Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn trẻ Lê Vi Thủy.

Gồm các truyện ngắn sau:

– Biển

– Gió ngược

– Người đàn bà hát

– Tấm liễn gia tộc

– Trăng treo đầu núi

Nhà văn Lê Vi Thủy, sinh năm 1984, hiện đang làm giáo viên dạy mĩ thuật tiểu học tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Là hội viên Hội VHNT Gia Lai, hội viên Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam.

Đã có nhiều tác phẩm in trên các tạp chí chuyên ngành trong cả nước.

Năm 2011, truyện ngắn “Sau cái nhếch mép” của Thủy được bình chọn Top 10 truyện ngắn hay của báo Văn Nghệ Trẻ, từng đoạt giải 3 Thơ Bút mới-báo Tuổi Trẻ năm 2009.

Nhà văn Lê Vi Thủy chia sẻ: “Tôi yêu văn chương bằng tâm hồn và tình yêu cuộc sống, nơi tôi được sẻ chia và thấu hiểu, được làm quen với những người bạn trên mọi miền đất nước qua chiếc cầu nối của văn chương. Đối với tôi mỗi người bạn là một món quà tinh thần mà cuộc sống ban tặng. Điều đó đã làm cho cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn và tôi tin những người yêu văn chương là những người luôn tạo ra điều kỳ diệu trong cuộc sống.”

+ Tác phẩm đã xuất bản:

Mắt vỡ không còn bóng (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2012)

Bảng lảng sương đêm (Truyện ngắn, NXB Quân đội Nhân dân, 2015)

Ngày hạt mầm tỏa hương (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2020)

Rừng gió (Truyện ngắn, NXB Văn học, 2021)

Trăng treo đầu núi (Truyện ngắn, NXB Hồng Đức, 2023)

Nhà văn Tống Phước Bảo nhận xét:

“Quả thật, từ thơ đến văn xuôi, Lê Vi Thủy càng ngày càng mặn mà, đậm đà, và đầy quyến dụ độc giả bằng chính sự tinh tế pha lẫn chất ảo diệu của riêng mình. Đọc Lê Vi Thủy như đi vào một thế gian nào đó rất riêng của cô, mà đôi khi chính chúng ta cũng tìm thấy cho mình một thế gian riêng để nương náu vào đó. Một thế gian đôi khi chẳng đúng sai, chẳng phân định phần số, chỉ biết ở thế gian đó tự bản thân chúng ta sống cuộc đời rực rỡ theo ý mình.”

Theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà:

“Lê Vi Thủy dựng những câu chuyện như cách vẽ ra những bức họa nhiều tầng ngữ nghĩa. Có gì đó ám ảnh, không phải chỉ là những khắc họa hình thù trên mặt đất này, mà còn là hình bóng của thế gian nhiều chiều, đa sắc, âm vọng, ma mị. Đọc văn Thủy có cảm giác tác giả này từng trải trên từng con chữ, rồi lùi ra xa,  mặc kệ độc giả với những hình dung bằng sự trải nghiệm của họ. Hãy đọc Thủy, để có thêm một không gian riêng mình”.

TRĂNG TREO ĐẦU NÚI

Truyện ngắn

Bóng trăng treo lơ lửng trên đỉnh cột cây Klao. Mọi người đi về phía cuối làng, nơi những cây cổ thụ trăm năm xõa bóng. Những hàng tượng mồ lặng im dõi mắt theo lễ Pơ thi đang diễn ra. Thanh niên trong dòng tộc bắt đầu thắp lửa khắp nơi, chiếu sáng khoảng không lớn. Nghe tiếng cồng chiêng, dân làng các nơi khác đổ về ngày một đông hơn, họ quây quần bên những ghè rượu được cột sẵn quanh khu nhà mồ. Nửa đêm, những con trâu, con bò to khỏe được đưa đến cột sẵn ở cọc quanh cột Klao sau khi bị cắt khoeo ở hai chân sau. Khi mặt trời bắt đầu lên, lễ đập trâu, bò bắt đầu. Tiếng trâu, bò rống lên đau đớn. Tiếng hò hét của người làng càng làm cho không khí trở lên nóng hơn, tiếng cồng chiêng như dồn dập hơn. Máu, lửa, và âm thanh hòa quyện vào nhau tạo nên một không khí vừa hoang dại, vừa huyền bí, vừa cuốn hút. Những cái đầu trâu, bò được giơ cao để cúng dâng lên các vị thần linh trước sự tán dương của mọi người. Thầy cúng bắt đầu tế lễ, những người thân trong gia đình, người trong làng hát kể, nhớ nhung, thương xót người đã chết. Tiếng than khóc, hòa trong tiếng cồng chiêng ngân vang đi theo những Pram như một lời chào tiễn đưa linh hồn từ thế giới atâu về với Yang.

