Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh

– Nguyên quán: Huyện Yên Mỹ – Tỉnh Hưng Yên

– Cơ quan công tác: Ban thanh tra Đại học Thái Nguyên

– Thạc sĩ Chuyên ngành: Văn học Phương tây

– Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

– Hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên

Đã xuất bản hàng chục tập sách gồm các tập thơ, truyện ngắn và Nghiên cứu Lý luận Phê bình

Giải thưởng

– Giải A, Lý luận văn học 5 năm tỉnh Thái Nguyên (2008 – 2013): Chuyên khảo Tiểu thuyết Việt Nam 1965 – 1975 từ góc nhìn thể loại. NXB. Giáo dục 2008

– Giải C về thơ, Giải thưởng 5 năm tỉnh Thái Nguyên (2013 – 2018). Tập thơ Khoảng Lặng. NXB. Đại học Thái Nguyên. 2016

– Giải Ba Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam 2015. Chuyên khảo văn học địa phương miền núi phía Bắc. NXB. Đại học Thái Nguyên. 2015.

– Giải khuyến khích về truyện ngắn trong cuộc thi Cây bút vàng của Bộ công an, với truyện ngắn Viên đạn thứ ba, 2021.

– Giải ba về thơ trong cuộc thi thơ của Bộ Tư lệnh cảnh vệ – Bộ Công An với chùm thơ Những người lính hát bè trầm, 2022.

Và một số giải thưởng khác.

GÀO THÉT

Hồ Hoài Nhân mênh mông, xanh trong và sâu thăm thẳm. Đảo Khỉ chỉ là một đảo nhỏ nằm trong hàng trăm đảo rải rác trên mặt hồ. Sáng nào cũng thế, hắn nhảy xuống hồ bơi chục vòng rồi về nấu mỳ ăn sáng, sau đó khoác khẩu CKC đi một vòng quanh đảo răn đe bọn săn trộm khỉ. Rừng Lim cổ thụ vài trăm tuổi cũng bừng thức sau một đêm ngủ vùi trong mưa gió. Thoảng hương hoa Dẻ nồng nàn, tiếng Họa mi hót trong vắt. Hình như có cuốn sách nào đã viết, chỉ trong hương hoa Dẻ, Họa mi mới hót đắm say nhất. Hàng trăm con khỉ cũng bắt đầu leo trèo đi kiếm ăn, chúng còn cố tình lay cành cây để những hạt mưa đọng trên lá rơi lộp độp vào đầu hắn, thấy thằng người kia rũ nước mưa đọng đầy trên áo, con khỉ đực đầu đàn còn thích chí nhe răng cười choe chóe. Bật cười nhìn bọn khỉ, sống trên đảo đã mấy năm, đã nghe và hiểu được ngôn ngữ của loài khỉ và kỳ lạ nhất, còn nghe và hiểu được tiếng những cây cổ thụ thì thầm kể về nỗi đau, sự lo sợ của loài cây trước sức tàn phá khủng khiếp của con người.

Nhưng kỳ diệu nhất là tiếng nói của cây khi yêu nhau, chúng nghiêng tán lá chạm vào nhau, cành lá run rẩy, và thủ thỉ trong gió: Yêu nhau… Yêu nhau… Yêu nha…a…u! Đỉnh điểm của tình yêu ấy là muôn đóa hoa chợt bừng nở cùng một lúc, hương thơm đậm đặc và quyến rũ khác lúc bình thường. Học hết cấp ba, nhà nghèo không có tiền đi học Đại học, hắn đã nhận một công việc mà không ai dám nhận: Làm bảo vệ trên đảo khỉ, nơi đang sinh sống của một loài khỉ lông trắng quý hiếm đã gần như tuyệt chủng trên trái đất, cả nước cũng chỉ còn bầy khỉ trên hòn đảo này, những con trưởng thành có thể nặng đến 40 – 50kg, khôn như người nhưng thật thà và tình nghĩa. Nhớ hôm đầu tiên đặt chân lên đảo, bầy khỉ đã “mai phục” và tấn công rất bài bản, cứ như chúng đã có “binh pháp khỉ” vậy. Đầu tiên là một trận mưa đá, sỏi ném tới tấp. Sau đó là hàng loạt các khúc cây được lăn xuống từ đỉnh lèn đá cao để chặn đường. Cuối cùng hơn 30 con khỉ khỏe mạnh cầm gậy dàn hàng ngang lừ lừ tiến tới. Hắn nấp sau gốc cây cổ thụ, tránh các trận đá sỏi tấn công, cố gào lên “Tao đến trong hòa bình… đừng ném nữa…” Vô ích, bọn khỉ này hình như căm thù con người, không tin vào lời nói của cái thằng người kia, cứ nhặt đá mà ném, chỉ đến khi buộc phải bắn chỉ thiên ba phát súng chúng mới chịu bỏ chạy. Đêm đầu tiên, đốt một đống lửa to giữa bãi trống, căng nilong mà ngồi nhìn khỉ chờ trời sáng. Trong bóng đêm, mắt chúng không đỏ lừ như mắt hổ, báo, chó sói khi bắt đèn săn mà xanh lét. Sáng hôm sau, chọn một hốc cây khổng lồ trong ruột một cây nghiến cổ thụ làm nhà ở, chặt cây làm hàng rào, cắt lá cọ về lợp thêm mái, vót chục ngọn lao nhọn để phòng vệ, thấy mình sao giống Robinson trên đảo hoang đến thế. Trước khi ra đảo, tay trưởng phòng Tổ chức răng vẩu vàng khè, mặt lưỡi cày xám ngoét, cười hô hố mà bảo:

