Nhà văn Nguyễn Trọng Tân, sinh năm: 1949, quê Lâm Thao, Phú Thọ, tham gia quân đội từ năm 1966-1976, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp văn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã in 5 tập truyện ngắn, 4 tiểu thuyết, 7 tập bút ký, phóng sự; được trao các giải thưởng văn học của Hội Văn học – nghệ thuật Hà Nội, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, và Giải thưởng văn học quốc tế Sông Mê Kông.

Nhà văn Nguyễn Trọng Tân

 

 


Trang gia phả viết bằng vôi

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Tân

I

Ông  nội tôi sống hơn chín mươi tuổi mà trí nhớ vẫn tươi tốt. Người ông  đẫy đà, da đỏ au, tiếng nói rất vang. Đặc biệt hai hàm răng chưa hề khuyết chiếc nào. Con cháu đều mừng, nghĩ rằng ông sẽ thọ trăm tuổi. Vậy mà sau tết Canh Ngọ vừa rồi ông cụ “đi”. Ông đi nhẹ tênh, cứ như có chuẩn bị trước, đã hò hẹn với tử thần.

Cả nhà, hơn bốn chục con, cháu, chắt ngơ ngác, lúng túng trước cái đại tang chưa được chuẩn bị cả trong ý thức. Cha tôi là trưởng nam, lại vừa bay ra nước ngoài dưỡng bệnh để chuẩn bị về hưu. Cha tôi đi được năm hôm thì ông tôi mất. Ông tôi bị bệnh run chân tay từ lâu. Mỗi khi đi lại, phải có người đỡ. Trước hôm mất, ông sai đem cái ghế mây ra  góc vườn và bảo tôi ngồi với ông. Ông bảo: “Có một điều gì đó lạ lắm đang xảy ra. Cứ nhắm mắt, lại gặp các “ngài”. Các ngài bảo đến cõi rồi. Xe đón sắp tới rồi. Đêm qua thì toàn ma quỷ kêu khóc, đòi nợ. Có một con ma, hai tay lòm máu, cứ ôm lấy hạ bộ nhìn ông trân trân. Ông thấy chỗ ấy trông hoác, máu chảy dầm dề ướt cả hai chân”.

Tôi lựa lời an ủi:

– Ông mệt nên tưởng thế thôi. ông sống trăm tuổi để nhận quà của Chủ tịch nước chứ.

Ông thở dài:

–  Không kịp, không xứng. Chết đáng rồi. Chỉ tiếc bố cháu vắng nhà. Và trong đời ông không làm gì thất đức, vậy mà có một điều khiến ông không lúc nào thanh thản.

Trưa hôm sau, đang chập chờn trong cơn mơ, ông mở bừng mắt, vẫy tôi đến gần. Lại bảo gọi tất cả con cháu và tìm cô Lụa đến. Cô Lụa em họ tôi. Cô bị tật từ nhỏ, thọt chân, mắt phải chột và da sần sùi như mụn cóc. Đã hơn ba mươi tuổi cô vẫn ở với ông tôi. ông nhìn mọi người, chỉ tay vào cuốn gia phả bìa đen xỉn vì quét nhựa nhội, rồi chỉ vào tôi. Cuối cùng ông dừng mắt rất lâu nơi cô Lụa đang quỳ mọp, nức nở khóc. Hai mắt ông ứa nước. Ông trút một hơi thở dài, miệng thốt kêu: “Thằng Xuấn… ôi chà!

Thế là ông tôi đi

II

Chợ Phủ Lâm năm đói, ràn rạt người lang thang xin ăn. Một người đàn bà còn trẻ, nhưng tiều tuỵ, rũ héo. Trên người chị manh áo cộc cỡn, mảnh yếm cộc cỡn, cái váy cũng cộc cỡn loang lổ mụn vá. Hai tay áo, vạt yếm, đến cả gấu váy, nơi hai đầu gối đội lên cành cạch đen xỉn, mũi nhãi cùng mồ hôi. Chị ngồi tựa vào cọc lều một quán bỏ không, cổ chân sứt sát cuốn một đầu sợi dây, đầu kia buộc quanh bụng đứa con trai lên 5 tuổi. Thằng bé vùng vẫy, mếu máo đòi ăn. Trước mặt hai mẹ con, cái mê nón xơ tớp, nông choẹt đặt ngửa, lăn lóc trong ấy một củ khoai sống bằng cái chuôi dao và mẩu bánh đúc cắn dở. Chợ trưa, vãn người mua bán. Đám người ăn xin ngơ ngác, thất thần nhìn nhau. Vài người chúi quanh đống vỏ ốc, vỏ hến, lẫn với lá sả đã nguội ngắt, đã tanh bành vì moi đi, móc lại nhiều lần. Một phụ nữ trung tuổi, cánh tay lồng qua quai nón tất tả bước theo người đàn ông gánh một gánh hàng tạp hóa ra cổng chợ. Ngang qua quán, bà dừng bước, đôi mắt phúc hậu nhìn hai mẹ con người đàn bà.

–   Con lạy bà. . . bà làm phúc . . .

Bà đặt vào mê nón hai hào, rồi hỏi:

– Cô không phải người vùng này?

– Lạy bà, quê con tận Hải Dương. Con theo người làng lên đây kiếm ăn.

Chị ta nức lên kể rằng chồng mới chết. Hai mẹ con bỏ làng, gặp ai thuê mướn việc gì cũng làm. Vừa rồi xay lúa giã gạo cho một nhà làm hàng “xáo” cạnh chợ Phủ. Đêm hôm qua thằng con trai nhà ấy lần vào cái chái rạ mẹ con chị nằm. Nó bảo vợ nó mới ở cữ. Cho nó… nó sẽ cho tiền. Chị không chịu bị nó đánh cho, lại còn bị vu vạ là rủ rê nó. Chị vợ trong buồng xồ ra, biết tính thằng chồng, chị ta túm ngực áo nó ấn dúi dụi vào đống rạ, miệng rủa mãi là đồ chó dái. Nhưng biết cũng không ở được nhà ấy nữa, đành đem con ra đây, có ai nuôi thì cho, rồi lần hồi kiếm miếng ăn. Bà chủ hàng xén ấy tên Thảo, vợ ông lang Hạnh dưới làng Phung. Nghe kể bà thương lắm, bà bảo sẽ nuôi hộ đứa trẻ, lại cho ít tiền làm vốn. Bà dặn lúc nào kiếm được việc làm hay nhớ con, muốn về thăm thì cứ hỏi tới làng Phung, tổng Cao Phong. Chị ta cám ơn lắm, vái bà hai vái rồi cắp cái mê nón bước cùn cụt như chạy trốn. Mấy lần chị ta còn ngoảnh lại nhưng thằng bé vẫn vục mặt vào tấm bánh chưng bà Thảo cho. Đám lá bánh che kín mặt nó, che khuất cả hình bóng người mẹ đang thổn thức mờ dần trên con đường lầm bụi. Bà Thảo đưa thằng bé về nhà. ông bà lang Hạnh thuộc hàng khá giả trong làng, lại hay làm việc nhân đức. Ông bốc thuốc bệnh, bà bán hàng xén, đã có hai con đến tuổi đi học. Ông bà nghĩ nuôi làm phúc thằng bé một vài năm, thế nào mẹ nó cũng tìm về đón đi. ông đặt tên nó là Xuấn, Trần Văn Xuấn.

Ở với ông bà lang Hạnh, Xuấn được coi như con đẻ, được học hành đến nơi đến chốn. Mười lăm năm trôi đi, Xuấn đã hai mươi tuổi, ông bà cưới vợ cho. Vợ Xuấn là cô Ngoan con gái ông đồ Phán, bạn bút nghiên với ông Hạnh ngày trước. Ngoan có nhan sắc lắm, lại là con gái một, ít phải làm lụng, chân tay rắng trẻo. Hai con mắt thăm thẳm lúc nào cũng ướt rượt, lóng lánh. Năm ấy, giặc Pháp đang bị vây Ở Điện Biên Phủ, phong trào cách mạng dâng lên hừng hực khắp nơi. Cả vùng trung du Phú Thọ trở thành vùng tự do. Anh Tý, cô Mỹ, con cụ Hạnh hăng hái theo cách mạng thoát ly gia đình, ở nhà chỉ còn có Xuấn. Nhưng muốn cho Xuấn tự lập, ông bà cắt đất dựng cho nếp nhà riêng ngay trong vườn nhà. Lấy chồng được hai năm, chị Ngoan sinh liền hai con, nhưng chúng khác nhau như đêm với ngày. Đứa con gái mang dị tật từ trong bào thai. Một chân dị dạng, teo tóp, mắt phải bị đục nhãn, chỉ được cái làn da mịn màng, có ánh sáng như lụa. Vợ chồng Xuấn buồn lắm, nhưng bà Thảo lại quý, bà bảo: “Dù sao nó cũng là máu mủ mình. Đừng hắt hủi mà thất đức”. Bà đặt tên nó là Lụa. Cậu em trai tên Dương kém chị một tuổi, kháu khỉnh, phương phi như con cầu tự. Trời bù sự thua thiệt của Lụa ở thằng bé này. Có hai mặt con, chị Ngoan mới tròn hai mươi tuổi. Sự thăng hoa của đàn bà bây giờ mới đạt độ đằm thắm nhất.

Luồng gió mới của cách mạng thổi về cùng với một nhóm cán bộ cải cách ruộng đất Làng Phung vốn nhỏ bé, lặng tờ nay bỗng đảo điên nhốn nháo như túm rạ khô giữa cơn lốc xoáy. Chẳng hiểu cơn cớ ra sao mà vợ chồng Xuấn tự nhiên được các  ông đội xâu chuỗi thành cốt cán. Ngoan ném con cho bà Thảo trông, suốt ngày cuốn vào chuyện hội họp, mít tinh, múa hát. Xuấn được đôn lên chức đội phó cải cách toàn tổng Cao Phong. Công việc bù đầu nhiều ngày Xuấn ở lì tại trụ sở uỷ ban. Vai trò của một cốt cán trong cuộc  đấu tranh giai cấp quan trọng lắm. Nào xác minh lý lịch người này, định giá phẩm chất người kia, cùng đội tiến hành thanh toán giai cấp bóc lột, chia ruộng đất, giảm tô tức … Từ lúc nào Xuấn trở thành ông hoàng, người có quyền sinh sát ở địa phương. Những người có chút tài sản, cả những người nghèo mà lý lịch dính dấp đến cha ông là thành phần bóc lột, sợ Xuấn lắm. Họ thậm thụt, xu phụ ông bà Hạnh xin nấp bóng.

