NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM 27.2

Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Lê Hoài Nam.
Gồm các truyện sau:

  1. Cây hoa lạ ở góc vườn
  2. Thung lũng sỏi
  3. Bên hàng rào kẽm gai
  4. Trời tây xa lắc
  5. Những giọt lệ đỏ thắm

Nhà văn Lê Hoài Nam sinh ngày 29 tháng 3 năm 1953, tại thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông ông đã viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Ông đã có mặt ở chiến trường Bình Trị Thiên vào những ngày tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Thời kì đó, Lê Hoài Nam mới chỉ yêu văn học chứ chưa biết sáng tác văn chương. Những gì chứng kiến trong cuộc chiến, nhà văn ghi lại bằng hình thức nhật ký. Phải mấy chục năm sau, khi bút lực văn chương đã vững, ông mới dùng những tư liệu ghi trong cuốn nhật ký ấy để sáng tác hàng loạt truyện ngắn đăng báo và tạp chí, tiêu biểu như các truyện: “Thung lũng sỏi”, “Chuyện rồi sẽ kể”, “Cuộc gặp muộn mằn”, “Đêm xuân may mắn”, “Sói con”, “Bên hàng rào kẽm gai”, “Cây hoa lạ ở góc vườn”, “Tình yêu vỗ cánh”… Và một phần của tiểu thuyết “Hạc hồng” (giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ năm, 2016 – 2020, của Hội Nhà văn Việt Nam).
Ông là hội viên Hội VHNT tỉnh Nam Định
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Năm 2023 nhà văn Lê Hoài Nam cho xuất bản tác phẩm “Khắc tinh với thần chết”. Có thể nói đây là cuốn tiểu thuyết đậm đặc chất liệu chiến tranh được viết với con mắt của người trong cuộc. Cuốn tiểu thuyết này hiện đang được đông đảo bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.
Ngoài đề tài chiến tranh, nhà văn Lê Hoài Nam còn viết hàng loạt truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký về đề tài hậu chiến; đặc sắc hơn cả là đề tài lịch sử, đề tài Thiên chúa giáo và Phật giáo được đông đảo bạn đọc đón nhận, hoan nghênh bởi vốn hiểu biết dầy dặn cũng như cách viết sáng tạo, mang phong cách rất riêng của ông.

Thung lũng Sỏi

Truyện ngắn của Lê Hoài Nam

Từ một thành phố miền trung, nơi tổ chức hội thảo, người lái xe của ban tổ chức đưa vợ chồng ông Đính theo con đường tỉnh lộ đi về phía tây, đến chân núi thì rẽ theo đường Trường Sơn. Đi đường Trường Sơn một đoạn lên dốc gặp một dãy núi bị ngắt quãng bởi một thung lũng cắt ngang, người lái cho xe xuống hết dốc rồi rẽ vào một con đường nhỏ phía bên này thung lũng.

– Đây chính là nơi bác cần tìm đến đấy – người lái xe nói khi đã phanh xe lại.

Ông Đính dắt bà Nham, vợ ông xuống xe. Quan sát xung quanh, ông Đính thấy ngờ ngợ, chưa thật tin đây là cái nơi ông cần tìm đến. Năm 1972, thung lũng này là nơi giáp ranh giữa đất của ta và vùng địch chiếm đóng. Không có đường ô tô, chỉ một con đường mòn xuyên rừng, bề ngang đủ hai người tránh nhau. Không có một ngôi nhà nào mọc lên chốn này cả. Còn bây giờ có hẳn một dãy nhà xây nhà gỗ đan xen bám lấy mặt đường buôn bán, mang dáng dấp một thị tứ. Ông Đính dắt vợ xuống thung lũng, gặp một con suối, giữa mùa khô nước chỉ còn le te chảy vòng vèo qua những hòn cù lao, bên dưới dòng nước trong vắt có rất nhiều sỏi. Những hòn sỏi màu trắng, màu vàng sậm bị dòng nước và thời gian bào nhẵn bóng. Những chỗ có hòn cù lao, sỏi bị nước xô thành đụn. Những hòn sỏi đã xác quyết với ông Đính rằng đây chính là cái thung lũng ông từng đi qua năm xưa.

Người lái xe chào vợ chồng ông Đính rồi đánh xe quay trở lại thành phố. Vợ chồng ông Đính đi ngược trở lên dốc đến một nhà nghỉ tường và sàn đều thưng bằng gỗ rừng, thuê một phòng trên tầng hai. Chủ nhà nghỉ làm một bữa cơm với các món gà rừng, cá suối, rau măng khiến vợ chồng ông Đính đều cảm thấy rất ngon miệng. Cơm xong, hai vợ chồng ngồi tựa lưng trên hai chiếc đi văng gỗ, mặt hướng qua khung cửa sổ rộng vi vút gió ngàn ngắm cảnh thung lũng mờ mờ ảo ảo như khói như sương.

– Tại thung lũng này, tôi có một kỷ niệm thời chiến tranh…

Bà Nham tỏ ra rất thích thú với ý tưởng này. Bà lấy ông Đính làm chồng sau chiến thắng 1975 mấy năm. Gần bốn mươi năm đầu gối tay ấp nhưng ông ít khi nói về công trạng của mình thời chiến tranh. Đi họp cựu chiến binh, người ta diện quân phục, quân hàm quân hiệu chỉnh tề, huân huy chương đeo đầy ngực; còn ông Đính vẫn mặc bộ thường phục như hàng ngày ông đến cơ quan làm việc. Huân huy chương cũng có nhưng không bao giờ thấy ông đeo. Tính ông khí khái thế. Như cái hôm mới đây nhận được giấy mời tham dự hội thảo: “Môi trường miền trung sau 40 năm chiến tranh”, ông Đính ngẫm nghĩ hồi lâu rồi quyết định cầm tờ giấy đó lên gặp ông Vụ trưởng, nói: “Cuộc hội thảo quan trọng thế này, đáng lẽ anh đi, và nếu anh bận không đi được thì anh cử mấy bác Vụ phó đi, chứ sao lại cử tôi?”. Ộng Vụ trưởng nói: “Anh Đính à. Anh tuy là chuyên viên, nhưng là chuyên viên chính, cuộc hội thảo đề tài này, điểm mặt trong vụ ta, anh có lợi thế hơn cả”. Ngừng lại một lát như để tính toán điều gì đó, ông Vụ trưởng nói tiếp: “Anh nên cho chị nhà đi cùng để chuyến đi có kỷ niệm của hai vợ chồng”. Bà Nham suốt bao nhiều năm làm vợ ông Đính là ngần ấy năm gắn bó, cột chặt thân phận với cái cửa hiệu tạp hóa trong con phố xép cạnh cái chợ cóc kiếm tiền, chung lưng đấu cật với ông để gia đình ông bà tồn sinh khá chật vật ở cái đất Hà Thành đắt đỏ. Chưa bao giờ bà Nham biết miền trung, biết dãy Trường Sơn là gì. Chuyến đi dự hội thảo này có bà đi cùng, coi như một món quà  ông Đính tạ ơn vợ.

Kỷ niệm mà ông Đính kể với bà Nham chẳng có gì đáng gọi là to tát. Cái mùa xuân năm 1972 ấy có những đợt mưa phùn ẩm ướt kéo dài. Thời tiết bất lợi khiến trung sĩ trung đội phó Lê Minh Đính bị chứng viêm amidam nặng phải đưa đi quân y viện. Thiếu úy bác sĩ Nguyễn Thị Nhị Hà chỉ hơn Đính vài tuổi, cắt amidam cho Đính. Đây là ca phẫu thuật đầu tiên trong đời bác sĩ Nhị Hà thực hiện, chẳng hiểu lóng ngóng, run tay thế nào cặp amidam của Đính chỉ được cắt già nửa, còn non nửa bị sót lại. Trở về đơn vị, cổ họng Đính cứ rỉ máu rất đau, người ngây ngấy sốt hàng tuần. Anh y sĩ tiểu đoàn phát hiện, viết giấy cho Đính đi quân y viện lần thứ hai. Quân y viện dã chiến, chỉ biên chế vài chục con người vừa bác sĩ, y sĩ, y tá, hộ lý. Thấy Đính khoác ba lô trở lại, bác sĩ Nhị Hà chặn anh ở đầu ngõ, hỏi:

– Có chuyện gì mà anh trở lại đây?

– Chị cắt amidam cho tôi bị sót, phải quay lại bệnh việt cắt lần thứ hai chứ sao!

Nhị Hà bảo Đính há miệng. Cô xem xong thì lắc đầu lo sợ:

– Đúng là bị sót thật. Phen này chắc chắn tôi sẽ không tránh khỏi một cái án kỷ luật. Làm thế nào bây giờ?

– Tôi sẽ nói đỡ cho chị để khuyết điểm nhẹ đi!