*

Thiên về công tác tại xã Hnol, một mảnh đất còn hoang sơ giữa núi rừng Tây Nguyên. Dù ngày nay giao thông đã được cải thiện hơn một chút, điện đã về được làng, nhưng làng Choét thuộc xã Hnol vẫn còn nhiều khó khăn. Xe đi hết một con đèo cao thì dừng lại, muốn đến làng phải đi bộ theo các lối mòn, đi hết con dốc dài dựng đứng như mái nhà, rồi xuống hết dốc thì đến.

Đơn vị nơi Thiên làm việc là dãy nhà cấp bốn vừa là chỗ làm vừa là chỗ ở, dù đơn sơ, thiếu thốn nhưng Thiên thấy ấm áp, gần gũi như được về nhà của mình.

 Thiên nhớ lúc nhỏ anh hay theo mẹ vào các làng để buôn bán, đổi đồ. Mẹ Thiên đem nhu yếu phẩm cần thiết như thức ăn, cá mắm, áo quần vào làng để đổi lấy rượu, lúa, gạo… đem về bán lại. Thiên cứ rong ruổi theo mẹ trong những chuyến đi dài ngày như vậy, hết làng này đến làng khác. Thiên không có bạn, những đứa trẻ đồng tuổi trong làng chỉ nhìn Thiên rồi bỏ đi, chứ không chơi với Thiên. Một lần vô tình Thiên gặp H’Mai, một cô bé nhỏ xíu, miệng lúc nào cũng nở nụ cười, Thiên mạnh dạn lại bắt chuyện. Một cậu nhóc mười tuổi, một cô bé năm tuổi, và hai người trở thành bạn từ đó, mỗi lần vào làng gặp H’Mai là Thiên phấn khởi hẳn. Khi Thiên mười hai tuổi thì mẹ mở được cửa hàng ở nhà, nên không còn đi vào làng nữa, nhưng ký ức tuổi thơ gắn với làng Thiên không thể nào quên được. Như lời hứa với H’Mai, Thiên đã quay trở lại làng, nhưng H’Mai không nhớ Thiên. Mỗi lần gặp Thiên là H’Mai cúi đầu đi thật nhanh.

*

H’Mai xinh đẹp trong chiếc váy thổ cẩm do chính tay mình chăm chút dệt với những màu sắc, hoa văn đặc trưng của người Jrai. H’Mai vừa tròn mười tám, đôi mắt to tròn, đôi má lúc nào cũng hây hây ửng hồng, làn da bánh mật căng tràn nhựa sống. H’Mai và các bạn đồng trang lứa trong những bộ váy áo thật đẹp, cùng nhau cười nói, chếnh choáng hương rượu cần giữa những vòng xoang của lễ mừng lúa mới. H’Mai nhìn chiếc vòng trên tay mình rồi nghĩ đến Rinh và khẽ mỉm cười.

H’Mai mồ côi mẹ từ nhỏ, theo luật tục nối dây của làng, dì Nương – em của mẹ, là người mẹ thứ hai của H’Mai, mọi kỷ niệm buồn vui Mai đều kể cho mẹ Nương nghe. Mẹ Nương của H’Mai ưng cái bụng lắm khi biết H’Mai muốn chọn Rinh làm chồng, một chàng trai to khỏe, tính tình thật thà, hiền lành. Nghĩ đến Rinh, đôi má của H’Mai bỗng đỏ bừng lên, dù Rinh chưa nói lời yêu nhưng H’Mai cảm nhận được những tình cảm ấm áp mà Rinh dành cho mình. Từ những nhánh lan rừng, đến những con thú săn được, Rinh đều đem về cho H’Mai một phần.

