Sáng ngày 9/9, Khoa Viết văn – Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm Trúc Thông – Chầm chậm tới mình.
Đây là buổi tọa đàm thứ 2 trong năm 2015 về nhà thơ Trúc Thông với mong muốn nhìn nhận lại những giá trị và đóng góp của ông trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
Nhà thơ Trúc Thông là một trong những gương mặt nổi bật của nên thơ Việt Nam sau 1975 với nhiều nỗ lực làm mới thơ Việt và đã tạo được những ảnh hưởng đối với một số cây bút cùng thời. Ông là tác giả của 4 tập thơ: Chầm chậm tới mình, Maratong, Vừa đi vừa ở. Gần đây nhẩt, một tuyển thơ mang tên Trúc Thông thơ ( NXB Hội Nhà văn, 2015) vừa ra mắt bạn đọc.
Tại buổi tọa đàm, rất nhiều bài tham luận đã được đưa ra, hầu hết đều nhấn mạnh nỗ lực làm mới thơ Việt của nhà thơ Trúc Thông. Cách tân của Trúc Thông âm thầm lặng lẽ nhưng mang một tham vọng lớn, ông không chỉ cách tân cái viết mà còn cách tân cả cái được viết, mang đến một hệ thẩm mỹ mới cho thơ Việt.
Trong bài tham luận, nhà nghiên cứu lý luận phê bình Chu Văn Sơn khẳng định nhà thơ Trúc Thông là người vẽ tranh trên lớp lụa ngôn từ, cả cuộc đời đi tìm và tôn vinh vẻ đẹp trong lành – một giá trị của cuộc sống.
Bên cạnh việc nhìn nhận lại những giá trị và đóng góp của Trúc Thông trong nền văn học Việt Nam hiện đại, buổi tọa đàm còn là dịp để giới cầm bút ôn lại những kỷ niệm, sống lại những năm tháng và tìm thấy cái “Trong” trong mỗi vần thơ Trúc Thông. Buổi tọa đàm có sự tham dự của nhiều nhà văn nhà thơ, nhà lý luận phê bình như nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà thơ Vũ Quần Phương… và đông đảo bạn đọc.
Theo Kim Phượng – Thể thao & Văn hóa