Mình mà là nghệ sỹ nửa mùa ư? Hắn dừng cuốc, vẻ trầm tư. Thửa ruộng hắn vừa vạc bờ bóng lộn không hề có một vết cuốc, tưởng có thể soi gương được. Rõ ràng, nếu không phải một nông dân thực thụ, khó mà vạc được cái bờ phẳng lì, vuông thành sắc cạnh như thế! Hắn tự nhủ. Mình học hành cũng chẳng đến nỗi nào song chắc tại cái số lận đận, rốt cuộc vẫn chỉ là một anh phó thường dân không hơn không kém!.. Vừa suy nghĩ, hắn vừa khe khẽ thở dài… Tiếng sáo diều xa xa như làm lòng hắn nhẹ nhõm trở lại, hướng mắt về phía cuối làng. Một con diều no gió đang nhả từng tiếng vi vu, trầm bổng. Hắn chống cuốc từ bao giờ, say sưa thả hồn theo tiếng sáo…

Vốn có chút năng khiếu văn nghệ, hắn cũng từng tham gia trong đội chèo của thôn. Môn sở trường của hắn là kèn và sáo. Vợ hắn là cô thợ may làng. ấy, cũng bởi mê tiếng sáo réo rắt, tiếng kèn nỉ non của hắn mà nhất quyết từ chối vài ba đám kha khá để cùng hắn se tơ kết tóc.

Của đáng tội. Cái thú văn nghệ, văn giềng ở quê hắn có lẽ chỉ phù hợp với bọn trẻ ăn chưa no, lo chưa tới. Mỗi năm vài dịp hội làng, mấy kỳ đại hội bầu bán, đội văn nghệ mới được quan tâm, đầu tư tí chút. Xong hội hè, họp hành lại quay về bán lưng cho giời, bán mặt cho đất! Hỏi ai còn tâm trí đâu để đeo đuổi đam mê? Vả lại, quê hắn bây giờ chẳng mấy người còn ưa chuộng cái món í a í ới nữa. Đội văn nghệ bởi thế mà cũng giải tán sớm. Mặt khác, phong trào đô thị hóa đã bắt đầu len lỏi về quê hắn. Bọn trẻ giờ chúng chỉ thích “rốc ráp, híp hóp” chứ báu gì cái thứ văn nghệ kiểu “cây nhà lá hàng xóm” của bọn hắn nữa! Cơ sự đó, sau này hắn cũng đã đưa vào thơ của mình: “Hoàng hôn vừa buông xuống/ Quán cà phê xập xình/ Câu chèo đành im lặng/ Nép vào bên hiên đình” (Nhưng thôi, chuyện thơ phú hắn sẽ kể sau…)

Vợ hắn, thời gian đầu, thi thoảng cũng tham gia với đội văn nghệ (Chắc tại hồi đó đang còn say hắn?). Từ dạo lấy nhau, nhất là khi con “vịt con” ra đời, nàng chẳng còn tâm trí để mà vẩn vơ nữa. Còn hắn nhiều lúc “ngứa nghề”, đêm đêm đem sáo, đem kèn ra than thở. Hắn chỉ dám thổi khe khẽ thôi. Thế mà vợ hắn gắt: “Ông có để yên cho tôi may không. Não cả ruột!”. Hắn nín bặt. Vợ hắn thay đổi nhanh quá. Chả bù cho cái hồi còn đang yêu… Đêm khuya, hai đứa ngồi dưới khóm tre trên bờ đê, vợ hắn ghé sát vào tai hắn, thì thầm “Anh thổi lại bài “Nhịp cầu nối những bờ vui” đi! Đấy. Cái đoạn “Anh ngồi trên cầu thổi sáo đón em” đấy! Nghe mãi mà em cũng không thấy chán!”…

Nghĩ đến đấy, hắn chợt vỗ đùi đánh “đét” một cái. ờ! Sao mình lại không nghĩ ra nhỉ? Lên cầu thổi sáo! Khung cảnh thì nên thơ, không gian thì thoáng đãng, lại cách xa làng, thoải mái mà phùng mang, phùng má. Chứ thổi sáo, thổi kèn mà thút tha thút thít, tức cứ như bị vợ bịt mũi vậy!

