GIAI ĐOẠN TIỀN ĐỔI MỚI VĂN HỌC/TIỂU THUYẾT
Trong văn học đương đại Việt Nam từ sau năm 1975 có một giai đoạn được gọi là “tiền đổi mới”: 1975-1985. Mặc dầu văn học giai đoạn này được xác định là vận động trong “quán tính”, nghĩa là nó chưa vượt thoát ra khỏi phạm trù “sử thi và lãng mạn” của văn học cách mạng, nhưng đã có những động thái và dấu hiệu tìm tòi, bứt phá, mở lối được tạo nên bởi một số nhà văn có tư tưởng nghệ thuật mới mẻ, được gọi là đi tiên phong như Nguyễn Minh Châu. Ông là người âm thầm, kiên trì tìm kiếm hướng đi mới của văn học. Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu viết trong khoảng 1976 đến 1984 đã là đối tượng cho một cuộc hội thảo rộng lớn, do báo Văn nghệ tổ chức năm 1985, đã rút ra được từ đó nhiều kinh nghiệm bổ ích cho sự phát triển văn học trong thời kỳ mới.
Tác giả Bùi Việt Thắng (ngồi giữa) trong buổi gao lưu ra mắt tiểu thuyết “Mưa đỏ” của nhà văn Chu Lai
Cũng trong giai đoạn có tính chất bước đệm này tiểu thuyết với tư cách một thể loại rường cột của văn học cũng đã có những chuyển động theo tinh thần đổi mới. Những tác giả có công đưa tiểu thuyết nhập vào trào lưu đổi mới văn học trước hết phải kể đến Nguyễn Trọng Oánh với Đất trắng (2 tập, 1979-1984). Cái căn cốt của tác phẩm này là nhìn thẳng vào sự thật, viết sự thật về chiến tranh. Cho đến tận hôm nay thì tinh thần vì sự thật vẫn luôn là một nhu cầu thúc bách và thường trực của nhà văn. Nhưng trên quan điểm phát triển thì viết đúng sự thật cũng chưa phải là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành bại của văn học. Nói cách khác mới chỉ là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Bản thân khái niệm “sự thật” trong văn học cũng luôn có biến động (sự thật sự kiện hay sự thật tâm hồn? sự thật phía ánh sáng hay phía bóng tối? sự thật có lợi cho nhân dân hay một nhóm lợi ích? vv và vv). Trung thành với sự thật chỉ mới là cảm hứng. Sự thành công của sáng tạo văn học/tiểu thuyết còn cần đến trước hết là tài năng của nhà văn.
NHÀ VĂN/TÁC PHẨM TIÊN PHONG: LÊ LỰU VÀ “THỜI XA VẮNG”
Có thể coi Thời xa vắng (1986) của Lê Lựu là đột phá khẩu của tiểu thuyết đổi mới. Nó có ý nghĩa như là một giọt nước làm tràn ly nước. Tiểu thuyết của Lê Lựu thấm đượm nhiệt hứng nhận thức lại thực tại về sau trở thành một khuynh hướng quan trọng của văn học đương đại, được viết theo tinh thần của “cái bi kịch”. Giang Minh Sài là một nhân vật bi kịch, bi kịch của sự ngộ nhận, đánh mất bản ngã. Bi kịch của kẻ nô lệ sống theo sự dẫn dắt của người khác. Về thi pháp thể loại, có thể nói, Thời xa vắng cơ bản vẫn nằm trong phạm trù truyền thống (xét về các phương diện cấu trúc, trần thuật, ngôn từ). Thời xa vắng đồng thời có yếu tố tự truyện, mở ra một dòng tiểu thuyết tự thuật được các nhà văn ưa chuộng sau này.
Nói Thời xa vắng của Lê Lựu như là một tác phẩm có ý nghĩa đột phá, đổi mới chúng tôi muốn nhấn mạnh đến cái mà nhà văn Nguyễn Minh Châu gọi là tầm tư tưởng của tác phẩm. Rõ ràng ở tác phẩm này cái nhìn nghệ thuật về cuộc sống và con người đã biến đổi quan trọng – đó là cái nhìn về xu thế ngày càng trở nên phức tạp hơn của hiện thực xã hội/như một thực thể và con người/như một cá thể phải thường xuyên được tri nhận như một đối tượng không có giới hạn cuối cùng. Một cánh én không làm nên mùa xuân. Nhưng những cánh én gọi bầy lại vô cùng quan trọng. Tiếng nói nghệ thuật giải phóng con người cá nhân tự do được văn học/tiểu thuyết cất lên và có đồng vọng. Có thể nói với Thời xa vắng lịch sử tâm hồn một con người đã là chứng tích của một thời đại. Tiểu thuyết của Lê Lựu đánh dấu cột mốc chuyển biến của văn học từ sự quan tâm triệt để đến “tập thể” chuyển sang “cá thể” (chú ý đến “con người này” như cách nói của Hê-ghen).
