôi. Đặc biệt có một cái bàn cao độ bốn năm tấc, mặt bàn nghiêng khoảng 30 độ, khi “Anh” vào nằm trên giường “Anh” đặt cái bàn lên bụng, cuốn sách lật ngửa nằm trên mặt bàn nghiêng về phía “Anh”. “Anh” bảo tôi:
– Nhờ cái bàn nầy mà anh có thể nằm đọc hết hàng trăm cuốn sách.
Trời ơi, tôi không thể nào tưởng tượng được nhà Dân tộc nhạc học lừng danh thế giới như “Anh” mà lại có một đời sống riêng “khiêm tốn” đến vậy.
Năm ấy “Anh” đã 75 tuổi. Sống một mình, tự nấu ăn, tự lái xe “đi làm”. Anh bảo tôi:
– Thường ngày anh tự nấu ăn. Đặc biệt hôm nay mừng gặp em ở Pháp, cô Sáu sẽ mang thức ăn đến đãi anh em mình!
Tôi nghĩ bụng “cô Sáu” là bà con của “Anh”, hay “bồ” của “Anh” nên không dám hỏi, mà chỉ có ý đợi. Một lúc có người mở cửa vào. Một phụ nữ lớn tuổi, tóc ngã hoa râm uốn cao, hai tay xách hai cặp cà-mèn vui vẻ chào tôi và nói giọng Nam bộ:
– Chào nhà báo Huế. Tôi cũng là dân Huế đây!
Tôi ngớ người. Trần Văn Khê tiếp lời:
– Giới thiệu với em: Cô Sáu đây là dược sĩ Hồ Tường Vân – con gái út của cụ Hồ Tá Bang, người Phan Thiết gốc làng Kế Môn ở Huế, bạn của anh sáu bảy chục năm nay.
Tôi mừng rỡ:
– Ôi! Nghiên cứu Thời niên thiếu của Bác Hồ, em đã về làng Kế Môn huyện Phong Điền, đã đi Phan Thiết thăm trường Dục Thanh, đã gặp bà Hồ Thị Liệt – con cụ Hồ Tá Bang, ở Tp. HCM và em đã được bà Liệt tặng ảnh và cuốn sách của cụ Hồ Tá Bang. Hôm nay lại được gặp cô Sáu ở đây nữa. Mừng quá!”.
Cô Sáu giọng ngạc nhiên:
– Vậy hả? Có gặp chị Liệt à? Chị ấy qua đây rồi bên nhà giải phóng, không về được. Sau nhờ ông Phạm Văn Đồng can thiệp chị mới được về Hà Nội. Trước khi vô Sài Gòn chị được ở trong Phủ Chủ tịch một thời gian. Trong cái rủi có cái may!
Nhờ có quen biết gia đình cô Sáu như thế nên chẳng mấy chút tôi thân với cô ngay. Sau tìm hiểu được biết cô Sáu có người anh là Hồ Tá Khanh làm Bộ trưởng trong Chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945, cô Sáu đậu Dược sĩ ở Pháp, hành nghề rất thành công nhưng cô không lập gia đình. Cô Sáu không lấy chồng, chơi thân với Trần Văn Khê đã ly dị vợ. Hằng tuần cô đem thức ăn đến cho Trần Văn Khê, giúp giặt giũ áo quần, giúp tiếp khách hay dẫn nhau đi chơi. Sau nầy Trần Văn Khê về nước, cô Sáu cũng về nước luôn. Ở Tp. HCM cô vẫn giữ sinh hoạt giúp Trần Văn Khê giống như hồi còn ở bên Pháp cho đến khi cô qua đời (2014). Tôi tự hỏi sống như vậy cớ sao hai người không lấy nhau? Nhiều khi “Anh Khê” kể chuyện tình của “Anh” với tôi trước mặt cô Sáu, cô Sáu vẫn tỉnh bơ. Chứng tỏ hai người nầy không dan díu yêu đương gì với nhau cả. Tình bạn trai gái suốt đời sắc son như thế, xưa nay thật quá hiếm.