Thế là cứ đêm nào rỗi rãi, nổi hứng lên, hắn lại vác kèn, vác sáo ra cây cầu đầu làng ngồi thổi. Đêm nay cũng vậy… Mới hơn chín giờ tối không gian đã vắng lặng, im ắng như thể khuya lắm rồi. Cây cầu Lan nối làng hắn với làng Thượng hiện ra đen thẫm như chiếc lược sừng cài lên mái tóc dòng sông nhờ nhờ trắng. Tiếng côn trùng ri rỉ ca bài ca muôn thủa. Trăng đầu tháng như chiếc lá lúa phớt vàng đính hờ hững trên tấm màn nhung nhấp nhánh ngàn vạn hạt sao kim tuyến. Gió nhè nhẹ nhưng cũng đủ gợn lên những con sóng vỗ vào chân cầu lép bép. Hắn từ từ đưa sáo lên miệng… “Chèo mở i i lái i sang…” Những ngón tay quen cày cuốc, cứng quèo, bỗng trở nên mềm mại khi nhấc lên, lúc đặt xuống trên từng lỗ sáo một cách điêu luyện làm ngân nga những giai điệu ngọt ngào, da diết… Mắt hắn lim dim, cả thân mình lắc lư theo điệu nhạc như người lên đồng. Hắn cảm thấy mình như đang bồng bềnh, bồng bềnh trôi trên một tấm thảm vô cùng êm ái… Tiếng côn trùng tưởng chừng im bặt, gió ngừng thổi, những con sóng hình như cũng thôi lép bép dưới chân cầu… Chỉ còn giai điệu mơn man, trải dài lan xa, lan xa tới tít tận những vì tinh tú đang nhấp nháy, nhấp nháy…Điệu chèo hết đã một lúc, hắn mới như bừng tỉnh, vớ cây kèn – Hắn có thói quen cứ thổi một bài bằng sáo lại một bài bằng kèn – “Toe…Toe…Toét…” Hắn thử kèn vài cái rồi khoanh chân ngồi xếp bằng, hai tay đỡ cây kèn và bắt đầu “phiêu” trong điệu “lới lơ”… “Ta đi i ì đi chợ dốc…”

Những hạt sương li ti thấm qua áo làm hắn hơi se lạnh. Đêm về khuya. Mảnh trăng lá lúa đã nhòa vào nền trời mung lung, mờ ảo. Hắn đứng dậy vươn vai làm động tác xoay trái, xoay phải cho dễ chịu rồi thong thả ra về. Cả đồng lúa đương thì đang ngủ vùi sau một ngày rì rào hát ca cùng nắng gió. Riêng mùi hương của đồng nội thì hình như vẫn thức, thoang thoảng quấn quyện theo bước chân. Hắn hít căng lồng ngực và cảm thấy vô cùng dễ chịu… Gần đến xóm, theo thói quen, hắn bước thật nhẹ. Mấy con gâu đã quen hơi hắn chẳng còn ông ổng sủa như hồi đầu nữa. Nhớ cái lần về qua ngõ lão Tích. Cùng với tiếng chó ăng ẳng là cái giọng khê nồng, ngái ngủ của lão “Đúng là đồ nghệ sỹ nửa mùa. Ban ngày làm đồng đã mệt, đêm thì đi ngủ cho béo mắt, còn bầy đặt kèn với chả sáo!” Hắn bỏ ngoài tai hết. Mình chẳng làm ảnh hưởng đến ai cả. Kẻ nào không thích, cứ việc bịt tai lại! Vợ hắn lúc đầu có cằn nhằn, nhưng sau đó cũng mặc kệ. Vì thực ra hắn chỉ tập lúc đêm hôm rỗi rãi, còn công việc gia đình, đồng áng hắn vẫn hoàn thành chu đáo.

