Tháng 9 – 2012, T mất tích của nhà văn Thuận đã ra mắt tại Pháp (Đoàn Cầm Thi dịch). Tuy nhiên một bí mật thú vị về cuốn sách này vừa được nhà văn Thuận tiết lộ tại cuộc giao lưu gặp gỡ ngày 9- 3 vừa qua tại Hà Nội: T mất tích bản tiếng Pháp có thêm chương Vĩ thanh mà bản tiếng Việt – xuất bản cách đây 5 năm không có.
Nhà văn thành nhân vật của chính mình
Với hàng loạt đầu sách như: Made in Vietnam, Chinatown, T. mất tích, Paris 11 tháng 8, Vân Vy nhà văn Thuận không còn là cái tên xa lạ với công chúng Việt Nam. Tuy nhiên không phải ai cũng tạo được sự tò mò thích thú như Thuận bởi những trang văn biến ảo, sắc sảo, giầu chất giễu nhại, cũng như sức sáng tạo dẻo dai của chị.
Tháng 9 – 2012, T. mất tích của nhà văn Thuận đã ra mắt tại Pháp (Đoàn Cầm Thi dịch). Tuy nhiên một bí mật thú vị về cuốn sách này vừa được nhà văn Thuận tiết lộ tại cuộc giao lưu gặp gỡ ngày 9- 3 vừa qua tại Hà Nội: T. mất tích bản tiếng Pháp có thêm chương Vĩ thanh mà bản tiếng Việt – xuất bản cách đây 5 năm không có. Đây là phần tác giả mới viết thêm, trước khi cuốn sách được chuyển dịch sang tiếng Pháp.
Phần vĩ thanh chưa được giới thiệu bằng tiếng Việt cho độc giả trong nước, bởi vậy dù được nhà văn Thuận đã mô tả một cách khá chi tiết về nội dung, diễn biến, nhưng nó vẫn tiếp tục gợi nên sự tò mò với độc giả: nhà văn đã sáng tạo thêm cho tác phẩm của mình như thế nào sau 5 năm tác phẩm chào đời? Bố cục tác phẩm liệu có bị phá vỡ hay chuyển sang hướng mới? Sáng tạo văn chương theo quan niệm của Thuận là gì?
Giải thích về điều này, nhà văn Thuận cho biết: Nhà văn không bao giờ hài lòng hoàn toàn với những gì mình viết. 5 năm sau, quan niệm nghệ thuật của người viết thay đổi, bởi vậy tôi quyết định viết thêm phần Vĩ thanh. Ở chương mới này, tác giả trở thành một nhân vật trong tác phẩm của chính chị ta. Nhân vật T. mất tích, không ai tìm được T.; nhưng độc giả tìm được tác giả. Tác giả của T. sẽ kể về hành trình cô ta đi tìm T. như thế nào. Phần Vĩ thanh, bởi vậy có dáng dấp của một du kí, thông qua câu chuyện của tác giả, thế giới trong tác phẩm được vẽ lại một lần nữa, phức tạp hơn. Nhà văn – kể theo lối tự sự , dựng lại những cuộc hành trình của mình, kể về mối quan hệ phức tạp của mình với nhân vật, và cuối cùng nhà văn đã đánh mất nhân vật của mình ra sao.
Nhà văn Thuận chia sẻ: Mối quan hệ giữa tác giả và nhân vật của mình là điều mà tôi rất quan tâm. Tôi rất muốn mình là một nhân vật trong chính tác phẩm của mình
Điều này đã thể hiện khá rõ nét trong các tác phẩm của Thuận. Các nhân vật nữ trong tác phẩm của Thuận mang bóng dáng khá rõ nét của chính tác giả. Thậm chí, T. mất tích, bản tiếng Pháp, người chồng của T. có tên là Vũ (trùng với tên chồng của tác giả ngoài đời).
Tham vọng được “quấy rầy” độc giả
Không chỉ muốn đưa mình trở thành nhân vật của chính mình, để được tự mình chế giễu mình (theo cách nói của Thuận), Thuận còn có một tham vọng khác trong việc “quấy rầy” độc giả của mình. Vì khi độc giả bị quấy rầy, họ buộc phải suy nghĩ cùng tác giả. Và cách này giúp nhà văn đã lôi được độc giả vào trang sách của mình .
T. mất tích mang danh nghĩa là một cuốn tiểu thuyết trinh thám, tuy nhiên nó không nhằm đưa ra một vụ án, không có người chết, khồng có súng nổ, không có những chuyện tình bi thảm. Độc giả cảm thấy bị quấy rầy, bị làm phiền vì những gì diễn ra trong tác phẩm không giống như họ hình dung. Họ – thậm chí có thể cảm thấy mệt mỏi trong một mê cung mà tác giả đã dàn dựng. Tác phẩm không phải là bữa cỗ dọn sẵn, và nhà văn luôn cần độc giả đồng hành và cùng sáng tạo với mình. Họ đọc tác phẩm, suy nghĩ, đặt ra các câu hỏi, đó là điều mà Thuận hướng tới.
