Kiều Bích Hậu
Mỗi lần mở những trang thơ của nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương ra đọc, lòng tôi lại nặng trĩu buồn. Buồn cho tôi, cho chị, cho những người phụ nữ còn mang nặng trong tâm cuộc tình lỡ dở. Dù thời gian có trôi xa bao nhiêu thì vẫn ôm trọn cuộc tình buồn đau trong lòng, như di sản, thậm chí là tài sản tinh thần duy nhất hiện hữu. Dẫu biết bất công cho chính mình, hay đang bạc đãi tâm hồn mình, nhưng nào ai có bỏ được. Chị Hương, tôi xin được vẫn gọi chị như vậy trong bài viết này, lại dùng suối nguồn buồn đau sau những cuộc tình đó, đúc thành thơ. Những vần thơ di sản của tình buồn.
Tôi đã biết nỗi đau của chị khi chia tay người chồng đầu tiên. Tôi cũng lắng nghe những thắc thỏm hạnh phúc khi dự đám cưới lần hai của chị, và rồi thương nhất là đọc những dòng nhật ký của chị khi chị nhiều lần chờ mong đứa con với người chồng thứ hai mà rồi đều tuyệt vọng… Những buồn đau, những giọt nước mắt lắng đọng lại hết trong thơ Đặng Thị Thanh Hương. Dường như chỉ có thơ mới tải nổi, mới xoa dịu được vết thương quá sâu, nỗi buồn quá hoang hoải. Chị Hương lại ly hôn lần thứ hai. Người đàn bà với tâm hồn mong manh thi nhân, dường như không còn tin vào hạnh phúc lứa đôi vĩnh cửu nữa rồi. Chị quyết liệt sống đơn độc, sắc sảo trong kinh doanh, làm báo, lắng đọng và da diết buồn khi viết thơ. Những vần thơ trước hết là để cho chính mình, sau là để giãi bày, chia sẻ với những người đàn bà đồng cảm, đồng cảnh.
Tháng 5 năm 2022, sau ba năm sống ở Mỹ, chị Hương trở về Việt Nam, cùng với cháu ngoại bé bỏng, và tất bật ra mắt tập thơ thứ 9, nhan đề “Cánh cửa bên kia trời” sau đúng 10 năm chị không xuất bản tập thơ mới nào. Đọc qua nhan đề tập thơ, tôi thiết tưởng đó là những bài thơ chị viết với cảm nhận về đất Mỹ, về trải nghiệm ở một nơi sống khác rất nhiều so với Việt Nam. Nhưng không hoàn toàn như vậy. “Cánh cửa bên kia trời” tập hợp chọn lọc những bài thơ chị sáng tác trong cả một thập niên qua, được chia làm ba phần: Những giấc mơ đàn bà; Nắng vàng phương khác và Cánh cửa bên kia trời.
Ở phần đầu tiên của tập thơ, ta vẫn dễ nhận ra giọng thơ quen thuộc của Đặng Thị Thanh Hương, tha thiết, mãnh liệt, đau đớn thẳm sâu và luôn tiếc nuối. Những kỳ vọng da diết của tình yêu, hôn nhân và kết cục lỡ dở để lại những vết thương rỉ máu trong tim, không thể lành, khó nguôi ngoai. Những chữ, như hồng ngọc lấp lánh, kết từ máu rỉ trong tim người đàn bà nồng nàn yêu đương nhưng rốt cuộc chỉ nhận được những đổ vỡ, mang đến cho người đọc vần thơ đẹp mà buồn, mà khắc khoải. Chị Hương từng nói, phải chấp nhận thôi, mình phải có buồn đau thì mới ra thơ được, thơ mới có nhựa thơ, mới để lại dư âm sâu nặng. Chị cũng nhận định: “Đời cơ bản là buồn!” Buồn đau vì tình, ấy là giống đàn bà, như chị Hương kết luận trong nhan đề một bài thơ “Thói quen đàn bà”. Yêu và đau buồn, tuyệt vọng, ấy là thói quen của đàn bà!