Mới sáng ngày ra mà đã miên man nắng. Ông mặt trời hình như suốt đêm chỉ chờ con trống Cồ nhà hắn cất tiếng gáy là leo tít ngay lên ngọn tre đầu nhà, cười toé loe. Vợ đi chợ từ sớm. Hắn ăn sáng qua quýt rồi bê mẹt bèo ra ngồi dưới dàn mướp xanh mơn mởn, đã bắt đầu trổ vài bông hoa vàng tươi, rung rinh trong nắng sớm. Đang băm chan chát thì có tiếng xe máy khành khạch, hắn quay nhìn ra cổng. Một ông khách đẫy đà phóng chiếc 81 màu lá mạ vèo vào sân. Không để hắn kịp ngỡ ngàng, khách chống xe đánh kịch, xua xua tay ra hiệu cho hắn cứ tiếp tục công việc:

– Tôi xin tự giới thiệu. Tôi là Trần Uy Nghi, trưởng đội nhạc hiếu làng Bòng. Mấy lần đi đám về, tôi đã nghe được và rất “kết” món kèn, món sáo của anh! Tính tôi không thích vòng vo. Tôi mời anh vào đội của tôi. Đảm bảo anh sẽ được trả công xứng đáng với tài năng của mình! Khách móc ví lấy tấm “cạc” – Tôi rất vội. Anh cứ suy nghĩ đi. Nếu được, gọi cho tôi theo số này!

Khách đi rồi, hắn vẫn ngồi ngây ra, con dao nhọn thõng xuống cắm mũi vào mẹt bèo băm dở… Sự việc quá bất ngờ. Cái ông Uy Nghi đó đến và đi cứ như một cơn gió vậy. Nghĩ lại hắn khẽ mỉm cười. Rõ vớ vẩn. Ai lại đi thổi kèn đám ma! Thế còn gọi gì là chất nghệ sỹ nữa? Ai đời đang thả hồn trong không gian thoáng đãng với đồng lúa, dòng sông, ánh trăng thơ mộng, lại đi buộc tiếng sáo réo rắt của mình vào cái không khí tù túng, chật chội của nhà đám! Hỏi còn ra thể thống gì nữa! Mà cả cái thằng cha Uy Nghi đó cũng bầy đặt. Đi làm đám ma mà cứ làm như giám đốc công ty! Điện thoại với chả danh thiếp!… Hắn vơ nốt nắm bèo, băm chan chát…

Tối. Vừa lui cui mắc màn hắn vừa thuật lại câu chuyện hồi sáng. Vợ hắn đang nằm quay mặt vào tường, vội lật lại:

– Ừ nhỉ. Thế mà vợ chồng mình không tính đến! Thời buổi bây giờ người ta rất coi trọng việc hiếu. Sáo với kèn thì thổi ở đâu mà chả là thổi. Ông cứ nhận lời đi. Vừa được thổi thoải mái, lại có thêm khoản thu nhập. Con Na nhà mình sang năm đi học rồi, lúc đấy lại chả rối lên vì tiền đóng học ấy chứ! Nghề may của tôi dạo này cũng ế lắm. Quần áo Trung Quốc ê hề, ai người ta còn cần đến mình nữa!..

– Nhưng mà đi thổi kèn đám ma, tôi thấy nó cứ thế nào ấy…

– Thế nào là thế nào! Ông cứ đi rồi quen tất! Thôi không nói nhiều nữa. Đi ngủ đi. Sáng mai tôi còn phải giao hàng sớm!

Hắn im lặng.Vợ hắn là thế đấy. Quyết đoán một cách áp đặt. Muốn yên cửa yên nhà thì chớ có dại mà trái ý nàng!