Đêm nay H’Mai hẹn Rinh ở bờ suối, nhưng H’Mai đợi mãi không thấy Rinh, ánh trăng đã sáng tỏ vằng vặc, tiếng cồng tiếng chiêng đã vãn bớt, mà vẫn không thấy Rinh đâu. H’Mai buồn bã đi về, trong lòng đầy những nỗi niềm, suy tư.

*

Tiếng suối róc rách chảy, trăng sáng vằng vặc. Rinh đã đến chỗ hẹn, từ xa ngắm nhìn H’Mai, một cô gái mang trong mình sự trong trẻo, tinh nguyên của núi rừng. Rinh yêu mái tóc, yêu nụ cười, yêu sự dịu dàng của H’Mai. Đêm nay Rinh sẽ nói hết những điều ấp ủ trong lòng cho H’Mai biết. Sẽ chẳng còn con suối, hàng cây, con dốc nào ngăn cản được tình yêu của Rinh nữa. Đến mùa Ning Nơng năm tới, Rinh và H’Mai sẽ về chung một nhà, nhà của H’Mai cũng sẽ là nhà của Rinh. Rinh mơ về một hạnh phúc, về những buổi sáng tinh mơ khi thức dậy có H’Mai bên cạnh mình.

Rinh đang định làm cho H’Mai bất ngờ, thì một bàn tay phía sau lưng, bịt miệng, kéo Rinh ngã xuống khỏi tảng đá đang đứng. Hai người đàn ông to khỏe lôi Rinh đi. Dù cố gắng chống lại nhưng hai tay bị bẻ quặt ra phía sau, Rinh không thể nhúc nhích được.

– H’Mai là của tao. Tao cấm mày lại gần nó.

Hai gã đàn ông hất Rinh ngã dúi dụi về phía trước, Rinh lồm cồm đứng dậy thì Nay Đức đứng trước mặt, tay đang cầm con dao găm đi rừng, cắm phập vào quả rừng đang đung đưa trước mặt.

– Mày có quyền gì mà cấm tao? – Rinh nhìn thẳng vào Nay Đức.

– Tao thích thì cấm đấy. Hôm nay chỉ là cảnh cáo, mày mà lại gần con H’Mai đừng trách tao ác –  Nay Đức bỏ đi, ra hiệu cho hai kẻ lạ mặt không phải người trong làng, đánh đập Rinh một cách dã man.

Cả mấy ngày sau buổi hẹn, H’Mai lúc nào cũng nghĩ đến Rinh, nhưng chẳng thấy Rinh liên lạc với mình. H’Mai bực mình lắm, phải đi tìm gặp Rinh để hỏi lý do. Nhưng khi nhìn thấy cơ thể bầm tím, trầy xước vì những vết thương, H’Mai quên mất mình đang giận Rinh mà cuống quýt đi tìm lá thuốc về đắp cho anh.

Nay Đức nhìn thấy H’Mai và Rinh bên nhau, ríu rít như đôi chim sẻ. Nay Đức tức lắm, hắn dậm nát thỏi son mà hắn nhờ người mua trên thành phố về để tặng H’Mai, rồi ném mạnh xuống đất, quay người đi trong sự hằn học.

*

H’Sil chị của H’Mai, đau bụng chuyển dạ từ tám giờ tối hôm trước nhưng đến sáng đến hôm sau mới sinh. Đứa bé trên tay bà đỡ toàn thân đã tím, nếu chậm một chút thì có lẽ đứa bé đã bị ngạt chết, nhưng vừa ra khỏi bụng mẹ, nó bắt đầu khóc, tiếng khóc khỏe như cây rừng. H’Sil nhìn con mỉm cười nhưng cơ thể yếu ớt lịm đi, đôi mắt dần khép lại, máu trong người H’Sil không ngừng chảy. Cơ thể cô chuyển sang tái, trắng và tím dần. H’Sil chết khi chưa kịp ôm con của mình. H’Mai khóc nấc, cô ôm lấy chị mình, cố lay chị dậy nhưng H’Sil chẳng thể tỉnh dậy nữa.

