Ánh Giao

Nếu con người bất tử thì thời gian trở nên vô nghĩa. Nhưng, cuộc đời con người là hữu hạn, nên thời gian là tất cả đối với sự tồn tại. Chính ý thức về sự tồn tại đã xúi giục con người gán cho thời gian những phạm trù, những thuộc tính. Theo đó, các khái niệm kỉ, đại, cho đến năm, tháng, ngày, giờ, phút, giây, mùa,… từ trong bản chất là những quy ước. Mùa xuân chính là một biểu hiện như thế về tính được quy ước của thời gian. Tuy nhiên, sự tham dự của giới hạn, cảnh tượng phai tàn và cái chết đã khiến cho mùa xuân chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong hành trình sống của con người.

 

 

Con người sẽ không sợ hãi trước bất kì điều gì, nếu như điều đó không tiềm ẩn những nguy cơ đe doạ sự tồn tại. Từ góc độ tâm lí, ý thức (và cả vô thức), con người sợ hãi “khả năng không tồn tại của chính mình” (M. Heidegger). Tồn tại chính là lí do có tính nguyên thủy, bản năng của hiện hữu, hình thành động lực của con người trên hành trình sống cũng như khi đối diện, kháng cự cái chết. Cũng phải nói ngay ở đây, tính người không phải là cái gì có sẵn, mà đó là một “phác đồ”. Quá trình sống là một nỗ lực làm tròn đầy khái niệm con người. Như thế, sống là hành trình chứ không phải là mục đích. Nhận hiểu điều này, đưa chúng ta đến với cảm niệm về mùa xuân trong thơ (giới hạn ở thơ đương đại) một cách điềm tĩnh hơn, vì thế, cũng mở ra cơ hội đến gần hơn với những ám ảnh bề sâu của chủ thể sáng tạo. Tuy nhiên, xuân vừa như một phạm trù trong tư duy siêu hình học, vừa lại là một hình tượng nghệ thuật. Do vậy, bản thân khái niệm xuân đã dung hợp những đặc tính của siêu hình học và các khả thể của tu từ học. Chúng ta bắt gặp trong thơ đương đại các khía cạnh thời gian tính của xuân cũng như những khía cạnh gợi lên từ cơ chế giao tiếp gián tiếp của hình tượng nghệ thuật.

