Thay lời tựa của Bá Dương


Chuyện kể rằng ngày xưa có một nước gọi là “Nước vại tương”. ở đó mỗi ngày việc trọng đại nhất của mọi người là bàn luận xem họ có đúng là một nước hũ tương không. Náo nhiệt nhất ở đó lại là việc tranh chấp giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Kết quả đương nhiên là thầy thuốc bị thua. Đại khái tình hình như sau :

Bệnh nhân :

– Tháng sau tôi kết hôn, sẽ làm lễ cưới ra trò. Rất vinh hạnh được đón tiếp ngài. Ngài sẽ là thượng khách. Thế kết quả khám nghiệm bệnh tình của tôi ra sao rồi ?

Thầy thuốc :

– Xin lỗi, tôi sợ phải báo cho ông một tin không vui. Đây là kết quả bảng phân chất. Có khả năng ông bị mắc bệnh phổi đã đến thời kỳ thứ ba. Triệu chứng thời kỳ đầu là ho…

Bệnh nhân :

– Quái thật. Bác sĩ bảo là ho. Thế vừa rồi bác sĩ cũng chẳng mới ho là gì. Tại sao đấy lại không phải là bệnh phổi ?

Thầy thuốc :

– Cái ho của tôi và cái ho của ông không giống nhau đâu.

Bệnh nhân:

– Tại sao lại không giống nhau? Ông có tiền, có học thức, tốt nghiệp cả đại học, từng uống cả nước sông A-ma-dôn, chắc phải thuộc loại người có dòng máu cao sang chứ gì? Có phải vậy không?

Thầy thuốc :

– Nói thế chẳng phải, lại còn nửa đêm lên cơn sốt.

Bệnh nhân:

– Chẳng nói thế thì nói thế nào cho vừa ý ông? Sốt nửa đêm? ! Cái quạt máy nhà tôi dùng đến nửa đêm sờ vào có thể bỏng tay như chơi. Thế nó cũng bị lao phổi đến thời kỳ thứ ba chắc ?

Thầy thuốc (gắng gượng giải thích) : – Thổ huyết cũng là một trong những triệu chứng của bệnh trạng.

Bệnh nhân :

– Sát nách nhà tôi có một nha sĩ. Những người đến chữa răng đều bị ông ta làm cho khạc ra máu. Khó mà nói rằng họ đều bị lao phổi ở thời kỳ thứ ba cả.

Thầy thuốc :

– Chuyện đó đương nhiên không phải như vậy rồi. Nhưng tổng kết tất cả lại. ..

Bệnh nhân:

– Được rồi! Nói lại từ đầu. Cứ cho là lao phổi đến thời kỳ thứ bẩy, thứ tám đi thì đã sao? Có cần phải nhặng xị lên thế không? Người nước ngoài không phải vẫn mắc lao phổi như thường hay sao ? Tại sao anh cứ xoáy vào mỗi tôi ? Tháng tới tôi kết hôn, việc này ai cũng biết, sao anh không có thể nói vài câu khích lệ tôi? Tại sao anh lại đả kích tôi? Anh thù oán gì tôi? Anh muốn làm cho đời chúng tôi tan nát à ?

Thầy thuốc : – Anh hiểu lầm tôi rồi. Tôi chỉ muốn nói…

Bệnh nhân : – Tôi chẳng hiểu lầm anh tí nào. Tôi chỉ nhìn thoáng một cái là thấy cả tim gan anh. Anh mất mẹ sớm, không có được một gia đình êm ấm. Đến tuổi trung niên lại ngồi tù vì án cướp của, giết người, hiếp dâm, xem thường công bình, luật pháp, cừu hận chất chồng. Thấy người khác hạnh phúc là không chịu được, không muốn thấy nước nhà rạng rỡ, vẻ vang.

Thầy thuốc : – Chúng ta phải tùy việc mà xét.

Bệnh nhân :

– Chính tôi đang tùy việc mà xét đây. Anh cứ thú thật cái bà già mà anh mang ơn ấy, khi giết bà ta anh hạ thủ như thế nào ?

Thầy thuốc (hơi hoảng sợ) :

– Giấy chẩn bệnh đã căn cứ vào phân chất máu và nước bọt, có lẽ nào tôi bịa đặt ra được ?

Bệnh nhân :

– Đương nhiên là anh không bịa đặt. Cũng như con dao của anh đã cắm vào ngực của bà kia. Anh sỉ nhục những người tiến bộ và yêu nước như vậy là đủ rồi. Anh một lòng thù hận đồng bào, bảo họ đều bị lao thời kỳ thứ ba, anh không tự thấy là vô liêm sỉ à ?

Thầy thuốc :

– Ông anh ơi, chỉ vì thương ông, mong ông chóng bình phục tôi mới nói thẳng sự việc chứ thật tình không có ác ý.

Bệnh nhân (vừa cười nhạt vừa ho) :

– Anh là một thằng đồ tể giết người không gớm tay. Tất cả nhân sĩ yêu nước có lương tâm sẽ liên kết lại để ngăn chặn ý đồ mưu sát tổ quốc của anh mà anh gọi là lòng yêu nước hòng che mắt thiên hạ.

Thầy thuốc :

– Tất cả tôi chỉ căn cứ vào những bản phân tích, như phân tích nước bọt chẳng hạn của trường Thiên Trúc đã làm. ..

Bệnh nhân:

– Đồ vọng ngoại! Đồ sùng bái và nịnh hót nước ngoài! Anh chính là cái mầm mống hạ lưu đã táng tận lòng tự trọng dân tộc. Đồ tồi ! Tôi nghiêm túc cảnh cáo anh ! Thế nào rồi anh cũng sẽ phải trả giá rất đắt về hành vi vọng ngoại này.

Thầy thuốc (mạnh dạn thêm) :

– Thôi, không nói lung tung, không tránh né nữa. Cũng không nên dùng ngôn ngữ đấu tố để thay thế lý lẽ. Chuyện quá khứ và chủ đề của tôi thì có liên quan gì ? Cái chủ đề của chúng ta là “Anh có bị lao hay không ? ”

Bệnh nhân :

– Cứ xem mô hình cái “Người Trung Quốc xấu xí ” của anh. Quả là già mồm ! Từ bối cảnh đời anh, ai cũng có thể nhìn thấy được cái dã tâm của anh độc ác dường nào. Tại sao không liên quan với nhau? Nước Trung Quốc rồi hỏng về tay những loại người như anh, làm cho người nước ngoài tin rằng người Trung Quốc chúng ta đều bị lao vào thời kỳ thứ ba hết thẩy. Vì thế, họ xem chúng ta không ra gì. Cái loại Hán gian số một, ăn táo rào sung này lẽ trời không thể dung được. Cẩm y vệ (ho xù xụ)! Lôi nó đi!

Đương nhiên không nhất định phải là cẩm y vệ (lính vua) lôi đi (Bá Dương tiên sinh cũng đã hơn một lần bị lôi đi rồi), mà bọn này không chỉ lôi đi, lại còn có thể hành hung, đánh đập, chưa kể chửi bới, thóa mạ bằng lời nói hoặc bằng bút.

Đài Bắc, ngày 23-07-1985.

– Theo tiên sinh (dịch giả) Châu Hải Đường – Trích trong tập sách “Khoe bàn chân nhỏ”  của tác giả Bá Dương

Exit mobile version