N.Nam

Trò chuyện về môi trường, tương lai Trái đất và con người qua tác phẩm của Antoine de Saint-Exupéry do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội phối hợp với Nhã Nam tổ chức lúc 18g ngày 21/11.

Buổi tọa đàm được tổ chức nhân dịp ra mắt bản dịch cuốn tiểu thuyết Chuyến thư miền Nam của nhà văn Pháp nổi tiếng Antoine de Saint-Exupéry, có sự hiện diện của các diễn giả: TS Nguyễn Thùy Linh (Đại học KHXHNV) và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, tại Thư viện L’Espace, người tham dự vào cửa tự do.

Chuyến thư miền Nam cùng lúc là tự truyện của người phi công và thước phim tài liệu trữ tình chứa đựng những suy tư về chủ nghĩa anh hùng cùng nỗi cô độc hiện lên như người bạn đường trung thành của ông trong những tháng ngày đầu đời phi công. Một mình lèo lái cỗ máy bất kham và khó lường, mang theo những cánh thư hướng tới Nam Bán cầu, bay qua những vùng trời khắc nghiệt nơi mỗi sự cố đều có thể đồng nghĩa với cái chết, hoặc bởi một cú hạ cánh thất bại hoặc bởi những phát súng trường hay nhát gươm sắc lẹm của bộ lạc du mục chốn sa mạc. Cuộc đời phi công đầy bất trắc và cô đơn ấy chỉ được cứu rỗi bằng ánh sáng của tình yêu, từ mối tình phiêu lưu với những trìu mến xa xôi, tựa nguồn nước mát lành hóa giải cơn khát, tựa kho báu bao năm chôn sâu dưới đất ngầm nay được mở ra. Một lần nữa, chúng ta sẽ gặp lại ở tiểu thuyết đầu tay của Antoine De Saint-Exupéry lối văn đầy chất thơ và bút pháp ẩn dụ đã làm nên thành công rực rỡ cho kiệt tác Hoàng tử bé.

Từ cuối những năm 1920, sau một thời gian làm phi công và bắt đầu xuất bản các tác phẩm kể lại những trải nghiệm bay, những chiêm nghiệm của mình khi từ trên cao nhìn xuống Trái đất, Antoine de Saint-Exupéry không chỉ đơn thuần là kể chuyện, bằng một văn phong trữ tình, giàu chất thơ, đầy tưởng tượng và nhân văn, mà ông còn giống như thể một “nhà tiên tri” đưa ra những suy ngẫm về môi trường, tương lai của hành tinh và loài người.

Với ông, môi trường không dừng ở cái cây, ngọn cỏ hay khu rừng. Ông nhắc nhớ chúng ta, qua hầu hết các tác phẩm của mình, từ những tác phẩm đầu tiên như Chuyến thư miền Nam, Bay đêm, Xứ con người… đến những tác phẩm về sau này khiến ông càng trở nên nổi tiếng như Hoàng tử Bé… rằng môi trường bao quanh chúng ta không chỉ là thiên nhiên vốn tồn tại trước chúng ta, và đã đến lúc phải quan tâm tới cả môi trường mà chúng ta tự dựng xây cho mình, dù đó là môi trường đô thị, xã hội, kinh tế, chính trị, vật chất hay tinh thần.

Chuyến thư miền Nam vừa là tự truyện của một phi công, vừa là thước phim tài liệu trữ tình nói lên những suy nghĩ về chủ nghĩa anh hùng, và về nỗi cô đơn luôn đồng hành cùng người phi công trong suốt mỗi chặng bay.

Nhà văn Antoine de Saint-Exupéry (ảnh anthonyuu.wordpress.com)

Nhà văn Antoine de Saint-Exupéry sinh ngày 29/6/1900 tại Lyon, Pháp. Từ thời thơ ấu, cậu bé Antoine đã nuôi dưỡng niềm say mê bất tận với máy bay. Dù kết quả học tập chỉ ở mức trung bình nhưng cậu bé rất thích viết lách và từng đoạt giải trong cuộc thi kể chuyện thời trung học.

Năm 1917, Saint-Exupéry lấy bằng tú tài nhưng thi trượt vào trường Hải quân. Sau đó ông thực hiện nghĩa vụ quân sự tại một trung đoàn Không quân ở Strasbourg, rồi Casablanca. Sau vụ tai nạn máy bay vào năm 1923, ông giải ngũ và chỉ lái máy bay trở lại vào năm 1926 với công việc chuyên chở thư tín qua lại giữa Toulouse và Dakar. Chính trong thời gian này ông xuất bản cuốn sách đầu tay L’aviateur (Phi công). Tiếp đó là “Courrier du Sud” (Thư phương Nam), “Vol de nuit” (Bay đêm) và đặc biệt, “Terre des hommes” (Xứ con người) giành Giải thưởng của Viện Hàn Lâm Pháp năm 1939.

Trong thế chiến thứ hai, ông đã cố đăng ký làm phi công chiến đấu nhưng do nhiều lần bị tai nạn và sức khỏe suy giảm, ông chỉ được xếp ở lực lượng dự bị và đảm trách những nhiệm vụ nhẹ nhàng. Trong một lần thực hiện nhiệm vụ, ngày 31/7/1944, máy bay của ông mất tích trên không phận Địa Trung Hải. Saint-Exupéry được công nhận là “Hy sinh vì nước Pháp”.

Văn học quê nhà

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài