Nhà văn viết ra tác phẩm của mình như thế nào? Viết văn có khó không? Những ai có thể viết văn? Tại sao tôi học luật mà lại đi viết văn? Ý tưởng một tác phẩm được hình thành ra sao? Có nguyên mẫu nào không? Câu chuyện tại sao lại diễn ra như vậy mà không phải khác đi?

Đó là những câu hỏi mà tôi thường nhận được khi trình làng một tác phẩm.

Blogger cũng không ngoại lệ. Vì sao tôi viết Blogger? Vì sao tôi chọn viết về giới trẻ thành thị? Vì sao những nhân vật của tôi trong tác phẩm này, hầu hết là nữ? Có những nhân vật, họ là 1 người hay 2 người? Sao câu chuyện trong Blogger giống câu chuyện của một ai đó? Tại sao tôi chọn hình thức biểu đạt trong Blogger khá đặc biệt như vậy?…

Vô số những câu hỏi được đặt ra cho người viết.

Vậy là một cuốn sách đã thâm nhập được vào với độc giả, với đời sống.

Thay bằng việc trả lời một cách cụ thể từng câu hỏi, tôi muốn kể một câu chuyện. Câu chuyện của chính tôi.

Năm 10 tuổi, tôi bắt đầu viết những bài thơ đầu tiên. Viết trong nỗi hân hoan bởi những câu chữ lâu nay bị tù túng trong đầu óc được giải phóng, được nhảy múa trên giấy. Và viết trong sự lén lút để không bị ai phát hiện. Vì tôi biết chắc, trong con mắt của những người thân, việc làm thơ của tôi bị coi là một chuyện bất bình thường.

Tất cả những bài thơ đều được tôi ghi lại trong một cuốn vở học trò, và được cất kĩ. Nhưng rồi, bí mật đã bị bại lộ vào một ngày đẹp trời. Chị gái của tôi đã phát hiện ra cuốn sổ “nguy hiểm” nọ, và lập tức la toáng lên.

Bố mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt sửng sốt. Họ không hiểu nổi vì sao tôi bỗng dưng lại làm thơ? Tôi học ở đâu ra? Tôi làm thơ để làm gì? Nhà tôi không có ai theo nghiệp văn chương. Văn chương không phải là một nghề để người ta có thể trông cậy vào đó mà tồn tại. Những người thân khẳng định với tôi điều ấy. Tôi – một đứa trẻ 10 tuổi thì biết gì về thơ phú văn chương? Tốt nhất là tôi nên chấm dứt trò dại dột này. Nhất là tôi chỉ là một đứa con gái.  Khi tôi lớn nên, nếu muốn tồn tại, nhất thiết cần một nghề tử tế. Đàn bà con gái nên xác định rõ ràng điều ấy. Nếu không muốn cuộc đời mình lận đận, khổ sở.

Tôi không có đủ lý lẽ để cưỡng lại một sắp đặt như thế. Tôi cũng chưa đủ hiểu về thế giới văn chương. Đơn giản là tôi chỉ muốn kể ra những câu chuyện của mình. Bằng cách của riêng mình.

Những câu chữ nảy nở trong đầu tôi. Chúng có nhu cầu được hiện diện trên giấy. Như một cơ thể sống, cần đến nước và khí trời để tồn tại. Chúng cần hình hài của những bài thơ, những truyện ngắn để náu lại ở trong đó. Như cần một ngôi nhà để trú lại khi đêm đến.

Bởi vậy tôi đã không thể cưỡng lại việc viết lách. Tôi tiếp tục viết trong nỗi hân hoan và sự lén lút. Và giữ một lời hứa trước người thân rằng, tôi sẽ học hành tử tế để có một nghề, để sống. Thực tế, tôi luôn ở trong tốp học giỏi của lớp.