Với T. mất tích, Thuận đã “âm mưu” một cuộc thay đổi ngoạn mục về thể loại trinh thám. T. mất tích – ban đầu đậm đặc chất trinh thám, với dòng đầu tiên của chương đầu tiên, cũng chính là tên tác phẩm: T. mất tích. Một dòng thông báo ngắn gọn, nhưng lại gợi rất nhiều suy đoán. Theo mạch thông thường của trinh thám, cảnh sát được vời vào cuộc. Cuộc tìm kiếm T. có mầu sắc kịch tính cao độ. Tuy nhiên, chỉ sau vài chương, tác giả đã đổi hướng hoàn toàn. Nhân vật xuất hiện ngày càng mờ nhạt, không có một cái tên cụ thể, không một bức ảnh chân dung, kí ức hiện lên không quá 3 câu ngắn.
T. là ai? Điều thú vị là chính người sáng tạo ra T. cũng không viết T. là ai; ở đâu
“Viết không bao giờ là làm hài lòng độc giả. Nhà văn không chỉ là người kể chuyện đơn thuần. Có những người kể chuyện rất hay, và vì vậy không cần đến nhà văn làm công việc của một người kể chuyện tên là Thuận”. T. mất tích là cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ. Mặc dù không tìm được T., nhưng nhà văn hiểu thêm một phần nào bản thân mình.
Nhà văn Thuận bày tỏ: Nhà văn không phải là ông thánh và nhân vật không phải là con rối trong tay tác giả. Nhân vật có đời sống của riêng mình, số phận của họ không phụ thuộc vào tác giả. Quan niệm văn chương cũng như cuộc sống là những cuộc tìm kiếm không ngưng nghỉ. Nhà văn không chỉ đi tìm các nhân vật của mình mà còn đi tìm các cách thể hiện mới, phong cách văn chương mới. Chỉ khi tôi viết tôi mới hiểu rằng tôi luôn đứng về phía những người bất hạnh.
Không quan trọng mình là ai
Không ai trả lời được câu hỏi T. là ai. Còn bản thân nhà văn Thuận có trả lời được câu hỏi: Thuận là ai? Thời gian Thuận sống ở Pháp nhiều hơn ở Việt Nam. Chị viết văn bằng tiếng Việt, tại Pháp. Vậy chị tự nhận mình là người Pháp hay người Việt?
“Tôi không quan trọng mình là ai. Tôi là nhà văn viết văn bằng tiếng Việt ở nước Pháp” – Thuận dí dỏm trả lời – “Chính vì thế tôi có cách nhìn Việt Nam từ bên ngoài, có điều kiện so sánh Việt Nam với các nước Phương Tây. Tôi lúc nào cũng muốn có một cái nhìn mang tính khách quan, không phụ thuộc mình mang quốc tịch Pháp hay quốc tịch Việt Nam. Văn chương phải đứng trên tất cả những cái đó. Tôi quan tâm hơn đến việc viết về Việt Nam như thế nào. Với tư cách là một nhà văn viết bằng tiếng Việt ở nước ngoài, Việt Nam với tôi không phải là một cuộc chiến dù bây giờ vẫn còn nhiều vết thương chưa khắc phục được. Việt Nam không phải là một tấm bưu thiếp dù Vịnh Hạ Long là điểm đến của nhiều người trên thế giới. Việt Nam là đất nước với hơn 85 triệu dân, hơn 85 triệu số phận, đòi hỏi nhà văn phải thể hiện được sự phong phú của những con người sống trên đất này.”
Điều ấy giúp lý giải vì sao, nước Pháp hiện lên trong tác phẩm của Thuận không phải là tháp Eiffe nhấp nháy, không có café với bánh sừng bò. Nước Pháp trong tiểu thuyết của Thuận là chim quay húng lìu ở quận 13, là trận nóng lịch sử năm 2003 làm 15.000 người chết, nước Pháp của những người di dân, của ông già quét tầu điện nuôi cả gia đình 6 người… Hiện thực nước Pháp hiện lên lạnh lùng, mỉa mai, chua xót.
Khi T. mất tích ra mắt tại Pháp, cuốn sách đã được đón nhận nồng nhiệt. Báo chí Pháp dành nhiều bài viết thiện chí cho tác phẩm này.
Nhà văn Thuận cho biết: Ở Pháp, được xuất bản sách khó khăn vô cùng. Một năm ở Pháp có 2 mùa xuất bản. Hàng nghìn bản thảo được gửi đến các Nxb, và chỉ số ít trong đó được lựa chọn và xuất bản. Thuận là số ít các nhà văn Việt Nam ở Pháp. Và ở Pháp, văn học Việt Nam được biết đến ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực Châu Á , như Trung Quốc, Nhật Bản. Bản thân nhà văn Thuận không muốn sách của mình được chọn để xuất bản chỉ vì mình là nhà văn Việt Nam. T. mất tích được chọn dịch, xuất bản tại Pháp chính bởi chất lượng của nó.
Một thông tin đáng phấn khởi với các nhà văn Việt Nam, đó là tháng 10- 2012 vừa qua tại Pháp, tủ sách văn học Việt Nam đương đại đã chính thức ra mắt. Những thành viên sáng lập Tủ sách mong muốn giới thiệu được nhiều tác phẩm – tác giả văn học tiêu biểu của văn chương Việt Nam đương đại. Hiện nay sách của các nhà văn: Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà… đang được chuyển dịch và dự kiến xuất bản tại Pháp trong năm nay. Mong rằng thời gian tới, sẽ có nhiều tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam đương đại được giới thiệu tại Pháp, cũng như nhiều nước trên thế giới.
Văn nghệ Trẻ