Ông bà Hạnh không yên tâm về những việc làm của anh con nuôi. Đã đôi lần ông khuyên bảo Xuấn phải sống cho có nhân có nghĩa. Ban đầu Xuấn im. Nhưng sau anh ta gắt:

– Ông bà già rồi, không tham gia công  tác đoàn thể nên nghĩ đơn giản. Kẻ thù giai cấp như mầm cỏ ấu. Nó truyền từ đời này qua đời khác. Phải đào tận gốc, trốc tận rễ, mất cảnh giác là chúng phá cách mạng từ trong phá ra, từ dưới phá lên…

Bà Hạnh cũng bảo:

–   Anh nói tôi không thông, làm gì cũng phải nghĩ đến đạo lý. Cải cách gì thì cũng không thể dạy người ta vô ơn. Chứ ai đời con dâu chỉ mặt bố chồng, gọi thằng nọ, thằng kia. Con rể nhổ vào mặt mẹ vợ, giật đứt cả hoa tai của người ta, vu cho người ta đủ thứ tội rồi bắt quỳ trước bàn dân thiên hạ, chỉ vì người ta có của. Chưa bao giờ tôi thấy con cái sống vô đạo như bây giờ.

Xuấn bảo:

– Cách mạng sáng suốt lắm!

Ông Hạnh nói:

– Tôi hơn sáu chục tuổi đầu, chưa thấy bao giờ nhiều địa chủ bằng thời này.

Xuấn cáu:

– Tôi nói rồi, quy nhầm còn hơn bỏ sót. Cấp trên bổ đầu năm phần trăm địa chủ là ít đấy. Bên Trung Quốc quy định bảy, tám phần trăm kia. Đấu tranh giai cấp, dù bố mẹ mình cũng không nể nang.

Sau bận ấy, Xuấn ở hẳn trên uỷ ban. Cô Ngoan đang độ hơ hớ, chồng bỏ vẳng không về, lại họp hành, múa hát, trai gái gần gụi đâm tự do, phóng khoáng. Một tối đã khuya, cuộc họp phần tử cốt cán vừa tan thì trời đổ mưa. Anh Vũ con trai duy nhất của ông Cam, ở liền nhà Ngoan rủ chị về cùng. Vũ có mảnh dù hoa lúc nào cũng đem theo người. Vũ hai lăm tuổi, nhưng vẫn chưa lấy được vợ vì nhà nghèo. Trong ánh chớp, Ngoan nhận ra Vũ nhìn mình bằng đôi mắt thèm thuồng nhưng e dè. Chị không nói, một lúc sau cầm mép vải dù kéo trùm lên đầu mình. Họ dìu nhau xuống bảy bậc thềm đình nhẫy rêu. Cái hơi ấm rực từ cơ thể anh trai tân phả ra hôi hổi, mơn man da thịt người đàn bà vắng chồng. Đường trơn, bốn bàn chân chầy chuột, nghiêng đổ. Từ lúc nào cánh tay như chão cuộn của Vũ ôm gọn đôi vai tròn lẳn của Ngoan. Đến cái hàng rào găng ngăn cách hai nhà, Vũ liều cầm tay Ngoan. Ngoan cúi đầu hỏi:

– Không biết sợ à?

– Tôi để ý đến Ngoan từ lâu . . . nhưng nghèo quá. Được Ngoan thương tôi chẳng sợ.

– Nhà tôi biết thì chết đấy.

– Ngoan ơi . . . tôi khổ lắm. Khổ hơn cả chết.

– Tối mai… cửa bếp tôi không buộc, chui rào mà sang.

Vũ hoá đá dưới màn mưa. Quả tim người đá nóng rẫy, nhảy loăng quăng trong vồng ngực rộng.

III

Hơn ba chục nông dân, phần đông phụ nữ ngồi như những bóng ma dưới ánh sáng của dãy đèn Hoa Kỳ ám khói. Ngồi bàn chủ toạ, Xuấn oai vệ, cái bút máy đòn càn lăm lăm trên mặt sổ. Người đội trưởng cải cách đứng dậy đọc, rồi giải thích chủ trương của cấp trên về việc phát động quần chúng đấu tố giai cấp bóc lột. Mấy chục đôi mắt quèm nhèm, mấy chục cặp tai dỏng lên như vịt nghe sấm. Càng về sau càng đông người ngáp ngủ. Đến lúc Xuấn đứng lên đọc danh sách những gia đình bị quy thành phần bóc lột mọi người bừng dậy ngơ ngác.

– Địa chủ Nguyễn Hải Kế, ruộng 10 mẫu, trâu bò 17 con, nhà ngói cổ 14 gian, quá giang, câu đầu gỗ lim, vách thung gỗ mít . . . Lợn . . . ! G à . . .  Địa chủ Trần Hòa Bình, bố hắn Trần Đào Sùng, một thời là chánh tổng khét tiếng đại gian đại ác. Hắn đã chết, nhưng của cải bóc lột nhiều đời còn để lại ức vạn. Hòa Bình có tiệm vàng Ở phố Phủ, Sơn Tây và Hà Nội.Làng Phung còn truyền nhau câu ca:

“Nhất vàng ông Choác

Nhất bạc Đào Sùng

Nông dân làng Phung

Còng lưng trâu ngựa. . . “

Một người hỏi:

–  Thưa quan đội, ông Choác là ai ạ?

– Chưa biết Choác là ai. Nhưng cứ theo câu ca, chắc chắn là ông nội của Bình, là bố đẻ Đào Sùng. Như vậy càng khẳng định mấy đời nhà nó nối nhau bóc lột nông dân… Tên thứ tám, Vũ Thị Tẽn (tức Tẽn Toét) người làng Phung. Thành phần: Cường hào. Bố chồng thị làm chánh tổng mới chết, có lần ủng hộ kháng chiến ít của cải, chồng Tẽn tên là Phương đi theo kháng chiến, mới có tin chạy sang làng Tề. Ruộng 1 mẫu, vườn. . . nhà ngói 3 gian.

– Dạ, thưa quan đội – Người đàn bà hùm hụp mảnh vải thâm che mắt, tay thu trước bụng đứng dậy vẻ ngượng ngừng – mẹ con cháu một chữ bẻ đôi không biết, cháu không làm cường hào được đâu ạ cháu xin nhường anh thẽm Cửu…

– Ờ phải đấy! Thẽm Cửu nghèo, nhưng có khoa ăn nói ra phết – Vài ý kiến ủng hộ.

– Thị Tẽn? – Dãy đèn run bần bật dưới cú đấm của Xuấn – Đây là hội nghị của chính quyền cách mạng. Không được nói ngang, nói ngửa.

– Nhà chị Tẽn Toét rõ thật – một giọng phản đối – cường hào phải giàu sang, có kẻ ăn người ở. Thẽm Cửu làm thế nào được. Người đàn bà ngẩn ra ngơ ngác rồi bỗng oà lên:

– Ối giời ơi ối ông Phương ơi. . . ông bóc lột ai, đè nén ai mà mẹ con tôi khốn khổ thế này…

– Dân quân đâu?

Hai thanh niên súng trường, mã tấu ập vào như hai ông hộ pháp mặt xanh nanh vàng ngoài cổng đình. Ngang lưng anh nào cũng một sợi dây da thít lấy bụng, ống quần buộc túm, oai vệ.

– Điệu cổ nó ra. Canh gác cẩn thận.

– Tuân lệnh !

Cuộc họp ở làng Phung với cung cách nửa bầu địa chủ, nửa thông báo thành phần bóc lột, kéo dài đến nửa đêm. Khi trong sổ tay của ông Xuấn và ông đội trưởng cải cách đủ năm phần trăm địa chủ, cường hào, nhóm người ấy mới được tha. Làng Phung những ngày căng thẳng. Bước chân du kích đi tuần trảm vào màn đêm nỗi thảng thốt.

*

*   *

Ruỳnh, tà là ruỳnh… tà là ruỳnh… là ruỳnh là ruỳnh. Nhịp trống ếch thiếu nhi rộn trên đê làng cùng tiếng hô cháy họng: “Đả đảo bọn địa chủ, cường hào đại gian đại ác”.

– Đả đảo, đả đa..ảo?

– Đào tận củ, trốc tận rễ bọn bóc lột.

– Đào tận củ… đào tận củ…

Cờ, biểu ngữ phấp phới trên đầu đoàn người áo quần lôi thôi, rách rưới. Từ năm ngả đường của năm làng trong tổng Cao Phong, quần chúng rầm rộ kẻo về bãi chợ, nơi tổ chức đấu tố bọn bóc lột. Tiếng trống vọng vào xóm Đình. Thằng Mới con trai nhà Tẽn Toét vừa bị đôn lên thành phần cường hào, vạch rào chui ra, chạy phóng lên đê. Nó khoái trá nhìn đoàn người hùng dũng. Hàng trăm bàn tay nắm chặt thụi ngược trong không khí, khiến nó ngứa ngáy. Nó quên phứt lời mẹ dặn, phải tránh xa những nơi đông người, phải xưng là con, phải cúi đầu sợ sệt trước các ông bà nông dân mà trước nay vẫn là hàng xóm, láng giềng nhà nó… Thằng Mới nhập vào đoàn người, mon men đến gần lá cờ đỏ phần phật trong gió ngay bên cạnh ông Trần Văn Xuấn và ông đội trưởng cải cách. Thằng Tuất còm, bạn nó đang mắm môi mắm lợi giữ cán cờ khỏi nghiêng ngả. Mới len đến giúp bạn. Nhưng mắt nó liền trợn ngược, cổ vẹo theo một bàn tay hộ pháp xoắn đỏ tai.

– Quân này láo, thằng cường hào nứt mắt. Ai cho mày mó vào cờ cách mạng, hả.

Xuấn gầm lên, lôi thằng Mới ra mép đê rồi co chân đạp vào bụng nó. Tên cường hào con hộc lên, nhào xuống mái đê lổn nhổn đất đá.

– Đào tận củ bọn đại gian đại ác!

–  Đào… Đào tận cu…  ủ…

IV

Dạo này Ngoan và Vũ bỏ cả họp hành. Sức trai tơ, gặp gái nạ dòng thật thoả nguyện. ông bà lang Hạnh giận anh con nuôi ngày càng trở nên say quyền lực, làm nhiều điều thất đức với dân với làng nên lạnh nhạt cả với con dâu. Chuyện Ngoan phải lòng trai đã lọt tai Xuấn, mà ông bà thì mù tịt. Một tối mưa phùn, có bóng người rình chỗ đầu nhà Xuấn. Khi hàng rào găng khẽ rung lên, khuôn cửa bếp nuốt gọn một người to lớn, nó mới lặng lẽ bỏ đi. Mờ sáng hôm sau, Xuấn từ trụ sở đột ngột về nhà. Ngoan đang chải đầu, dáng bơ phờ, giật mình thấy Xuấn chặn ngang cửa. Đôi mắt sắc lạnh nhìn Ngoan như lột trần người vợ hư hỏng, Xuấn gằn giọng:

– Cô với thằng Vũ ngủ với nhau mấy lần rồi?