Vì vậy không ai cản trở việc sáng tác của tôi nữa. Nhưng tôi đọc được sự lo ngại trong ánh mắt người thân khi những câu chuyện của tôi được đăng tải trên báo. Việc xuất hiện của tôi trên báo chí, truyền hình cũng như những đồng nhuận bút tôi nhận hàng tháng qua bưu điện chỉ khiến cho mối lo của họ lớn lên. Họ hiểu, tôi đã dấn quá sâu vào việc này. Họ luôn nhắc nhở rằng, tôi là con gái. Chỉ nên viết lách cho vui thế thôi. Phụ nữ nên sống đơn giản thôi.

Quê tôi là một làng quê khá điển hình ở Việt Nam. Và cũng giống nhiều nơi, đàn ông luôn ngồi riêng mâm khi có cỗ bàn. Phụ nữ loanh quanh dưới bếp và lo chuyện con cái. Bếp núc và con cái được mặc định là mối lo toan lớn nhất cho cuộc đời một người phụ nữ nông thôn. Thậm chí khi đô thị phát triển, phụ nữ bắt đầu can dự vào các công việc xã hội, thì  thiên chức làm vợ, làm mẹ, trách nhiệm lo toan gia đình, con cái cũng được phân định rõ ràng. Tôi mặc dù được trưởng thành trong không khí của những năm đầu đổi mới, phụ nữ được tôn vinh trong nhiều lĩnh vực của đời sống thì cái việc bỗng dưng theo đuổi văn chương tuyệt nhiên không phải là điều được khích lệ.

Nhưng tôi không thể cưỡng lại chính mình. Cuộc sống diễn ra trước mắt tôi, thách đố tôi. Viết là cách để tôi giải tỏa những suy nghĩ của mình.

*

18 tuổi, tôi rời tỉnh lẻ. Chính thức từ đây tôi bắt đầu cuộc sống của một dân nhập cư, “ở trọ” tại một đô thị lớn bậc nhất của Việt Nam. Đó là thủ đô Hà Nội.

Sau giai đoạn đổi mới và mở cửa, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng bước vào giai đoạn kinh tế thị trường với những thay đổi mạnh mẽ về mọi mặt.

Cũng giai đoạn này tôi được chứng kiến những bước thâm nhập đầu tiên của Internet vào Việt Nam. Và cũng chỉ trong một thời gian rất ngắn, Internet đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn tại quốc gia này. Nó thay đổi tư duy, lối sống cùng rất nhiều mặt khác của xã hội. Giới trẻ là đối tượng nhận sự tác động mạnh mẽ nhất của cuộc cách mạng công nghệ  này.

Sống giữa làn sóng của đô thị thời kinh tế thị trường và cuộc cách mạng của Internet, tôi đã chọn được cái mình muốn viết, và mình cần phải viết.

Blogger là một trong những câu chuyện ấy, cần tôi phải viết ra.

*


Tôi là một blogger trước khi viết tiểu thuyết Blogger.

Xâm nhập vào thế giới của các blogger là cách tôi làm trước khi quyết định viết tiểu thuyết Blogger.

Mạng xã hội được ưa chuộng thời kì đầu ở Việt Nam là Yahoo. Hiện nay là facebook. Mỗi người tham gia lập một tài khoản, từ đó mở cho mình một trang riêng dạng nhật kí cá nhân. Bạn có thể lựa chọn việc chia sẻ là công khai hoặc cài đặt chế độ riêng tư. Rất nhanh chóng, các trang nhật kí cá nhân này thu hút giới trẻ nhập cuộc. Vì họ được tự do thể hiện cá tính, suy nghĩ của mình. Một người được coi là hot blogger khi anh/cô ta có nhiều người vào đọc và comment.