– Anh nói thế nào?

– Tôi nói rằng, lần đầu tiên trông thấy dao kéo đụng vào thịt da mình, tôi sợ run người khiến chị, lần đầu tiên cầm dao kéo phẫu thuật, cũng bị run tay nên cuộc phẫu thuật không thành công!

– Đúng là có chuyện anh run sợ làm tôi mất bình tĩnh thật. Nhưng dù nói thế nào thì người chịu trách nhiệm trong ca phẫu thuật hỏng này vẫn là tôi – Nhị Hà ngừng một lát rồi nói tiếp – Nhưng mà thôi, anh cứ vào gặp giám đốc và nói với ông ấy thật trung thực đi. Việc tôi làm tôi chịu!

Ca phẫu thuật lần thứ hai này, đích thân ông bác sĩ Sinh, giám đốc quân y viện thực hiện. Ông Sinh bảo Nhị Hà đứng cạnh xem ông phẫu thuật. Vừa làm ông vừa làu bàu mắng cô: “Loại con gái như cô, xinh đẹp thì có đấy, gái thủ đô mà, mắt cô liếc thằng nào là thằng ấy đổ liền, nhưng nhìn vào cổ họng bệnh nhân thì mắt cô lại cứ tớn lên, chẳng trông thấy gì!…”…

Vết thương lành, Đính khoác ba lô trở về đơn vị. Trong lúc Đính đi quân y viện, trung đoàn của anh đã nhận lệnh cấp tốc hành quân vào tuyến trong, bổ sung cho chiến trường Quảng Trị đang vào thời kỳ rất khốc liệt. Nhưng còn may mắn cho Đính: trung đoàn hãy còn cử Luận, một trợ lý quân lực ở lại chờ những người đi quân y viện, đi phép, đi công tác… về chậm, thu gom lại tất cả gồm sáu người, gọi là nhóm “thu dung”, Luận làm nhóm trưởng. Thấy Đính còm ốm nhai nhách, Luận cho cả nhóm nghỉ xả hơi hẳn một tuần rồi mới hành quân đuổi theo trung đoàn. Ra đường quốc lộ vẫy được một chiếc “Gin hai cầu” chở quân trang, vào đến Hồ Xá, thuộc địa phận Vĩnh Linh thì xuống hành quân bộ. Đến Khe Cau, lóp ngóp vượt sông bị lộ, máy bay trinh sát L19 phát hiện, gọi pháo từ Cồn Tiên câu đến tới tấp. Thoát chết vì pháo thì lại gặp bom tọa độ. Máy bay B52 bay rất cao, chẳng nghe thấy tiếng động cơ. Chỉ bất thình lình nghe tiếng bom xé gió hun hút rồi khi rơi xuống đất nổ dây chuyền liên tục kéo dài hàng cây số mới biết nó rải bom tọa độ. Một quả bom rơi gần đội hình hành quân của nhóm thu dung.  Hoàng bị vỡ đầu, hy sinh. Tuân bị thương vào mắt và hông. Luận và Tín cũng bị thương nhưng nhẹ hơn, vẫn còn cầm được xẻng đào huyệt mai táng Hoàng bên bờ sông. Đính và Quang garo cầm máu vết thương cho Tuân, dìu Tuân về trạm phẫu gần đấy. Xong việc, bốn người lính còn sống tìm một bãi đất có những bụi cây hoang chưa bị bom đạn cày nát đào bếp Hoàng Cầm, lần dò đi hái rau tàu bay, rau tập tàng, nấu cơm ăn. Mắc tăng võng ngủ qua đêm. Chỗ này đã gần rừng, muỗi nhiều như vãi trấu.  Đêm nằm võng mà để màn hở một tí là muỗi chui vào đốt, ngứa ngáy phát điên, gãi sồn sột đến bật máu. Sáng hôm sau hành quân tiếp. Đi ngược lên đầu nguồn, bắt đầu leo núi, vượt rừng. Thỉnh thoảng mới gặp một người Vân Kiều đi lấy củi, lấy măng hoặc tháo những quả bom không nổ lấy vỏ làm gì đó. Hai bên đường chằng chịt những hố bom, hố đạn pháo xen lẫn những thùng bom bi nằm ngổn ngang. Vắt rừng như những con đỉa nhỏ chỉ bằng chiếc que diêm bám trong các bụi le, khi nhóm quân thu dung đi qua chúng văng thân bắn ra “tanh tách” như những mũi tên cắm vào vùng da thịt cổ, tai và trên mu bàn chân. Chúng bám rất chặt, tranh nhau hút máu mà không hề gây cảm giác đau đớn. Khi phát hiện được thì con nào, con nấy đã căng tròn đầy máu, to hơn đầu đũa. Đáng sợ nhất là loại vắt “sọc xanh”, chúng có thể tự bắn xa đến bốn năm mét. Đính bị những vết thủng trên mặt da do vắt “sọc xanh” để lại, máu không chịu đông mà cứ chảy ra mãi. Đính lấy một dúm nhỏ thuốc lá dịt vào đó cầm máu. Nhưng phải mất mấy ngày sau máu ở đấy mới chịu đông ngừng chảy.