–  Dạ, em lạy mình… em xin mình…

– Đêm qua là đêm thứ bao nhiêu?

Ngoan sụp xuống. Xuấn lại bảo:

–  Trong lúc tôi đang ra sức đấu tranh với kẻ thù giai cấp, thì vợ một cốt cán lại đổ đốn đến thế. Mà với ai chứ, một thằng hèn mọn, mảnh khố không lành.

– Mình ơi . . .

– Câm! Ơn đền, oán trả. Cô muốn êm thấm, chỉ có một cách.

– Vâng… em cắn rau cắn cỏ lạy mình tha thứ.

Xuấn rút trong cặp ra một con dao cau. Ngoan trợn mắt bật lùi lại. Xuấn đặt con dao xuống mặt phản, lấy tiếp một cái túi vải bằng hai bàn tay. Giọng Xuấn khô khốc:

– Đêm nay cô gọi nó sang, lừa nó ngủ thật say, cắt… của nó bỏ vào cái túi này cho tôi. Ngoan lết tới. Hai tay cô run rẩy ôm chân Xuấn cuống quýt và thảm hại:

– Ôi, em lạy mình, em van mình, đừng. . . em sợ lắm . . .

– Hoặc ngày mai tôi có thứ tôi cần… Hoặc gian phu dâm phụ đeo mo vào mặt đi bêu quanh tổng, rồi tôi dắt về trả cho bố mẹ cô!

Ngoan trắng bệch, run như dẽ, càng ôm thít đôi chân Xuấn. Một cú thúc gối làm cô bật ngửa ra.

*

*   *

Trời đã bềnh bệch nhưng mặt đất còn nhập nhoà tối. Sương sớm như nhát chổi khổng lồ của người thợ quét vôi đưa trên mảnh sân nhẫy rêu. Lão Cam xẩm xúi bò rồi quỳ. Thư thoảng lão lại cong gập người miệng hực lên như tắc thở. Mấy phút trước, thằng Vũ con trai lão trần truồng lê về nhà. Mắt nó trợn trạc, lưỡi co lại. Hai tay nó bấu cứng nơi hạ bộ lòm máu. Lão nhìn vào đấy, chỉ thấy một hố trống hoác, nhầy nhụa những mẩu gân trắng têu hếu. Vậy mà lạ sao lão không ngất, không cảm thấy run như lúc này. Vài tuần nay rồi, lão biết con trai lão phải lòng người đàn bà vợ ông đội Xuấn. Lão đã đe nẹt, mắng chửi, nhưng  nó như bị ma ám.

Mặt Vũ đã đổ sáp, đôi mắt phủ một màng nước đờ đẫn. Lão xốc con lên, khí lạnh truyền sang tay lão. Vậy mà lúc ấy lão chỉ bàng hoàng nghĩ đến ông Xuấn. Cái người bấy lâu nay đã trở thành nỗi kinh hoàng, không chỉ của những người lớn ở tổng Cao Phong. “Nín đi, không có ông Đội đến kìa! ông Xuấn mà biết thì mày chết …”. Người ta dọa cả trẻ con bằng những câu như thế. Bây giờ nỗi sợ ông Xuấn choán hết tâm trí lão Cam. Nó đánh dạt cả nỗi xót con của lão. Ì ạch vần được thằng con đã chết trong cái thế của kẻ chết trôi lên cái chõng tre, lão Cam đưa mắt ra sân. Lão giật thót mình, rồi cứ thế lão lụi cụi bò ngược trở lại phía nhà Xuấn. Chiếc khăn mặt rung rúc mầu cháo lòng ướt sũng máu. Mà cái dây máu vẫn còn dài. Lão vội lột mảnh áo trên người, lại gập mặt xuống sát đất. Lão lau đi lau lại cái vết nhục nhã. Lão muốn phi tang chuyện lòng thòng tai tiếng của con trai. Mãi đến lúc đầu lão chạm phải cái ống quần thõng thượt của Vũ trên cành rào găng, lão mới rú lên.Bộ quần áo còn âm ấm vừa bị vứt trả lại!

Lão Cam ôm bộ quần áo vào nhà. Vất vả lắm lão mới lồng được hai ống quần vào chân Vũ. Rồi lại một mình, lão vần, đẩy, xoay cái hậu sự ra giữa nhà. Cái hậu sự giành cho lão, nay phải dùng cho thằng con. Lão vơ quáo vơ quào mạng nhện và những hạt thóc còn sót trong đó. Tay lão bết máu. Cổ lão nghẹn tắc, mà lão không dám nghỉ. Nỗi sợ, nỗi nhục khiến lão Cam trở nên mạnh mẽ. Lão liệm con bằng mảnh dù hoa, đắp lên người nó thêm cái chăn chiên. Rồi lão chốt đinh bốn mép quan tài. Lão không gá mộng. Lão không muốn ai biết được nguyên nhân cái chết của con. Mọi việc đã xong xuôi, lão chạy ra vườn phạt ngang thân một cây chuối con, tiện lấy một khúc. Lão lật bật châm bảy nén nhang cắm vào đấy, để lên mặt ván thiên. Lúc ấy lão mới hộc to lên. Như là người không xương, lão nửa quỳ nửa vịn vào quan tài con mà khóc. Tiếng khóc thê thiết vào lúc tờ mờ sáng gây nên nỗi kinh hoàng cho hàng xóm:

– Ối Vũ ơi. Ới con ơi… nỡ nào con vội bỏ thầy con đi…i…i. Ối con ơi. Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh đã rụng. . . thảm thương con ời ời…

Chân chạy ruỳnh ruỵch. Người làng đổ đến mỗi lúc một đông. Bây giờ lão Cam gào càng to hơn, nhưng rõ hơn. Mọi người bàng hoàng khi biết Vũ chết vì bị trúng gió. Gió độc làm anh chết bất đắc kỳ tử khi anh dậy đi đái đêm.

Bên này hàng rào găng, Ngoan run rẩy như kẻ tử tội chờ phút hành quyết. Đến lúc nghe lão Cam nói dối về cái chết của Vũ, Ngoan lại thấy nỗi đau tê tái chồi lên, chồi lên quật chị lăn lộn trên cái giường đẫm máu và nước mắt. Sau cái chết của Vũ, Ngoan trở nên lầm lì. Chị lạnh lùng với tất cả mọi người . Xuấn cũng về dự đám tang Vũ. Xong việc, anh ta nhận cái túi và con dao đem lên uỷ ban. Dân làng tuy cám cảnh cha con ông lão Cam, nhưng bao nhiêu việc lớn cuốn hút tâm trí họ. Có lẽ người đau đớn nhất trong vụ hãm hại này, ngoài lão Cam, là ông bà lang Hạnh và bố mẹ chị Ngoan. Cái kim để trong bị lâu ngày cũng thò đầu ra, sự chết của Vũ chẳng giấu được ai. Ông lang Hạnh lặng lẽ dựng một hàng rào chặn ngang khoảng đất giữa nhà ông với nhà anh con nuôi. Mỗi khi có ai hỏi, ông bà lãnh đạm bảo: “Thưa, nhà ông Xuấn đi cổng bên”. “Dạ, việc ấy bủ nên bẩm trực tiếp với ông đội”… Bà Thảo bỏ cả bán hàng xén. Ông lang Hạnh vẫn cắt thuốc, nhưng rất ít khi thấy ông ra khỏi nhà. Chỉ có một bận dân làng gặp ông bà cùng đi giữa ban ngày ban mặt. Đó là ngày ông Đồ Phán chết. Ông Phán chết cũng lạ. Đang khoẻ mạnh, tinh anh mà ông đột ngột quy tiên. Người ta đồn ông uống thuốc phiện pha dấm thanh. Ông bà lang Hạnh đem lễ đến phúng viếng người bạn đồng tuế, hồi nhỏ cùng học một thày. Ông thướng tiền cho ban thợ kèn bảo khóc ông đồ theo lễ bạn học. Không một lời nhắc đến tình thông gia. Thế nghĩa là ông quyết dứt tình bố con với Xuấn. Ông coi mình vô can với mọi tội ác mà anh con nuôi ngày ngày gây ra với dân làng. Vậy mà trong sâu thẳm tâm can, ông bà cứ bị dày vò vì cái việc làm phúc nhận nuôi Xuấn, cho nó mang họ ông. Ở đám tang ông đồ Phán, vừa trông thấy mặt vợ chồng Xuấn, ông Hạnh cáo từ xin về. Lúc ở nhà, trừ hai đứa cháu, vợ chồng Xuấn mà sang thăm, ông lại xua đuổi như xua chó. Xuấn như không hề lấy làm buồn. Cái máu nông dân nắm được quyền lực nhanh chóng nhiễm thói gia trưởng, độc đoán. Lại là người xảo quyệt, nhẫn tâm, Xuấn hiện thân bạo chúa, nắm cái gậy chuyên chính. Việc hủ hoá và giết người của Ngoan, Xuấn không hề nhắc đến, càng khiến Ngoan thấp thỏm, lo sợ. Cái án Xuấn treo trên đầu vợ chưa biết sẽ sập xuống lúc nào.

*

*   *

Trước hôm làm tuần trăm  ngày cụ đồ Phán, ba mẹ con Ngoan lên ngủ trên nhà mẹ đẻ để chuẩn bị cỗ bàn. Xuấn bảo bận họp đến trưa mới về được. Tuần cúng, ăn mười mâm. Khách khứa về cả mới thấy Xuấn đủng đỉnh đến tế bố vợ. Xuấn trịnh trọng đặt lên bàn thờ gói lễ bọc giấy đỏ và chai rượu, thẻ hương. Xong thủ tục nghiêm cẩn của bề tôi con với cha mẹ, Xuấn ngồi ăn cơm. Một mình anh ta một mâm. Chị Ngoan ngồi bên cạnh xới cơm tiếp rượu cho chồng. Xong bữa, Xuấn chơi với thằng Dương một lúc rồi xin phép bà đồ, dặn vợ trông nom cửa nhà, anh ta đi họp huyện, tổng kết “công tác cải cách” vài hôm.

Đợi con gái thu xếp bát đũa xong, bà đồ Phán gói cho ba mẹ con xôi, thịt. Lại giục chị xem bố nó viếng ông cái gì, có phải bánh kẹo thì chia cho trẻ con ăn. Ngoan vui vẻ nhắc gói lễ xuống, bóc lượt giấy điều Chị thấy lạ. Bên trong một hộp gỗ mỏng sơn son. Nắp hộp bật mở, Ngoan rú lên miệng trào máu. Một cái hạ bộ người khô quắt queo lăn ra mặt phản. Bà đồ trợn mắt, tay vịn mép phản. Bà từ từ khuỵu xuống. Đôi mắt thất tròng ngước lên bàn thờ chồng. Đám khói hương bỗng đỏ lòm màu máu. Máu liếm vào bài vị. Cả bàn thờ như rùng rùng bốc lửa. Bà đồ Phán hộc lên, lao ra cái giếng khơi đầu nhà. Ngoan chồm dậy. Chị nhìn thấy thằng Dương đang chới với nơi mép phản. Ngoan ôm được nó. Bóng bà đồ vụt qua, Ngoan hiểu ra tất cả. Chị nhào theo. Bà Phán như bay trước mắt Ngoan, gần lắm, gần lắm mà chị không với tới được.