Mỗi sáng, các blogger có thói quen đọc blog của nhau. Để xem ai nghĩ gì, làm gì, quan tâm đến điều gì. Và họ cũng viết lên những dòng về trạng thái của mình, chia sẻ những hình ảnh của mình. Vui, buồn, hạnh phúc hay đau khổ. Bày tỏ thẳng thắn, không che giấu. Họ có thể trưng ra tên thật hoặc chỉ là một nick ẩn danh (ảo). Dù đứng tên hay nấp dưới những nick ảo thì những gì họ bảy tỏ trên blog đều gửi gắm sự thật. Và có những sự thật chỉ hiển hiện trên mạng ảo.

Thật và ảo, đôi khi, bạn thật khó cân bằng giữa hai trạng thái này. Con người nào mới là thật? Có thể chính bạn cũng không thể hiểu nổi mình. Bạn có thể vừa là người này, vừa là một người khác. Điều ấy lý giải vì sao, trong tiểu thuyết Blogger, đôi khi người đọc thật khó phân định các nhân vật. Họ có thể là một hay nhiều người. Việc truy lùng căn cước của họ là điều không cần thiết. Giống như các lối rẽ luôn dẫn sang vô vàn những lối rẽ khác nữa. Những lối rẽ dẫn dắt cuộc đời chúng ta đi về các ngả khác nhau.

Tiểu thuyết Blogger không có ý định dẫn bạn đi đến một con đường, mà ở đầu này là chuyến xe đón khách để bắt đầu khởi hành và đầu kia người ta kẻ sẵn vạch đích.  Bạn có thể đọc ngược cuốn sách lại, từ chương cuối cùng đến chương đầu tiên. Hoặc tạt ngang vào bất kì một trang sách nào đó vừa được mở ra. Giống như cách bạn sục sạo vào blog của một ai đó. Tự bạn hình thành cho mình những lối đi như cách chúng ta tìm lối thoát ra khỏi những mê cung.

Những mảnh rời rạc, của những ngày tháng đứt quãng. Bạn có nghĩ đó là những mảnh ghép của một bức tranh vừa bị xáo tung?  Giả thiết nếu thấy khuyết một góc nào đó, thì hãy nghĩ rằng mảnh ghép vừa bị lẫn vào đâu đó, và chính bạn là người tự mình hoàn thiện nốt. Theo cách của mình. Giống như cách của những blogger đối xử với những blog của mình. Một blog có thể bị xóa trắng vào một ngày nào đó. Những entry có thể chỉ bắt đầu bằng dòng chữ “Đã chết”. Thì vẫn còn nguyên vẹn ở đó khát vọng được hiện diện của một ai đó trong đời sống chật chội này.

Hãy đừng ngạc nhiên khi bạn đọc được những bản tin báo chí xuất hiện trong cuốn sách này. Những dòng nhật kí. Những comment trên blog. Những đoạn chát. Những câu văn cộc lốc đến khó chịu.

Hãy đón nhận những thực tế không mầu mè. Điều gì sẽ gợi lên trong xúc cảm của bạn khi đọc chúng? Tôi muốn trông đợi điều ấy từ độc giả của mình. Người sẽ kiên nhẫn đọc tôi. Thậm chí nổi giận, bất bình.

Đừng ve vuốt hay tô vẽ đời sống. Đừng ảo tưởng, dù có thể bạn là người mơ mộng. Hãy cật vấn chính mình. Thực sự bạn là ai? Bạn muốn gì? Bạn có thể làm gì?

Các cô gái của tôi – những nhân vật của tôi trong cuốn sách này. Họ lựa chọn tôi hay tôi lựa chọn họ? Họ vẫn còn ở đó, hay đã chuyển dời đi đến một chỗ nào khác? Bản chất cuộc sống là sự thay đổi. Vì vậy đừng hỏi các cô gái của tôi- những nhân vật của tôi, họ cuối cùng rồi sẽ ra sao.

Và trong câu chuyện hôm nay, tôi đã thành nhân vật của chính mình mất rồi.