Trước hết, xuân trong thơ đương đại là một quy ước về thời gian. Trong sự quy ước, thời gian mang khuôn mặt con người, xuân ẩn chứa câu chuyện của đời người. Tức là, thời gian là thời gian tính, là quan niệm của chủ thể về thời gian trên hành trình hiện hữu của con người. Một trong những điểm nổi bật của quan niệm thời gian hiện đại là thời gian tuyến tính, khác với thời gian trong cảm quan trung đại là thời gian tuần hoàn: Sao người không dạo chơi thêm vài mùa xuân nữa/ cho em được nở hoa một lần/…/ khi người đi xa, chỉ còn chúng em với biệt cung vĩnh cửu/ khoảng trời của em là những đám mây lang thang qua ô cửa tò vò/ kéo theo mùa xuân vô nghĩa của em đi (Biệt cung – Hồ Đăng Thanh Ngọc). Đa phần, cảm thức về mùa xuân trong thơ đương đại không thoát ra khỏi trạng thái tuyến tính vốn đã hình thành từ thời Thơ mới. Rất ít người có được sự “ưu tư” trên cấp độ siêu hình học để tiệm cận được bản chất của thời gian. Cái khó của nghệ thuật thi ca chính là ở chỗ dung hợp được chiều sâu của tư tưởng với sự tràn đầy của cảm xúc biểu hiện bằng một cấu trúc âm vang, gợi cảm, giàu nhạc tính và nhịp điệu. Trong một hình dung lí tưởng, những khía cạnh này không thể tách rời. Do đó, như là sự nối dài của Thơ mới, xuân trong thơ đương đại vẫn là những ám ảnh về thời gian của tuổi trẻ, về những hi vọng đầm ấm, sum vầy hay những luyến tiếc, tuyệt vọng: Mà đào đã thoắt đào phai/ Mà xuân thoắt đã giêng hai rỡ ràng/ Buồn vui thoắt đã cũ càng/ Lòng tay sấp ngửa thời gian rối bời (Thời gian – Nguyễn Bảo Chân). Ý niệm về xuân như là tuổi trẻ, phần non tơ rỡ ràng nhất của đời người vẫn là chủ đạo trong tâm thức của con người đương đại. Xuân ấy là mùa tươi đẹp, là thời khắc phô bày đầy đủ nhất sức sống của thiên nhiên, con người: Viễn xứ chiều nay/ Ta cùng ta cùng hoa/ Nở điệu biếc/ Gọi mưa xuân xanh (Hoa nắng – Nguyễn Phan Quế Mai). Hình như, với mùa xuân, con người nguôi quên đi những ám ảnh về sự trôi chảy, khắc nghiệt của thời gian. Sự thật, đó là một thoả hiệp trong tận cùng âu lo. Bởi lẽ, người ta phải sợ hãi cái chết, sợ tàn úa đến thế nào mới bừng lên ánh sáng của niềm hân hoan được sống, được hiện hữu như thế: điệp khúc xuân hoan nhập cư từng huyết mạch/&/ anh hôn/ em (Anh thận trọng sắp từng hơi thở – Nguyễn Lãm Thắng). Khát vọng sống, sinh sôi chính là sự thể hiện ở tận cùng của nỗi ưu tư về khả năng không tồn tại của con người. Họ phải sống như mùa xuân tươi đẹp. Họ phải đến với nhau để chống chọi lại sự cô độc. Họ phải yêu đương, phải ân ái, phải sinh sôi để sự sống không dừng lại hay biến tan. Có điều gì thôi thúc hơn là nỗi ám ảnh rằng ngày mai tất cả sẽ rơi vào hố thẳm của sự huỷ diệt: Mùa xuân/ nở bừng tuyệt vọng!/ và những đôi mắt cá chết/ đã nói với tôi rất nhiều về Tình Yêu/ Kết thúc – Bắt đầu – Ở đây/ nơi ngọn gió ngập ngừng/ trong nỗi mệt mỏi dịu dàng tan chảy/ trái đất khởi một vòng xoay (Ở đây – Hàm Anh). Nỗi ưu tư này mang tính bản thể luận. Nghĩa là, con người phân biệt với phần còn lại của tự nhiên bằng chính sự ưu tư. Trong ưu tư, con người hiện hữu. Ưu tư giúp con người kháng cự khả năng không tồn tại ở mức tối đa có thể. Bởi lẽ đó, con người tận khai xuân sắc, tận hưởng xuân thì, trì níu xuân xanh: Vẫn tìm Anh suốt dọc thanh xuân, những tinh mơ, những chiều lạnh lẽo/…/ ngày Anh đến mùa tình lên (Mùa tình – Vi Thuỳ Linh); Xuân đi đuổi những héo mòn/ Tóc anh hoa muối nuối con sông gầy/ Em ơi tình đã về đây/ Giao bôi ly mẻ rót đầy lòng nhau (Dạm lòng – Mạc Mạc). Sắc thái tươi đẹp, ấm áp, tràn đầy sức sống của xuân có nguồn gốc từ bản thân trạng thái, đặc tính khí hậu tự nhiên. Nhưng, sự quy ước được tái lập trở lại cho xuân, kèm theo nhiều tưởng tượng, trở thành một điển phạm. Nghĩa là, con người đã không gian hoá thời gian, khoác lên tấm áo hữu hình cho cái vốn vô hình. Nhưng, biết làm sao được, khi sử dụng xuân như một ý niệm về thời gian, con người đã bày tỏ khát vọng sống đời của mình. Sống là hiện hữu giữa cuộc đời, giữa nhân giới, vật giới, và trù bị cho những hiện diện trong một thế giới khác. Với trùng trùng những dự liệu đó, ý nghĩa của thời gian tính càng trở nên trọng đại cho dù đó là kẻ vô thần hay hữu thần. Kẻ vô thần, có thể, không phủ nhận Thượng đế (như biện giải của J.Sartre), nhưng đặt toàn bộ sự sống đời vào cái đang hiện diện. Kẻ hữu thần lại càng phải thực hành đời sống theo kinh bổn, giáo lí, đức tin, như là một sự chuẩn bị cho hiện hữu ở cõi khác. Vậy nên, vấn đề thời gian tính thực chất là vấn đề cốt lõi của con người về tồn tại mang tính phổ quát.