*

Vậy là thấm thoắt, hắn đã làm nghề được hơn một năm. Kinh tế gia đình khá lên trông thấy. Mà dạo này sao lắm người chết thế không biết? Chết già đã nhiều, chết trẻ cũng lắm! Nào là chết vì ung thư, vì tai nạn giao thông. Lại còn chết vì đánh nhau, vì thất tình nữa !.. Nhiều lúc đội nhạc hiếu của hắn phải chạy “sô” mà vẫn không hết. Thời buổi kinh tế mở cửa, nhiều gia đình giầu có, lắm nhà con cái chức tước còn tổ chức đám ma rất to, kéo dài cả mấy ngày. Thu nhập của hắn cũng như đội nhạc hiếu cũng vì thế mà tăng theo cấp số cộng.

Tiếng kèn, tiếng sáo của hắn giờ đã nức tiếng cả vùng. Đám nào cũng phải yêu cầu mời bằng được hắn thì mới hài lòng. Ông bầu Uy Nghi nhanh chóng nhận ra vị trí của hắn trong đội. Tiền công của hắn vì thế cũng ngày một được nâng lên. Nhưng không hiểu sao, hắn cứ cảm thấy buồn buồn, thiêu thiếu một cái gì đấy! Trong bữa cơm, vừa dãi bầy. Vợ hắn ngạc nhiên:

– Ô hay! Buồn thì đúng quá rồi còn gì. Đi đám ma chứ có phải đi hội đâu!

Hắn im bặt. Một lần nữa vợ hắn lại có lý. Vậy còn thiếu là thiếu cái gì nhỉ? Hắn miên man… Kịch bản một chương trình tang lễ, mười cái như mười. Nhắm mắt vào là có thể đọc vanh vách. Nào là “Xóm làng đang buổi thanh bình/ Tin đến thình lình cụ đã quy tiên…” Hay “Quê hương đổi mới từng ngày/ ánh điện sáng tiếng loa đài vang vang…”. Phải rồi. Sự sáo mòn, nhàm chán, nhàm chán đến vô cảm!…

– Kìa! Sao ông không ăn đi mà cứ ngồi ngây ra thế!

Vợ hắn vừa gắp thức ăn cho hắn vừa giục. Hắn lập cập bưng bát. Mùi cá dim thơm phức đánh thức khứu giác hắn. Nàng đúng là một người vợ đảm. Món này là món khoái khẩu của hắn đây! Nhưng hôm nay hắn chẳng cảm thấy ngon lành gì cả. Vợ hắn thì vẫn vô tư, nàng hỉ hả:

– Mình cứ chịu khó đi làm đều, tôi thì nhận may thêm hàng gia công Chẳng mấy tí mà nhà mình cũng có của ăn, của để.

Hắn thấy vợ nói cũng phải. Nàng vốn là người phụ nữ của công việc mà! Mọi suy nghĩ của nàng đều thực tế và giản đơn. Song nhất định không được phép làm trái ý nàng. Với hắn, nàng luôn luôn đúng!

Giá cuộc sống cứ thế trôi đi một cách bình lặng. Giá hắn chịu an phận thì cũng chẳng có gì đáng nói. Đằng này, đang yên đang lành hắn lại nảy nòi ra cái tật mới, ấy là thích làm thơ! Đã bảo hắn vốn có khiếu văn nghệ. Mà thơ với nhạc lại họ hàng gần của nhau mới chết chứ! Từ dạo vào đội nhạc hiếu, đi ra thiên hạ nhiều, đầu óc cũng được mở mang thêm, lắm lúc hắn tức cảnh sinh thơ. Đôi khi gặp những sự đời trớ trêu cũng làm hắn nghĩ ngợi, day dứt rồi nảy sinh thơ phú. Lúc đầu chỉ là những bài thơ kiểu “chống, xây”, hay kiểu “chuyện to, chuyện nhỏ”, phê phán những đứa con bất hiếu. Lúc bố mẹ còn sống thì đối xử chả ra gì, đến khi nằm xuống thì bầy ra mâm cao cỗ đầy, đám xá rùm beng để lòe thiên hạ. Rồi cảnh anh em, bố con tranh vườn tranh đất, đánh cãi nhau om xòm cũng được hắn đưa vào thơ với giọng điệu dí dỏm, hài hước mà khi đọc kỹ lại muốn cười ra nước mắt.