 Đi thêm vài đạc nữa gặp một thung lũng. Giữa thung lũng có một con suối. Mùa khô nước suối chỉ chảy róc rách, dưới đáy toàn sỏi là sỏi, lạo xạo dưới chân.  Cả nhóm thu dung giật mình khi phát hiện có hai cái xác lính ngụy nằm co quắp dạt vào một bãi sỏi dưới chân hòn cù lao, uế khí tanh lợm. Một tên  đeo khẩu tiểu liên Owen Gun, nòng chĩa xuống bên dưới mặt nước; còn tên kia vẫn gác ngang bụng khẩu súng giảm thanh L2A1, trên báng súng dính bê bết những vết máu đã đen khô lại. Nhóm thu dung đi thêm mấy bước nữa lại trông thấy thi thể một nữ chiến sĩ, mặc quân phục, nằm ngửa, chiếc mũ tai bèo chụp lên mặt. Bao súng ngắn vẫn đeo bên hông, nhưng khẩu K59 thì văng sang bên cạnh. Luận vừa nhấc chiếc mũ tai bèo ra khỏi mặt nữ chiến sĩ thì có một tiếng nổ đánh rầm một cái. Đá, cát sỏi, nước bay lên tung toé, rồi để lại một cột khói đen ngòm. Thì ra chúng gài mìn. Luận chỉ kịp kêu “ối” rồi ngã gục, ruột gan trôi ra khỏi vết rách lớn ở bụng. Thi thể người nữ chiến sĩ bị mảnh mìn tiện đứt một cánh tay, bay đâu mất. Mặt cô bị những viên bi xé nát. Đính bị mảnh mìn cùng với sỏi và nước vã vào mặt, sờ tay lên má thấy máu. Tưởng mình đang chết dần, nhưng một lát sau qua cơn choáng váng mới cảm nhận rằng mình còn sống. Quang và Tín cũng bị nhiều mảnh mìn nhỏ. Căn cứ vào hai cái xác lính ngụy và thi thể người nữ chiến sĩ, họ lờ mờ nhận ra tình huống… Họ tự băng vết thương, rồi nhanh chóng liệm thi thể Luận và người nữ chiến sĩ vào hai cái tăng, khiêng lên bìa rừng bên kia suối, đào huyệt mai táng. Người lính nữ không còn ba lô, không có một thứ giấy tờ. Đính dùng hai chiếc bi đông nước dựng ngược lên mộ làm bia. Trên “bia” mộ người nữ chiến sĩ, Đính dùng mũi dao găm khắc dòng chữ: “Vĩnh biệt nữ Liệt sĩ vô danh”…

– Bây giờ, ông còn nhớ cái chỗ có hai ngôi mộ ấy không? – bà Nham hỏi.

– Ở khu vực kia – ông Đính chỉ tay về phía bên kia thung lũng – Sáng mai, chúng ta lội qua suối, sang tìm. Nếu hai ngôi mộ chưa được di dời đi, tôi sẽ nhận ra được, vì trên mộ chúng tôi xếp đá xung quanh, rồi phủ lên một lớp sỏi…

*

Phòng có một chiếc giường đôi, ông Đính nhường cho bà Nham nằm. Bà ấy hồi này hơi khó ngủ. Nằm chung mà ông cựa quậy, thao thức là bà ấy mất ngủ theo. Nhà nghỉ bằng gỗ, cột kèo ngang dọc, có thể mắc võng. Ông mắc chiếc võng nilong lên hai đầu cột, mắc thêm cái màn, rồi ngả lưng. Hồi ở chiến trường nằm võng đã quen, khi chuyển ra dân sự ông vẫn thích nằm võng. Vừa chợp mắt, còn đang trong trạng thái nửa ngủ nửa thức, ông Đính nhìn thấy một thiếu nữ mặc quân phục, đầu đội mũ tai bèo, hông đeo khẩu súng ngắn K59, từ ngoài cửa bước những bước nhẹ nhàng về phía đầu võng phía chân ông. Khuôn mặt nữ chiến cứ mờ mờ ảo ảo như sương khói rất khó nhận diện.