Thấy “Anh Khê” di chuyển trong nhà phải né tránh đồ đạc khó chịu quá, tôi hỏi “Anh Khê”:
– Ngoài những thứ anh sắp xếp chung quanh đây, còn sách vở, tài liệu gì mà anh đóng thùng chất đầy nhà như thế nầy?
Câu hỏi làm cho “Anh Khê” không vui. “Anh” bảo tôi:
– Khi nào anh em đi dạo chơi, anh sẽ trả lời em!
Tôi hơi khó hiểu nhưng không dám hỏi tiếp.
“Một nhạc cụ đa năng”
Một buổi chiều anh chở tôi vào trung tâm Paris bằng chiếc ô-tô cũ kỹ nhỏ xíu của “Anh”. Tôi tưởng “Anh” chở tôi đi chơi để nghe “Anh” giải thích về những gì chứa trong hàng chục thùng các-tông để trong nhà “Anh”. Nhưng không. Lên xe rồi anh mới bảo:
– Hôm nay anh phải đi nói chuyện về âm giai điệu thức trong âm nhạc Việt Nam với các nhà nghiên cứu và sinh viên Pháp. Em đi nghe anh nói chuyện chơi.
– Đi nói chuyện âm nhạc sao anh không mang theo đàn địch, kèn trống gì cả vậy?” – Tôi thắc mắc.
– Có chứ! – “Anh Khê” trả lời trước sự khó hiểu của tôi.
Cử tọa Pháp chăm chú nghe một cách thích thú |
Đến lúc nói chuyện, trước cử tọa chừng ba bốn chục người, “Anh” nói từ tốn rành mạch, lưu loát. Minh họa cho nội dung bài nói chuyện âm nhạc bằng các điệu đàn các loại, kèn, trống chuông bằng chính cái miệng của “Anh”. Cử tọa vỗ tay không ngớt. Tôi quá thán phục. Cái miệng của “Anh” là một nhạc cụ dân tộc đa năng. “Anh” tỏ ra tài nghệ giỏi giang hơn cả Trần Văn Trạch ngày xưa rất nhiều.
Hạnh phúc 100 ngày
Trên đường về “Anh” ghé lại một công viên nhỏ và hai anh em ngồi nghỉ trên một ghế đá. “Anh” bảo tôi:
– Ngồi đây anh mới kể cho em biết chuyện 18 cái thùng các-tông dán kín trong nhà anh.
Hấp dẫn quá, tôi nín thở nghe “Anh” kể.
– Vì hoàn cảnh anh đã ly dị với người vợ chính thức của anh từ năm 1960. Rồi từ đó đến nay, đã có nhiều người đàn bà, – người Việt có, người Pháp có – đã đi qua đời anh. Nhưng chỉ có Đoan – người phụ nữ cuối cùng ở với anh làm cho anh lưu luyến, thương tiếc nhất mà thôi. Đoan nguyên là học trò của anh hồi ở Tân Định, rồi trở thành bạn và nói thật là phải lòng nhau. Sau rồi bao nhiêu chuyện xảy ra, anh đi du học, tình yêu ấy không giữ được. Cô nàng đẹp, con nhà khá giả biết ngoại ngữ, lại may vá, nấu ăn rất ngon. Cô có gia đình con cháu đề huề. Sau năm 1975 cả nhà qua Mỹ. Không may, sau một thời gian ông chồng qua đời. Buồn quá cô tìm liên lạc với anh và nối lại tình xưa. Cách đây mấy năm, cô giao tài sản của gia đình lại cho các con cô ở Hoa Kỳ, cô chỉ giữ lại đồ dùng gắn với kỷ niệm riêng của cô mà thôi. Cô qua Pháp ở với anh, mang theo 18 thùng đồ dùng riêng của cô. Hai người bạn già ở với nhau với trái tim