    Tiếng cồng chiêng trong làng vang lên, báo hiệu trong làng có người chết. Cả gia đình H’Mai chuẩn bị đồ làm lễ cúng Yàng, cúng các thần linh để họ đón mẹ con H’Sil về với thế giới Atâu. Lúc này dân làng đã tập trung lại nhà của H’Mai, người mang rượu cần trong ché nhỏ, người mang gà, mang lợn. Họ đến tự túc làm thịt heo, gà, và sau đó ăn uống, kể lể tình cảm kỷ niệm với người chết, họ sẽ ở lại cùng với gia đình trong thời gian tổ chức đám ma. Mọi người ai cũng bận rộn với công việc của mình. Thiên cùng anh em biên phòng đến, thấy H’Mai ngồi với đứa trẻ mới sinh bên gốc cây trước nhà, đứa bé nằm thoi thóp, nó sẽ bị bỏ đói ở đó cho đến chết rồi chôn theo mẹ. Thiên ôm vội đứa trẻ vào lòng, cắt dây rốn và quấn khăn quanh người đứa trẻ đang vừa lạnh vừa đói. Thiên trách H’Mai sao không ôm đứa bé mà để nó nằm dưới đất. H’Mai mắt đỏ hoe nhìn Thiên, đôi mắt như muốn nói Thiên hãy cứu lấy đứa bé. Bà Siu Nương nhìn thấy Thiên liền chạy tới giành lấy lại đứa trẻ. Vừa giành vừa nói đứa trẻ phải chôn theo mẹ nó, về thế giới ma nó sẽ được chăm sóc tốt hơn. Không có nó, hồn ma của mẹ nó sẽ về làng đòi con và bắt dân làng thế mạng.

    Đứa bé bị giằng co trên tay hai người lớn, khóc ré lên, tiếng khóc yếu ớt của nó khiến cho tất cả mọi người dừng lại. Giờ mọi người mới chú ý đến một sinh linh bé bỏng vừa chào đời, sắp bị lấy mất sự sống. Đứa bé đói, dần lả đi, đôi mắt khép lại, như rơi vào trạng thái ngủ mê. Thiên đưa đứa bé cho H’Mai, nhờ cô cho bé uống sữa, nhưng H’Mai không dám nhận lấy trước ánh mắt sắc lạnh của bà Nương. Thiên ôm đứa bé trong lòng, và đi vòng quanh mọi người để xin sữa cho nó, nhưng không một ai dám cho bú nhờ. Thiên đang làm điều trước giờ chưa ai dám làm, ôm đứa trẻ của người chết, ai thấy Thiên cũng né tránh, bởi nếu làm khác tập tục họ sợ sẽ bị thần linh quở trách. Thiên bước tới xin già làng cho đứa bé vô tội này một cơ hội sống, anh sẽ đem đứa trẻ về chăm sóc vì nó đã quá yếu rồi, nếu ngày mai nó chết anh sẽ đem trả cho gia đình chôn theo mẹ của nó.

    Già làng Blum nhìn Thiên: “Tục lệ là tục lệ, ngàn đời nay vẫn thế, không thể thay đổi được”. Nhưng khi đôi mắt già Blum chạm tới đứa bé nhỏ xíu nằm trên tay Thiên đang ngủ, lâu lâu lại giật mình vì tiếng động. Già Blum có đôi chút giao động. Ông trầm ngâm một lúc rồi đồng ý cho Thiên mang đứa trẻ đi. Hơi thở của đứa bé yếu dần, Thiên ôm chặt đứa trẻ vào lòng, truyền cho nó hơi ấm của mình và vội vàng đến trung tâm y tế xã. Sau thời gian ủ ấm, được bú no, đứa trẻ may mắn qua được cơn thập tử nhất sinh, nhìn đứa trẻ da dần hồng hào trở lại, trong lòng Thiên dấy lên một niềm hạnh phúc vô bờ. Thiên biết H’Mai lo cho cháu của mình, nên khi bé khỏe, Thiên liền đi tìm H’Mai để báo tin. H’Mai nghe tin xong liền thở nhẹ, cô nắm lấy tay Thiên bật khóc, những giọt nước mắt của sự lo lắng xen lẫn niềm vui cứ thi nhau chảy trên khuôn mặt.