CAO TRÀO ĐỔI MỚI VĂN HỌC/TIỂU THUYẾT
Văn học/tiểu thuyết bước vào cao trào, theo chúng tôi, vào khoảng cuối những năm tám mươi, đầu những năm chín mươi của thế kỷ XX. Văn học đổi mới đã đi được bước đầu tự tin và thành tựu của mình với những tác giả truyện ngắn tài năng như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp. Nếu nói văn xuôi là “mặt tiền” của văn học đổi mới thời hậu chiến thì truyện ngắn là trinh sát viên, người lính xung kích. Khi những cỗ máy cái văn học – tiểu thuyết – ngự trị văn đàn thì đó là lúc văn học đổi mới, “lên đỉnh”. Có thể kể đến một số tiểu thuyết mà nếu thiếu chúng thì sự hiện diện của một thể loại nòng cột của văn học chưa thực sự định vị. Đó là Đi về nơi hoang dã (1988) của Nhật Tuấn, Thiên sứ (1988) của Phạm Thị Hoài, Chim én bay (1988) của Nguyễn Trí Huân, Góc tăm tối cuối cùng (1990) của Khuất Quang Thụy, Người đưa đường thọt chân (1990) của Bùi Việt sỹ,…
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1991, theo giới chuyên môn, là một “đỉnh” của văn học/tiểu thuyết đổi mới. Giải thưởng đã tôn vinh tiểu thuyết Thân phận của tình yêu của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường. Đây là những bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam trong thời chiến cũng như thời bình. Cả ba tiểu thuyết thành công này đều được viết bằng hình thức của “cái bi kịch”. Vì sao? Vì trong thế kỷ XX thì cuộc kháng chiến thần thánh 30 năm (1945-1975) chống Pháp và Mỹ cũng như xã hội thời hậu chiến chính là một hiện thực phong phú, phức tạp và dữ dội nhất bộc lộ những mâu thẫu, xung đột có tính thời đại. Đây là thời của tiểu thuyết. Thời khám phá nghệ thuật cái chưa hoàn tất của hiện thực và con người, thời khám phá những biến đổi triệt để nhất. Những giải thưởng hàng năm và cuộc thi tiểu thuyết sau này của Hội Nhà văn Việt Nam tuy không gọi là thoái trào nhưng rõ ràng là có sự “đuối sức”. Xin dẫn ra một ví dụ. Trong bàiCái thường nhật trong sự vĩnh hằng (Báo cáo của BCH Hội NVVN do nhà văn Vũ Tú Nam – Tổng Thư ký Hội NVVN – đọc trong Lễ trao Giải thưởng văn học năm 1992) đã thẳng thắn thừa nhận: “Năm nay khi xem xét các tác phẩm văn xuôi được in trong năm 1991…Những người được giao công việc giám khảo nhận thấy chưa có tác phẩm văn xuôi nào vượt qua được cái ngưỡng do các tác phẩm được giải đã tạo nên năm trước…Và thông thường sau một bước tiến mạnh, vẫn hay có một bước chững lại, lâu hay mau, để chuẩn bị cho một bước vượt lên tiếp sau… Không trao giải thưởng văn xuôi năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam muốn thể hiện một đòi hỏi cao hơn của xã hội đối với văn học”. Như vậy khi nói về những bước thăng trầm của tiểu thuyết là nói về một thực tế không thể chối cãi về những trồi sụt của sáng tác văn chương nói chung, tiểu thuyết nói riêng.