Tôi đã dấn quá sâu vào câu chuyện văn chương này. Khác với đứa trẻ là tôi khi ở tuổi lên 10, viết như một sở thích, thì giờ đây nó là công việc mà tôi chọn lựa để gắn bó. Không bao giờ hối tiếc.

Và tôi lúc nào cũng trong tâm thế bắt đầu cho những tác phẩm mới và những câu hỏi mới.

Trích tiểu thuyết Blogger

Trích tiểu thuyết Bloger

Một chốc thoáng qua 1

Tôi đã từng nhìn thấy cô ta trong một đám cưới.

Cô độc – đứng nép vào góc hành lang – như một cây non cần cột chống, phòng cơn gió to . Khuôn mặt phờ phạc. Một chút son vương lại trên môi, nhợt nhạt. Nó khiến cô ta trong mệt mỏi hơn là không có chút son nào. Thà như thế còn hơn – nghĩa là không chút son nào.

Góc hàng lang là nơi để cất bàn ghế dự trữ, nên lộn xộn và bụi bặm. Chả ai chọn chỗ ấy để đứng. Nhất là khi đi dự đám cưới. Quần đẹp, áo đẹp. Phải trưng ra chỗ đèn sáng, người đông. Không ai đứng ở góc ấy  – như cô ta cả. Một đôi lúc, cô ta bị phát hiện bởi những người quen cũ. Những bàn tay vẫy. Những lời mời mọc. Nó khiến cho cô ta trở nên rúm ró. Giá có thể vo tròn lại như một hạt đậu, hoặc chỉ bé bằng con kiến – có lẽ cô ta mong điều ấy. Cô ta cần phải đến đám cưới này, nhưng là đến ở bên rìa cuộc vui. Trớ trêu là ở chỗ đó.

Khi tất cả mọi người bắt đầu ngồi vào bàn tiệc, vỗ tay chúc mừng cô dâu chú rể, sâm panh rót trào cả ra ngoài,  thì cô ta lặng lẽ rời đi. Ì ạch dắt chiếc xe Wawe cũ kĩ , biển kiếm soát 29 – H7, 873… ra khỏi nhà để xe. Nhưng cũng mãi hồi lâu cô ta mới rời chỗ ấy đi được vì phải tìm vé xe. Chiếc vé – chỉ là một mẩu giấu bé xíu, mỏng quẹt. Nó có thể vô tình bị đánh rơi hoặc lọt vào một khe kẽ nào đó trong chiếc túi xách cồng kềnh và lộn xộn mà cô ta mang theo bên mình.

Mười lăm phút. Hoặc có thể lâu hơn. Mùi thức ăn  từ phòng tiệc xốc xuống, kích thích tiết dịch vị. Nhân viên bảo vệ bồn chồn hút thuốc lá suông. Thi thoảng chúi đầu vào một gốc cây nhổ nước bọt khan.

Đến lúc cô ta  tìm được ra chiếc vé thì nó đã dăm dúm tới mức không gỡ nổi mặt trên  ra để so biển số nữa. Có thể cô ta đã vo vún nó trong lúc đứng chờ đợi ở góc hàng lang. Một cách hoàn toàn vô thức. Nhân viên bảo vệ  – sau khi nhìn cô ta một cách ngờ vực – cũng đồng ý cho đi. Khuôn mặt phờ phạc, mỏi mệt ấy không giống với khuôn mặt của một kẻ gian trá, có ý định ăn cắp hoặc cố tình dắt nhầm xe.