– Bầm… ầm… ơi…

Ngoan vập vào thành giếng. Chị đờ đẫn cúi xuống. Mặt nước vẫn còn xao động. Bong bóng vồng lên vồng lên từng đợt. Miệng Ngoan lại trào máu, máu chảy xối trên mặt thằng Dương. Một tiếng á… a… nối nhau khuếch tán theo tang giếng bay lên.

Chập choạng chiều hôm đó, cả làng Phung lặng lẽ nối thành cái đuôi  dài xám xịt theo sau ba chiếc quan tài bò về bãi tha ma. Gió bấc vi vút châm vào da thịt đoàn người như tăng thêm sự thê lương. Đám tang tập thể không kèn trống, cờ phướn trong chập chiều nắng quái kinh dị ấy diễn ra vồi vội như ma đuổi.

Ngày hôm sau, người liên lạc của uỷ ban lên huyện báo tin. Xuấn về cùng một tổ du kích. Du kích gác vòng ngoài. Xuấn lững thững một mình vào trong căn nhà hoang. Một lát sau, Xuấn trở ra, trên tay cầm gói giấy. Xuấn đến bên thành giếng, đứng im lìm rồi thong thả nhặt từng thứ trong gói thả xuống. Con dao cau lưỡi thâm xì một vệt. Chiếc hộp. Và cuối cùng một vật quắt queo tựa miếng măng khô…  không ai nhận thấy cái nhếch mép rất nhanh của Xuấn. Xong việc, Xuân co chân đạp mạnh thành giếng. Từng tảng đá ong lăn ùm xuống nước.

V

Sau ngày đội cải cách ruộng đất ở tổng Cao Phong rút về huyện , mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường. Chỉ có hai sự kiện nhỏ xảy ra ở làng Phung.  Cái Lụa sau đám tang bà, mẹ và em trai, người làng gặp nó cứ tha thẩn ngoài tha ma. Nó bốc cơm trứng cúng ở mả để ăn. Ông bà lang Hạnh đưa nó về nuôi, lại ra sức chạy chữa, nó khỏi bệnh dở người nhưng da dẻ nó bắt đầu sần sùi như da cóc, trông rất sợ.

Việc thứ hai là Trần Văn Xuấn chết. Một cái chết kỳ lạ, giống như nhiều điều kỳ lạ, quái gở diễn ra ở làng Phung. Một đêm mưa rét, Xuấn bị trói vào gốc gạo, cách trụ sở uỷ ban một con ngòi. Bụng bị phanh. Hạ bộ bị cắt. Một sợi dây ròng từ trên cành gạo xuống treo lủng lẳng trước mặt Xuấn cái hạ bộ của chính anh ta, đầu dương vật nhét vào miệng. Không hiểu ai là thủ phạm vụ hành quyết ghê gớm này. Huyện cử người về điều tra nhưng không kết quả. Có tin đồn con cháu bọn địa chủ, cường hào trốn sang vùng Tề dạo cải cách, trở về trả thù.

*

*   *

Sau ngày an táng ông tôi, cả nhà thơ thẩn. Tôi giấu nỗi đau buồn bằng việc đào bới trong cuốn gia phả cái điều khiến ông tôi vật vã đau đớn trước phút lìa trần. Tôi đã tìm thấy một trang kỳ lạ không giống bất kỳ trang nào cả về văn phong, nét chữ và mực viết. Thứ mực bờn bợt nhọ nhọ trông ghê ghê như bồ hóng trộn vôi. Thần chữ sắc lạnh, cứng cỏi. Trang về đứa con nuôi :

“Trần Văn Xuấn (con nuôi làm phúc) chi thứ hai, đời thứ mười”. Gia phả viết ngày Bính Tuất, ngày sát chủ, năm… Trên đầu trang có bài thơ sáu câu bằng chữ Hán, dịch nôm na rằng:

Dân là gốc, gốc nở cành sinh ngọn

Nước là nguồn, cho bể rộng sông sâu

Người ta nguồn, gốc từ đâu?

Có tổ tiên trước rồi sau có mình!

Ác nhân ác giả vô ảnh vô hình

Nhân bồi nhân nở, sinh sự sự sinh.

TIẾN SĨ VINH QUY

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Tân

So với những khu dân cư cao tầng, sáng sủa chung quanh, làng Vũ Môn trông nhôm nhoam, cũ kỹ, chả xứng với vẻ hoa lệ của một thành phố văn minh. Làng vừa dài vừa vẹo vọ tựa cây tre còi, quán xá thò thụt dọc hai bên đường. Đó là con đường chính, vừa hẹp vừa ngoắt ngoéo, đầy ổ gà. Đôi đoạn dễ đi nhờ còn giữ được những vỉa gạch chỉ xây nghiêng từ ngày trước. Dân trong làng (nay là phường)  phần đông sống bằng nghề trồng lúa, trồng rau muống; một vài tổ hợp tác ươm hoa và làm nghề thủ công; ít người đi làm công chức. Mấy năm nay, số lớn thanh niên theo một nghề mới, khai thác phế liệu, phế thải và buôn bán phân tươi.

Cái chợ bán phân và phế liệu họp trên một bãi đất trống ngay đầu con đường dẫn vào làng. Xế đấy có một ngôi nhà xây kiểu cổ, lợp ngói mũi hài. Mặt tiền ngôi nhà   cơi nới thêm, mở một ki-ốt bán văn hóa phẩm và cho thuê sách truyện. Người người đi qua vào buổi chợ không khỏi buồn cười cái cảnh có vẻ trái khoáy ấy. Nhà đó tôi biết. Chủ quán là ông Văn Nghĩa Vương, một công chức lưu dung về hưu và một đống con. Từ khi nghề buôn bán phế liệu, phân rác dễ kiếm tiền, chợ mở thêm  phiên chiều. Vậy là từ một hai giờ sáng đến nhập nhoạng tối, những tốp xe ngông nghênh quang sọt cứ rầm rập trên đường làng. Chả hiểu sao mỗi khi qua hàng sách ông Vương, chúng hay hát một câu thật lếu láo: văn hay chữ tốt làm gì, một trăm bồ chữ chẳng bì bồ phân…

Ông Vương có tới sáu người con. Bà Mẫu vợ ông mất đã chín năm nay. Ông thuộc lớp người võ vẽ ít chữ nho cuối cùng ở làng Vũ Môn. Ông giữ lối sống cổ, trọng chữ nghĩa nhưng càng về già càng nhu nhược, cẩn thận lẩn mẩn. Tất cả các con, trừ Văn Nghĩa Tự và Văn Nghĩa Tế, còn mọi người đều học hành đến nơi đến chốn. Không ai theo nghề nông. Tự là con cả, bỏ dở lớp 10 vì chiến tranh. Tự đi bộ đội, bị thương vào đầu; càng nhiều tuổi càng có triệu chứng ngớ ngẩn, đã trên bơn mươi, chưa lấy ai. Sau Tự là Ngư, Ngư đã qua lớp đại học văn hóa ngạch hàm thụ đang là cán bộ tuyên huấn ở cơ quan đoàn thanh niên. Trong gia đình, Ngư gần như giữ vai trò chính sau ông bố. Dưới Ngư còn bốn em: Tế cũng học lớp mười phổ thông nhưng phá ngang theo bọn đào vàng ngược Vĩnh Phú, Thái Nguyên kiếm ăn. Hai năm trước bị đá đè hỏng chân mới xin vào làm nhân viên tổ thu nhặt phế liệu, phế thải quận. Vào lúc hết việc, Tế lại cùng cánh niên làng cưỡi xe đạp với đôi sọt đằng sau đi khai thác phân tươi, kiếm khá tiền. Con trai thứ tư là Tiên, kỹ sư xây dựng, mới bỏ bằng đại học xin đi xuất khẩu lao động. Văn Băng Thanh, con gái duy nhất của ông bà Vương, học xong cao đẳng Ngân hàng, đang làm việc trong ngành thương nghiệp. Cậu út là Liêm, so với các anh chị, Liêm học hành suôn sẻ nhất. Vừa hết đại học, Liêm theo luôn khóa đào tạo phó tiến sĩ trong nước, còn một năm nữa thì bảo vệ luận án. Từ khi bà Mẫu chết, kinh tế trong nhà sa sút dàn. Ngày trước, bà Mẫu mở quầy hàng khô ngay mặt đường, đủ sức nuôi cả nhà. Với lại có đôi tay người đàn bà, việc tính toán dẫu nhiều khi keo kiệt vẫn có kế hoạch, chu đáo hơn.

Trong sáu anh em, Tế và Thanh kiếm ra tiền. Nhưng Thanh sớm biết lo xa. Hàng tháng cô chỉ nộp cho ông Vương số lương chính, cũng giống như Tự, Liêm, Ngư. Nghĩa là gần như phó mặc cho bố. Thành thử phần lớn gánh nặng chi tiêu của cả nhà dồn lên đôi sọt của Tế (như anh ta vẫn thường nói). Tế là người chịu khó, tốt bụng, nhưng khá ngang ngạnh, hay móc máy. Tế nói câu nào chết người câu ấy. Sau tết, khoảng tháng ba âm lịch, nhà ông Vương có việc đại sự. Ngư lấy vợ. Vợ Ngư là cô Tầm, giáo viên cấp một. Vì bệnh tình của Tự, cô Tầm được coi như dâu trưởng. Tầm hai mươi sáu tuổi, bị cận thị nặng từ hồi học phổ thông, đeo kính ba đi-ốp. Cưới hôm trước, hôm sau Tầm chở về nhà hai xe xích lô sách báo, giáo án và đồ dùng dạy học. Tụi trẻ con thấy lạ xúm vào xem. Đám con gái hàng xóm lén đưa mắt ước lượng của hồi môn của cô dâu mới. Hôm ấy tiện thể ông Vương làm cỗ mời lại mặt luôn. Tế và Thanh nấu cơm dưới bếp. Tế bảo:

– Nhà mình thêm một bà kính cận nữa, chết tao!

– Sao lại chết anh?

Tế vục muôi vào nồi chè kho đang sủi bọt vàng khè, thủng thẳng nói:

– Lại không à? Cái lương giáo viên nuôi nổi bà Tầm à? Tao lại phải cố mỗi ngày thêm vài xô là cái chắc.