*

    Gia đình làm lễ chia của cho chị H’Sil, trong nhà có thứ gì thì chia đều cho mọi người và chị H’Sil được nhận một phần y vậy, nhưng đồ vật sẽ bị đục lỗ để phân biệt đồ của người sống với người chết, và được chôn trong nhà mồ của H’Sil.

Thiên đến trao đứa bé lại cho già làng. Già Blum đón lấy đứa trẻ và đặt nằm cạnh chị H’Sil. Thiên đã định vùng dậy giành lấy đứa trẻ, trong lòng nơm nớp lo sợ đứa bé sẽ bị chôn sống theo mẹ, nhưng đồng đội của Thiên giữ lại, và khuyên Thiên hãy giữ lấy bình tĩnh. Anh nói nhỏ với Thiên nếu đứa trẻ thật sự bị chôn theo thì anh cũng không để điều đó xảy ra, Thiên đứng im lặng trong cái nắm giữ tay của đồng đội mình. Trong khi già làng làm lễ để đưa chị H’Sil và đứa bé vào trong nhà mồ, gia đình dặn dò linh hồn chị H’Sil. Đôi mắt vốn không nhắm lại từ lúc chị H’Sil mất bỗng nhiên chảy nước mắt, đứa bé khóc ré lên. Lúc này Thiên chạy tới ôm đứa trẻ. H’Mai cũng vùng khỏi tay bà Siu Nương, chạy lại và quỳ xuống trước mặt già làng Blum, dù bà Siu Nương đã cố kéo H’Mai lại. Thiên ôm đứa trẻ tới trước mặt già Blum:

– Con xin già làng đừng chôn đứa trẻ, đứa trẻ nó có quyền được sống, được lớn lên, được yêu thương như bao đứa trẻ khác. Xin già!

– Xin già hãy rũ lòng thương, chị H’Sil mất là một sự mất mát to lớn đối với gia đình con, con không muốn mất luôn đứa bé này. Xin già hãy cho cháu một cơ hội sống – H’Mai quỳ sụp xuống dưới chân của già Blum.

     Nhiều người trong làng chứng kiến cảnh này, họ đã khóc, họ nhớ đến gia đình họ cũng đã từng mất đi những đứa trẻ như vậy, một vài người phụ nữ quỳ xuống, sau đó, tất cả dân làng đồng loạt quỳ xuống:

     – Xin già hãy cho đứa trẻ một cơ hội sống.

     Già Blum nhìn quanh khó xử, đứng im lặng một hồi lâu, rồi nói:

     – Có lẽ hủ tục này đã đến lúc cần được thay đổi – Già Blum nói rồi nhìn đứa trẻ, lúc này đứa bé đã nín khóc và đang mở mắt nhìn lên bầu trời – H’Mai con hãy làm mẹ thay cho chị H’Sil để chăm sóc đứa bé khôn lớn – Già Blum ôm lấy đứa trẻ từ tay Thiên và trao cho H’Mai.

     – Không được, tập tục không được thay đổi, nếu thay đổi thần linh sẽ nổi giận, dân làng sẽ gánh chịu mọi tai ương do thần linh gây ra – Thầy cúng Siu Thiếp đứng ra phản đối nhưng đã bị già làng Blum ngăn lại, Siu Thiếp tỏ vẻ không đồng ý nhưng cũng không nói gì nữa.

     H’Mai dập đầu cảm ơn già làng và ôm chặt đứa trẻ vào lòng. Nước mắt chị H’Sil thôi chảy, và đôi mắt nhắm lại tự lúc nào. Thiên nhìn đứa trẻ nằm trong tay của H’Mai mà trong lòng thở phào nhẹ nhõm. Lúc này trời đổ mưa, cơn mưa giông bất thường của tiết trời tháng ba.

    Sau khi chị H’Sil được chôn cất xong, Thiên xin già làng cho đơn vị anh được nhận làm cha đỡ đầu và sẽ thường xuyên thăm hỏi và giúp đỡ đứa trẻ. Già Blum đồng ý, sẽ làm một cái lễ nhỏ, báo với thần linh, với trời đất cho đơn vị Thiên được làm cha đỡ đầu cho đứa trẻ.