DIỆN MẠO THỂ LOẠI QUA NHỮNG CUỘC THI TIỂU THUYẾT
Từ năm 1998 đến 2015, trong vòng 17 năm, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức bốn cuộc thi tiểu thuyết: 1998-2000, 2002-2004, 2006-2009 và 2011-2015. Trước hết đứng về mặt chiến lược phát triển văn học, Hội Nhà văn Việt Nam đã tri nhận rõ vai trò của tiểu thuyết với tư cách là một thể loại rường cột của nền văn học dân tộc, hi vọng từ đó phát lộ những tác phẩm lớn xứng tầm thời đại. Có khoảng gần 1000 tác phẩm tham gia bốn cuộc thi này (chưa kể đến những tiểu thuyết tham gia các cuộc thi của các bộ, ngành trung ương phối hợp với Hội NVVN, như Bộ Công an, Bộ GTVT). Đã có nhiều giải thưởng. Đã có những cây bút nhuận sắc nhờ cuộc thi như Nguyễn Xuân Khánh, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Khắc Phục, Đào Thắng, Trung Trung Đỉnh, Trần Văn Tuấn, Xuân Đức, Vũ Huy Anh, Bùi Việt Sỹ,…Đã có những cây bút được phát hiện qua cuộc thi như Thùy Dương, Nguyễn Xuân Hưng, Thiên sơn, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Đình Tú,…
Có thể đưa ra một nhận xét gây nên những ý kiến trái chiều: Tiểu thuyết qua bốn cuộc thi mới chỉ có “nền” nhưng thiếu “đỉnh”, có “tác phẩm” nhưng thiếu “tác giả”, có “con người” nhưng thiếu “nhân vật”, có “lời nói” nhưng thiếu “ngôn từ tiểu thuyết”. Và cũng qua các cuộc thi nổi lên một vấn đề “tư duy tiểu thuyết”. Không ít nhà văn còn lẫn lộn giữa “truyện dài” và “tiểu thuyết” khi ghi tên thể loại cho tác phẩm của mình. Sức sống của tác phẩm ngắn ngủi sau giải thưởng,…Năm 2002 Hội NVVN đã tổ chức một hội thảo về đổi mới tư duy tiểu thuyết, về sau các tham luận được in thành sách dưới tên Đổi mới tư duy tiểu thuyết.
Những nhận định trên không phải là không có cơ sở. Nếu vẽ một đồ thị biểu đạt diễn trình của thể loại tiểu thuyết đương đại thì không tránh khỏi những băn khoăn nhất thời. Gần nhất là Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV (2011-2015) không có giải A, chỉ có 3 giải B và 9 giải C. Đó là một thứ giải đồng hạng, có tính mặt trận đoàn kết. Một cuộc thi không có giải Nhất có nghĩa là tiểu thuyết đang chững lại.
VĂN HỌC/TIỂU THUYẾT PHÁT TRIỂN THIẾU BỀN VỮNG
Nói văn học/tiểu thuyết phát triển thiếu bền vững bởi: Mới chỉ có số lượng mà còn thiếu chất lượng, có chiều rộng mà thiếu chiều sâu, có cái nhất thời mà thiếu sự bền lâu. Rất hiếm tác phẩm đứng vững qua thử thách thời gian như Hồ Quý Ly (Giải A cuộc thi 1998-2000) của Nguyễn Xuân Khánh, không hiếm tác phẩm không trụ hạng được trước dư luận công chúng như Hội thề (Giải A cuộc thi 2006-2009) của Nguyễn Quang Thân. Có cuộc thi (2011-2015) không có Giải A.
Không là quá bi quan khi nhận xét văn học nghệ thật/tiểu thuyết đang xa rời đời sống của nhân dân, tác phẩm thiếu sức mạnh thổi lên gió bão của đời sống. Nhà tiểu thuyết đang tỏ ra lúng túng trước sự phát triển vũ bão, phong phú và phức tạp của hiện thực đời sống. Kinh nghiệm sống cũ, tâm thế viết cũ và cả kỹ thuật cũ khiến cho nhà văn chỉ có thể viết ra những tác phẩm trung bình. Trong nghệ thuật cái trung bình đã ẩn chứa nguy cơ thất bại. Nhà tiểu thuyết thiếu một tầm triết học và văn hóa để đón đợi đời sống trong những bước đi khổng lồ, quanh co và phức tạp của nó. Và có vẻ như nhà tiểu thuyết còn chưa tìm ra “nhân vật thời đại”. Họ là ai? Họ là những trí thức – nghệ sỹ lớn, họ là những doanh nhân thành đạt, họ là những con người bé nhỏ bình thường đang làm nên đời sống hôm nay, hay là những hiệp sỹ giữa đời thường? Thậm chí là những nhà không tưởng “vĩ đại”? Hay họ là những nhân vật của quá khứ nhưng lại có chức phận giúp đồng bào mình “ôn cố tri tân”?