*

Tôi đã từng nhìn thấy cô ta trên phố. Vẫn chiếc Wawe mầu xanh xám. Ống bô bị thủng. Xích rão. Phanh chùng. Thiếu chút nữa thì cô ta đã đâm vào đuôi xe chạy trước, khi đèn đỏ đột ngột bật sáng. Rồi sự lơ đãng không phải lúc của cô ta khiến cho đoàn xe phía sau nhất loạn rúc còi lên inh ỏi – báo hiệu đèn xanh bật lên rồi mà sao vẫn còn đứng lù lù đấy. Một thanh niên có quả mũ bảo hiểm sơn hình  ngọn lửa gườm gườm chạy qua cô ta, mồm vọt ra mấy tiếng phẫn nộ “đồ điên!”. Tình huống ngớ ngẩn này khiến cô ta luống cuống, nhấn vào nút khởi động trên xe. Nhưng chiếc xe không chịu nhúc nhích. Lại một cữ đèn đỏ nữa. Cô ta hối hả chuyển sang  đạp khởi động. Chiếc xe vẫn xịt xoẹt đứng yên tại chỗ. Đèn xanh bật sáng. Và cô ta lại bỏ lỡ một một nhịp sang đường

*

Một lần khác, tôi  nhìn thấy cô ta ngồi co ro trong quán nước ven đường. Bên một người thanh niên có khuôn mặt xương xương, lạnh lùng. Họ gần như không nói gì với nhau. Cô ta ủ tay vào cốc trà nóng, khói bốc nghi ngút. Thi thoảng cô ta ghé cốc vào miệng nhưng không hề uống một giọt nào. Sau đó người con trai bỏ đi. Cô ta vẫn tiếp tục ngồi ủ tay vào cốc nước đã bắt đầu nguội ngắt. Nhưng hình như cô ta không có cảm giác về điều đó nữa.

Có những điều đè nghiến mọi thứ cảm giác.

Bị  phản bội là một ví dụ.

*

Một lần khác, là ở cửa háng bán quần áo thu đông. Vùi mình vào giữa những bộ quần áo sặc sỡ mầu sắc hàng giờ đồng hồ – nhưng hình như không với mục đích mua bán. Vì khi cô ta trở ra, không tay xách nách mang . Không giở ví, tính tiền. Chỉ một khuôn mặt bợt bạt, vô hồn.

Một lần khác, tôi gặp  cô ta trong cửa hàng sách giảm giá trên phố

Một lần khác, ủ rũ ở hàng cơm bụi.

Một lần khác, chồn chân bên trạm đợi xe buýt

Và đâu đó,có một lần, trong những phút gặp thoáng chốc ấy –  tôi thấy hình như cô ta khóc. Ở giữa ngã tư đèn đỏ. Tắc đường. Hoang mang.

Một chốc thoáng qua 2

Tôi đã từng gặp cô ta ở một đám tang.

Cô ta nhìn trân trân vào tấm ảnh người chết. Mắt cô ta mở to một cách kì dị.

Hình như có một thứ ngôn ngữ nào đó được trao đổi giữa họ – bức ảnh viền đen nghi ngút hương khói vây quanh – và cô ta.

Tôi thấy hơi lạnh từ cô ta toả ra. Cũng có thể là tôi nhầm. Nhưng nhà tang lễ hôm đó rất lạnh. Nhất là sau khi tôi bắt gặp cô ta.

Cô ta không nhập vào đoàn viếng nào cả. Chỉ đứng dựa vào tường, phía cạnh cửa ra vào. Và nhìn trân trân vào tấm ảnh người quá cố.

Nhạc cử hành ai oán.

Những viền khăn tang nhưng nhức mắt.

Tôi rời khỏi phòng tang lễ, vẫn thấy buốt lạnh một cách kỳ lạ. Kiểu như đang đứng giữa trời mùa đông, mưa giá và nhiệt độ tiến gần về độ âm.

Sau lưng tôi – là cô ta – đi rất gần.

Thậm chí tôi đã từng tự hỏi: cô ta có thật sự tồn tại hay không? Hay chỉ là một ảo giác. Có lúc cô ta dường như không hề đặt chân trên mặt đất, mà người vẫn lướt đi rất nhanh. Làm sao có thể như thế được – với một con người.

Điều chắc chắn là tôi đã từng gặp cô ta. Buốt lạnh.