của thời trai trẻ lúc mới yêu nhau. Ôn lại tất cả những vui buồn của hai người từ độ xa nhau đến giờ. Từ đó có chuyện vui chuyện buồn cũng trao đổi chia sẻ với nhau. Anh có những bữa ăn với những món ăn do Đoan nấu rất hợp khẩu vị. Anh là người thích ăn ngon nên thích lắm. Chưa bao giờ anh được hưởng không khí gia đình hạnh phúc đến vậy. Rồi một hôm, hai người dạo chơi, đang ngồi trên chiếc ghế công viên nầy, Đoan tựa đầu vào vai anh và nói “mệt quá!” Anh nhìn vào mắt cô thấy hai mí mắt cô sụp xuống, đúng là cô mệt thật. Anh vội chở cô đi khám bệnh, thì em ơi! Đoan bị ung thư. Cái tin như sét đánh. Anh hết sức hoảng hốt. Trên cái đất Pháp nầy mà không có bảo hiểm y tế thì khi bị ung thư là hết nhà thôi. Hết nhà rồi vẫn chết. Bất lực trước bệnh tình của người yêu, buộc lòng anh phải báo tin dữ với các con cô và các cháu đã sang Pháp đưa mẹ trở lại Hoa Kỳ. Hạnh phúc của anh với Đoan diễn ra vừa đúng 100 ngày. Trước khi chia tay anh, cô chỉ mở một trong 18 các-tông kỷ vật của cô để lấy một thứ gì đó đem về Hoa Kỳ mà thôi, 17 các-tông còn lại đến nay (1996) anh vẫn chưa dám mở ra nên không biết có những gì trong đó”3.
“Anh” chỉ kể đến đó. Tôi quá xúc động, muốn rơi nước mắt. Tôi thở ra và chỉ nói được một câu ngắn gọn:
– Cảm ơn câu chuyện tình hạnh phúc 100 ngày của anh!
Rồi sau đó ra sao nữa, ý nghĩ hiện ra trong đầu nhưng tôi cố nén lại, không thốt nên lời.
Năm 1999, tôi lại sang Pháp. Biết tôi đang đi tìm thăm Công chúa Như Lý – con gái vua Hàm Nghi và lăng mộ Hoàng hậu Nam Phương ở Corrèze (miền Trung nước Pháp) “Anh Khê” cử anh Huỳnh Văn Tươi – người thư ký tự nguyện của “Anh” – đi theo giúp quay phim cho tôi. Nhân đó tôi hỏi chuyện cũ 3 năm trước:
– Chủ nhân của 17 các-tông kỷ vật còn dán kín để đây, sau khi cô ấy được các con đưa về lại Hoa Kỳ rồi sao nữa anh?
Đang vui, một thoáng buồn bỗng hiện lên trên khuôn mặt vốn rất vui của “Anh”. “Anh” đáp:
– Số mệnh chỉ cho Đoan sống đến đó thôi. Y học của Mỹ tân tiến vô cùng nhưng cũng bó tay. Anh tiễn người đi bằng mấy vần thơ, anh đọc cho em nghe sau đây”.
Tử sanh dẫu biết luật vô thường
Nhưng khó ngăn dòng lệ tiếc thương
Những tưởng phượng loan về một tổ
Đâu ngờ cầm sắt rẽ đôi đường.
Điếu em chắp bút lau dòng lệ
Tiễn bạn ôm đàn đốt nén hương
Cầu nguyện Phật trời mau tế độ
Hồn em siêu thoát tận Tây phương.
Chuyện đã ba năm, nghe “Anh Khê“ nhắc lại tôi vẫn cảm xúc nghẹn ngào.
“Viết hồi ký khó quá!”
Hôm ấy, tôi nảy ra ý kiến và hỏi “Anh”:
– Năm nay anh gần tám chục rồi, cuộc đời anh phong phú đến vậy, sao đến giờ nầy anh chưa viết hồi ký?