Nhưng bởi năng khiếu trời cho, cộng với tính cần mẫn của một anh nông dân, hắn đã có được những bài thơ về làng quê, về tình cảm gia đình, về nhân tình thế thái có sức lay động tâm hồn người nghe. Và đó xem ra mới là thế mạnh của hắn chăng? Hãy nghe hắn tả đêm ở làng như thế này: “Đêm ở làng trăng được lau trong vắt/ Gió rì rào trò chuyện với vòm cây/ Diều sáo vu vu, đàn dế riu riu/ Hương ngâu vườn ai len vào cửa sổ…” Còn đây là cảnh đồng chiều: “Bê con tha thẩn gặm chiều/ Đê vươn mình thả cánh diều vào mây/ Cánh cò trắng mải miết bay/ Đồng sau vụ gặt hương đầy dấu chân…” Xem ra chất thơ cũng ăm ắp như nước ruộng tháng sáu đấy chứ?

Một lần đi đám ở làng bên, hắn nghe lỏm được mấy lời than thở của các bà nông dân. Rằng, lúa chín rũ ra rồi mà trời thì cứ mưa sầm sập, gặt không gặt được, nghĩ mà rối cả ruột gan! Thế là đêm ấy, hắn đã có ngay một bài thơ đồng cảm: “Mấy ngày sầm sập đổ mưa/ Lúa chưa kịp gặt, đồng trưa trắng trời/ Trông ra lòng dạ bời bời/ Thương bông lúa chín khóc vùi trong mưa…”


Thơ của hắn lác đác đã được các báo cả địa phương và trung ương đăng tải. Có bài còn được đọc trên Đài TNVN nữa! Bây giờ thì tài thơ của hắn có khi còn nổi hơn cả tài thổi kèn đám ma nữa! ấy vậy mà nghe mọi người gọi hắn là nhà thơ, vợ hắn bĩu môi: “Thơ với chả thẩn. Không lo làm ăn, cứ dính vào đấy rồi khéo hâm mất!”. Nghĩ đến vợ, hắn lại bật cười. Cái dạo hắn đang tập tọe làm thơ tình, có hôm đi đám về, hắn vẫn chưa chịu ngủ, cứ chong đèn gạch gạch, xóa xóa. Đến lúc bị vợ xách tai lôi dậy hắn mới biết là mình đã ngủ gục trên bàn từ bao giờ. Vợ hắn dí tờ giấy ghi bài thơ vừa làm xong trước mặt hắn, nghiến răng:

– Cái này là thế nào? Trời đất ơi! Thảo nào cứ lén lén, lút lút. Đêm ngủ rồi còn dậy bật điện lên để viết tặng con nào?…

Hắn liếc nhìn, mấy dòng chữ như nhảy múa trước mắt… “Sớm nghe mưa bụi bay bay / Lâng lâng em bảo xuân nay về rồi / Ô kìa mưa đậu bờ môi / Mưa tranh mất của tôi rồi nụ hôn”. Và đây còn ghê gớm hơn: “Hội tan trời đổ mưa mau / áo anh em trải mái sầu che chung / Quả là mưa đã phải lòng / Nên mưa cứ ngả vào vòng tay đêm.”