– Anh nói phát khiếp – Thanh lè lưỡi kêu rồi quay sang bảo Tế – mẹ chị ấy bán hàng khô trên chợ, ối tiền. Chị ấy vừa dạy thêm cho học trò, vừa chạy hàng cho bà cụ, cần gì nhờ anh. Nghe đâu cưới xong chị ấy mua nhà riêng. Cứ nhìn trang sức của “bà” ấy mà thèm. Mà eo ơi chị Tầm mang về bao nhiêu truyện hay nhé!

– Truyện gì?

– Toàn truyện hết xảy: “Tình trên xác bướm”, “Cô gái đi hoang” “Góa phụ đêm tân hôn”…

– Nghe mùi nhỉ? Có “chưởng” không?

– Em không biết. Anh hỏi chị ấy xem. Hình như chị ấy còn viết văn nữa.

– Văn chương bây giờ thối bỏ mẹ. Tao chỉ mê chưởng.

Nghề của anh cần gì biết “chưởng”. Tế nhếch mép:

– Mày tưởng lấy phân dễ à? Lúc hiếm, tranh nhau, có khi đánh nhau chí tử.

– Phân mà cũng hiếm?

– Hiếm chứ. Cũng phải mặt dạn mày dày mới kiếm ra.

Thanh bĩu môi: – Anh làm như vàng!

– Vàng chứ còn gì. Nó nuôi sống khối người ở cái thành phố thất nghiệp này đấy. Mày nghĩ nếu cái thành phố hào nhoáng này không có đạo quân cảm tử chúng tao mà xem… Vậy mà nghĩ cũng tức ra đường ai người ta cũng tránh, như tránh hủi. Lại còn cấm đoán…

*

*  *

Lễ lại mặt ăn năm mâm. Họ nhà gái đến mười người. Phần lớn thanh niên. Ngư xuống bếp nói với Thanh:

– Nhà gái toàn đại biểu trẻ, cô Thanh lên tiếp hộ nhé .

Thanh lên gác diện bộ “bò mốc” trị giá nửa chỉ vàng, cô mới mặc hôm tết một lần. Bộ bò tôn dáng khỏe mạnh. Cô ngồi vào bàn, mở hộp đồ trang sức, lấy ra cặp mi  giả gắn lên mắt. Lại tô cho mắt thêm xanh như người kém ngủ. Mâm đầu được bê lên, ông Vương mời ông Đặng Ớm chú họ cô dâu, trưởng đoàn ăn lại mặt họ nhà gái, bà Bảo hiệu trưởng trường PTCS, anh Lái thủ trưởng cơ quan Ngư và ông Cựu chủ tịch phường Vũ Môn. Ông Vương ngồi xếp bằng, vuốt phẳng phiu cổ áo, hai ống tay, rồi trịnh trọng có lời:

– Hôm nay được phép của chính quyền địa phương, hai cơ quan của cháu Ngư và Tầm, được sự thuận tình, nhất trí của hai họ Văn và Đặng… e hèm… Cộng với quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng… đúng phép tắc… e hèm… – Đám thanh niên bụm miệng cười. Tầm đỏ mặt liếc xéo khuôn mặt xúc động, nghiêm trang như tuyên thệ của Ngư. Tầm tắt kinh đã gần hai tháng nay. Tế ghé tai Thanh: “Ông khốt mất cảnh giác bỏ mẹ? Đúng phép tắc? Mấy lần tao bắt gặp ông Ngư và bà Tầm…”. Thanh cười ùng ục, rung mái tóc sưởi điện, khẽ cấu đám móng tay màu nước lựu vào sườn Tế. – Gia đình chúng tôi chính thức kết thân với nhau và công nhận hai cháu Ngư, Tầm giờ phút này là dâu rể hai họ Văn và Đặng. Tôi xin giới thiệu đại diện họ nhà gái có ông Đặng Văn Ớn…

– Ớm chứ bố! – Ngư ngượng nghịu nhắc.

Ông Ớm rồi đến ông Cựu, bà Bảo, anh Lái đều trịnh trọng trình diện một lượt sau lời giới thiệu của ông Vương. Tiếng vỗ tay lẹt đẹt. Tự đứng ngay cửa ra vào ngoác miệng cười. Dạo này Tự càng dở chứng hơn. Sáng nay anh ta lôi hết cả mấy cái huân chương ra đeo như sắp đi dự đại lễ. Thanh trông thấy mỉa: “Trông anh Tự như chú rể”. Tự cười ngẩn ngơ. Tế cáu bảo: “Ông dẹp cái trò ấy đi”. Ông Vương lặng người, không nói gì, mắt nhìn con chớp chớp. Tưởng Tự đã cất đi bây giờ lại thấy anh ta quần ống thấp ống cao, ngực lấp lánh huân chương đứng đấy. Tế ngượng, lặng lẽ đứng dậy đi xuống bếp.

Liêm vẫn ngồi dưới bếp. Ban nãy xếp mâm anh ta bớt mỗi cua vài miếng. Trong lúc mọi người nghe phát biểu. Liêm cắm đầu ăn ngấu nghiến. Đang bực Tự lại trông thấy Liêm ăn vụng, Tế đá bay chiếc ghế vào trong góc bếp, thở hắt ra:

– Nhà này sắp điên cả một lượt. Nhiều chữ nhất mày mà hành vi như quạ vào chuồng lợn. Tao thật không hiểu nổi.

Liêm liếm quanh miệng đĩa thủng thẳng nói:

– Vâng? Chỉ có ông và bà Thanh là  lành mạnh thôi.

Nói rồi anh ta lia cái đĩa vào nồi nước rửa bát, vươn vai đứng lên ư ử hát:

“Đồng tiền là Phật là Tiên

Có mi chúng tớ mới nên thằng người

Văn hay chữ tốt bời bời

Mà viêm màng túi là đời bỏ đi”

Các mâm đã bắt đầu ăn. Liêm lau miệng sạch sẽ, sà vào chỗ hai cô xinh nhất bên họ nhà gái, đều là dân bán hàng chợ Đồng Xuân, áo quần lùng nhùng trông tựa cái túi. Mốt thụng mới nhất, màu sặc sỡ sáng cả một góc phòng, Tầm bảo:

– Giờ mới thấy mặt chú Liêm.

Liêm tinh quái đưa mắt về phía hai cô gái:

– Em phải tranh thủ học bài.

Một cô hỏi:

– Anh Liêm chăm quá nhỉ. Anh đang học gì ạ?

Ngư trả lời thay:

– Chú ấy đang làm căng-đi-đát.

Các cô tỏ vẻ ngơ ngác. Tế móc sang:

– Anh Ngư tôi nói tiếng Tây các cô ạ. Có nghĩa là chú Liêm sắp thành phó tiến sĩ, nhãn hiệu quốc nội. Còn cái nghề của tôi tiếng Tây nói thế nào anh Ngư?

Ngư tím mặt. Nhưng anh ta biết không nên đối đáp với Tế. Hai cô gái trẻ phục lắm. Liêm vẫn tỉnh bơ, một lúc mới nói:

– Báu gì cái danh hão ấy. Chị Tầm dạy học chắc biết chuyện một cô giáo nhà giàu hỏi học sinh: “Bố mẹ em làm nghề gì? Đứa thứ nhất bảo “bố em đi Tây, mẹ em ở ngành thương nghiệp”. Cô giáo khen: Tốt lắm! Đứa thứ hai: “Mẹ em bán hàng ở chợ Đồng Xuân…”… Tuyệt vời! Một đứa khác trả lời: “Mẹ em làm báo, còn bố là phó tiến sĩ”. Cả lớp cười ồ nhìn đứa vừa nói đầy vẻ thương hại. Cô giáo đập thước xuống bàn bảo: Các em trật tự! Chúng ta phải tỏ ra thông cảm với người nghèo, hèn chứ?”. Theo thế, các cô là giống người cao quý? Rút kinh nghiệm anh Ngư tôi đây, khi nào lấy vợ, tôi phải cải tạo giống thôi.

Hai cô gái tủm tỉm mặt đỏ rần. Thanh nói:

– Vậy cậu ném quách cái bằng đại học đi có được không?

– Ôi, bà chị tôi rõ thật! – Liêm quay sang phía Thanh. – Mỗi người phải có một cái vốn riêng để sống chứ. Nhà mình, chị xem, bố có cửa hàng sách. Ông Tự có huân chương và quá khứ anh dũng. Ông Ngư có tài ăn nói, suốt đời đi dạy người. Ông Tế vừa thính vừa nhanh tay. Ông Tiên, khỏi bàn. Chị thì sớm biết thu vén cho mình. Chỉ có tôi là hèn, đành đi học. Ở nước ta nghiệm ra đi học là dễ nhất. Cứ lọt được vào trong trường là khắc đỗ. Chả thấy có ai trượt vì học dốt bao giờ.

– Anh Liêm chửi khéo chúng em. – Cô gái có hàng mi giả như búp bê nói thỏ thẻ. – Nhìn các anh các chị sinh viên đại học cứ thấy cao vòi vọi. Nhiều bận đi qua “Câu lạc bộ học sinh – sinh viên” của Thành đoàn ở hồ Thiền Quang nghĩ mình ít học, muốn vào mà không dám. Cho dù sau tấm biển ấy chỉ thấy bọn trẻ con nô đùa, những người thuê guồng đạp nước với đám tình nhân, tình báo rỗi hơi vào ăn nhậu, hôn hít…

Cô thứ hai còn tai quái hơn:

– Anh Liêm biết không? Dạo học xong phổ thông em cũng xin thi đại học chứ. Biết chắc thế nào cũng trượt, tụi em rủ nhau cùng ghi nguyện vọng vào khoa văn Tổng hợp với khoa toán Bách khoa nhé. Bị đánh trượt ở hai khoa đó vẫn thấy vinh dự hơn đỗ ở ối trường khác?

Liêm cười ha hả:

– Ôi cái bệnh sĩ đi với chúng ta như bóng với hình. Anh hèn có cái sĩ của anh hèn. Kẻ sang mang cái tự thị của kẻ sang. Cái ông Đề Các nào đó thật đáng mặt bậc thầy của nhân loại: “Tôi tư duy ấy là tôi tồn tại”. Hay thật? Tôi có một ông thầy đêm đêm cải dạng thuê xích lô đi chở khách kiếm thêm tiền. Một ông phó tiến sĩ hóa học sống bằng việc bán công thức hướng dẫn dấm chuối, làm giấm thanh.Vô khối ông bà trí thức còng lưng học ngoại ngữ, chạy đua bằng được chuyến xuất ngoại… Vậy mà ai động đến học vị bằng cấp của họ xem. Thế mà chị Thanh xui tôi ném bỏ bằng đi. Mà bằng đại học hẳn hoi… ha… ha…

Tế bảo:

– Riêng với chú thì bằng cấp, học vị cũng ngang đôi toòng teng trên tai cô Thanh chứ mấy. Một ngày cô ấy thay ba đôi kia.