“Anh Khê” nhanh nhẩu đáp:
– Anh đã nghĩ đến chuyện viết hồi ký, nhiều người cũng thúc giục anh viết, nhưng khó quá, không viết được.
“Anh Khê” – một người có cuộc đời hết sức phong phú, văn hay chữ tốt, uyên bác đến vậy mà sao lại cho chuyện viết hồi ký “khó quá” là sao? Với giọng bất mãn, tôi nói như than:
– Một đại trí thức như anh mà bảo không viết được hồi ký là sao? Em không hiểu được!
“Anh Khê” cười:
– “Khó là vầy. Anh có nhiều mối tình, có mối dù chỉ gặp nhau trong một thời gian ngắn nhưng rất sâu đậm. Viết hồi ký mà không viết những chuyện tình ấy là không trung thực với mình. Nhưng nếu viết thì nó lại không hợp chút nào với cuộc đời hoạt động dân tộc nhạc học của anh. Vì thế mà anh thấy khó.
Cái tính bộc trực của tôi nổi lên:
– Trời ơi, chuyện ấy có gì khó đâu! Anh hãy viết một cuốn hồi ký của ông Trần nào đó, kể lại hết những chuyện tình lớn nhỏ của anh, người đọc hiểu đó là hồi ký của anh, nhưng “không phải của nhà dân tộc nhạc học” Trần Văn Khê; sau đó anh viết một bộ hồi ký đích thực của nhà dân tộc nhạc học của chính Trần Văn Khê. Nếu có những mối tình làm trở ngại cho việc nghiên cứu phổ biến dân tộc nhạc học của anh, anh cũng viết và anh cho biết anh đã vượt qua như thế nào để người đọc chia sẻ với anh. Ngược lại có những người đàn bà đã giúp anh trên bước đường nghiên cứu học tập để trở thành nhà dân tộc nhạc học Trần Văn Khê được thế giới biết đến như hôm nay anh cũng phải viết để cám ơn những người ấy. Những mối tình ấy tăng thêm sức hấp dẫn cho tập hồi ký của anh, chứ sao lại không viết được!
Đang ngồi “Anh Khê” bật đứng dậy đến ôm tôi:
– Cảm ơn em Xuân. Có vậy mà lâu nay anh không nghĩ ra. Anh hứa sẽ thực hiện theo gợi ý của em.
Và rồi, trước khi về định cư ở TP HCM, “Anh Khê” đã bắt đầu thực hiện đúng lời hứa ấy.
Làm sao hiểu được Phạm Duy?
Một hôm cùng nằm trong một khoang tàu hỏa đi Hà Nội, tôi kể cho “Anh” nghe chuyện sau ngày thống nhất đất nước, ông Tố Hữu bảo tôi vào Sài Gòn tìm gặp nhạc sĩ Phạm Duy và nói với Phạm Duy ý kiến của Tố Hữu là “Đất nước thống nhất rồi, anh Phạm Duy tiếp tục sáng tác đi. Lấy khúc đầu (kháng chiến) nối với khúc đuôi (hòa bình), để khúc giữa qua một bên!” “Anh Khê” nhổm người dậy bảo tôi:
– Năm 1976 ông Tố Hữu cũng nói với anh như vậy. Nhưng lúc đó Phạm Duy đã đi rồi. Chuyện cũ đã qua, bây giờ làm sao cho những người có trách nhiệm ở trong nước hiểu Phạm Duy, đánh giá đúng tài năng của Phạm Duy và đồng thời liên lạc thúc đẩy Phạm Duy nên tìm cách xin về nước.
Cái thông tin cũ về nhạc sĩ Phạm Duy đã khơi dậy cả một cái kho ký ức về Phạm Duy lâu nay giấu kín trong lòng hai người. Bao nhiêu chuyện lành chuyện dữ lôi ra kể.