Thôi chết rồi. Mấy bài thơ hắn vừa làm để dự thi báo tỉnh. Thật đúng là tình ngay lý gian. Giải thích thế nào vợ hắn cũng không nghe. Cứ làm tóang lên, xé tan cả mấy tờ bản thảo. Lần ấy, hắn bị giận dễ đến nửa tháng. Vợ hắn thực hiện “lệnh cấm vận” một cách có bài bản, làm hắn điêu đứng đến phờ phạc cả người. Nghĩ lại, hắn thấy đúng là mình dại thật. Dám trêu ngươi nàng! Đến tận khi, báo Văn nghệ của tỉnh đăng bài thơ của hắn trong mục “thơ dự thi”, hắn cầm tờ báo biếu và phong bì 200.000 nhuận bút đưa cho, vợ hắn mới chịu nguýt yêu cho hắn một cái, kèm lời cảnh cáo: “Ông cứ liệu liệu đấy! Léng phéng với con nào là không xong với tôi đâu!”.

Trời đất ơi! Hắn mải làm ngày làm đêm, còn hơi sức đâu mà tơ tưởng đến ai? Mới chỉ dan díu với nàng thơ có một tý mà đã khổ đến nhường này rồi còn gì! Sau sự cố đó, hắn nghĩ bụng: Sao mình cứ mải tìm cảm hứng từ đẩu đâu. Thử làm một bài tặng vợ xem sao? Biết đâu nàng hứng khởi, mình lại chả được nhờ?

Nghĩ là làm, hắn chỉ suy nghĩ có một lúc thì bài thơ “Cô thợ may đi cấy” đã hoàn thành: “Bàn tay quen cầm kéo/ Giờ nâng đóm mạ xanh / đồng làng thành tấm vải/ Em dệt tà áo xinh”. Vợ đi chợ về, hắn hí hửng mang ra đọc. Mặt hắn rạng rỡ ngời ngời, hong hóng như đứa học trò chờ lời khen từ bà giáo khó tính. Vợ hắn nghe xong bĩu môi: “Thơ với chả thẩn. Rõ khéo nịnh! Đã phải đi cấy còng cả lưng lại còn lắm chuyện!”. Hắn chợt thấy buồn tê tái. Tại sao vợ hắn lại tiết kiệm lời khen với hắn đến thế? Hình như từ dạo lấy nhau, chưa bao giờ nàng khen hắn được một câu, nhất là trước mặt người khác. Hắn hiểu rất rõ lòng dạ của vợ. Miệng có khi nói thế, nhưng bụng chẳng nghĩ thế đâu. Nhưng gì thì gì, cũng phải mua mặt cho hắn một tí chứ! Các cụ đã chả dạy “xấu chàng hổ ai” đấy thôi. Nàng tuy không thắt đáy lưng ong nhưng cũng thuộc dạng chiều chồng, yêu con ra phết. Bằng chứng là nàng biết đảm đang, thu vén công việc gia đình một cách tươm tất. Chăm lo cho chồng con từng bữa ăn, giấc ngủ. Chỉ nhác thấy hắn thích món gì là y như rằng nàng sẽ cố làm cho bằng được. Quần áo của hắn cũng một tay nàng mua sắm, chọn lựa kiểu dáng, dẫu có đắt một tí cũng không sao, miễn là hắn thích. Về cái khoản này thì hắn luôn tâm phục khẩu phục. Vợ hắn là thợ may mà!

