“Nắng mưa là bệnh của trời, tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”, Nguyễn Bính khám bệnh cho trời, cho mình rồi phán như thế. Cứ theo nhãn quan y học của Nguyễn Bính trong ca này mà suy, thì trong y khoa, văn nghệ sĩ nhà ta cũng tài đáo để! Nhân ngày thầy thước Việt Nam, VanVN.Net xin kể vài câu chuyện xung quanh tài năng y khoa của các nhà văn…
1. Sinh thời Xuân Diệu rất quan tâm tới sức khỏe, đặc biệt quan tâm chuyện dưỡng sức theo lối âm dương tương hợp. Ông dạy nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh cách ngủ: “Trước 12 giờ đêm là âm, sau 12 giờ là Dương. Phải ngủ trước 12 giờ cho có một chút âm. Quá 12 giờ là dương, là ngày hôm sau, có ngủ bù lâu cũng không tốt. Vấn đề không phải là số lượng giờ ngủ mà phải có âm có dương”. Lại dạy Tô Hoài cách…đái, theo bí quyết dưỡng sinh gia truyền: “Khi nào đứnng đái thì cắn chặt hai hàm răng lại, như thế sẽ ăn khỏe chẳng kém hàng ngày uống vitamin B”. Còn các vitamin khác thì luôn có trong túi thơ Xuân Diệu mỗi khi ông đi công tác hồi còn chiến tranh: “Lọ nước mắm kem đặc cho nhẹ đem từ khu Bốn ra. Hộp thịt bò khô ướp lá sả”. Nhưng với Xuân Diệu, không vitamin nào bằng thịt chó vào những ngày nhất định.
2. Thịt chó cũng đã từng là vị thuốc trị bệnh thấp khớp cho nhà văn Nguyễn Tuân. Nhà văn Tô Hoài kể: Đôi chân thèm đi của Nguyễn Tuân đã được đắp vô vàn cao hổ mà đến lúc cũng quị. Ở quán thịt chó Sinh Hàng Lược, Đoàn Giỏi mách: “hai cẳng sau con chó, ở trong Nam người ta chữa được nhiều bệnh, hiệu nghiệm nhất là đau xương, bệnh khớp”. Nghe vậy, mỗi buổi chiều, đạo diễn điện ảnh Phạm Văn Khoa xách cặp lồng lên Hàng Lược mua hai cẳng chân sau con chó rồi treo cặp lồng thuốc quí ấy ở đầu thang gác dẫn lên nhà Nguyễn Tuân. Có lẽ nhờ thuốc ấy, bệnh nhân Nguyễn Tuân vẫn còn phong độ để: một ngày kia, chai rượu dẹt lận lưng áo, ung dung chống gậy, mang cái va li nhỏ đựng bộ đồ trà và mấy cuốn sách bước vào bệnh viện lần cuối cùng trong đời. Rồi nhân tiện đi thẳng sang thế giới bên kia!
3. Nhà văn Nguyễn Công Hoan lại có bài thuốc chiết xuất từ…mèo. Trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, ông Xuân Cang kể rằng Nguyễn Công Hoan là người rất mê tín thuốc ta. Ông có cả một cuốn sổ bệnh học chép rất nhiều bài thuốc dân gian bí truyền có thể hái được trong vườn nhà và những mẹo chữa bệnh. Trong sổ ấy các căn bệnh cũng được xếp theo thứ tự chữ cái. Tra chữ D sẽ thấy từ đỉa. Nếu chẳng may bị đỉa chui vào lỗ tai, cứ nhỏ nước đái mèo vào là đỉa chui ra ngay. Mà muốn lấy thứ nước thuốc kia thì đặt chú mèo lên một cái mâm đồng, nhỏ vào tai chú ta nước gừng, lấy lồng bàn đậy mèo lại, một chốc mở lồng bàn là có thuốc quí lênh láng trên mâm! Trong thời gian đất nước còn chiến tranh, nhà văn Xuân Cang đã bỏ mấy đêm liền để chép tay sách bệnh học kia, ông kể: “Thế rồi một hôm cậu con trai bé tí của tôi bí đái. Suốt một ngày không đái được, khóc ầm lên. Vợ tôi cuống lên bắt đèo hai mẹ con lên bệnh viện sơ tán. Trước khi đi bệnh viện tôi giở sổ [chép cuốn bệnh học của Nguyễn Công Hoan] đến vần b có chữ bí đái. Có mẹo bảo rằng ra vườn hái ba cái lá bầu, hơ nóng lên, áp vào bụng. Tôi làm theo. Khi đèo hai mẹ con tới bìa rừng rẽ vào bệnh viện thì cháu nó tè”.