– Ứng trước hai tháng gạo 36kg, tiền lương 290 đồng một tháng. Gà rừng, chim, sóc nhiều vô kể. Bẫy mà ăn. Rau rừng miên man, vặt mà chén. Ở đấy mà tiết kiệm chẳng mấy chốc mà giàu. Mỗi cái tội hơi cô độc một tí. Đang sức trai rừng rực, cao lớn cơ bắp thế này, thiếu gái là khổ đấy. Hay chú em yêu béng một con khỉ cái nào đó, có khi lại hay. Bọn khỉ cái rất chung thủy, không giống đàn bà bây giờ…

Hắn lừ mắt nhìn tay Trưởng phòng, sao mặt nó lại gợi đòn đến thế? Chỉ muốn tống một phát vào cái mồm đang nói như máy khâu đạp vội kia, học võ từ bé, nếu đấm mà nó làm sao thì oan gia. Gửi cho mẹ hai phần ba số tiền lương vì sau lưng còn năm đứa em lốc nhốc, đói khát quanh năm. Mua một lô kẹo bột để dành “dân vận” với bọn khỉ. Hỏi dò ông chèo thuyền khi ra đảo, bọn khỉ ấy rất dữ và mưu mẹo. Hôm trước có hai thằng săn trộm vác súng ra đảo, bọn khỉ đực ném đá vỡ đầu nằm chết ngất, mấy con khỉ cái già lột quần hai thằng ra cắn cụt dương vật. Thế mới đau, mới hận đời chứ, hê hê… Cắn gì không cắn lại cắn cái công cụ truyền giống, lũ khỉ ác chiến thật. Ông chèo thuyền cười hả hê, rồi quay lại bảo: Ra đấy chú giữ “chim” cho chắc, khỏe như đô vật thế này, nó cắn mất thì phí lắm. Bọn đàn bà yêu chú sẽ khóc như cha chết cho mà xem…

Lên đảo, hắn nát óc nghĩ cách chinh phục bầy khỉ, đầu tiên, mỗi ngày rải chục cái kẹo bột từ phía bìa rừng về phía “nhà” của mình, cứ thế rút dần khoảng cách, quả nhiên hiệu nghiệm, bọn khỉ ăn kẹo quen mồm, cứ mon men đi theo kẹo mà đến gần, ban đầu sợ sệt, sau dạn dĩ dần. Chờ lũ khỉ đến gần, ăn hết kẹo, ngơ ngác tìm, lại tung vài cái kẹo ra… Cứ thế, chỉ sau chục ngày, khỉ đầu đàn và hơn chục con to khỏe nhất đã đến sát hàng rào “nhà”, nhìn vào và chờ đợi, không ném kẹo nữa mà đưa tận tay từng con một, cười liên tục, mồm liến thoắng:

– Đây, xem này. Tao là bạn, nhớ chưa? Cho kẹo để cùng sống hòa bình. Không đánh nhau, nhớ nhé!

Hình như bọn khỉ nghe và hiểu cả, nhìn hắn rồi cầm kẹo cun cút đi.

