Vì một lý do khách quan mà tới tận tháng 02/2012, Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2011 mới được trao tặng cho các nhà văn được giải. Nhà văn Việt Nam Nguyễn Chí Trung, tác giả của “Tiếng khóc của nàng Út” đã lên đường tới Thái Lan nhận giải thưởng.


Theo thông lệ, trong những tháng cuối năm, người yêu văn các nước khu vực Đông Nam Á lại chờ đón thông tin về các gương mặt văn học của nước mình rinh giải thưởng về nước; nhưng tới ngày chuẩn bị trao Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (ASEAN) năm 2011, trận lũ lịch sử đã nhấn chìm thủ đô Băng-kok, Thái Lan, khiến việc trao giải phải dời lại tới năm 2012. Những thiệt hại về vật chất và con người đã xác định rõ nhưng thiệt hại về tinh thần thì còn ảnh hưởng mãi sau này mà việc trao giải thưởng muộn chỉ là một trong số đó.

Nhà văn Việt Nam Nguyễn Chí Trung cùng với tác phẩm Tiếng khóc của nàng Út đã được Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam chọn là tác phẩm tham dự trao giải thưởng văn học của khu vực Đông Nam Á trong phiên họp ngày 12/9/2011, từ 17 tác phẩm văn học tiêu biểu. Tác phẩm đáp ứng các tiêu chí trong quy chế lựa chọn tác phẩm xét giải Đông Nam Á như: Tác phẩm phải là nguyên bản; Tác phẩm cần có nội dung liên quan đến dân tộc hoặc khu vực mà tác giả đang sống; Tác phẩm phải có giá trị văn học xuất sắc thuộc các thể loại: văn xuôi, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ; Những tác phẩm đã đoạt các giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại; Tác giả bằng sáng tác của mình phải có những đóng góp cho sự phát triển văn hoá và văn học của nước mình. Trước đó, tiểu thuyết này cũng đã đoạt Giải thưởng Văn học của Hội nhà văn Việt Nam năm 2008.

Tiếng khóc của nàng Úttiểu thuyết đầu tay của thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung (NXB Quân đội Nhân dân – 2007). Cuốn sách lấy bối cảnh lịch sử những năm 1954-1959 ở miền đất gai góc của Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ, tác phẩm tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng, gian khổ mà nhà văn là người đã trực tiếp chiến đấu và trải nghiệm.

Nhà văn Nguyễn Chí Trung sinh ngày 15/02/1930 tại Hòa Phước, Hòa Vang, Quảng Nam- Đà Nẵng. Ông tham gia cách mạng từ tháng 10/1945, làm liên lạc, tuyên truyền. Nhập ngũ năm 1946, đến năm 1961 ông vào hoạt động ở chiến trường Trung Trung Bộ và đã chiến đấu ở nhiều chiến trường trong kháng chiến chống Pháp, Mĩ và bảo vệ tổ quốc. Ông từng là thư kí tòa soạn báo Vệ quốc quân, thư kí tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Giải phóng quân, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó Chủ nhiệm chính trị Cơ quan đại diện Cơ quan Bộ Quốc phòng hướng Tây Nam, Trợ lý Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu…

Nhà văn đã có lần tâm sự, viết văn giống như một sự trả nợ kỷ niệm, trả nợ nhân dân, trả nợ những câu chuyện thần kỳ về sự quật khởi vĩ đại của của nhân dân trong suốt những năm kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Ông cũng là tác giả của những tác phẩm như: Đà Nẵng (bút kí, 1950), Bức thư làng Mực (truyện ngắn, 1964), Hương Cau (truyện ngắn, 1975), Khi dòng sông ra đến cửa (truyện ngắn, bút kí, 1981), Tiếng khóc của nàng Út (tiểu thuyết, 2007), Đối thoại trong đêm (tiểu thuyết, 2011)…

Khánh Thi

Nguồn: Vanhocquenha.vn.

Exit mobile version