Liêm chống chế.

– Vâng, nhưng người ta vẫn đua nhau đục thủng tai để có chỗ đeo cái toòng teng đấy anh!

Ngư lên tiếng can:

– Thôi thôi chú Tế. Hình như chú Liêm say rồi.

Có lẽ Liêm say thật. Anh ta xô ghế đứng dậy, tay cầm cốc rượu đến sau lưng Tế. Giọng bẹt đi:

– Tôi đang lo nẫu cả ruột, ăn uống được gì mà say. Bao giờ anh Tế lấy vợ tôi mới say.

Tế hỏi:

– Chú lo gì?

Liêm nói ráo hoảnh:

– Cuối năm bảo vệ luận án phó tiến sĩ rồi, kiếm đâu ra được mấy trăm ngàn?

Tầm ngạc nhiên:

– Phải mất tiền à?

– Vâng, thưa chị. – Liêm tử tế – cứ phải vài ba chỉ.

Thanh tham gia:

– Thế nếu không cần bảo vệ, mua bằng ngoài thì bao nhiêu?

– Chị lại giễu em. Mua làm sao được bằng ngoài, nhưng chị cho em tiền bảo vệ nhé.

Thanh bĩu môi từ chối:

– Xin anh Tế ấy. Chỉ cần vài phiên chợ của anh ấy thì thừa tiền cho cậu bảo vệ. Tôi cũng còn ăn nhờ anh ấy.

Tế bảo:

– Cả nhà này ăn nhờ tôi, riêng gì cô.

Ngư cúi mặt cay đắng. Liêm vẫn lè nhè:

– Hay bác cả giúp em?

Tự ngơ ngẩn, tay mân mê tấm huân chương trên ngực áo.

*

*  *

Ba tháng sau lễ cưới Ngư, ông Vương họp toàn gia bàn chuẩn bị lễ bảo vệ luận án phó tiến sĩ cho Liêm. Hôm trước Liêm đã mời anh Tùng Lâm, người mới bảo vệ luận án sau tết, đến trao đổi kinh nghiệm.Ông Vương ngồi trên phản giữa cùng Tự, Ngư và Tầm. Tế nửa nằm nửa ngồi trên tràng kỷ đọc cuốn “Tình trên xác bướm” mượn của chị dâu. Thanh xin phép bận việc đi từ sáng (bao giờ Thanh cũng ngại những cuộc họp có nội dung quyên góp). Liêm đọc bản kê khai các khoản chi tiêu: “Tiền đánh máy luận văn sáu bản, mỗi bản 150 trang hết sáu chục ngàn. Bồi dưỡng đọc giám định cho sáu vị cả đợt: sáu chục ngàn. In tóm tắt nội dung luận án năm mươi bản: hai mươi lăm ngàn. Lễ bảo  vệ thử, tiền thuốc nước: hai chục ngàn; phong bao ăn trưa cho Hội đồng và người phục vụ: năm chục ngàn. Lễ bảo vệ chính thức, khách mời khoảng một trăm người; tiền đăng quảng cáo, in thiếp, mua hoa, chụp ảnh, thuốc nước, ba mâm ăn trưa: một trăm năm mươi ngàn. Nếu tính cả đánh máy luận văn lần hai cộng trượt giá, vượt khung ít nhất cũng phải năm trăm ngàn. Nhà trường cho khoảng một trăm ngàn, nhưng phòng tài vụ bảo chả biết bao giờ có…”.

Ông Vương cầm tờ thống kê nhìn một lượt rồi nói:

– Nhà mình năm nay lo mấy việc lớn, cũng gay go, nhưng cứ xem trong làng này đã có họ nào con cháu đỗ đạt vinh hiển bằng nhà mình. Bố mừng lắm. Xong cho em Liêm, coi như hoàn thành được ước nguyện của mẹ các con lúc nằm xuống. Các anh các chị cố giúp em Liêm công thành danh toại.

Không khí ắng lặng. Ông Vương quay sang Tự:

– Bác trưởng phát biểu trước! Tự cười:

– Tôi trưởng giả. Vợ chồng chú Ngư nói trước. Mọi người sao tôi cũng vậy.

Ngư kẻ cả vẻ đàn anh:

– Chú Liêm báo cáo rõ rồi. Gì thì gì, tôi nghĩ đúng như bố nói, đây là điều vinh dự, mang lại ý nghĩa tinh thần to lớn cho cả nhà. Anh chị em đều phải nhận thức cho rõ mà vui mừng đóng góp lo cho xong. Nhưng kinh tế vợ chồng tôi chú biết đấy. Tôi thì dân tuyên huấn ba cọc ba đồng. Chị Tầm cũng chẳng hơn gì. Chủ yếu ủng hộ chú về mặt tinh thần. Tiền mặt giúp chú hai ngàn. Khoản giấy đánh máy tài liệu tôi có thể lấy của cơ quan cho chú.Ông Vương ghi “hai ngàn đồng” vào cột tên Ngư. Đánh dấu hỏi vào cột tên Thanh rồi quay sang Tế. Tế gấp sách, không đổi tư thế, bảo:

– Tôi chả làm gì có tiền. Nhưng chú muốn, tôi bảo cách mà kiếm.

– Cách gì? – Liêm hỏi.

– Sắm đôi sọt đi theo tôi một tháng là đủ tiền bảo vệ luận án.

– Chịu thôi – Liêm kêu – em bị xoang mũi không chịu được mùi thối.

Tế chạm nọc, bật dậy dằn giọng:

– Chú bảo cái gì thối? Lấy phân hót rác không là lao động à? Nói thật nhá, nó không thối hơn cái luận án của chú đâu!

Liêm đỏ mặt, mắt rơm rớm, bị Tế phản kích, anh ta cứng lưỡi lẩm bẩm:

– Thật nhục quá?

Tế vẫn chưa chịu:

– Thằng nào muốn có danh có lợi, chẳng phải nhục. Chú tưởng đi hót phân không nhục à? Nhưng muốn có ăn thì phải làm. Đừng để cái đói cái thiếu nó đẩy vào cái nhục lớn hơn là ngửa tay ăn xin, ăn nhặt. Dù ăn xin, ăn nhặt bằng những lời lẽ hoa mỹ, bóng bẩy nhất.

Nói xong, Tế đùng đùng bỏ đi. Thấy căng thẳng, Tầm tham gia:

– Nhà ta về kinh tế khá nhất chú Tế và cô Thanh, vẫn phải trông vào đấy. Tôi sẽ vay giúp chú Liêm một trăm ngàn đập vào khoản tiền nhà trường trả sau. Giảm bớt khoản in thiếp, mua hoa, chụp ảnh hôm bảo vệ đi cũng chỉ còn thiếu độ ba trăm ngàn.

Từ lúc Tế bỏ ra, Tự bần thần lên gác. Lát sau thấy anh ta ôm xuống một gói bọc bằng giấy báo cũ đưa cho Liêm:

– Tôi còn cái mũ cối Trung Quốc, với bộ quần áo ga-ba-din chưa mặc chú đem mà bán cũng được vài chục ngàn.

Ông Vương ghi tiếp: “Bác cả ủng hộ một mũ cối (cũ) cộng một bộ quân phục sĩ quan (mới). Chị Tầm vay giúp một trăm ngàn. Anh Tế đề nghị đi lao động lấy phân một tháng? Cần viết thư báo cho Tiên gửi hàng về giúp thêm…”

Cuộc họp gia đình giải tán không có kết luận.

*

*  *

Lễ bảo vệ luận án phó tiến sĩ khoa học của Liêm chỉ có ông Vương, vợ chồng Ngư đến dự. Ông Vương mặc lịch sự: complê, thắt caravat. Bên ngoài khoác áo ba-đờ-xuy, đội mũ phớt, tay chống gậy. Ông nhìn băng khẩu hiệu“Lễ bảo vệ luận án phó tiến sĩ khoa học” căng trong hội trường lớn ngôi nhà có dòng chữ nửa ta nửa tây: B.7 Bis,khu đại học Bách khoa, nét mặt đầy tự hào.Liêm diện complê, hàng dạ Nhật, màu tro sáng, caravat xanh, giày da đỏ bóng lộn. Giữa khung cảnh trang trọng đèn chụp ảnh chớp lòa, Liêm đọc bản tóm tắt luận án hết ba mươi phút. Tên luận án: “Sự hình thành nhân cách con người mới qua lao động trong một số tiểu thuyết về đề tài công nghiệp từ 1954 đến 1975”. Một giờ nữa nhận xét, phản biện và trao đổi. Buổi lễ kết thúc bình thường suôn sẻ. Một cô sinh viên trang điểm như diễn viên mặc áo dài trắng, lên tặng bó hoa to. Các đại biểu lên chụp ảnh với “tân tiến sĩ”. Theo tính toán của Tầm, ba mâm ăn trưa chuyển thành phong bao nên khá gọn nhẹ .

Liêm ghé tai chị dâu bảo: “Chị Tầm đợi em cùng vê”, rồi dẫn cô áo dài xuống phòng thay quần áo. Một lát sau ra thấy Liêm mặc lại bộ đồ cũ. Tầm hỏi:

– Complê của chú đâu?

Liêm liếc cô bé áo dài tặng hoa khi nãy đang buộc gói đồ sau chiếc xe cúp 50, bảo:

– Cô ấy là con bà cho thuê áo cưới ở ngoài chợ Giời đấy, không phải sinh viên đâu. Cô ta đang muốn “chết” em. Giày, bít tất, quần áo sáng nay cô ta cho mượn đấy, không lấy tiền. Hoa tặng cũng mượn ở văn phòng khoa. Đỡ được khối!

Cô bé lướt xe qua, gật đầu chào. Liêm hỏi Tầm:

– Chị thấy thế nào?

– Xinh, nhưng có vẻ chắc lép.

Ngư nói bâng quơ:

– Chuyện, của người ta một đống tiền!

Ông Vương phấn khích hỏi Ngư:

– Phó tiến sĩ như em Liêm, ngày xưa vào hạng gì?

Ngư bảo:

– Có lẽ đại loại vào cỡ cử nhân, phó bảng gì đấy.

Ông Vương, giọng thoáng chút ngậm ngùi vẻ luyến tiếc tưởng tượng:

– Vậy nếu là ngày xưa, có khi  cả làng cả tổng phải giết bò ngả lợn ăn khao hàng tuần lễ. Chánh tổng, lý trưởng võng lọng đi hàng mấy cây số đón rước quan tân khoa vinh quy bái tổ cũng nên. Liêm mải nhìn hút bóng cô bạn, nói chen vào:

– Ngày xưa có vẻ trọng trí thức nhỉ?