Rồi sau đó hắn hát rống lên, cứ nhạc vàng mà hát, càng sầu não càng tốt. Bọn khỉ nhìn vào với ánh mắt dịu dàng dần. Khi cầm kẹo chúng còn gật gật ra điều cảm ơn. Nghe hát mãi nhạc vàng mấy con khỉ cái còn tru lên lanh lảnh để phụ họa, nghe cũng nhịp nhàng về giai điệu lắm.

Bọn săn trộm khỉ vẫn đi thuyền máy ra săn trộm, súng của bọn chúng toàn AK47. Một trận đánh đã diễn ra, bọn săn trộm bắn chết hai con khỉ đực, bắt được một con khỉ cái lông trắng đẹp nhất đàn, nghe đồn ngoài “chợ đen” một con khỉ trắng còn sống bán được rất nhiều tiền. Hắn đã bắn bị thương hai thằng săn trộm, giải thoát cho con khỉ cái bị thương, bọn chúng phải bỏ chạy. Khi ôm con khỉ cái về để băng vết thương cho nó, thật lạ lùng là khỉ cái cứ ôm chặt lấy chân vị cứu tinh, ánh mắt đầy biết ơn và si mê nhìn không chớp. Trời ạ! Lại cái kiểu “anh hùng cứu mỹ nhân đây!”. Bật cười, băng cho nó xong còn cho nó hai viên kẹo. Khỉ cái không ăn, nhìn đăm đăm rồi vọt đi, lát sau quay lại đặt vào tay “Anh hùng” một chùm vải rừng đỏ ối, rồi ở lì trong “nhà” không chịu đi nữa.

Buồn, buồn nhất là vào đêm mưa. Mưa dội xuống vòm cây cổ thụ thật dữ dội. Tiếng sấm sét kinh hoàng. Nhìn về phía hồ chỉ thấy những lượn sóng khổng lồ, đen sì chạy ầm ập về phía đảo, khi ập vào bờ phát ra một tiếng kêu ai oán, có lẽ là giống tiếng kêu của mình và của loài người, khi bao ước mơ như sóng va đập rồi tan tác trước những “ghềnh đá” cuộc đời? Trên những lượn sóng ấy, hồn ma những người chết đuối chạy nhảy vùn vụt, từ đỉnh sóng này sang đỉnh sóng khác, vừa chạy nhảy vừa gào khóc. Không ngủ được, hắn vác súng đi vòng quanh đảo, luôn có cảm giác có con mắt dõi theo của ai đó, đang dõi theo mình sau những bụi cây đen đúa, sau những con sóng kì dị kia. Gần sáng trở về mệt mỏi, chui vào chăn ấm định cố ngủ một lát để sáng còn đi tuần tra quanh đảo, bỗng khỉ cái lông trắng muốt khe khẽ chui vào trong chăn, nằm nép vào và vòng tay khỉ ôm mỗi lúc một nồng nàn hơn, và một điều kì quái đã xảy ra, điều mà trong mơ hắn cũng không thấy, sạp nứa bỗng rung lên bần bật. Hai cây cổ thụ bên cạnh “nhà” đồng thanh: Yêu nhau… Yêu nhau…, rồi hương hoa Dẻ bỗng ngạt ngào. Dưới ánh nến, nhìn vào mắt khỉ cái rồi nhận ra long lanh trong đó tình yêu và lòng ngưỡng mộ không cất lên thành lời. Một sớm mai thức dậy, giật mình thấy khỉ cái quỳ bên, mắt nhìn thật đẹp, thật say đắm. Hắn chăm sóc khỉ cái như một thằng đàn ông chăm sóc người yêu, còn bao nhiêu kẹo tặng cho “người yêu” hết. Nhưng khỉ cái thật tinh khôn, mỗi ngày chỉ ăn một chiếc, còn tất cả cho vào balo. Nhìn hắn quét nền nhà, gấp chăn, màn, quần áo, khỉ cái học theo rất nhanh, làm việc còn khéo léo hơn. Thi thoảng khỉ cất tiếng kêu như hát, dịch từ tiếng khỉ sang tiếng người, hiểu khỉ muốn nói: Yêu nhau mãi, yêu nhau mãi…

Cứ mỗi lần hắn chèo thuyền về đất liền lĩnh lương và gạo, mua thêm một số vật dụng cần thiết, khỉ cái lại kêu đau đớn rồi khóc từ đêm hôm trước, ôm chặt không chịu buông tay. Phải dỗ dành, hứa hẹn mãi nó mới chịu để cho xuống thuyền, mắt khỉ vời vợi nhìn theo đầy đau buồn và đầy hi vọng. Nhìn vào đó bỗng thấy lòng đau thắt, khi trở về đảo, từ xa đã thấy khỉ cái ngồi lặng lẽ trên bờ mắt buồn bã dõi tìm…