*

Gia đình của Nay Đức giàu nhất làng, nhà có tới hai mươi con trâu, bốn mươi con bò, đất rẫy nhiều, còn sở hữu được những bộ chiêng quý, theo giá trị hiện tại phải đổi ngang bằng năm mươi con trâu, cả làng không hiểu bằng cách nào nhà Nay Đức giàu nhanh như thế. Nay Đức chẳng chịu học hành, làm việc gì, suốt ngày đi chơi, tụ tập bạn bè uống rượu cho say ngất ngứ mới chịu về nhà. Lâu lâu hắn biến mất khỏi làng một thời gian rồi lại về. Nay Đức rất thích H’Mai nhưng H’Mai chẳng mảy may để ý đến hắn. Từ khi biết được H’Mai thương thằng Rinh, Nay Đức tức lắm. Hắn nhủ thầm trong bụng phải có được H’Mai. Ngồi uống rượu với đám trai làng, Nay Đức rỉ tai đám trai làng nói thằng Rinh có thuốc thư đấy. Nhìn mà xem những đứa thích H’Mai, không gặp chuyện thì cũng bỏ nhà đi biệt tích có đứa nào về đâu. Nó không thư thì ai vào đây, ai cũng gật gù hắn nói đúng.

Thời tiết trở nên khó chiều hơn, mới ngày hôm trước mưa như trút thì ngày hôm sau trời lại nắng gay gắt. Cái nắng kéo dài khiến những mảnh ruộng trở nên khô hạn, nứt nẻ. Làng dạo gần đây xảy ra rất nhiều điều kỳ lạ, những sự biến mất, ban đầu chỉ là những con dao đi làm rẫy, rồi đến con heo, con gà, rồi đến sự mất tích của những thanh niên trong làng, họ đi vào rừng không thấy trở ra, khiến cho những đôi mắt chờ đợi sự trở về ngày càng sâu hoắm hơn, lo sợ hơn. Những cơn ho không dứt, nhiều người sốt cao, khó thở cứ liên tiếp xảy ra trong làng. Già làng Blum thở dài trước khung cảnh xác xơ của làng, lòng nặng trĩu. Không một ai nói ra nhưng đều nghĩ làng đang bị Yang trách phạt vì đã phạm vào điều cấm kỵ. Cả làng ai cũng tránh xa gia đình của H’Mai và Rinh.

 Trùng hợp trong làng lại xảy ra vụ cãi nhau giữa Rinh và Luận về việc tranh chấp đất rẫy, sau đó khoảng năm ngày thì Luận bị ngã chết khi đi uống rượu về. Việc Rinh có thuốc thư và đã thư chết Luận càng làm cho dân làng tin hơn nữa. Ngoài những sự việc ngẫu nhiên như thời tiết, dịch bệnh, cái chết của chị H’Sil, Luận thì dân làng không hề biết Nay Đức đứng sau tất cả vụ việc kỳ lạ của làng.

Với sự kêu gọi của Nay Đức và thầy cúng Siu Thiếp, ngay trong đêm hôm đó, cả làng đã đốt lửa kéo nhau đến nhà để tìm Rinh. Rinh bụng dạ ngay thẳng nên không biết có người đã hại mình, khi thấy người dân trong làng tức giận tràn vào nhà. Rinh càng cố giải thích, chống cự, cơn thịnh nộ của làng dâng cao, cả bố mẹ và Rinh đều bị đánh, nhà cửa và toàn bộ tài sản bị đập phá tan nát. Lợi dụng lúc dân làng đang nhốn nháo, nhập nhoạng, ồn ào. Nay Đức đã thừa cơ lúc Rinh sơ hở phóng thẳng một nhát dao vào tim, khiến Rinh chết ngay tại chỗ. Không ai biết Rinh bị ai giết, và chết lúc nào. Chỉ khi Rinh ngã xuống, mọi người mới bắt đầu đứng giãn ra. H’Mai nghe tin đã vội vã tới nhà Rinh và gục khóc đau đớn trước thân hình to lớn đang nằm im bất động của Rinh.

*

Từ ngày Rinh mất, H’Mai sống như một cái bóng. Cô từ nỗi đau này rơi vào một nỗi đau khác, may có bé H’Khắp con chị H’Sil bên cạnh, sự bận rộn với con nhỏ khiến cô tạm cất đi nỗi đau của mình. Thiên nhiều lần ghé nhà, H’Mai đều tránh, chỉ để mẹ Siu Nương ra tiếp. Nếu vô tình chạm mặt, H’Mai gật đầu chào rồi bước đi nhanh, né tránh ánh mắt của Thiên dành cho mình.