– Chào anh Đính – nữ chiến sĩ nói – Rất vui được gặp anh ở đây.

– Chị là? – Ông Đính bắt đầu ngờ ngợ.

– Anh quên tôi thật rồi sao? Tôi là Nguyễn Thị Nhị Hà đây mà!

– Bây giờ thì tôi nhận ra chị rồi! Làm sao mà tôi quên được chị kia chứ!

– Hồi ấy tôi cắt amidam cho anh bị sót, gây phiền hà và hao tổn sức khỏe cho anh mà tôi chưa hề nói lời xin lỗi. Hôm nay tôi thành thật xin lỗi anh nhé!

– Chuyện ấy tôi đã thể tất, cho qua rồi mà! Vì chị biết đấy, những ngày nằm quân y viện, tôi rất có thiện cảm với chị.

– Nhưng bác sĩ Sinh, giám đốc quân y viện, thì lại rất nghiêm khắc với tôi. Khi bác sĩ Sinh cắt lại amidam cho anh, chờ anh ra viện, ông ấy gọi tôi lên phòng, đưa một tờ giấy và cái bút yêu cầu tôi viết bản kiểm điểm. Tôi viết đi viết lại ba lần, kiểm điểm rất nghiêm túc, ông ấy đều không đồng ý. Tôi lấy tờ giấy thứ tư viết: “Đơn tình nguyện đi chiến trường”. Trong đơn tôi nói rõ lý do xin đi chiến trường: “Để được tiếp xúc nhiều với thương binh. Đó là điều kiện tốt nhất để rèn luyện tay nghề. Đó cũng là điều kiện tốt nhất để tôi sửa chữa khuyết điểm”. Lần này thì bác sĩ giám đốc nhận đơn. Hai hôm sau, ông ấy gọi tôi lên, bảo: “Nguyện vọng của đồng chí đã được cấp trên chấp nhận. Hiện có đoàn cán bộ quân y đang tập trung ở Ban Hậu cần Quân khu chuẩn bị bổ sung, tăng cường cho chiến trường. Đồng chí chuẩn bị quân tư trang, chiều nay có xe về trên ấy, tôi gửi đồng chí đi cùng!”. Lên Quân khu tập trung được ba ngày thì đoàn hành quân. Vượt qua đầu nguồn sông Bến Hải, đến một binh trạm dưới chân dãy Trường Sơn thuộc địa phận Quảng Trị thì đoàn phải xé lẻ, giao liên đưa về các Trạm phẫu khác nhau. Bổ sung về trạm quân y Rừng Săng Lẻ chỉ có mình tôi. Ông binh trạm trưởng cứ nhìn tôi tỏ vẻ ái ngại, rồi nói: “Các nhóm kia đều có hai người trở lên. Trạm có bao nhiêu giao liên, chúng tôi đã phân đi dẫn đường. Còn nhóm đồng chí chỉ tròi trọi một mình, hay là cứ đợi giao liên quay lại, để họ dẫn đường cho đồng chí?”. Tôi nói: “Đồng chí cứ vẽ đường là tự tôi đi được! Tôi nghe nói Trạm phẫu mà tôi đến ở gần đây nhất, đúng không?” – “Đúng thế”, binh trạm trưởng nói, “Nhưng không phải là ít ác liệt hơn đâu nhé. Đồng chí sẽ phải đi qua Thung lũng Sỏi, nơi giáp ranh giữa ta và địch. Đi qua đó xin đồng chí nhớ cho câu khẩu hiệu này: Đi không dấu, nấu không khói, nói không nghe… Bởi trên bầu trời liên tục có các máy bay trinh sát L19, OV-10 dòm dỏ lùng sục bộ đội ta. Chỉ cần ở dưới mặt đất có một biểu hiện bất thường, là nó bắn pháo hiệu chỉ điểm và chỉ mấy phút sau, máy bay A37 sẽ bay đến ném bom. Lại còn biệt kích, thám báo nữa. Chúng do thám, rình mò… Tôi trông dáng dấp và nghe giọng nói của đồng chí thì đủ biết đồng chí là người Hà Nội. Con gái Hà Nội mà hăng máu vịt như đồng chí là hơi hiếm đấy”. Biết là không cản được tôi, binh trạm trưởng đành chỉ dẫn cho tôi khi vượt suối thì phải lội như thế nào để không phát ra tiếng động; tình huống gặp địch phục kích thì phải đối phó ra sao. Rồi tôi xốc ba lô, cài súng vào thắt lưng, giấu bên trong vạt áo, lên đường. Tôi vượt qua con suối ở Thung lũng Sỏi vào lúc đã gần trưa. Vừa bước ra đến giữa dòng bỗng từ phía sau một hòn cù lao lớn, xung quanh có những bụi sậy rậm rạp, hai tên thám báo bất ngờ xông ra chĩa súng vào tôi. Cả hai tên đều để râu ria trông gớm guốc. Một tên nói: “Giơ tay lên! Đ.má! Lần đầu diện kiến với lính tóc dài Việt cộng! Nhìn mày, chúng tao biết là gái Bắc kỳ. Xinh đẹp. Ngon quá ta! Bây giờ thì hầu tụi này mỗi thằng một cuộc mây mưa thật đã, xong sẽ thả! Không ai nỡ giết một người đẹp như mày đâu!”. Thằng thứ hai nói: “Không nhiều lời! Muốn sống thì nằm ngửa lên phiến đá này, trút bỏ xiêm y! Mau!”. Biết là không thể thoát khỏi tay hai tên thám báo, tôi giả vờ trèo lên phiến đá. Hai tên thám báo tưởng tôi đã quy phục, chúng có vẻ chủ quan. Tôi bất ngờ rút khẩu K59 nhả hai phát liền vào hai tên địch. Một thằng trúng ngực ngã đổ vật xuống. Một thằng đạn xuyên vào bụng, nó còn kịp chĩa nòng khẩu tiểu liên về phía tôi lia một loạt đạn, rồi mới chịu gục xuống. Tôi tắt thở cùng một lúc với hắn. Hẳn vì nghe tiếng súng nổ, một toán thám báo khác xông ra, chúng gài một quả mìn vào bên dưới nách tôi, dây chiếc mũ tai bèo của tôi nối với kíp mìn…