Có một cách nói theo tinh thần lạc quan: Đón đợi tiểu thuyết. Nghĩa là hãy nhìn về phía trước của thể loại này còn rất dài rộng. Hy vọng trong chờ đợi, tại sao không?
TÁC GIẢ TIỂU THUYẾT, HỌ LÀ AI?
Theo chúng tôi, đi tìm tác giả tiểu thuyết khó hơn tác giả truyện ngắn. Vì sao? Những tác giả thành danh nhờ truyện ngắn có thể nói là đông đảo và hùng hậu hơn trên văn đàn đương đại Việt: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Trần Đức Tiến, Trần Thùy Mai, Võ Thị Xuân Hà, Sương Nguyệt Minh, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư… Họ có thể viết tiểu thuyết nhưng đó là “sở đoản” (Nguyễn Huy Thiệp, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Ngọc Tư chẳng hạn). Chúng ta có thể tự hào nói về một nền thơ, nền truyện ngắn từ truyền thống đến hiện đại. Đặc điểm tư duy của người Việt có lẽ phù hợp và tương thích với loại hình “trữ tình” (thơ) và những cái “vừa khoảng” (truyện ngắn) hơn là “trường thiên” (tiểu thuyết) chăng?
Tác giả tiểu thuyết, họ là ai? Tôi không muốn nói đến trong bài viết ngắn này những nhà văn đã từng được vinh danh nhờ tiểu thuyết như Nguyễn xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Hoàng Minh Tường, Bùi Việt Sỹ, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh… Tôi muốn mượn cách nói của thể thao về những “hạt giống” tương lai trong lĩnh vực tiểu thuyết. Con số 3 tôi đưa ra sau đây có thể có nhiều người bất đồng ý kiến: Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương và Thuận. Mỗi người trong số họ khúc xạ một hướng đi của tiểu thuyết đương đại Việt dẫu cho mục đích cuối cùng là khám phá “cái bản thể’ của con người thời đại. Tạ Duy Anh với Khúc dạo đầu, Lão Khổ, Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối và Giã biệt bóng tối,tuy về số lượng chưa nhiều, nhưng đã có những đóng góp không nhỏ làm mới thể loại tiểu thuyết. Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh được xây dựng theo nguyên tắc “cái nghịch dị” (grotesque) và được đẩy đến tận cùng. Tạ Duy Anh đưa tiểu thuyết của mình gia nhập vào dòng tiểu thuyết ngắn đang có xu thế bành trướng trên văn đàn Việt đương đại. Nhà văn nhấn mạnh: “Tiểu thuyết vẫn còn đất sống và thời đại của nó vẫn còn. Tuy nhiên, để giữ được điều đó, nó buộc phải có những thay đổi để thích ứng. Xu hướng tiểu thuyết ngắn, thu hẹp bề ngang mà khoan sâu theo chiều dọc, đa thanh hóa sự đối thoại, nhiều vỉa ý nghĩa, bi kịch của thời đại được dồn nén trong một cuộc đời bình thường không áp đặt chân lý là những cái dễ thấy. Tiểu thuyết ít mô tả thế giới hơn là tạo ra một thế giới theo cách của nó, ở đó con người có thể chiêm ngưỡng mình, từ nhiều chiều hơn là chỉ thấy cái bóng mình đổ dài xuống lịch sử – Cái thiêng liêng và cái biếm họa không bị một đường vạch ngang thô thiển đẩy sang hai bên giới tuyến”. Khác với Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương đi bằng cả hai chân thơ và tiểu thuyết. Nhưng có lẽ độc giả yêu thích hơn là tiểu thuyết của anh với Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Trí nhớ suy tàn, Thoạt kỳ thủy, Ngồi, Mình và họ. Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương không hướng tới phía sáng cuộc sống, đã đành, nhưng cũng không quay ngoắt về phía tối. Nó ở khoảng giữa, lưng chừng, du di về cả hai phía. Vì thế nhân vật như đi trên dây, mạo hiểm vì không có bảo hiểm. Văn Nguyễn Bình Phương có “nhịp điệu”, một nhịp điệu vừa như trễ nải vừa như hối thúc. Tôi nói “cái lưng chừng” của văn Nguyễn Bình Phương là vì thế. Gần đây nhất Nguyễn Bình Phương công bố một phần tiểu thuyết mới của mình Ngày trở lại trên Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm (số 16, năm 2016). Trong Lời tòa soạn đọc thấy những nhận xét chính xác về Nguyễn Bình Phương: “Và quả thực ở tiểu thuyết này, phép bút mờ chồng văn bản “như của riêng” Nguyễn Bình Phương đã phát huy tối đa hiệu lực nén thời gian, không gian và một lượng sự kiện lớn trong những dòng ý thức kiệm lời đến tối giản”. Đồng thời cũng đưa ra một đánh giá về Nguyễn Bình Phương là một “cây bút đang rất sung sức”.