Lần lĩnh lương vừa rồi, tay trưởng phòng tổ chức cười dâm đãng:

– Giỏi, chú em giỏi, đã trụ lại được trên 5 năm. Hiếm đấy. Bọn săn trộm khỉ sau trận oánh nhau với chú tuyên bố rút lui. Từ đó không mất con khỉ nào. Chú lại trồng thêm được hơn mười nghìn cây lấy gỗ trên đảo. Hì hì. Có muốn làm tí gái không? Dạo này mại dâm trên hồ phát triển mạnh. Khu du lịch mọc như nấm sau mưa. Nếu muốn “xả” thì anh cho chú số điện thoại. Em này chân dài tới nách. À mà mấy em chỉ là cave “bán chuyên nghiệp” thôi, đi khách mà chân còn dính bèo hoa dâu. Hơ hơ…

Hắn từ chối ngay, không hiểu sao chỉ muốn chung tình với nàng khỉ của mình, nếu đi với gái chắc nó buồn lắm? Vừa ra đến cửa đã bị gọi giật lại:

– Này có cái bưu phẩm gửi chú. Hình như của cái Tạp chí nào đấy, chú có viết lách gì à? Đừng có bảo anh là chú thành nhà văn đấy nhé. Anh ghét nhất bọn nhà văn, đã nghèo lại còn sĩ, chuyên đi tọc mạch chuyện nhà người ta…

Run lên vì sung sướng, cầm gói bưu phẩm nhẹ tênh sao bỗng nặng trĩu, bỏng rát. Gần hai năm nay, âm thầm viết truyện ngắn về hòn đảo của mình, về các loài cây biết tỏ tình, về cuộc đấu võ của hắn với khỉ đực đầu đàn để giành được khỉ cái làm người yêu, về hồn ma những người chết đuối đi vật vờ trên sóng, cứ đêm mưa lại vào “nhà”, ướt lướt thướt, ngồi đầu giường đòi kể chuyện ngày xưa rồi khóc rưng rức… Hắn có bịa gì đâu, toàn chuyện có thật, thấy thế nào thì kể thế ấy với bao xót xa, thương cảm dành cho thế giới này. Đến một cái cây nhỏ cũng có linh hồn, một con khỉ cũng có tình yêu cao thượng. Một con chim cũng biết căm giận và chiến đấu với cái ác, những hồn ma cũng luôn thương nhớ người thân và mơ ước về một thế giới tốt đẹp hơn. Sao chúng ta nỡ hủy hoại, tàn sát những sinh thể ấy. Run rẩy, lập cập mãi, bóc bưu phẩm, cầm cuốn tạp chí, thấy có truyện ngắn “Những hồn ma kể chuyện” đăng trang trọng, lại có cả tiền nhuận bút, hắn nhảy cẫng lên, gào thật to: Ta thành nhà văn. Giời ơi. Nhà văn là ta. Đếch thể tin nổi.

Hắn gào thét ghê quá, lại còn nhảy dựng lên, khua chân múa tay như hóa rồ. Mấy bà buôn cá đi qua xộc xệch chạy, vừa chạy vừa ngoái lại chửi:

– Cha tiên sư bố thằng điên, sao mà không ai nhốt nó vào trại. Thả rông thế này nhỡ nó hiếp cho thì chết…

Về đến đảo, lao vào nhà, ôm khỉ cái quay tít:

– Khỉ ơi, em biết không, anh thành nhà văn rồi, nổi tiếng cả nước rồi, đây này, chỗ này anh viết về em, khỉ lông trắng xinh nhất đàn đây này.

Khỉ cái ngơ ngác nhìn, đưa tay sợ sệt dò dẫm cuốn tạp chí, ngửi rồi cắn thử vào mép giấy. Khi đọc đoạn tả khỉ trắng, nước mắt khỉ bỗng ứa ra long lanh như hai viên ngọc, nó rên ư ử rồi nép vào ngực hắn.