4. Theo Hoàng Minh Châu, hồi còn ở văn nghệ liên khu 4, nhà thơ Chế Lan Viên bị bệnh phổi, xanh xao lắm. Ông trị bệnh cho mình bằng thứ philatop tươi sống có tên nôm na là…nhau thai (rau bà đẻ) do cô y tá B. hộ sinh viên cung cấp. Lần ấy theo lệ thường, Chế Lan Viên lại viết thư tay gởi xuống trạm xá nơi B. công tác: “Thân gởi B, thuốc ấy rất tốt, mong lại giúp nhau lần này…”. Thứ ấy đã có chữ thuốc lại có chữ nhau, bài thuốc nhau thai tưởng đã rõ, nào ngờ… Thư không đến tay cô y tá B. mà lọt vào tay ông trạm trưởng tốt bụng. Với ông, nhà thơ kêu gọi giúp nhau thuốc thì ắt nhà thơ cần thuốc…lá (sách thuốc gọi là tương tư thảo – cỏ tương tư) để bổ dưỡng cảm hứng! Và ông gửi ngay tới nhà thơ của chúng ta một bao thuốc lá thơm Philip! Biến rau bà đẻ thành cỏ… ông hít, hẳn bác trưởng trạm nhà ta cũng là người làm thơ chăng?
5. Trong giới nhà văn lại có người bước hẳn vào trong phòng mổ, tham gia vào ca phẫu thuật, cùng bác sĩ cứu sống bạn văn của mình. Chuyện rằng lần ấy lên Tây Bắc, một buổi sáng ở suối Rút, nhạc sĩ, nhà thơ Văn Cao bỗng thủng dạ dày! Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Tuân phải đưa Văn Cao lên xe tải quân đội chạy cấp cứu. Xe phải leo hết dốc này đến dốc khác, lại phải ghé các trạm xá dọc đường để y tá tiêm thuốc hồi sức cho con bệnh, về đến bệnh viện Thuận Châu, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Tuân phải thay mặt gia đình để ký giấy cam đoan đồng ý cho con bệnh lên bàn mổ. Vẫn chưa hết việc! Bệnh viện chưa có điện, đèn măng sông không đủ sáng, vậy là Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Tuân, mỗi người một bên bàn giải phẫu đưa cao bó đuốc đang cháy rừng rực, soi đường mổ, giúp bác sĩ khâu lại dạ dày cho Văn Cao.
6. Nhưng đâu phải lúc nào cũng có bạn văn bên cạnh giúp mình vấn đề sức khỏe, cho nên nhiều nghệ sĩ tự cứu mình trước khi bạn cứu. Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn nói trong sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc rằng, ông sống khỏe là nhờ biết thở. Ông thở mỗi hơi dài tới hai phút. Mỗi khi ngồi tàu bay từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh, ông chỉ thở 60 lần là hết đường mây. Cũng trong sách này, nhà văn Võ Hồng đưa ra phương pháp chữa bệnh già bằng truyện tiếu lâm. Kinh nghiệm ông đưa ra rất thuyết phục vì nó được xây dựng từ những cơ sở khoa học của môn giải phẫu học. Ông kể, năm lên lão 70, ông được thân hữu mở tiệc chúc thọ. Trong tiệc có người mừng ông thuộc loại xưa nay hiếm – cổ lai hy. Nghe câu chữ Hán cổ này, ông đứng lên chỉ vào cổ mình, lên lớp một bài giải phẫu sinh lý người: “70 tuổi là khúc này, cổ lai hy”. Rồi lần lượt chỉ xuống ngực lai hy 60 tuổi, bụng lai hy 50 tuổi… nhà văn Võ Hồng chưa cần nói tới cái phần lai hy bên dưới bụng, mọi người đều đã hiểu và cười lăn cười bò. Đúng là một trận cười bằng 10 thang thuốc bổ.
H.Lý sưu tầm- Vanvn.net