H’Mai rất ít khi mở miệng, gặp người làng thì H’Mai đều tránh. H’Mai càng tránh né dân làng, càng làm cho dân làng xôn xao bàn tán, người này đồn người kia, tin đồn bay nhanh như một cơn gió, mọi người đều lo sợ. Chỉ mới vài ngày mà tất cả đã đều rỉ tai nhau, nghi ngờ, dè chừng, chỉ chực chờ một lý do để bùng lên cơn giận dữ.

Dân làng đứng trước nhà H’Mai không khỏi hoang mang, nhưng khi thầy cúng đã nói thì chắc chắn đúng. Tất cả dân làng kéo vào nhà H’Mai, bắt H’Mai trói lại.

    – Làng ta có một con mai lai đang ẩn trốn, nó chính là con H’Mai – Thầy cúng Siu Thiếp đã chỉ vào mặt H’Mai – Tất cả tai ương trong làng đều do ma lai gây ra. Ban ngày nó sống chung với chúng ta, ban đêm đợi mọi người ngủ say, nó đi tìm và hút hết linh hồn của người sống. Khiến dịch bệnh gieo rắc khắp buôn làng, bao nhiêu trai làng bị nó hút mất linh hồn đã không trở về nhà được nữa.      

H’Mai quẫy đạp trong sợi dây trói “Tôi không phải ma lai, mọi người đừng nghe lời ông ấy”. Nhưng chẳng ai nghe thấy lời nói của H’Mai, tất cả đang hừng hực cơn nóng giận. “Đồ ma lai. Cút đi, cút đi!”.

Thay mặt già làng, và dân làng, thầy cúng đã đuổi H’Mai ra khỏi làng, mặc cho gia đình H’Mai van xin, giải thích nhưng tất cả đều vô ích. H’Mai bị đuổi vào khu rừng cấm. Khu rừng thiêng mà bao nhiêu đời nay trong làng không một ai dám đi vào, bởi sự linh thiêng cũng như những câu chuyện ly kỳ được kể từ đời này qua đời khác về khu rừng này. Bước đi giữa rừng H’Mai lại thấy lòng mình giống như một căn nhà trống, gió cứ thổi vào thông thốc, dù muốn đóng lại nhưng chẳng có cánh cửa nào để kéo.

Nghe tin, Thiên và đồng đội đến làng thì đã muộn. Mọi thứ đã tan hoang, nhà cửa của H’Mai siêu vẹo, đồ đạc

bể nát, bố mẹ H’Mai lúc này như những con ma sống, khuôn mặt hốc hác, đầy lo lắng cho con của mình, bé H’Khắp vắng hơi mẹ khóc nhiều hơn, người gầy sọp hẳn đi. Thiên đã đứng ra trấn an dân làng, tất cả chỉ là lời đồn đại và phân công lực lượng đi tìm H’Mai. Thiên cùng đồng đội và mọi người trong làng mất một tuần mới tìm thấy H’Mai ở một cái hang nhỏ, trong tình trạng đói, lạnh và bị thương. Thiên ôm H’Mai trong lòng đầy xót xa, đáng lẽ Thiên phải biết sớm hơn, không để chuyện này xảy ra. Trong làng còn quá nhiều hủ tục, việc thầy cúng dựa vào quyền lực của mình, muốn hại ai chỉ việc đặt điều trước sự u mê của dân làng, làm bao nhiêu điều xấu, điều đó hiện đang đi ngược lại với sự phát triển của xã hội, điều này cần phải được thay đổi.