Rồi liên tục hàng chục truyện ngắn được đăng trên trang nhất các báo văn nghệ, tạp chí văn nghệ của cả nước. Hắn đã thành người nổi tiếng, có cây bút phê bình văn học giật “tít” là “Tarzan viết văn”, là “Một hồn văn hoang dã và lực lưỡng”. Cuộc sống cô độc trên đảo khỉ vừa rắc thêm “gia vị” bí ẩn vào tác phẩm, vừa phủ một màn sương huyền hoặc vào cuộc đời của cây bút trẻ này. Rất nhiều thư, điện tín mời cộng tác. Có Hội văn nghệ địa phương mời về làm việc. Vừa sung sướng vừa hoang mang trước chuyện đi hay ở, không nỡ xa rời hòn đảo này – một không gian xanh bạt ngàn đầy nắng, gió và tiếng chim. Một thể giới bí ẩn mà chỉ mình ta nhìn và nghe được những vô ảnh, vô thanh vừa đáng sợ vừa kỳ diệu, con người hoang dã này rất hợp với nơi đây. Kia kìa, hai chú tắc kè hoa đang cãi lộn về chỗ ở. Một nhánh cây non mướt đang kêu lên vì gió mạnh: “Mẹ ơi! Con sợ…”, bụi cây to bên cạnh thầm thào: “Mẹ ở đây. Mẹ che gió cho con đây”. Nhưng cuộc sống ở ngoài kia đầy ắp hào quang và danh lợi, rồi mẹ cũng già yếu, nhiều lần giục về lấy vợ cho bà có cháu bế… Giằng xé, đau khổ nhiều lắm, nhưng có lẽ sự vẫy gọi của phồn hoa đã thắng thế dần. Dù quyến luyến nhất ở đây là tình yêu và lòng chung thủy tuyệt đối của khỉ cái. Hắn có yêu khỉ cái không? Chắc chắn là có nhưng không phải chỉ có tình yêu, có khá nhiều tình thương và ân tình gắn bó nhiều ngày tháng. Khi nghĩ về khỉ cái, trái tim hắn cứ buốt nhói trong lồng ngực. Không nói ra nhưng hình như khỉ cái biết hắn sắp ra đi, có lẽ do trực giác. Gần đây nó buồn, bỏ ăn nhiều bữa, đêm ngủ hay khóc và run lập cập, vòng tay nhỏ bé cố ôm chặt như níu giữ. Ngoài kia, hồ đêm đẹp và mênh mông hơn dưới ánh trăng. Hình như có một tiếng còi tàu từ xa vời vợi vọng về. Khoác áo ấm, lấy thêm tấm khăn quàng cho khỉ, hắn dắt tay nó ra bờ hồ ngồi lặng lẽ. Khỉ cái lạnh, nép đầu vào ngực hắn, bỗng bật khóc rồi kêu lên ai oán, dịch tiếng kêu ấy ra tiếng người là: Đừng đi! Đừng đi. Đưa tay lên ôm lấy mặt khỉ, chạm vào nước mắt nóng hổi ròng ròng. Nước mắt khỉ sao mặn hơn nước mắt người nhiều thế? Sáng hôm sau, tay trưởng phòng tổ chức cùng một gã bé choắt mặt xấu hơn mặt khỉ đực, và một cô phóng viên xinh đẹp ghé cano vào bờ, bước lên đảo. Trưởng phòng cười hê hê:

– Cơ quan chấp nhận đơn xin thôi việc của chú. Làm sao một tài năng văn học lớn lại chôn vùi thanh xuân ở nơi này. Lên bờ đi, các em xinh tươi đang xếp hàng chờ chú. Còn đây là chú Long, người sẽ thay chú bảo vệ đảo này. Này Long này, hôm nào tiện ta làm nồi cao khỉ trắng thì tuyệt. Bổ dương lắm đấy, hê hê…

Bảo vệ mới tên Long bước tới bắt tay hắn, bàn tay Long lạnh ngắt và nhờn ướt, hôi như thoa mỡ lợn thối, nở nụ cười cầu tài mà mắt không cười, sắc lẻm một tia nhìn lạnh lẽo:

– Gỗ quý trên đảo còn nhiều quá. Ông anh giữ gìn tốt đấy. Bọn lâm tặc bây giờ phá ghê gớm. Có lẽ tôi phải xin cấp vài khẩu B.40 mới giữ nổi rừng.