Tại sao riêng sở thích thơ phú của hắn thì nàng lại không bao giờ ủng hộ? Từ dạo hắn làm thơ, đi đám thì thôi, ở nhà lúc nào là lại thấy mấy cụ hưu trong câu lạc bộ thơ của xã đến đàm đạo, hay nhờ sửa thơ, vợ hắn đã có ý không hài lòng. Thấy hắn thức khuya làm thơ, nàng luôn càu nhàu, bảo hắn là bị trời đầy, cứ tự mình làm khổ mình. Đi đám về, chưa kịp nghỉ, hắn hối hả giở tờ báo biếu ra, vừa được mấy dòng, vợ hắn đi đến, cầm tờ báo cất đi, bắt đi ngủ. Nàng luôn có câu cửa miệng: “Thôi. Ông đi nghỉ đi cho tôi nhờ! Ông đọc nó có béo lên được không? Cứ chịu khó ngày nào có đám thì đi, ngày nào không thì ở nhà phụ giúp vợ con. Như thế có phải nhàn tấm thân không. Sao ông lại cứ phải đầy ải mình như thế nhỉ?” Ôi! Phải làm sao để nàng hiểu rằng: với hắn, một ngày mà không được cầm đến tờ báo, không được nghe các chương trình yêu thích trên Đài thì hắn không chịu nổi! Chồng người ta bỏ bê gia đình, say sưa rượu chè, cờ bạc đã đi một nhẽ. Đằng này, cài thú chơi của hắn là thú chơi sang trọng của các tao nhân mặc khách, đâu có phải thường!

Bao nhiêu lần hắn được nâng trên tay tờ báo có đăng thơ của mình. Bao nhiêu lần hắn được nghe đọc thơ của mình trên làn sóng đài TNVN, mà cảm giác lần nào cũng cứ như lần đầu vậy. Nó lâng lâng, ngây ngất đến run rẩy. Giá vợ hắn có được một chút cảm giác đó hẳn nàng đã không đến nỗi thờ ơ, ghẻ lạnh những đứa con tinh thần của chồng đến thế?

Hắn được kết nạp vào Hội văn học của tỉnh. Ôi! Có thế chứ. Phen này thì nhất định nàng hết chê bôi hắn! Vật chứng là đây. Hắn luýnh quýnh đến nỗi suýt lấy nhầm phải xe người khác. Từ trụ sở Hội, hắn sung sướng phóng xe về nhà. Không phải tự kiêu đâu, nhưng sự kiện này cũng đáng tự hào lắm chứ? Thử hỏi cả cái xã hắn, ai có được cái thẻ danh giá đó? Vậy mà…Hắn chìa cái thẻ hội viên ra trước mặt vợ, cười nhỏn nhẻn. Vợ hắn ngừng may, từ từ ngẩng lên, khẽ liếc một cái, bĩu môi “Hội thơ với chả hội thẩn. Lại chả ba bẩy hăm mốt ngày như cái đội chèo của thôn dạo nọ! Rõ vớ vẩn!” Hắn tẽn tò rụt tay lại, cái thẻ hội viên láng bóng như nặng trĩu trên tay. Hắn cảm thấy như bị dội gáo nước lạnh. ánh mắt cười cười của nàng như ngầm bảo: Ông cứ liệu liệu đấy! Đừng tưởng bây giờ muốn làm gì thì làm nhé!

Vào Hội, thi thoảng hắn cũng được đi đây đi đó hội họp hay dự trại viết. Thú thực, mỗi lần đi trại viết là một lần hắn phải đắn đo suy tính. Hắn đang có uy tín trong đội nhạc hiếu. Không may (hay là may) trong thời gian đi trại mà có cụ nào nằm xuống thì nhất định lão Uy Nghi sẽ lại “ca” hắn tới nơi, tới chốn (ấy, người có tài lắm lúc cũng khổ thế đấy!) Vợ hắn thì tất nhiên không bao giờ muốn hắn đi rồi. Hắn đi, đồng nghĩa với thu nhập của gia đình sẽ kém đi, vợ hắn sẽ phải vất vả hơn. Hắn biết lắm chứ. Người ta có lương có lậu thì không sao… Nhưng đây là cơ hội cho con đường sáng tác của hắn? Nếu bỏ qua thì thật vô cùng uổng phí! Công bằng mà nói, hắn là người đàn ông của gia đình. Tuy đam mê, nhưng hắn rất hiểu câu “cơm áo không đùa với khách thơ” mà các vị tiền bối trong làng văn đã dậy! Hắn luôn cố gắng để đam mê của mình không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình. Mặt khác, hắn cũng rất thích một câu nói của nhà thơ nào đó, đại ý: cho dù vô cùng bận mải vì công việc mưu sinh mà anh vẫn sáng tác được thì khi đó anh mới thực sự có tố chất của một nhà văn!