Bút tích Trần Văn Khê |
“Anh Khê” nhận định:
– Phạm Duy là một thiên tài âm nhạc. Nhưng đánh giá Phạm Duy cho đúng không phải dễ đâu. Tài thì rất tài nhưng chơi cũng rất ham chơi. Có lần Phạm Duy qua Pháp hát khoe với anh những ca khúc anh ta mới làm cho mấy cô bồ nhí. Anh phải từ chối một cách nặng nề rằng: “Thôi Duy ơi! Bạn đừng bắt tôi phải đi rửa tai mệt lắm.” Phạm Duy năn nỉ: “Ông là nhà nghiên cứu ông sống với lý trí. Còn tôi là nhạc sĩ sáng tác, ông hãy cho tôi sống với trái tim của tôi! Ông cứ nghe tôi hát rồi nếu thấy nhớp thì cứ đi rửa tai không sao cả”. Anh không ngờ anh chàng nầy tử tế đến vậy. Anh phải chấp nhận ngồi nghe Phạm Duy hát. Và nghe cũng được. Sau đó anh không đề cập đến các ca khúc anh ta làm cho bồ nhí nữa, anh hỏi: “Duy là một nhạc sĩ sáng tác tài giỏi không ai bằng, nhưng Khê có thể hát những bài Tục ca cho các cháu của Khê nghe không?” Phạm Duy khoát tay lia lịa: “Không được! Không được!” “ Tại sao một nhạc sĩ như Duy mà lại đi sáng tác những bài hát đó?” Phạm Duy giải thích rằng lúc đó (khoảng năm 1966, 1967) trong xã hội miền Nam có quá nhiều chuyện bức xúc, Duy phản ứng lại một cách xả láng bằng loạt bài gọi là Tục ca đó thôi. Mỗi loại nhạc nó có công chúng riêng của nó. Sau qua giai đoạn đó, Duy có nhắc, có phổ biến Tục ca nữa đâu”. Đó. Không hiểu Phạm Duy đánh giá anh ta khó lắm.
Hết chuyện nầy đến chuyện kia thao thao bất tuyệt. Cho đến lúc tàu chạy vào đến ga Hà Nội, mới tạm dừng. Rồi được tiếp tục ở Vịnh Hạ Long, sau đó ở Huế, ở Paris… cho mãi đến lúc Phạm Duy về định cư và qua đời ở Tp. HCM gần mười năm sau đó, vẫn chưa dứt.
Cú điện thoại lúc 11 giờ đêm
11 giờ khuya giữa năm 2013, tôi vừa vào giường ngủ thì điện thoại bàn reo inh ỏi. Trong đầu tôi hiện lên ý nghĩ: Giờ nầy mà còn có người gọi, một là bạn bè ở ngoại quốc gọi về, hai là người thân ở xa có vấn đề gì quan trọng phải báo ngay trong đêm. Cầm ống nghe đặt vào tai mà trong lòng vừa vui vừa lo lắng.
– A-lô tôi nghe đây!
– A-lô! A-lô! Em Xuân phải không? Anh Khê đây!
– Em đây! Giờ nầy mà anh chưa ngủ sao còn gọi em nữa? Có việc gì vậy, thưa anh?
– Anh vừa gởi cho em một e-mail, em mở máy đọc giúp anh và cho anh biết ý kiến. Anh chờ ý kiến của em xong anh mới ngủ đươc! Anh chờ em.
– Dạ. Em mở máy đọc ngay đây!