Không hiểu sao khỉ cái lại căm ghét cô phóng viên xinh đẹp đến thế. Nó cứ nhảy xổ vào cào cấu, cắn xé và kêu lên căm giận. Hắn phải ôm khỉ vào lòng vỗ về mà nó không yên. Cô phóng viên sau khi gào lên hoảng hốt, giờ mới dùng tay túm lại mảnh váy rách, hỏi đầy tức tối:

– Khiếp quá! Sao khỉ nhà anh dữ thế? Không cắn ai chỉ cắn em? Hay là nó ghen? Không phải anh yêu nó đấy chứ?

– Đúng đấy. Tôi yêu nó. Tôi nghĩ nó còn tốt đẹp hơn nhiều cô gái bây giờ.

Tất cả há hốc mồm nhìn, khỉ cái rên lên sung sướng, ôm chặt tay “Người yêu”, nhìn cô phóng viên bằng cái nhìn đắc thắng. Hắn bế khỉ cái vào lều chảy nước mắt mà vỗ về:

– Anh phải đi rồi. Thế giới của anh ở trên bờ kia. Em ở lại nhé. Thi thoảng anh sẽ về thăm em. Anh không thể ở lại, em hãy hiểu cho anh…

Khỉ cái không gào thét, chỉ chắp tay trước ngực lạy lia lịa, nước mắt giàn giụa, rồi lết đến ôm ghì chân hắn, miệng lắp bắp: Đừng đi… Đừng đi…

Tất cả cây lá trên đảo đều rầm rì: Ở lại… Ở lại…, những dây leo bỗng bò đến quấn lấy “nhà” kéo giật thật điên cuồng. Bầy khỉ kéo đến đông không đếm xuể, cùng cất tiếng: Đừng đi… Đừng đi… Chú họa mi yêu quý cũng bay đến, đậu trên ngọn cây mà cất tiếng: Phản bội, phản bội… Cắn răng, lau nước mắt, giằng ra khỏi vòng tay của khỉ cái, hắn chạy một mạch xuống cano đã nổ máy chờ sẵn, rồi rời đảo. Ra khỏi đảo được hơn trăm mét, quay lại thấy khỉ cái đứng trên mỏm đá cao nhất, nhìn theo, bỗng gào thét một hồi ai oán, rồi buông mình rơi xuống. Nhảy khỏi cano, bơi trở lại, hắn bế khỉ cái lên, nó đã chết, thân hình dập nát, chỉ có đôi mắt tròn đen như hai hạt nhãn vẫn mở trừng trừng đầy oán giận.

Tôi đã gặp và nghe được câu chuyện kỳ lạ này, chẳng biết nên tin hay không nữa. Chỉ biết sau đó thằng cha ấy không viết văn được nữa, những gì viết ra sau này cứ nhạt toẹt và giả dối. Hình như gã nhà văn này có tìm về đảo khỉ, nhưng khỉ bị săn bắn hết rồi. Rừng gỗ quý cũng bị chặt hết. Trên hòn đảo ấy mọc lên một khu du lịch sinh thái, mái ngói nửa ta nửa Tàu đỏ chót. Đến cỏ cũng không còn, người ta đem cỏ Nhật về trồng trên đảo, lại dựng một pho tượng khỉ khổng lồ đang nhe răng dữ tợn, bệ tượng khắc hai chữ “King Kông” to đùng, đen sì.

Gã “Người Rừng” nửa điên nửa tỉnh bị đuổi việc. Rồi có rất nhiều đồn đại về số phận của một ngôi sao sáng mới xuất hiện của văn đàn bỗng vụt tắt. Có người bảo tay này về đảo khỉ, lên lèn đá cao nhất, ngửa cổ gào một tiếng rợn người rồi gieo mình xuống chết mất xác. Có người lại bảo gã nhà văn ấy đã trở thành đầu bếp cho một nhà hàng, nhưng khi chứng kiến thú rừng bị thịt là khóc ồ ồ rồi xông vào đấm đá, cắn xé những ai làm thịt thú rừng. Còn ông lão chèo thuyền độc mộc thì quả quyết: Thằng cha viết văn có đôi mắt điên điên dại dại thuê thuyền của ông vào chiều tối, rồi chèo thuyền vùn vụt vào sương khói đi đâu không rõ, thế là mất toi cái thuyền… Thôi thì quá nhiều đồn đoán, chả còn biết tin ai. Chính tôi là người được nghe kể về quãng đời sống trên đảo khỉ của tay viết văn “nửa mùa” này mà còn có lúc hoang mang, không biết có nên tin vào trí nhớ của mình?

Exit mobile version