Ôi! Giá vợ hắn đọc được điều đó nhỉ? Mà thôi. Lại mơ hão rồi. Đến thơ của hắn được đăng báo, có mang về dí vào mũi nàng còn chả thèm liếc một chữ nữa là…

Hắn đạp xe một mạch. Đến nhà, quẳng vội vào góc sân hắn lao đến chiếc bàn con… Quái quỷ, cái bút của mình?… Chắc con bé lại nghịch vứt đâu rồi… Hắn vò đầu, bứt tóc. Trời đất ơi! Thế này thì cảm hứng bay hết chứ còn gì? Con với chả cái!… Ôi! Đây rồi. Vứt mãi gầm giường thế này, bố ai mà tìm được! Hắn vồ lấy cây bút, chép lia lịa…Thăng hoa đến mức, vợ hắn đi chợ về lúc nào hắn cũng chẳng biết nữa. Tận đến khi nghe tiếng dép lẹp kẹp ngoài cửa, hắn mới sực tỉnh. Hoảng hốt, hắn cuống cuồng thu dọn bản thảo đang bừa bãi trên mặt bàn…

Vợ hắn vội chạy lại giữ tay hắn:

– Mình cứ để yên đấy, giải lao một tí đã…

Hắn khựng lại. Một giọng nói dịu àng đã lâu lắm hắn mới lại nghe được.

– … Em mua cho mình cốc chè sen mà mình vẫn thích đây. Mình nghỉ tay ăn cho mát rồi hãy tiếp tục sáng tác…Trước đây, nghe người ta nói ai mà dính vào thơ phú lâu dần sẽ trở nên lẩn thẩn. Bởi vậy em mới cố ngăn cản mình. Giờ em nghĩ lại rồi…Có cấm mình cũng chẳng được!…

Hắn chớp chớp mắt, lắc mạnh đầu mấy cái. ồ. Không phải trong mơ. Rõ ràng tay vợ hắn đang cầm cốc chè mát lạnh. Hắn cứ đứng như trời trồng, miệng há hốc. Nàng ấn cốc chè vào tay hắn, rồi tìm cái quạt mo, đến bên hắn phe phẩy:

– Thôi, mình ngồi xuống ăn đi kẻo đá tan hết. Khiếp! Nóng gì mà nóng ghê cả người. Mình cứ mải sáng tác mà không chịu bồi dưỡng, nhỡ ốm ra đấy thì khổ!… Để rồi em dồn tiền sắm cái “lép tóp”, chứ để mình cứ gò lưng viết lách như thế, em thương lắm!

Không hiểu hơi lạnh từ cốc chè, từ những nhát quạt mạnh mẽ, dứt khoát hay từ những lời nói ngọt ngào của nàng phả vào tâm hồn đang ngùn ngụt trào dâng cảm xúc mà hắn chợt thấy toàn thân lạnh toát, hai tay run bần bật. Cốc chè rơi xuống nền nhà đánh “choang”… Hắn bật dậy. Mồ hôi vã ra như tắm. Ô, thì ra chỉ là giấc mơ. Chắc tại tối qua mình thức khuya quá đây mà… Nhìn ra ngoài, trời xanh ngằn ngặt, ánh nắng chói gắt đã chấm mép thềm… Thôi chết! Vợ hắn đi chợ sắp về. Hắn lật đật đi tìm rá vo gạo, miệng nghêu ngao “Nổi lửa lên thôi… Nổi lửa lên thôi…”

(Văn nghệ số 43/2013)

Nguồn: vanvn.net

Exit mobile version