Tôi mở máy đọc e-mail của trantruongca@yahoo.com.vn. Người viết cho biết trong một tập Truyện ngắn giai thoại và ký của bà HHT có một tản mạn viết đoạn sau đây:
“Một tay xưng là “Tiến sĩ, giáo sư” từ trời Tây về nhưng hóa ra cái Tiến sĩ đó là nhờ sang đoạt tài liệu nghiên cứu của người khác để làm luận văn Tiến sĩ, bởi thế có bằng cấp cao như vậy mà ở xứ người rất nghèo đói, không ai mướn làm gì cả, cuối cùng phải Hồi Hương sống bằng nghề “Nói dốc” khắp nơi để kiếm tiền. Đi nói dóc hàng nghìn lượt nhưng không dám gom hết những bài nói dóc ấy để in thành sách, vì nói dóc, nói dở, nói trùng lặp quá nhiều gần như trăm bài như một, in thành sách làm sao được. Và cũng chỉ đi nói dóc thôi chứ không hề có một công trình nghiên cứu chuyên ngành mà ông ta có bằng tiến sĩ. Ở Việt Nam có ba trường chuyên ngành ấy, một ở Hà Nội, một ở Huế, một ở Tp. HCM nhưng cả 3 trường chuyên ngành âm nhạc ấy chưa bao giờ mời vị tiến sĩ nọ giảng dạy một giờ nào, cũng chưa hề được 3 trường mời diễn thuyết một lần nào, cũng chưa hề được ba trường chuyên ngành ấy mời diễn thuyết một lần nào. Vì cả 3 trường chuyên ngành chính quy ấy thừa biết là tiến sĩ dỏm, nhạc sĩ dỏm”.
Tản mạn nầy được nhà văn T.P. đưa lên internet. Một người học trò nào đó của GS. Trần Văn Khê đọc được. Trong đoạn Tản mạn không nêu tên nhưng ai cũng có thể hiểu người viết ám chỉ GS.TS. Trần Văn Khê. Người học trò gởi lại cho thầy để thầy biết hiện nay trên internet có một chuyện như thế.
Đọc qua đoạn tản mạn tôi không nhịn được cười. Tác giả đoạn tản mạn nầy theo dõi Trần Văn Khê rất kỹ. Không rõ vì một lý do nào đó mà bà rất hận Trần Văn Khê. Ví dụ như bà yêu mà không được Trần Văn Khê để ý. Bà nói ngược để Trần Văn Khê tức lộn ruột chơi chứ bà biết chắc chắn không ai tin những điều bà viết ra như trên cả. Khi người đàn bà “trả thù” thì khỏi nói. Cũng có thể bà muốn làm “người đốt đền” đấu đá với Trần Văn Khê để được nổi tiếng. Trần Văn Khê hay đệ tử của ông mà lên tiếng về đoạn tản mạn trên sẽ sập bẫy của bà ngay.
Tôi trao đổi với nhà tôi, hai người bình luận xuôi ngược hết lẽ để phát biểu ý kiến với “Anh Khê”.
Loay hoay một lúc mà đồng hồ đã điểm 12 giờ đêm. Tôi bấm số 08. 35511249 gọi “Anh Khê” và được “Anh” trả lời:
– Anh nghe đây. Em đọc mail của anh chưa? Em có ý kiến gì không?
Để phá tang cái sự nóng lòng chờ ý kiến của tôi, với giọng thật vui tôi nói nửa đùa nửa thật:
– Không có chi làm cho anh phải khó ngủ cả. Bà ấy yêu anh mà không được anh để ý nên bà trả thù bằng cách nói ngược chọc cho anh tức lộn ruột lên chơi đó thôi. Bà mà nghe anh khó ngủ vì đoạn văn trong e-mail bà sướng lắm đó. Em đề nghị anh tự “giải độc” bằng cách “không nghe, không thấy, không biết” và ngủ thật ngon. Nếu cần phải đối phó với bà bọn em sẽ lo.
Qua ống nghe tiếng “Anh Khê” cười ha hả vang lên:
– Vậy thiệt không em? Trời! Yêu gì một ông già tám chín chục tuổi kỳ quặc vậy hả!
– Chỉ có hận tình thì bà ấy mới ngược ngạo đến vậy. Yêu là yêu chẳng kỳ quặc gì cả. Bà ấy mê cái tài hoa của anh, cái tài hoa ấy càng già càng sắc sảo không bớt đi chút nào cả.