Ngư bảo:

– Có người học vị chỉ hơn chú một tý thôi cũng được khắc bia đá đấy.

Tầm nhìn đồng hồ rồi khoát tay giục mấy thầy trò đang dềnh dang phía sau:

– Thôi thôi, không nói chuyện ngày xưa. Hôm nay tôi chi tiền, mời cả nhà lên xích lô “vinh quy” cho sớm, chiều tôi còn phải dạy thêm giờ, với một đống việc đang chờ kia.

Hai chiếc xích lô dừng lại. Ông Vương và Liêm lên một xe. Liêm duỗi chân tay rồi bỗng bật cười:

– Hay thật! Hoan hô sáng kiến chị Tầm. Vinh quy thế này tươm hơn võng lọng chán.

CÔNG TY ĐIẾU VĂN

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Tân

Không tin được. Không thể nào tin  được?

Thì đây – Anh ta ấn tờ báo vào  tận mặt tôi – giấy trắng, mực đen rành rành thế này mà ông còn đa nghi ù lì như thời bao cấp ấy thế.

Tôi đọc lại cái mẩu quảng cáo chỉ bằng bàn tay ấy lần nữa:

CÔNG TY ĐIẾU VĂN (DIVA COMPANY LTD) NHẬN BAO THẦU TRỌN GÓI VIỆC TANG LỄ

* DIVA.Co.Ltd: độc quyền soạn thảo điếu văn, chạy thủ tục, chủ trì đám hiếu. Công ty có đủ nhạc sống, nhạc chín, tang phục cho thân nhân người quá cố với mô hình “ngũ đại đồng đường”.

* DIVA.Co.Ltd: do một đội ngũ chuyên gia dạn dày kinh nghiệm đảm trách.

* DIVA.Co.Ltd: phục vụ theo phương thức chìa khóa trao tay. Nhanh chóng – thuận tiện – chu đáo.

* DIVA.Co.Ltd cam kết làm: đẹp lòng người sống – mát dạ người chết. Lịch sử hành nghề chưa một lần “Ma chê người trách”.

– Địa chỉ: 13579, đường Ba hồn bảy vía, quận Văn Điển

Tel: 3.9000 (ba vạn chín nghìn)

– Tài khoản: 001.100.001, ngân hàng Đại thế giới.

Hân hạnh phục vụ!?

– Đành vậy!

Gấp tờ báo bỏ vào cặp, tôi đạp xe theo bạn đi tìm cái công ty điếu văn kia. Thật nhỡn tiền. Đập vào mắt tôi là một tòa nhà ba tầng khang trang, xây theo kiểu nhà đòn, lợp ngói mũi hài. Chín con rồng đắp nổi chầu mặt trăng có chữ “Thọ” to tướng. Cả tầng một là phòng đón tiếp khách hàng. Bức tường lớn quét vôi xám nổi bật tấm băng rôn với nội dung thật ấn tượng: “BÍ MẬT CHO  MỖI CUỘC ĐỜI”. Hai bên chạy dọc hai khẩu hiệu như đôi câu đối: “ĐẸP LÒNG NGƯỜI SỐNG”. “MÁT DẠ NGƯỜI CHẾT”.

Khi chúng tôi bước vào, căn phòng đã khá đông người chờ làm thủ tục. Mặt ai cũng trĩu nặng đau buồn. Hầu như không ai nói chuyện với ai. Nếu cần trao đổi, mọi người cũng rất khẽ khàng ngắn gọn. Người đến lượt đưa hồ sơ qua khuôn cửa gỗ, rất nhanh nhận được phiếu lên tầng hai làm thủ tục. Bạn tôi chìa thẻ Nhà báo. Một nhân viên lập tức đứng dậy mời chứng tôi lên phòng giám đốc. Gọi là phòng giám đốc nhưng có tới chín ông già nghiêm trang, lặng lẽ ngồi sau chín cái bàn quầy. Sau lưng họ chất ngất các giá hồ sơ có đóng số thứ tự. Từ nhân viên tới giám đốc, đều mặc chỉnh tề, quần sẫm, áo đen, trên tay áo in biểu tượng: hai chiếc xẻng bắt chéo nâng một vòng hoa với dòng tên công ty chữ trắng chạy ngang: DIVA.Co.Ltd.

Vị giám đốc công ty trán hói, gầy đét như que củi, kính lão trễ trên sống mũi ngồi sau chiếc bàn giữa phòng. Hai bên là tám chiếc khác, có dựng tám miếng bìa ghi các chữ khó hiểu: Đồng chí, Bà, Ông, Anh, Chị, Em, Cháu…

– Thưa,  Bạn tôi rụt rè hỏi – thưa, tôi không hiểu nghĩa của câu “Chìa khóa trao tay”?

– Có nghĩa là tang chủ chỉ cần đến đăng ký ngày giờ an táng, trao cho chúng tôi một hồ sơ trích ngang của người quá cố, ví dụ: tên tuổi, cơ quan công tác, chức vụ, mức lương, ưu khuyết điểm chính lúc sinh thời… công ty chúng tôi sẽ lo trọn gói tang lễ từ đầu đến cuối. Thân nhân người quá cố chỉ đóng vai trò chứng kiến .

– Vì sao phải biết ưu, khuyết điểm người đã chết ạ?

– Điều này nhất quyết phải có. Chúng tôi dựa vào đó để soạn thảo điếu văn. Và – Ông giám đốc nhìn tôi qua cặp kính trễ, tự nhiên tôi sởn gai ốc như tôi đang được xem xét để cho về thế giới bên kia – trần sao âm vậy mà. Chúng tôi cũng phải bàn giao cho dưới ấy một con người với đầy đủ hồ sơ về họ. Công ty cam kết giữ kín bí mật của mỗi cuộc đời.

– Hay quá!

Tôi bật kêu lên.

– Suỵt – Ông giám đốc đặt ngón tay khô đét lên môi – chỗ này gần cõi âm. Lặng lẽ. Buồn buồn. Cảm thông… là phẩm chất hàng đầu của công ty chúng tôi.

– Vâng, xin lỗi bác. Chúng tời muốn tìm hiểu kỹ về công việc soạn thảo điếu  văn.

– Ở đây không được phép nói nhiều. Hai anh cứ yên lặng theo dõi công việc của các chuyên gia sẽ biết. Buổi trưa mời hai nhà báo dùng bữa trưa, tôi sẽ giải thích thêm nếu các anh còn gì chưa rõ.

Chúng tôi ngồi ở cái ghế băng kê sát tường vừa lúc có một thanh niên cầm hồ sơ vào. Hẳn không phải đi làm thủ tục chôn cất cho người thân. Trông mặt anh chàng bình thản, thậm chí khá phởn phơ.

– Thưa bác. Tôi đến xem trước điếu văn đồng chí Quánh ở cơ quan tôi.

– Hoàng Quánh phải không.

– Dạ phải.

Ông lão ngồi sau cái bàn có chữ “ANH” cầm giấy giới thiệu, mắt nhìn như dán vào chàng thanh niên hỏi:

– Ai đọc điếu văn?

– Dạ Phó thủ trưởng cơ quan ạ.

“Xoạt”

Không cần hỏi thêm, ông ta rút tờ giấy khổ lớn, đánh máy sẵn, còn nhiều đoạn chấm chấm (….) điền nhanh các số liệu còn thiếu rồi hắng giọng đọc:

– “Thưa anh Hoàng Quánh!

Hôm nay, tất cả bạn bè, đồng chí, người thân của anh đau lòng khôn tả, tiếc thương vô hạn, nghiêng mình trước vong hồn anh.

Anh! Một người con hiếu thảo, một người chồng thủy chung như nhất, một người cha anh minh, độ lượng.

Anh! Một đảng viên mẫu mực, người đồng chí suốt đời chỉ biết công hiến cho dân, cho nước. Một tấm gương trung thực, thẳng thắn, chí công vô tư.

Anh! Một người bạn chân tình, bao dung. Ngọn lửa ấm tỏa giữa lòng bằng hữu.

Ôi! Hôm nay ngọn lửa ấy đã tắt. Để lại nỗi tiếc thương vô hạn, biết lấy gì bù đắp nổi.

Ôi! Cái chết nghiệt ngã sao lại đang tâm cướp anh đi để lại nỗi bất hạnh cho tất cả những ai đã từng được sống, được gặp gỡ, được quen biết anh.

Ôi! Tiếc thay cho những ai chưa kịp gặp anh trong đời…”

– Thế nào, được chưa?

– Thưa bác… chàng thanh niên ngập ngừng – cái đồng chí “chết”  này là thủ trưởng cơ quan cháu ạ.

– Thì sao?

– Nghĩa là cần nhấn mạnh vị trí lãnh đạo, chủ chốt gì đó được không ạ?

– Được chứ. Vậy tôi thêm: “Anh! Một nhà lãnh đạo đầy tài năng, hạt nhân đoàn kết, chỗ dựa cho toàn thể cán bộ, công nhân viên chúng tôi…”

– Gì nữa không?

– Dạ, quá đủ rồi ạ. Hi… hi…

– Sao anh lại cười?

– Dạ, hi… hi…

Chàng thanh niên không nhịn được. Anh ta bịt miệng để khỏi bật thành tiếng, nước mắt dàn dụa, vừa rút khăn tay lau mắt ra phân bua như có lỗi:

– Bác thông cảm. Điếu văn các bác viết quá hay, có điều thủ trưởng cháu không hề có một chút phẩm chất nào như thế đâu. Ngày mai tang lễ, cháu phải vào vai đón khách đến viếng. Hôm nay cho cháu cười trước đi kẻo mai cười thì không nghiêm túc ạ.

– Thôi được! Chán vạn người như thủ trưởng cậu, nhưng bây giờ ông ấy chẳng còn gây hại cho ai được nữa… khen thế là còn ít đấy.

Chàng thanh niên rời chỗ ngồi với gương mặt tươi rói, rõ ra là chưa hết buồn cười.

Tiếp theo, một bà phổng phao, gương mặt đầy vẻ giễu cợt, gây sự:

– Bà thay mặt cơ quan chị Thao?

– Vâng.

– Rất tiếc. – Ông lão ngồi sau cái bàn có chữ “Chị”, so hai vai – phần cung cấp ưu khuyết điểm của người chết để trống. Chúng tôi không đủ dữ kiện soạn thảo điếu văn. Bà có thể bổ sung cho không?

– Được ạ? Báo cáo bác. Con mụ chết dẫm ấy “tử” cả cơ quan tôi mát mặt. Đúng là con mụ tú bà đấy ạ. Nó khoét bao nhiêu của nả Nhà nước. Con nó mỗi đứa một cái xe “cúp”. Lão chồng thì như thằng ăn mày sợ nó một phép. Lúc nào nó cũng rủa cho là đồ ăn bám váy vợ…

– Bà nói từ từ cho một chút. Vâng: “Ăn bám váy vợ…”

– Cái con mụ chết dẫm ấy “đánh đu” khắp lượt các ông tai mặt trên Bộ, trên Cục. Trong cơ quan thì nó làm mưa làm gió, khuấy đục nội bộ lên để nó chấm mút.