– Hóa ra, chị chính là người lính nữ bị hy sinh mà chúng tôi đã mai táng?

– Đúng vậy! Cho nên hôm nay tôi rất muốn nói lời biết ơn anh!

– Còn tôi thì có một nỗi ân hận đeo đẳng suốt những năm qua, rằng hôm ấy, sợ bị địch phục kích, chúng tôi phải làm thủ tục chôn cất Luận và chị sao cho thật nhanh, xong rồi mới sực nhớ thi thể chị còn thiếu một cánh tay!

– Đúng là lúc quả mìn nổ, một cánh tay tôi bị văng đi. Nó văng đến chỗ dòng chảy và trôi nhanh về phía hạ nguồn. Nếu các anh có dụng ý đi tìm cũng sẽ không thấy đâu. Anh đừng băn khoăn day dứt gì nữa nhé. Vậy là cuộc gặp này chúng ta đã thanh thỏa mọi chuyện. Hãy coi đó là những kỷ niệm nghiệt ngã của cuộc chiến. Xin hãy đừng quên. Tôi đi đây. Tạm biệt anh!

Nguyễn Thị Nhị Hà đi khuất khỏi tầm mắt, ông Đính sực tỉnh, tự hỏi: cuộc gặp gỡ kỳ lạ vừa xong là trong mơ hay thực nhỉ? Lạ quá! Trong đời ông chưa bao gặp chuyện nửa mơ nửa thực thế này!

Sáng hôm sau, ăn sáng xong, ông Đính dắt tay bà Nham lội qua con suối sang bờ bên kia. Ông tìm đến vị trí mà năm xưa chính tay ông mai táng Luận và người nữ chiến sĩ. Ông chẳng tìm thấy dấu vết gì của hai ngôi mộ. Một người đàn bà dân tộc Vân Kiều đội một bó củi đi qua, ông Đính hỏi, người ấy trả lời:

– Hai ngôi mộ ở chỗ ni – người đàn bà Vân Kiều chỉ tay về chỗ đất gồ ghề bên bờ suối – nhưng người ta bốc dỡ chuyển đi cách đây mấy năm rồi, cái cán bộ già người Kinh ạ!

                                                          Hà Nội đầu tháng 4 năm 2015