– Anh tin em. Một lần nữa cảm ơn em. Chuyện đối chánh đối phó gì với bà ấy, tùy các em. Anh ngủ đây!
– Chúc anh ngủ ngon!
– Chúc em ngủ ngon!
Nói chuyện với “Anh Khê” xong, tôi cảm thấy mệt và hơi lo, đặt ống nghe vào máy, rồi thở mạnh, thở đều để lấy lại sự bình thường. Những chuyện tôi vừa nói như khẳng định đó đã giúp cho “Anh Khê” yên tâm ngủ yên chứ chưa chắc đã là sự thật. Biết đâu bà ấy yêu một người nào vì ganh tị tài năng người đó đã mớm cho bà viết ngược ngạo như thế cho bỏ ghét. Nếu thật như thế thì chưa chắc bà ấy dừng lại ở đó đâu. Tôi vào giường ngủ với ý nghĩ phải làm gì đó để giữ lời hứa với “Anh Khê”.
“Anh Khê” là một chuyên gia dân tộc nhạc học, không những “Anh” nghiên cứu viết lách về âm nhạc dân tộc Việt mà còn nghiên cứu dân tộc nhạc học châu Á, so sánh âm nhạc dân tộc Việt với âm nhạc dân tộc nhiều nước để thấy cái hay, cái hạn chế của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Phần lớn anh viết bằng tiếng Pháp, không mấy nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học Việt Nam sờ tới được. Bây giờ cũng khó tìm được người dịch các nghiên cứu dân tộc nhạc học bằng tiếng Pháp của “Anh Khê” qua tiếng Việt. Nếu không có một đề án của Nhà nước thì khó tìm được một mạnh thường quân nào có thể giúp làm được việc nầy.
Trần Văn Khê và Việt Nam, tạp chí Musicale |
Tôi liền nghĩ đến một “công trình” nho nhỏ mà “Anh Khê” tặng tôi từ năm 1996, cuốn sách Tran Van Khê et le Viet Nam. Đây là một thư mục chú giải những công trình, bài viết của Trần Văn viết bằng tiếng Pháp rất phong phú. Nhưng nhiều từ chuyên môn dân tộc nhạc học quốc tế rất khó, trước mắt không thể tìm được người dịch, và nếu có người dịch mà đi vận động kinh phí dịch thuật cũng không dễ. Ý nghĩ nhớ về Tran Van Khê et le Viet Nam, thoáng qua đầu tôi rồi mờ nhạt dần4.
Tôi nghĩ đến một giải pháp khác. Nhân chuyện “Anh Khê” bị nhận định ngược, nên chăng vận động in một tập sách gồm những bài “Anh” mới viết hay mới trả lời phỏng vấn báo chí, những bài báo chí trong và ngoài nước viết về Trần Văn Khê từ sau ngày “Anh” về định cư tại Việt Nam? Ý tưởng nầy sáng lên trong đầu tôi. Cuốn sách nầy nếu được ra đời nhân kỷ niệm 10 năm Trần Văn Khê về định cư ở quê nhà (2006 – 2016) thì có ý nghĩa vô cùng.
Tôi xem lại cặp sưu tập Trần Văn Khê đọc được bài viết của nhà báo Thế Thanh Nghĩ từ thư viện Trần Văn Khê đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị5 hợp với suy nghĩ của tôi. Tôi điện thoại cho nhà báo Thế Thanh và hẹn chị sẽ trao đổi về việc làm sách cho GS.TS. Trần Văn Khê. Thế Thanh hoan nghinh ý kiến của tôi. Tôi vào Tp. HCM. Lúc ấy chị đang lo sửa nhà nên hôm chị rảnh thì tôi bận, khi tôi bận thì chị rảnh, nên nhiều cuộc hẹn chưa thực hiện được.