“Sau những cuộc chia tay…
Người đàn ông ra đi
Hân hoan với tình yêu mới
Người đàn bà ở lại
Kỷ niệm đầm đìa trên gối
Từng đêm…
Những người đàn bà tìm trong ký ức bỏ quên
Từng giọt vàng hạnh phúc
Họ lặp lại thói quen như chưa bao giờ mất
Mở cửa ngôi nhà, giặt giũ, nấu cơm
Gom trong nồi từng hạt dẻo thơm
Bát đũa dọn ra mâm chờ người về bên cửa
Đã nguội ngắt bát cơm vừa xới dở
Nước mắt chan canh
Còn lại bóng với hình…
Tôi tin, bất cứ người phụ nữ Việt Nam nào cũng thấy mình trong tâm cảm của tác giả bài thơ này. Vì thế, trong buổi ra mắt thơ của chị, có người yêu thơ chị, ngâm một bài mà khiến bao người phụ nữ rưng rưng lệ. Độc giả biết ơn chị, yêu thơ Đặng Thị Thanh Hương vì chị đã thay mặt họ nói lên tiếng lòng đau đớn của đàn bà. Không phải để trách giận đàn ông, hay hận những người chồng vô tâm, hoặc muốn dấy lên một cuộc đấu tranh nữ quyền, tác giả chỉ muốn phơi bày tâm tư, để đàn bà thấu hiểu nhau, chia sẻ với nhau, như thế cũng đã làm vơi đi rất nhiều gánh nặng tâm can rồi. Đâu đó ở một góc nào trên đất nước này, vẫn còn những phụ nữ tưởng rằng mình sinh ra để đau khổ, để chịu đựng sự bỏ rơi, để suốt đời mong nhớ, chờ đợi vô vọng trong tiếc nuối, thì thơ của Đặng Thị Thanh Hương sẽ xoa dịu cho họ. Để chia sẻ với họ rằng, nỗi buồn đau, bất hạnh ấy là tất yếu, sau những hạnh phúc ngắn ngủi. Và tất cả là thực, thực đến đau lòng, và chúng ta ai cũng sẽ đi qua. Nhưng thà như vậy còn hơn là sống giả, là cứ chịu đựng một mô hình gia đình hạnh phúc giả tạo, khi cả hai cùng dưới một mái nhà nhưng tâm hồn và tình yêu đã chẳng dành cho nhau, khi nhiệt huyết với nhau đã cạn. Những gì đã qua, kể cả buồn đau cũng thành tài sản của người phụ nữ, để mang ra đan dệt tấm áo cho tâm hồn mình tự ấm lên mỗi ngày. Với Đặng Thị Thanh Hương, chị cặm cụi đan tấm áo thơ ấy để sưởi ấm tâm hồn cô đơn của mình, để tâm hồn ấy nở hoa và dâng tặng cho tất cả mọi người.
Ở phần hai của tập thơ, khi đã đến sống ở xứ cờ hoa, thì nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương mới ngộ ra rằng, bất cứ đâu, trên trái đất này, cốt lõi của con người vẫn thế thôi, cùng chung số phận trước một thảm họa dự báo cái kết của loài người.
“Sống trong phập phồng lo sợ lũ chúng ta
linh cảm đớn đau cho một ngày tận diệt…
Tôi chỉ là hạt cát nhỏ nhoi
lăn lóc trong cõi đời vô tận
nếu một ngày tan vào gió bụi
tôi biết mình đã cháy đến tàn tro…”
Tàn tro ấy là niềm tự hào của một người phụ nữ đầy kiêu hãnh, sống đến tận cùng bản thể của mình, không chấp nhận sự nửa vời và giả dối. Mặc cho những vết thương cuộc đời, mặc cho tâm hồn nát tan sau mỗi cơn bão, mặc cho bao hy vọng đổ vỡ và những hiểm họa rình rập lật nhào mọi nỗ lực hết sức của một người đàn bà, trái tim chị vẫn hát ca và chắt ra cho đời những vần thơ ngọc.
“Ngày ta về thu sang hoa đã rụng
Tán cây bên đường khẳng khiu đến trụi trơ
Đêm vô ảnh, bóng mình tan đáy nước
Mặt Hồ Tây xao xuyến thuở trăng khờ
Mấy mươi năm thế mà nhanh thật
Những người tình khuất bóng phía hoàng hôn
Ái ân nhạt, phai mầu son năm cũ
Ta tìm ai neo lại chút tủi hờn?
Những tên người nhiều khi không nhớ nổi
Bởi ái tình chỉ là giấc phù du
Nhưng ta nhớ, trời ơi ta vẫn nhớ
Nồng nàn hương hoa sữa mùa thu
Ngày trở lại, ta tìm ai để khóc?
Những vòng tay không níu nổi hẹn thề
Trái tim ta đã thành trăm ngọn đuốc
Mà suốt đời không giữ nổi đam mê?”
Và khi ở xứ người, ngẫm phận mình, nhà thơ dường như vượt thoái khỏi những vòng trói của số phận, để nhận ra kịch bản của mỗi đời người, để được thanh thản nhận chân những gánh nặng, đón nhận chúng trong an yên. Trong phần ba của tập thơ, hình ảnh người cha đã khuất của tác giả luôn trở về, như một sự an ủi, như một ánh sáng chân thực hiện ra, giải phóng cương tỏa tâm trí, để đón nhận hạnh phúc giản dị trong hiện tại.
“Đời con cánh vạc lênh đênh
Chao lên, liệng xuống một mình nổi trôi…
Thiên đường chốn ấy có vui
Cha ơi, dọn một chỗ ngồi đợi con
Rồi mùa hoa cải lại đơm
Bao nhiêu cay đắng con ôm về trời!
Thiên đường chốn ấy có vui?”
Tôi là người đọc, là đứa em và đồng nghiệp của chị, đọc đến đây, tôi thầm biết ơn những buồn đau chị tích lại cả đời, se chúng lại thành những vần thơ đẹp ấy, xoa dịu, an ủi tất cả phụ nữ chúng tôi…
Tác giả Đặng Thị Thanh Hương
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du – khóa V. Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả Hội Nhà văn Việt Nam. Đã xuất bản 9 tập thơ và truyện ngắn. Đã đạt 6 giải thưởng văn học trong nước về thơ.
Nguồn: Báo Lao động