– “Đánh đu ư… ?”. Bà làm ơn giải thích giúp không. Tôi không hiểu lắm từ “đánh đu”

– Nghĩa là đong đưa, là lơ lửng, là mồi chài, là bồ bịch… Nó đúng là loại dũng sĩ “diệt sếp” đấy ạ.

– Ra thế, ra thế, tôi hiểu rồi: đong đưa + lơ lửng + mồi chài…  đạt danh hiệu dũng sĩ “diệt sếp”… Xin bà nói tiếp cho.

– Vâng, ơn trời, từ ngày con nặc nô ấy ốm, cơ quan tôi hết hẳn chuyện cãi cọ, kiện tụng, kiểm thảo nhau. Ông lão gạt mồ hôi đã rịn ra trên trán, làm hiệu cho bà khách dừng lời.

– Thưa, thưa bà đủ rồi. Nhưng tôi không hiểu làm sao với cương vị trưởng phòng tài vụ, bà ta làm nổi việc xới tung một cơ quan lên thế?

– Ôi bác? Tài vụ là tiền. Tiền là số dách. Mà nó lại đẹp nữa ạ. Tiên sư bố nó, ấy xin lỗi bác nó lại rất đẹp ạ.

– Rõ rồi. Tiền, số “rách”, đẹp!

Bà khách dường như chưa muốn dừng lời, nhưng ông lão đã lột tờ giấy vừa viết rồi e hèm lập nghiêm, trang trọng đọc:

“Kính thưa vong hồn chị?

Chúng tôi những đồng nghiệp, bạn hữu, người thân của chị, đứt gan đứt ruột gieo nắm đất bắc cầu đưa chị về cõi cực lạc mà lòng đớn đau khôn tả.

Ông Sanh tai ác cướp chị đi giữa tuổi đang xoan rực rỡ. Cướp của chúng tôi một cán bộ mẫu mực nhất. Cướp của gia đình, người thân một người vợ người mẹ, người con thủy chung, hiền đảm nhất. Không ai có thể sánh được. Đời chị trong sáng như pha lê, một tấm lòng bao dung, giản dị, chân tình.

Chị là khối đoàn kết trong cơ quan; là sự dây thắt chặt tình bằng hữu; là ngọn gió ấm áp trong gia đình.

Mất chị chúng tôi bơ vơ, thổn thức. Ngành ta mất một chuyên gia tài năng đức độ. Người thân mất một nơi  nương tựa chắc chắn…

Ôi! Rồi đây anh trên em dưới biết san sẻ cùng ai nỗi lòng quặn thắt này.

Ôi chị ơi! Chị sống khôn thác thiêng cho chúng tôi theo cùng với…”

Thế nào thưa bà?

– Ơ. Đây là bác viết về nó, cái con mụ Thao chết dẫm ấy ạ?

– Vâng, còn ai vào đây nữa.

– Nhưng nó, nó…

Ông lão tỏ ra cương quyết không muốn nghe. Ông gõ gõ cái quản bút vào tấm biển trước mặt có dòng chữ in đậm “Đẹp lòng người sống. Mát dạ người chết”– Đó là nguyên tắc hành nghề của công ty chúng tôi.

– Vâng, thôi cũng được. Ơn trời nó chết là chúng tôi hả hê lắm rồi. Chả còn vênh vang với ai được nữa.

Lại một người khác, người khác. Thật là nhanh chóng. Không có cảnh bắt tay, mời nhau trà thuốc. Chúng tôi theo dõi công việc của đội ngũ chuyên gia công ty DIVA Co.Ltd một cách say sưa thán phục. Giờ làm việc buổi sáng đã hết, giám đốc công ty mời chúng tôi sang phòng khách. Đúng là công ty mời chúng tôi ăn trưa. Bữa ăn khá sang: xôi nếp, thịt gà, trứng luộc và thịt thủ lợn.

– Thưa bác, ngày nào công ty cũng lo bữa trưa cho nhân viên thế này?

– Vâng!

Tôi thầm khen sự chu đáo của Ban Giám đốc công ty và chén một bữa thật ngon lành. Khi đứng dậy xuống cuối phòng rửa tay, tôi chợt nhìn thấy còn năm, sáu mâm xôi gà nữa để trên  bàn. Xôi cúng. Vài mâm còn dính tàn

nhang. Hai mắt tôi trợn ngược, bụng dạ nôn nao. Cố dìm cơn buồn nôn chực trào lên mà không dám thổ lộ với ai.

*

*    *

Buổi chiều chúng tôi phỏng vấn ông giám đốc công ty:

– Vì sao nội dung các bài điếu văn đều giống nhau thế. Nghĩa là khen người đã chết một cách quá đáng?

– Truyền thống của dân ta mà. Chẳng lẽ còn nói gì một người đã nằm xuống.

– Nhưng khen đến nỗi ngược hoàn toàn với phẩm chất thật của họ khi còn sống, khiến ai nghe cũng cảm thấy ngượng ngùng.

– Vâng! Sự thật ư. Sự thật thì cay đắng, phũ phàng lắm. Nhưng khi người ta đã chết thì tiếc gì vài lời tống tiễn hay ho. Nào có phải lên lương lên chức gì cho họ nữa đâu. Mà các anh thấy không – ông lão giám đốc hấp háy đôi mắt tinh quái về phía chúng tôi. – Công ty chúng tôi đòi lại sự công bằng cho mỗi con người đấy. Lúc sống chúng ta có ai khen nhau được một câu thật lòng bao giờ.

– Bác không nghĩ là công ty ta giả dối với cả người sống và người đã chết sao?

-Ha… ha… – Ông giám đốc cười rất to dường như trái với lệ của nơi này – tất cả mọi giả dối nằm ở phần đời mà họ để lại phía sau ấy các vị ạ. Khi họ đến với chúng tôi đã là lúc họ rũ sạch mọi điều xấu tốt. Không còn ái, ố, hỉ, nộ. Họ vô hại rồi. Vì thế chúng tôi dành cho họ chút tốt đẹp cuối cùng của trần gian là theo truyền thống nhân ái của dân ta. Đó là lòng vị tha. Đó là nghĩa hiệp.

– Tôi vẫn không hiểu.

– Có gì mà không hiểu. Chả lẽ trong đời các vị không thấy người ta sống với nhau, đối xử với nhau tệ bạc đến mức nào ư. Tranh giành nhau từ tý lợi lộc nhỏ mọn, ganh ghét nhau vì tài, vì sự may mắn. Ngáng chân, lôi áo nhau để người khác không thể vượt lên hơn mìnhchả hiếm chuyện ngậm máu phun người, ném đá giấu tay, có khi giết nhau đấy mà miệng thì vẫn hơn hớt gọi nhau là đồng chí, là bạn chiến đấu…

Thấy ông giám đốc đã có vẻ nổi nóng, tôi buột miệng cắt ngang:

– Thưa đồng chí,  xin đồng chí…

– Đừng, đừng xưng hô như vậy. – Ông lão xua tay – chúng ta đang ở gần cái chết, nói những chuyện về thế giới bên kia, cứ xưng hô chân tình như mọi ngày. Lâu nay các vị không thấy cái từ đồng chí chỉ dùng trong xã giao. Còn thường nhật nếu đã dùng thì chỉ là lúc cãi nhau, phê bình nhau trong hội nghị. Cái từ đó lạ lắm, dùng không đúng văn cảnh nghe nó lạnh kinh người.

– Vâng! Vậy thì bác có thể vui lòng cho biết vì sao bác thành lập công ty này không?

– Ôi! Chuyện dài mà kỳ khôi lắm. Thú thật lúc đầu cũng là một cách kiếm ăn thôi. Ngày chưa về hưu, tôi làm cán bộ chính sách ở một ngành lớn. Hầu như mọi chuyện tang, ma, hiếu, hỉ tôi đều tham dự. Những người có tí chức vụ khi nằm xuống, dù sinh thời họ xấu xa, giả dối thậm chí đồi bại, bỉ ổi đến đâu… cũng được cơ quan khen ngợi đến hết lời. Nghĩa tử là nghĩa tận mà. Cũng như lúc sống vẫn những người đó đã từng nói xấu nhau, tìm mọi cách hại nhau đến tàn độc. Nhưng để viết những lời khen mà cả thân nhân người chết và những người đang còn sống đều chấp thuận, đều bằng lòng là khó. Khó không phải vì họ kém, mà bởi họ còn phải tiếp tục sống với nhau nữa. Khổ thế. Đôi khi khen anh này là hạ thấp anh kia. Khen anh này là đụng chạm anh kia… rách việc lắm.

– Thế là bác nghĩ ra cái nghề “khen thuê” dù biết nó giả dối?

– Giả dối đến tận cùng ấy chứ. Nhưng tôi lại được hoan nghênh. Tôi khen thì chả sao. Chỉ mất tí tiền, mọi phiền trách chút sang cho chúng tôi chịu.

– Công việc hẳn là rất bận?

– Đủ làm. Tôi không ngờ dịch vụ này lại lớn thế. Mà càng ngày tôi càng nhận ra cái bệnh hình thức, lãng phí trong ma chay càng tăng. Càng có chức vụ, càng rườm rà.  Nhận ra ông giám đốc đã mệt, tôi hỏi câu cuối cùng:

– Bác có băn khoăn gì không?

Ông lão thoáng trầm ngâm rồi chậm rãi nói:

– Đây là chặng cuối cùng của cuộc đời mỗi con người trên thế gian – Như tôi đã nói đấy – Mọi xấu tốt họ đã để lại phía sau trước khi đi vào một thế giới mới. Tiễn họ bằng những lời lẽ tốt đẹp nhất, cũng giống như trang bị cho họ một hành trang, một lý lịch sạch sẽ để đón nhận “cuộc sống” ở phía bên kia. Nhưng tôi vẫn lo rằng nhỡ lúc nào đó, ở nơi mà chúng ta vẫn gọi là “Thế giới bên kia” ấy các âm hồn lại nhiễm phải thói vị kỷ, lại thù hận nhau như người dương thế, thì ngay cả những dòng nịnh bợ, tâng bốc làm đẹp lòng nhau trong điếu văn sẽ không ai dám viết nữa.

Ôi sẽ buồn biết bao. Các anh có thấy thế không? Bản tính con người ta vốn thích được ve vuốt mà. Ngay cả lúc chết cũng thế. Vả lại, khen ngợi, tâng bốc người chết đâu phải vì họ. Phải không nào.

 

Vanvn.net

Exit mobile version