Thanh An

 Ngày 27/11, tưởng nhớ 10 năm ngày mất nhà thơ Chính Hữu, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm thơ ông với sự góp mặt của nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà phê bình Lê Thành Nghị, TS Nguyên An, nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình, nhà thơ Trần Đăng Khoa…

Sinh năm 1926, mất năm 2007, gia tài thơ của Chính Hữu chỉ vỏn vẹn 48 tác phẩm đã được ông xuất bản trong Tuyển tập Chính Hữu năm 1998. Nhưng như nhà thơ Trần Đăng Khoa nói về thơ ông thì ông viết ít, viết ngắn nhưng thơ ông lại ở lâu trong lòng người đọc và đóng đanh ở trong đó.

Buổi tọa đàm về thơ Chính Hữu không giống như nhiều buổi khác mà Hội Nhà văn từng tổ chức với những bài tham luận chỉnh chu, cầu kì. Tại đây, diễn giả, người nghe cùng chia sẻ và ôn lại những kỉ niệm về một người lính làm thơ, về một ông “quan văn nghệ” làm lãnh đạo hay một người cân bằng giữa hai luồng ý kiến.

Nhắc đến ông trong vai trò của người kế cận tại Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN), nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Chủ tịch HNVVN nói: Chính Hữu là người quan tâm đến các nhà văn và lực lượng viết trẻ. Ông cũng là người đưa phương châm cân bằng giữa hai chiều ý kiến cấp tiến và thủ trong HNVVN để là trung tâm đoàn kết, lắng nghe, kiên nhẫn và điềm tĩnh giúp cho HNVVN vượt qua những lần sóng gió.

Nhà phê bình Lê Thành Nghị đã dày công ghi chép những câu thơ hay nhất của ông để chia sẻ tại tọa đàm như: “Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa/ Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng”(1); “Mười năm đi mải miết/ Mang quê mình xanh biếc trên lưng/ Người xa rồi hàng quân đã khuất/ Lá ngụy trang còn đọng tiếng chim rừng”(2) hay “Đêm nay/ Rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo”(3)

Nói về thơ của Chính Hữu, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng thơ ông viết theo lối tự do, hiện đại và cả đời ông chỉ làm 4 câu thơ lục bát. Và tuy làm thơ ít nhưng ông như đúc từng chữ cho thơ mình. Đặc biệt, ông cũng rất thành công ở những đề tài thơ khó như duyệt binh, bỏ phiếu. Tuy nhiên, ở vị trí một lãnh đạo làm thơ, Chính Hữu vẫn nổi bật là con người chính trực, khiêm dung.

Có thể nói rằng buổi tọa đàm không quá dài nhưng với thời gian đó, người tham dự đã có cái nhìn tổng thể về hình ảnh con người và đời thơ của nhà thơ Chính Hữu. Những khắc họa đó không phải thể hiện ở thơ ông mà ở ngay trong những lời kể, trong lòng của những người đã từng làm việc, đã là cấp dưới hay là đồng nghiệp của ông.

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version