Trường hợp nhà văn chỉ có một chữ Thuận (định cư ở Pháp), tôi nghĩ sẽ tạo ra rất nhiều ý kiến trái chiều trong đánh giá. Những người bảo thủ ắt hẳn không thích bỏ phiếu cho Thuận gia nhập làng văn Việt. Nhưng thực tế thì có hẳn một bộ phận gọi là “Văn học Việt hải ngoại” khiến chúng không thể không tiếp nhận và quan tâm nghiên cứu. Những có ai đó cấp tiến thì lại “kê cao” Thuận thành ra như một đại diện cho xu hướng hội nhập mà chúng ta đang nói đầu cửa miệng là “hậu hiện đại”. Theo tinh thần khoa học, khi tri nhận văn học Việt trong tính thống nhất thì Thuận có thể xem là một người viết khá tiêu biểu cho bộ phận văn học Việt ở nước ngoài (có người gọi là văn học di dân). Tính đến nay Thuận đã in ở Việt Nam 6 tiểu thuyết: Chinatown (Phố Tầu), T mất tích, Paris 11 tháng 8, VânVy, Thang máy Sài Gòn, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư. Một tiểu thuyết liên quan đến Việt Nam (Maden in Vietnam), in ở Pháp. Chủ đề xuyên suốt trong tiểu thuyết của Thuận là người Việt tha hương và những bi kịch nhỏ mà họ suy nghiệm. Những kiếp người bị đánh bật cội rễ. Về kỹ thuật tiểu thuyết, nhiều nhà phê bình xếp Thuận là người theo chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernisme). Có hậu hiện đại hay không thiết nghĩ còn cần bàn tới bàn lui. Nhưng viết khác truyền thống thì rõ ràng như dưới mặt trời. Còn chuyện cái “khác”, cái “lạ” có trở thành cái “mới” hay không lại là một chuyện khác rất cần trao đổi. Xin nhắc lại một chi tiết, trong một cuộc hội thảo khoa học quốc tế, khi có tham luận nói về sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và chủ nghĩa hậu hiện đại thì nhà nghiên cứu văn học Đặng Anh Đào lại nói ngược, đại ý, đọc nhà văn này bà thấy hay chứ không thấy đâu là hậu hiện đại.
PHÍA TRƯỚC CỦA TIỂU THUYẾT
Ở Việt Nam chưa hề bàn tới chuyện “cái chết của tiểu thuyết” như trong văn học Âu châu những năm 50-60 của thế kỷ trước. Tôi thích tinh thần lạc quan của văn hào Nga thế kỷ hai mươi M. Sô-lô-khôp khi ông nói: Với nhà văn cũng như với người nông dân, không đặt ra vấn đề có nên gieo hạt hay không, mà là vấn đề làm thế nào để mùa màng bội thu. Tương tự không nên đặt vấn đề tiểu thuyết có chết? Dẫu sao thì trong diễn trình lịch sử văn học Việt Nam thời hiện đại, tiểu thuyết vẫn là một thể loại trẻ và giống như một sinh ngữ, nó là thể loại duy nhất biến đổi, phát triển (ý của M. Bakhtin). Nhìn vào lực lượng 6x, 7x trên văn đàn, thêm nhiều bằng chứng để củng cố lòng tin vào một tiền đồ của tiểu thuyết. Và sắp tới sẽ là lực lượng 8x. Các thế hệ tiền nhiệm rồi sẽ già đi theo thời gian. Một cuộc bàn giao chắc chắn sẽ diễn ra. Trong sự lựa chọn thể loại sáng tác rồi sẽ “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Những nhà văn trẻ sẽ dám thử sức của mình trong thể loại tiểu thuyết vì nó là một hình thức nghệ thuật hữu hiệu để lưu giữ hình bóng của lịch sử và khắc họa chân dung con người thời đại. Tiểu thuyết sẽ là thể loại rường cột của văn học dân tộc trong tương lai gần và xa./.
(Bài đăng trên báo Văn nghệ số 24 ra ngày 11-6-2016)