V.V.TUÂN – LAM ĐIỀN

Có thời lượng dài hơn mọi năm với những hoạt động không chỉ diễn ra trong ngày rằm tháng giêng, nhưng có vẻ Ngày thơ năm nay chưa có những điểm nhấn ấn tượng nào mới mẻ cho người yêu thơ ca.

Một không gian của Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám chiều 1-3 – Ảnh: NGỌC DIỆP

Trước khi hoạt động chính của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 năm 2018 diễn ra hôm nay (2-3), sáng 1-3 tại khu vực Hồ Văn của Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) đã khai mạc Sân thơ các câu lạc bộ thơ với các hoạt động thi trình diễn thơ và biểu diễn văn nghệ.

Thả về trời 50 câu thơ

Ngày thơ Việt Nam năm nay diễn ra từ ngày 27-2 đến 2-3 với chủ đề Văn học đồng hành cùng đất nước. Đây là năm đầu tiên Ngày thơ Việt Nam diễn ra trong bốn ngày thay vì một ngày như mọi năm.

Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam cũng đã có cuộc hội thảo Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay và Đổi mới tư duy tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

Hai sân thơ gồm sân thơ truyền thống và sân thơ trẻ của Ngày thơ được khai mạc vào ngày 2-3 (tức rằm tháng giêng). Sân thơ trẻ sẽ do Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp với ban nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, với nhiều nội dung phong phú.

Chương trình đọc, trình diễn thơ ở hai sân sẽ có sự tham gia của bốn nhà thơ Nhật Bản cùng sự phối hợp các màn biểu diễn minh họa của các sinh viên ở Học viện Múa Việt Nam.

Tiết mục thả thơ với 50 câu thơ hay do các nhà thơ uy tín tuyển chọn, vẫn được ban tổ chức duy trì như mọi năm.

“Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”

Tại TP.HCM, với chủ đề Xuân – Cội nguồn & sáng tạo, Ngày thơ Việt Nam năm nay được xác định trọng tâm “hướng về kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và tinh thần sáng tạo, đổi mới, phát triển của thành phố”.

Trước thềm Ngày thơ, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM, Hội Nhà văn TP.HCM và Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ phối hợp ra mắt loạt sách về đề tài Mậu Thân 1968.

Chương trình chính thức của Ngày thơ diễn ra sáng sớm rằm tháng giêng (2-3), với nghi thức dâng hương tượng đài Chiến thắng để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ hi sinh trong chiến dịch Mậu Thân do đại diện ban tổ chức và các nhà văn lão thành thực hiện.

Tiếng trống khai mạc Ngày thơ sẽ vang lên lúc 8h30 ngày 2-3 tại hội trường 81 Trần Quốc Thảo. Sau đó là tiết mục thể hiện bài thơ Bác Hồ chúc tết năm Mậu Thân 1968 và bài thơ Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ liệt sĩ Lê Anh Xuân. “Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất… Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.

Song song với chương trình chính, phần hội thơ tại TP.HCM với điểm nhấn là hoạt động của Sân thơ trẻ cũng đã bắt đầu từ chiều 1-3 tại 81 Trần Quốc Thảo.

Một trong những hoạt động mang lại không khí rộn ràng cho sân thơ là tiểu phẩm Thị Nở vùng lên (do nhà thơ Minh Đan biên soạn và dàn dựng cùng nhóm Thơ trẻ thực hiện).

Bán thơ gây quỹ cho cây bút có hoàn cảnh khó khăn

Cùng với tọa đàm, giao lưu chủ đề “Sài Gòn – Thơ trẻ sáng tạo” (14h ngày 1-3), Sân thơ trẻ ở TP.HCM đã tổ chức ra mắt hai tập thơ mới là Vị đàn bà của nhóm 5 nhà thơ nữ (Minh Đan, Trần Mai Hường, Kiều Maily, Phạm Phương Lan, Tô Minh Yến) và tập thơ Bật cúc đêm của tác giả trẻ Lương Cẩm Quyên.

Hai tập thơ này được bán giảm giá 50%, toàn bộ tiền phát hành sách tại hội thơ dành để hỗ trợ các cây bút trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Nguồn Báo Tuổi Trẻ

Dương Thanh đăng bài

Exit mobile version