Cùng với sống đời tại thế, con người hiện hữu từ chính thân thể của mình. Đây chính là khía cạnh căn bản của ưu tư về sống trong con người hiện đại/ đương đại. Tôi chỉ có thể hiện hữu bằng thân xác của chính tôi. Các nhà thơ Việt Nam đương đại bày tỏ một cách khá nồng nhiệt khía cạnh này (có lẽ do một thời gian dài con người phải tạm gác lại những nhu cầu bản thể):trườn đồi xuân/ giọt thở lăn vụng trộm/ nưng nức thơm/ tròn căng mùa sữa (đồi xuân mộng – Nguyễn Lãm Thắng); Từng ngón xanh mùa xuân/ khe khẽ đan em vào anh/ mỏng manh hồng/ Những búp măng mùa xuân/ cựa mình/ khe khẽ chín (Sen – Nguyễn Phan Quế Mai). Xuân lúc này được khai thác ở khía cạnh thân thể gắn với dục tính. Thân thể mang sức xuân, vẻ đẹp của mùa xuân đang dậy lên những “mùa tình”, khai mở bản năng sống gần gũi nhất với tồn tại: Anh nâng mùa em trên tay/ rễ anh sâu trong em/ vươn/ anh thở vào em sương ẩm ướt/ ô, những đứa con xanh hé búp/ ngày Xuân/ trong/ ríu rít những con chim vô hình (Mùa em – Hàm Anh). Rõ ràng, con người phải bám vào một điều gì đó để đánh dấu mình trong thời gian. Nghĩa là cần phải có “Vật chứng trước thời gian” (Trương Đăng Dung). Nếu không có những chỉ dấu ấy, con người không nhận ra được thời gian, và như thế nghĩa là không nhận ra sự sống, sự tồn tại của mình. Xuân như một phạm trù thời gian tính đã lưu lại những dấu vết của con người bằng cách diễm tuyệt nhất, cũng đau đớn nhất. Tất cả vẻ đẹp của xuân: hoa thơm, trái ngọt, trời xanh, mây trắng, chim ca, sương trong, cỏ biếc, ấm áp, thơm tho, rực rỡ, mới mẻ, trẻ trung,… luôn ẩn chứa nỗi hoang mang về sự mất đi, sự tàn huỷ. Cái đẹp nơi giao tranh mãnh liệt nhất của khả năng “tồn tại hay không tồn tại” đã đem đến cho thời gian khuôn mặt của nhân gian. Thời gian đã lộ ra trong nỗi lo âu của con người. Đúng hơn, con người “được rọi sáng” và hiện hữu trong quỹ đạo vô thuỷ vô chung, vô tính của thời gian. Tất cả, có nguồn gốc từ ưu tư về tồn tại. Ngay tại đây, có thể thấy rằng, những tôn giáo đã vượt qua hay (lờ) quên đi tồn tại, gửi gắm hiện hữu vào siêu nhiên, ra ngoài thân thể, phải cần có một hệ thống đức tin mãnh liệt đến nhường nào. Và con người, khi đi tìm khuôn mặt của mình trong thời gian, đôi khi đã nếm trải sự chán chường hay tuyệt vọng. Họ nhận ra nỗi bất lực của bản thể – của chính họ và của loài người trước giới hạn. Cũng có đôi lúc, niềm tin siêu vượt đã (tạm thời) chiến thắng nỗi tuyệt vọng. Sự an nhiên vì thế có cơ hội được tỏ lộ: Sương mù/ Giăng/ Gỗ mục/ Đơm hoa (Mai Văn Phấn); Thèm nghe một câu kinh kệ/ chuông chùa mãn hồi từ lâu/ ta có hay là không có/ tàn hoa, xuân vẫn trên đầu (Viết lại – Đoàn Văn Mật). Dù vậy, ngay cả trong sự an nhiên, ngay cả trong cảm thức có vẻ như đã buông bỏ thời gian thì thời gian tính lại vẫn cứ hiện diện. Vẫn phải vin đến hoa, đến xuân, sương mù,… nhằm chuyển tải ý niệm về sự tái sinh, chiến thắng huỷ diệt hay vĩnh cửu với thời gian. Nghĩa là, con người luôn bị ràng buộc, bị kẹt giữa muôn vàn những quy ước, những tri thức tiên nghiệm, ngáng trở họ chạm đến được bản chất của thời gian, của tồn tại. Trập trùng những kiến tạo, những trầm tích về thời gian đã nói lên quy chiếu sâu thẳm của giới hạn, cái chết đối với con người. Lắm khi, vì siêu hình như thế, ta lại thèm nghe nỗi âu lo rất đỗi trần gian này: Em nói bâng quơ: Mùa xuân rồi cũng tàn/ Anh ghì lấy bao nỗi lo toan trên đôi vai em gày nhỏ (Thương em – Mai Văn Phấn).

Cảm thức về thời gian, sự quy ước hay xác lập khuôn mặt của thời gian còn được nhìn nhận trên phương diện chất lượng hay chiều sâu của nhưng ưu tư về thời gian. Ở góc độ này, lấy mùa xuân làm cớ cho một phản đề, một số thi sĩ đương đại đã chạm đến bản chất uyên nguyên của thời gian. Nghĩa là, từ mùa xuân, ưu tư tiến đến chiếm lĩnh phần lõi cốt nhất là thời gian sau khi đã bóc bỏ các quy ước tiên nghiệm: Em nói mùa xuân, anh chỉ nghe/ em nói trời xanh, anh chỉ nghe/ nói đi em, mặt trời sắp lặn/ nói đi em, mặt trời sắp lặn/…/ Em hỏi niềm vui nào anh đã thấy/ anh không còn nhớ nữa, hôm nay/em hỏi trang thơ nào anh đã đọc/ anh không còn nhớ nữa, hôm nay/…/ Em nói trời xanh anh chỉ thấy mắt em/ em nói mùa xuân anh chỉ thấy môi em/ hoàng hôn xuống đã trùm lên hết thảy/ bóng hai ta nhỏ bé giữa đất này (Không đề – Trương Đăng Dung). Ưu tư về tồn tại, bản chất hữu hạn trả con người về với đặc tính vô thể của thời gian: luôn là hôm nay, luôn luôn là hiện tại. Những gì khoác lên cho thời gian đều là những kiến tạo thời gian tính trong nỗ lực làm hiện hình dung mạo con người. Em nói mùa xuân, trời xanh, anh chỉ nghe, vì anh biết nó không thuộc về thời gian, nó thuộc về con người, do con người tạo nên, trong tiếng kêu ngày một gần hơn của lũ quạ (ý thơ của Trương Đăng Dung).