Tranh minh họa của họa sĩ NGÔ XUÂN KHÔI

Tang lễ

Sau một hồi thương lượng, nhà tang lễ P. cũng chấp nhận để chúng tôi chuyển xác Em đến. Sẽ chỉ có 2 giờ đồng hồ. Buổi trưa, từ 11g đến 13g. Chấm hết. Không mặc cả. Không xê xích dù chỉ năm mười phút. Thế là đã nể nhau lắm rồi.

Ông phụ trách nhà tang lễ có khuôn mặt phẳng lì, da xanh tái nhìn chằm chằm vào chúng tôi:

– Những trường hợp đặc biệt thế này, các anh các chị có đi quanh cái Thành phố này, cũng chả ai người ta chịu nhận đâu. Chết không rõ nguyên nhân thế. Chà… cái này không đơn giản đâu. Mà các anh các chị bây giờ cũng thật… Đang tuổi trẻ phơi phới như thế…

Mặt phẳng lì, da xanh tái bất chợt chững lại. Hình như không phải lúc. Người chết thì cũng chết rồi. Có ai bỗng dưng đang sung đang sướng lại đi đâm đầu vào chết đâu. Phải có cơn cớ chứ. Chết là thiệt thân. Còn rủa trách người ta làm gì. Cũng chỉ có hai giờ đồng hồ. Rồi thì đường ai nấy đi. Âm – Dương không chung lối.

Đám chúng tôi, chả ai còn lòng dạ  nào. Ừ thì hai giờ đồng hồ. Xúm nhau lại, mỗi người mỗi việc. Người lo mua chè đổ vào quan tài. Người lo cắt chữ, đặt hoa tang lễ. Người lo thông báo cho bạn bè, làm việc với cơ quan. Rồi thì điếu văn. Nào đã ai quen với những chuyện bi ai thế này.

Chúng tôi chưa ai từng gặp mặt Em.Chỉ là những cuộc làm quen, chát chít trên mạng. Các buổi sinh hoạt offline em đều từ chối. Nhưng blog của Em thường khiến người ta phải tò mò và tranh cãi rất nhiều.

Chúng tôi thường tự hỏi: Một hot blogger như Em thì có gì đặc biệt? Đặc biệt đến độ phải tìm đến cái chết để nương náu?

Chúng tôi đọc blog của Em mỗi ngày. Đọc với sự tò mò thích thú không cưỡng lại nổi. Gần đây, đọc những entry bất thường trên blog của Em, chúng tôi biết  Em đang gặp khó khăn, bế tắc. Những khó khăn bế tắc âu cũng là chuyện thường tình với người trẻ như Em, khi phải chống chọi đương đầu với cuộc sống phức tạp này. Chúng tôi cùng comment để chia sẻ với nhau. Cảm thấy mình được an ủi rất nhiều.

Ngay cả khi blog của Em treo hai chữ ĐÃ CHẾT trên blast, chúng tôi chỉ nghĩ đó là một trò đùa, hay một sự khủng hoảng nhất thời. Có người vào động viên, ai ủi. Blog im hơi lặng tiếng mấy hôm, rồi lại thấy Em post tiếp. Em viết cho mẹ. Viết như trăng trối.

Chúng tôi đâu biết đó là những dòng nhắn gửi cuối cùng của Em.

Đến tận khi nhìn thấy dòng chữ  treo trên blog rằng “ngày …, tại số nhà…, làm ơn hãy tới tìm xác tôi”, chúng tôi  – những người có trong friendlist của Em mới giật mình, hoảng hốt. Điện thoại hối hả réo gọi cho nhau. Xe máy chạy như điên đến nơi.

Em nằm đó. Bên cạnh chiếc máy tính vẫn nhấp nháy sáng. Choán cả màn hình là trang Blog đặt chế độ màu đen kịt.  Mục “About me” ghi: KHÔNG CÒN SỐNG.

– Cả tháng nay, chỉ thấy nó quanh quẩn ở nhà (Lời bà cụ bán hàng nước trên vỉa hè, gần nhà Em thuê)

– Đã chết rồi cơ à? (Lời cô trực điện thoại cơ quan Em)

– Cô ta đã nghỉ việc, chúng tôi không chịu trách nhiệm về cái chết của cô ấy (Lời vị lãnh đạo cơ quan Em)

Chúng tôi có lục tìm được chứng minh thư của em. Sau đó đăng tin  trên báo. Rồi lần tìm về quê em. Mẹ em đang ốm nặng. Người nhà đề nghị làm tang lễ cho Em trên Thành phố để mẹ không biết. Sau này, họ sẽ tìm cách thông báo cho mẹ sau.

Mọi thứ được quyết định chóng vánh.

*

Hai giờ đồng hồ.

Đội nhạc lễ nhìn đồng hồ trước khi chỉnh lại nhịp phách.

Vòng hoa đến khá trễ. Ít cửa hàng có sẵn vòng hoa trắng. Phải đặt trước. Đặt rồi có khi cửa hàng đông khách quá thì vẫn phải chờ. Nhóm nhận nhiệm vụ đi đặt vòng hoa, mồ hôi nhễ nhại, đứng thanh minh thanh nga. Chả ai còn bụng dạ để nghe – dù biết người về trễ có nhu cầu được bày tỏ.

Chỉ có hai giờ đồng hồ.

Sân nhà tang lễ nóng hầm hập.  Mấy cây đại lúp xúp không che nổi đám người dúm dó đứng bên nhau.

Người nhà dưới quê lên chỉ có một bà bác và một ông cậu. Mặt mũi ốm đau sầu thảm. Bố nó bỏ đi mấy năm nay rồi. Mẹ nó lấy công tác xã hội làm vui. Họ hàng nội ngoại cũng li tán cả. Mấy năm trước em nó cũng có  bà cô họ ở Thành phố này, nay thì cả nhà sang Tây làm ăn sinh sống cả rồi. Thôi thì trăm sự nhà các cô các chú, đã  thương em nó thì thương cho trót. Gia đình gom nhau lại được chút tiền này để lo cho em nó. Mộ phần thì đã có người lo ở dưới quê. Làm lễ ở đây xong thì xin phép các cô các chú, chúng tôi đưa em nó về.

Tiền được quấn trong khăn mùi xoa loang lổ vết ố. Nước mắt nước mũi tiếp tục quệt vào.

*

Họ cũng đến. Năm bảy con người. Đứng thành hàng, với vẻ nghiêm trang và vô cảm một cách rất công chức.

Phong bì chuyển lên phía ban thờ nghi ngút khói hương.

Sau khi nhận thẻ nhang cháy đỏ do người nhà đưa cho, họ nhìn nhau ra hiệu rồi cùng cúi đầu. Một… hai … ba. Đều đặn và  bài bản. Người đàn ông to béo đi đầu. Mắt hột đậu ti hí. Chân lê lệt xệt vòng qua linh cữu người quá cố. Nhưng ông ta không nhìn mặt Em qua lớp kính trên quan tài. Chỉ là bước qua chiếu lệ. Hai con mắt hột đậu liếc xéo về phía người nhà. Bàn tay chìa ra nhũn nhẽo là và lạnh ngắt.

Những người phụ nữ đi sau hiếu kì hơn. Họ dừng khá lâu ở khuôn mặt em nhắm nghiền như ngủ. Khuôn mặt bợt bạt, vô hồn, do phải nằm phòng lạnh mất  sáu hôm. Có người đưa tay chấm nước mắt. Những cái bắt tay hoảng hốt.

Xe biển xanh đợi sẵn dưới đường. Năm bảy con người dền dứ nhau người trước người sau. Cửa đóng sập. “Hôm nay tôi mời mọi người đi ăn thịt chó máy lạnh. Giải đen” – mắt hột đậu phán.