Đến thăm “Anh Khê”, nhắc lại cú điện thoại lúc 11 giờ đêm hôm nọ, hai anh em không nhịn được cười. Tôi kể chuyện đang chờ gặp chị Thế Thanh để bàn việc làm sách Trần Văn Khê để kỷ niệm 10 năm “Anh” về nước, và cũng để…
Đang vui vẻ, “Anh Khê” đổi giọng nghiêm nghị bảo tôi:
– Cảm ơn các em. Về chuyện làm sách thì một vài công ty cũng đã làm việc với anh rồi. Họ còn đề nghị làm cả phim nữa. Còn… Anh sẽ nhờ các em giúp anh những việc quan trọng sau nầy.
Rồi từ đó không bao giờ tôi nghe “Anh” nhắc lại chuyện “Anh” bị người đàn bà cầm bút viết ngược về “Anh” nữa.
Trước đây, qua những lời đề tặng sách, tài liệu đĩa nhạc “Anh” đã cho em được làm “một người bạn đồng hành trên con đường tìm hiểu và phổ biến văn hóa Việt Nam”6 với “Anh”, được làm “đứa em tinh thần của anh để nhớ những lúc gần nhau tại quê nhà, tại nước Pháp và trong lòng của hai anh em mình”7, làm “một người em theo tuổi tác, một người bạn đồng hành trong công việc nghiên cứu, một người đem sức mình cống hiến cho đất nước Việt Nam… những tài liệu quý giá về lịch sử văn hóa của nước Việt yêu thương”8, “để nhớ lại những lúc anh em mình nói chuyện về Phạm Duy lúc mới gặp nhau và những lần cùng gặp Phạm Duy trên đất nước thân yêu”9.
“Anh Khê” cho tôi những tác phẩm quý giá của Anh. Anh đã góp phần un đúc cái hồn Việt, cái hồn Cố đô Huế trong huyết quản của tôi. Tôi không ngờ chuyện “Anh Khê” hẹn sẽ nhờ tôi sau nầy là chuyện: trong Di chúc – anh đặt cho tôi làm một thành viên trong ban tổ chức tang lễ cho “Anh” vào cuối tháng 6/2015. Đây là một việc khó khăn, nặng nề đối với tôi nhưng cũng là một vinh dự hơn cả những lời khen tặng mà người đời đã dành cho tôi trước đó.
Thưa “Anh Khê” – em phải sống tiếp như thế nào đây để xứng đáng với vinh dự “Anh” đã dành cho em?
Huế, Tháng 3/2016
N.Đ.X
(TCSH328/06-2016)
————–
1. Một miếng ăn, một hớp uống đều được định sẵn.
2. Nguyễn Đắc Xuân, Từ Phú Xuân đến Huế (Hồi ký), Nxb. Trẻ 2012.
3. Không rõ sau nầy về nước “Anh Khê” có đem 17 các-tông ấy về không. Xem danh sách trên 500 các-tông di sản của Trần Văn Khê tặng cho Tp. HCM để tại tầng 1 dãy nhà sau 32 Huỳnh Đình Hai, Q, Bình Thạnh, không thấy đề cập đến 17 các-tông vật dụng riêng của cô Đoan.
4. Không ngờ sau đó không lâu, cô Ngọc Hân – một trong những thư ký của Trần Văn Khê đã tìm được tiền tài trợ và cũng đã tìm được người dịch. Trước khi qua đời Trần Văn Khê đã xem qua một số trang bản dịch rồi. Hiện nay (3/2016) việc dịch Tran Van Khê et le Viet Namsắp hoàn thành.
5. Sài Gòn Tiếp Thị số ra ngày 29/8/2012.
6. Lời đề tặng Marrionnettes sur eau du Viet Nam, Huế 3/11/1993.
7. Lời đề tặng ngày 12/4/2001, Hồi ký Trần Văn Khê, tập I.
8. Lời đề tặng Tự truyện Trần Văn Khê, Những câu chuyện từ trái tim, ngày 8/3/2011.
9. Lời đề tặng Tính dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy & Tình bạn Duy Khê, ngày 4/10/2013.