Nhà thơ Sukrita Paul Kumar. Người ta thường cho rằng thơ ca là sự diễn tả rất riêng tư đồng thời thuyết phục về những trải nghiệm trong trí tưởng tượng và cả có thật của nhà thơ. Điều nực cười là chính “trải nghiệm cá nhân” này thực ra lại bắt nguồn từ hoàn cảnh văn hóa-xã hội của tác giả. Sau khi được sàng lọc qua cảm nhận cá nhân của nhà thơ, sự thể hiện sáng tạo thực ra mượn một vỏ bọc “khách quan” để qua đó nhà thơ kết nối với những “người khác”. Qua việc đọc thơ của nhau, ta sẽ hiểu sâu sắc hơn về tính cách con người của một nhà thơ. Quan trọng hơn cả, chúng ta còn hiểu được văn hóa, cộng đồng, nền chính trị, và cả hoàn cảnh địa lý nơi nhà thơ đang sinh sống. Trong thời thuộc địa và trong bối cảnh chủ nghĩa thực dân mới, chúng ta biết rằng văn học phương Tây đã chi phối cả giới trí thức lẫn độc giả bình thường, vì sự dễ dàng tiếp cận của nó ở những quốc gia chúng ta đang sống.

 

Trên thực tế, những cửa hàng sách và thậm chí những thư viện nhan nhản sách phương Tây và những người bán sách sẵn sàng đề nghị mua giúp chúng ta thêm những tác phẩm này nếu có nhu cầu. Trong khi đó, đối với văn chương của các nước châu Á, mặc dù chúng ta ra sức tìm kiếm, chẳng có người đại lý hoặc nhà phân phối nào có thể giúp chúng ta mua sách cả. Có lẽ vì chúng ta quá gần nhau, cho nên chúng ta không tiếp cận được với nhau!? Có lẽ chính trị thế giới đang chiếm lĩnh ngành kinh doanh sách? Có phải sự bốc đồng bất cần của các phương tiện truyền thông gây ra cơn sốt với văn học phương Tây và sự lạnh nhạt đối với kho tàng văn học phương Đông? Hay lý do là vì sức hút không thể cưỡng lại được của nền văn minh Tây Âu, sự lộng lẫy của ngôn từ và văn học từ một nơi được mệnh danh là “thế giới thứ nhất” đang thôi miên con mắt của mỗi chúng ta? Tại sao chúng ta không ủng hộ văn chương của các nước láng giềng, những quốc gia liền kề cũng như cách xa chúng ta, trong phạm vi châu Á này? Việc chúng ta thiếu tiếp xúc với những nền văn học Á Châu thực sự đã dẫn đến một chuỗi những sự sỉ nhục văn hóa trong chính châu lục này. Cần phải có những nỗ lực vượt bậc để nối liền khoảng cách, giúp chúng ta thấu hiểu nhau hơn. … Để đạt được mục tiêu đó, cần thiết lập những nền móng cho sự giao lưu văn xuôi và thi ca.

Người ta thường than vãn rằng bản dịch tiếng Anh của các tác phẩm văn học châu Á không được tiếp nhận ở hầu hết các nước châu Á. Điều này cũng hạn chế khả năng tiếp cận của văn học của Á châu. Ở Ấn độ, thư viện các trường đại học không có nhiều tác phẩm văn học châu Á vì chương trình học tại các trường đại học và cao đẳng thường không bao gồm chủ đề văn học của các nước này.

Bằng cách hòa chung giọng nói, chúng ta không có ý định xây dựng một sự thay thế cho khái niệm “Đông phương học”, mà giáo sư, nhà nghiên cứu Edward Said đã từng phê phán một cách đúng đắn. Tuy nhiên, nền tảng của những hoạt động này tạo cơ hội để chúng ta hiểu nhau hơn thông qua thơ ca, qua đó nâng cao khả năng nhận biết phạm vi của sự đồng cảm trong tri giác của những nhà văn châu Á. Những vùng rộng lớn của châu Á có chung những truyền thuyết và những câu chuyện thần thoại, những sử thi và tôn giáo, và phong tục kể chuyện cũng khá tương đồng. Sự gần gũi về địa lý, sự chuyển biến của lịch sử và văn hóa, đồng thời sự tương tác của những điều kiện xã hội-chính trị đã góp phần tạo ra những khuynh hướng triết học và tính cách tương đồng trong các dân tộc thuộc các quốc gia khác nhau trong vùng lãnh thổ châu Á. Trong khi đó, xu hướng hiện đại hóa và cách tiếp cận thực dụng đối với ý tưởng của sự tiến bộ và phát triển đã khiến phương Tây đi trên một con đường hoàn toàn khác.