Cả xe râm ran: “Vâng, nhất trí”, “Cứ theo ý sếp đi ạ” , “tháng này em cũng đang đen”

Xe mất hút trong nắng gắt. Để lại nhà tang lễ vắng hoe.

*

Anh ta cũng đến.

Nặng nhọc và mệt mỏi. Kiểu nặng nhọc của người không ưa vận động. Mắt dáo dác nhìn quanh. Có ý chờ đợi.

Sau nhiều lần đắn đo, anh ta rời khỏi cột đá phía trước cửa nhà tang lễ, tiến vào bên trong. Suýt vấp ở bậc cửa. Đầu cúi gằm. Vái vội. Lập cập đi vòng quanh linh cữu. Không nhìn ai. Rồi tiến nhanh ra phía cửa bên. Đi thẳng ra nhà để xe. Xe dắt suýt đổ. Rồi cũng ngồi được lên. Tra chìa vào ổ. Nhấn ga. Vào số luôn ba nhịp. Vọt đi.  Mũ bảo hiểm quên đội.

Sảnh nhà tang lễ lại trống tênh. Em buồn rầu ngồi trên khung ảnh viền đen, nhìn xuống thân xác mình đang nằm im lìm trong quan tài chập chờn ánh nến.

*

Diệp khóc khóc mếu mếu gọi điện về cho chúng tôi. Nhờ đi viếng một đám ma. Của một người bạn mà chúng tôi đã từng gặp mặt. Em. Đương nhiên là chúng tôi nhớ. Cái dáng ngồi  dè dặt . Đôi kính mắt trễ xuống ngang sống mũi, để lộ một đôi mắt xám xịt vì mất ngủ. Khi đó Em trông hơi ốm. Nói chung là một vẻ ngoài không thực ổn. Nhưng chúng tôi không nghĩ đến một kết cục bi thảm thế này. Những gì Em trải qua trong cuộc sống có lẽ không bi đát bằng chúng tôi. Vậy thì tại sao lại là một quyết định “dừng cuộc chơi” quá sớm nhường ấy?

Giữa nhà tang lễ nặng nề âm khí này, bất chợt chúng tôi cùng gặp nhau ở ý nghĩ: Giá như em đến với chúng tôi sớm hơn, có lẽ em sẽ có một lựa chọn khác? Hoặc giả, vì gặp chúng tôi mà em mới có những hành xử tiêu cực như vậy?

Thật trời mới có thể biết được chuyện gì xảy ra.

Cuộc sống này, há chẳng phải là một trận chiến ư?

Cô gái nhỏ. Em chấp nhận làm kẻ bại trận? Hay đơn giản đó là một lựa chọn để khước từ cuộc chơi quá đỗi phức tạp mà mệt mỏi này?

Lựa chọn thì đã lựa chọn rồi.

Làm sao có thể thay đổi đây.

Hả em?

*

Quyên.

Mắt sưng mọng.

Ôm chầm lấy quan tài.

Nước mắt nhoà tấm kính che trên mặt Em.

“Sao phải khổ thế này hả em? Chị đã bảo để chị vạch mặt kẻ phản bội thì em không muốn. Em chịu dựng một mình. Em chết thì thiệt thân em. Em ơi là em.”

Bát hương bỗng nhiên đùng đùng bốc cháy.

*

Hai giờ đồng hồ cho tang lễ. Hoá ra chả biết làm gì cho hết. Vì chỉ vẻn vẹn mấy chục con người đừng túm tụm, sụt sịt, kể lể.

Vĩnh biệt Em.

Trả lại Em về với cõi ảo.

Cầu chúc cho em hạnh phúc.

Hậu kì

Sau khi đã hình dung tường tận về tang lễ của mình, nó quyết định thay đổi kế hoạch.

Giống như thao tác delete một entry.

 

 


Exit mobile version