*

Bộ đội biên phòng, công an xã và nhân viên y tế xã đã gặp già Blum và dân làng, phổ biến cho dân làng hiểu về dịch bệnh đang hoành hành. Xét nghiệm và khoanh vùng những gia đình nào có dịch bệnh, phun thuốc khử trùng nơi công cộng, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, thông báo về tình hình diễn biến dịch bệnh. Nhờ vậy, người dân đã hiểu rõ hơn về dịch bệnh, nguy cơ lây lan, tự ý thức trong phòng ngừa như thực hiện ăn chín, uống sôi, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, bảo đảm thông thoáng. Nhà nào có lợn bị bệnh chết phải báo ngay với y tế xã, chứ không được tự ý mổ lợn chia nhau ăn. Thiên cũng giải thích với già làng Blum và dân làng về dịch bệnh bùng phát khắp mọi nơi chứ không phải do gia đình H’Mai gây ra.

H’Mai được trở về làng sau một thời sống ở khu tập thể của y tế xã. Trong thời gian này, nhờ sự chữa trị tận tình của các y, bác sĩ. Thiên thường xuyên ghé thăm và động viên tinh thần cho H’Mai, cô cũng phần nào bớt ám ảnh những chuyện xảy ra với mình. H’Mai biết ơn Thiên nhiều lắm.

*

Nay Đức đã bị bắt khi cùng đồng bọn thực hiện hành vi khai thác gỗ quý trái phép. Qua quá trình điều tra. Nay Đức đã khai nhận đã bán rất nhiều gỗ quý ở trong khu rừng cấm, ngoài ra còn buôn lậu gỗ từ Campuchia về Việt Nam để thu lợi lớn. Hắn khai đã giết Rinh là do đố kỵ với việc H’Mai yêu Rinh chứ không chịu chọn hắn làm chồng. Những thanh niên trong làng không về nhà cũng do Nay Đức dụ dỗ đưa qua Campuchia để phụ giúp trong việc buôn bán lậu gỗ trong đường dây của hắn. Tin đồn H’Mai là ma lai cũng do hắn tung tin. Vụ án sáng tỏ. Mọi hành vi vi phạm của Nay Đức sẽ chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật.

Trong ngôi nhà rông của làng, già Blum ngồi trầm ngâm bên cạnh Thiên và đồng đội, cùng các anh em trong làng, quanh bếp lửa đỏ đang rừng rực cháy.

– Cảm ơn các con. Những người con trai của làng. Nhờ các con mà những khuất tất trong làng đều được sáng tỏ. Cuộc sống đã thay đổi. Ta và dân làng cũng phải thay đổi, không thể để các thành phần xấu lợi dụng những tập tục của làng mà hại người khác. Ngày mai ta sẽ ra lệnh phạt thầy cúng, gia đình Nay Đức đền bò, đền trâu cho những gia đình bị hại. Những kẻ lợi dụng lòng tin làm điều xấu, ta sẽ trừng phạt thật đích đáng. Giờ già sẽ không tin vào các hủ tục nữa, xã hội đã phát triển. Đã đến lúc con người làng Choét cần phải thay đổi để thích ứng với xã hội này.

  Đêm vào khuya, ngọn lửa cũng như say theo già Blum, Thiên, cùng mọi người.

*

Chị H’Sil và Rinh mất đã được ba năm, bé H’Khắp con chị H’Sil đã được ba tuổi, hai gia đình bàn nhau cùng làm lễ Pơ thi cho người đã mất. Đêm thứ ba của lễ Pơ thi, tất cả già, trẻ, trai, gái trong làng Choét tập trung cùng nhau uống rượu cần, cùng nhau nhảy những vũ điệu xoang, giữa tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang núi rừng, một cuộc trình diễn lớn quanh nhà mồ, mở đầu cho một vòng luân hồi mới. H’Mai ngồi cạnh mồ, nhìn vào phần mồ đã chôn cất của hai người mình yêu quý mà nước mắt cứ chảy dài. Giờ đây chị H’Sil và Rinh có thể yên nghỉ thật rồi. Kẻ ác tâm đã bị pháp luật trừng trị thích đáng. H’Mai đã rắn rỏi hơn sau những sóng gió đã qua. Thiên đứng lặng nhìn H’Mai giữa đám đông ồn ào. Có lẽ còn lâu lắm H’Mai mới cho phép Thiên được hàn gắn những vết thương trong lòng, nhưng Thiên vẫn sẽ đợi người con gái có nụ cười trong trẻo như suối rừng kia mở lòng với mình.

                                                        

  • Truyện ngắn có sử dụng một số tư liệu viết về người Jrai ở Tây Nguyên.