Nghệ sĩ đang chăm sóc gấu hỗ trợ đưa gấu vào lồng vận chuyển

Sáng 15/6/2021, Tổ chức Động vật Châu Á thực hiện cứu hộ bốn cá thể gấu tại Rạp xiếc Trung Ương Hà Nội. Đây là bốn cá thể gấu cuối cùng của Rạp xiếc Trung Ương Hà Nội, được tự nguyện chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam chăm sóc, dưới sự đồng thuận và chứng kiến của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội.

Toàn cảnh rạp xiếc trung ương ngày cứu hộ

Theo thông tin của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cả bốn cá thể này đều là gấu cái, và đều trong tình trạng sức khoẻ ổn định, nặng khoảng 60 kg mỗi cá thể. Sự chuyển giao này là kết quả của quá trình điều chỉnh việc sử dụng động vật trong biểu diễn, thay thế xiếc động vật hoang dã sang huấn luyện và biểu diễn xiếc động vật nông nghiệp. Bốn cá thể gấu tầm 5-7 tuổi, được nuôi từ nhỏ, đã từng biểu diễn xiếc sẽ được đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc, được hưởng điều kiện chăm sóc và phục hồi tốt nhất trong suốt phần đời còn lại. Các nghệ sỹ và nhân viên chăm sóc gọi tên chúng là Nhất, Nhị, Tiên, và Ngoan. Tổ chức Động vật Châu Á ghi nhận sự phối hợp và trao đổi thông tin từ Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Hà Nội và Trung tâm Giáo dục thiên nhiên trong quá trình xác minh thông tin và chuyển giao gấu.

Nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid 19, và hạn chế di chuyển, tập trung đông người, phòng thú y của Rạp xiếc Trung Ương đảm trách quá trình đưa gấu vào lồng và vận chuyển gấu. Khi gấu về đến Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, các bác sỹ, y tá và chuyên gia của Trung tâm sẽ đảm trách việc kiểm tra sức khoẻ và tiếp nhận tại chỗ.

Đây là lần thứ hai Tổ chức Động vật Châu Á cứu hộ gấu từ Rạp xiếc Trung Ương Hà Nội. Vào tháng 4/2019, đơn vị cũng nhận hai cá thể gấu ngựa từ đây, và hiện cả hai gấu đều đang sống khoẻ mạnh, hoà nhập tốt tại các khu bán tự nhiên tại Trung Tâm. Lấy cảm hứng vui tươi từ hai cô gấu Sugar (đường), Spice (gia vị) trước đây, các nhân viên của Tổ chức quyết định đặt tên cho bốn gấu mới theo chủ đề này, là Chili (ớt), Saffron (nhuỵ nghệ tây), Tiêu, và Gừng với mong muốn cuộc sống phía trước của gấu sẽ luôn hấp dẫn và sống động. Sáu cô gấu “Spice Girls” sẽ cùng đoàn tụ tại mái ấm tự do Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Quá trình cứu hộ và chuyển giao gấu được diễn ra trọn vẹn trong buổi sáng ngày 15/6 nhờ sự tích cực hợp tác của các đơn vị Kiểm lâm địa bàn, Rạp xiếc Trung Ương, cũng như thể trạng của gấu.

Sau cứu hộ, gấu sẽ trải qua 30 ngày cách ly, được khám sức khoẻ và chữa trị các bệnh tật, thương tổn, trước khi được ghép nhóm và hòa nhập tại các khu bán tự nhiên. Thêm bốn cá thể gấu này, Trung tâm hiện có 186 cá thể gấu đang được chăm sóc trong điều kiện y tế tốt nhất, và được tận hưởng cuộc sống là gấu đích thực.

Tổ chức Động vật Châu Á đã vận động chấm dứt việc sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc tại Châu Á từ năm 2014. Kể từ đó tới nay, Tổ chức cùng với Liên minh Châu Á vì động vật (AFA) đã công bố một số báo cáo về những tác động tiêu cực đến tâm lý và thể chất của việc biểu diễn đối với động vật hoang dã, cũng như nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan quản lý văn hoá các cấp. Theo điều tra và thống kê của Tổ chức, hiện đã có 15 rạp xiếc ngừng hoàn toàn việc biểu diễn xiếc thú hoang dã, nhiều rạp cũng loại bỏ dần việc sử dụng động vật hoang dã trong biểu diễn. Nhiều trường học cũng ký cam kết không xem xiếc nếu có sử dụng động vật hoang dã và khoảng 32,000 người Việt Nam đã từng ký bản kiến nghị điện tử của Liên minh AFA về việc chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trong giải trí.

TS Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á cho biết: “Tổ chức hoan nghênh những chuyển đổi tích cực của Liên đoàn Xiếc Việt Nam và trân trọng cảm ơn Ban lãnh đạo và các nghệ sĩ, bác sỹ thú y của Rạp xiếc Trung Ương đã tin tưởng và chuyển giao cho chúng tôi chăm sóc những cá thể gấu từng gắn bó tại đây.”

Tổ chức Động vật Châu Á đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam hướng tới chấm dứt 100% số trại gấu còn lại trên địa bàn cả nước và đưa được thêm khoảng 800 cá thể gấu nữa về các cơ sở cứu hộ, lộ trình từ 2017 tới 2022. Thống kê mới nhất cho thấy cả nước còn khoảng 600 cá thể gấu nuôi trong các trang trại, trong khi gấu ngoài tự nhiên chỉ còn vài trăm cá thể. Cuối năm 2005, Chính phủ Việt Nam tiến hành lập hồ sơ và quản lý gấu trên cả nước nhằm mục đích quản lý số lượng gấu đang nuôi nhốt, chấm dứt tình trạng săn bắt gấu từ tự nhiên về nuôi.) Phần lớn gấu ngựa nuôi nhốt trong các trang trại vì mục đích thương mại, và có lẽ khoảnh khắc duy nhất mà những cá thể này được ra khỏi bốn bức lồng sắt xung quanh là khi bị gây mê để trích hút mật. Một số cá thể gấu được nuôi nhốt với mục đích làm cảnh hoặc để biểu diễn trong các công viên hoặc rạp xiếc

Theo BTC

Hồng Nhung đưa bài