Vậy, có một tổng thể hợp nhất của các dân tộc thuộc các quốc gia châu Á hay không? Chúng ta có thể dễ dàng trả lời câu hỏi này bằng cách thẩm thấu, và sẻ chia những nền văn học của các nước châu Á khác nhau. Bước đầu tiên của công việc này là tìm hiểu lẫn nhau bằng cách đọc các tác phẩm văn xuôi và thơ – ngôn ngữ của trái tim và khối óc! Sự khác biệt văn hóa, tín ngưỡng, đức tin, hành vi và cách biểu đạt sẽ hiện lên rõ nét, tuy nhiên những cây cầu của sự cảm thông sẽ được xây lên bằng sự đồng cảm và và việc nhận ra chúng ta có chung những vấn đề và những mối quan tâm.

Không thể phủ nhận sự khác biệt khổng lồ của những trải nghiệm, hoàn cảnh, và cách suy nghĩ trong các tác phẩm văn học châu Á. Như chúng ta biết, sự đại diện văn học xuất hiện từ trải nghiệm cụ thể và có nguồn gốc, và vươn ra để liên hệ với “những người khác” bằng cách vượt ra khỏi vương quốc của những câu hỏi cơ bản liên quan đến sự tồn tại của loài người. Chúng ta phải nhận thức rằng, trừ khi chúng ta hiểu được những điều cụ thể, chúng ta không thể nhận ra cốt lõi của những “câu hỏi lớn hơn” về sự tồn tại. Ví dụ, sự đau đớn của người Sri Lanka và người Ấn độ hoặc bất cứ một nhân vật chính nào trong một bài thơ sẽ đương nhiên bắt nguồn từ một hoàn cảnh chính trị-xã hội cụ thể tại một thời điểm cụ thể nào đó. Và nếu bạn đọc không hiểu về hoàn cảnh đó, họ sẽ không nhận diện đầy đủ được sự đau đớn trong bài thơ. Thêm vào đó, cách một nhân vật đối phó với mối nguy hiểm đến tính mạng còn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi hoàn cảnh xã hội và văn hóa nơi người ấy đã được nuôi dưỡng.

Nhà văn Geyang, trong truyện ngắn “Bà xơ già kể chuyện” đã viết: “Chúng ta kể câu chuyện về cuộc sống của chúng ta cho những người khác, để rồi những đau khổ chúng ta đã trải qua trở thành một điều tốt đẹp”. Chia sẻ và tìm ra tiếng nói kết nối cuộc sống của chúng ta là cách tăng thêm sức mạnh và sự gắn kết. Nhà văn có khả năng nối liền quá khứ với hiện tại và tạo mối liên hệ với những con người ở thời đại anh ta đang sống.

Dòng chảy của văn hóa, truyền thuyết và những ký hiệu dễ dàng vượt qua biên giới quốc gia và chính trị; biên giới địa lý trở thành đường viền của những cái bóng để những câu chuyện và những bài hát đi qua. Điều này không có nghĩa là chúng ta chối bỏ sự khác biệt trong mỗi nền văn hóa mà chúng ta phải giúp bạn đọc phân biệt rõ sự tương đồng và khác nhau của sự đồng đẳng bên trong và giữa mỗi một nền văn hóa.

Cơ hội được liên kết và lắng nghe thơ của nhau có lẽ là một trong những cách tốt nhất để xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa chúng ta trên con đường phát triển văn minh và vững chắc.

Nguyễn Phan Quế Mai chuyển ngữ

Tham luận tại Liên hoan thơ Châu Á _ Thái Bình Dương lần thứ I.


Exit mobile version