Cách nói Xuân không mùa của Xuân Diệu nghe chừng đến được với bản chất của vấn đề thời gian tính: Xuân không chỉ là mùa xuân ba tháng/ Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ/ Chim trên cành há mỏ hót ra thơ/ Xuân là lúc gió về không hẹn trước. Cảm thức này của Xuân Diệu mang đầy tính chủ quan vốn là sở đắc của thi sĩ. Các nhà thơ đương đại, về cảm trạng, đã lo âu nhiều hơn, sợ hãi nhiều hơn các thế hệ cha anh của mình. Đó không phải nỗi sợ của việc đương đầu với chiến tranh mà là nỗi sợ hãi của con người trước tồn tại. Họ ít viết về mùa xuân hơn, có lẽ là một sự thức tỉnh. Bởi, chính khi họ ý thức một cách mãnh liệt nhất về tồn tại của mình, cũng là khi sự huỷ diệt xâm chiếm, đẩy tồn tại đến bên bờ hư vô. Cùng với sự sợ hãi là nỗi cô độc. Đó là sự cô độc giữa đám đông, sự cô lập giữa muôn vàn kết nối, giao thoa: Bóng người trước mặt/ Đường xuân càng bước càng xa (Tự xuân – Đoàn Văn Mật). Cô độc nhắc con người về hiện hữu. Bởi thế, thời gian tính của con người đương đại, cụ thể là quan niệm về xuân đã được khởi sinh trên nền tảng của cái tôi cô độc, sợ hãi. Cái tôi ấy truy vấn thực tại để kiếm tìm một thực tại khác, hay đúng hơn, liên tục truy vấn để làm lộ ra bản chất của đời sống như là trạng thái uyên nguyên: Anh không thấy mùa Xuân/ Anh chỉ thấy người ta đang diễn giải về chính nó với niềm tin ngây thơ rằng mọi đau buồn đã qua, mọi hạnh phúc đang đến và thế giới đang bước sang một kỉ nguyên phục hưng/ Không ai giành nhận hết về mình những khổ đau, không ai chúc người khác bớt khổ đau, không ai mong tìm thấy ý nghĩa khổ đau trong cuộc đời mình (Đoản khúc số 0 – Fan Tuấn Anh). Các nhà hiện sinh đều nhìn thấy ở con người những nỗi trầm luân, thống khổ. Đó là một “thất bại” (K. Jaspers), một “Buồn nôn” (J. Sartre), một “kẻ bị bỏ rơi” (M. Heidegger), một “phi lí” (A. Camus). Bởi thế, những kiến tạo xung quanh con người mục đích là để kháng cự lại tình trạng bi kịch, để an ủi thân phận trong mặc cảm đầy đoạ – “bị quăng vào” (con người sinh ra là một ngẫu nhiên, không được lựa chọn). Đó là định mệnh, nhưng cũng là căn nguyên, động lực cho sự sống đời: Vào một ngày cuối Giêng/ Người hàng xóm goá chồng/ Trở về từ nghĩa địa/ Cắm đầy hoa tầm xuân trong phòng ngủ của mình (Hồi tưởng tháng Giêng – Nguyễn Quang Thiều).

Con người là một kẻ tha hương, đúng hơn, đã mất đi thiên đường từ buổi sơ khai (Adam và Eva bị đuổi khỏi thiên đường). Do vậy, đời sống chỉ là hành trình kiếm tìm thiên đường đã mất. Xuân, thật lí thú, lại chính là bóng dáng của thiên đường đã mất (hay những mộng mơ còn sót lại trong kí ức kẻ đã từng cư ngụ ở thiên đường). An ủi duy nhất với con người là bám lấy “mĩ thể” ấy, hi vọng được trở về trong căn nhà thuở khai sinh, nơi không tồn tại thời gian (tính). Và, thơ (xuân) có thể là gì khác, nếu không là “niềm hoài hương vĩnh cửu” trên bước tha hương.

A.G

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài