Nguyệt Tam Tinh

1. Sự cực đoan của cái tôi

Nhu cầu nhận thức và bày tỏ cái tôi chỉ phát triển mạnh mẽ từ khi Việt Nam tiếp xúc với phương Tây. Văn học Việt Nam 1932 – 1945 là một minh chứng cho điều đó. Nhìn về sự vận động của văn học, việc phát hiện và biểu đạt con người cá nhân trong văn chương là một thành tựu của quá trình hiện đại hóa văn học. Cho đến hôm nay, xã hội hiện đại cùng với những diễn biến văn học, văn hóa của nó vẫn nhận thấy cái tôi là cốt lõi của nhận thức về bản sắc, giá trị, danh dự, nhân phẩm, trí tuệ hay tài năng, thân phận,… Người ta không thể xem thường cái tôi, thậm chí càng ngày càng phải tôn trọng bản sắc cá nhân này. Điều đó đúng với xã hội văn minh. Tuy nhiên, không phải lúc nào cái tôi cũng thu hút được sự tán thành từ cộng đồng. Nói cách khác, trong thái độ dè chừng sự thái quá của cái tôi, người ta nhận ra nhiều lúc nó thật vô lối.

Khi Xuân Diệu tha thiết bày tỏ: Ta là Một, là Riêng, là thứ Nhất/ Không có chi bè bạn nổi cùng ta(Hi Mã Lạp Sơn), ta hiểu đó là lời của cái tôi đòi hỏi một sự hiện diện tuyệt đối. Nhưng, hãy nhớ lại, trước đó, trong lời tựa tập Thơ thơ (1938), Thế Lữ cũng đã tha thiết chẳng kém: Loài người hãy hiểu con người ấy. Vậy là, Thế Lữ nhận ra ở đấy chiều kích cực đoan của cái tôi, nhất là khi nó hiện diện với tư thế đối đầu truyền thống trung đại phủ nhận cái tôi khá triệt để. Khi cái tôi chiến thắng, Thơ mới lên ngôi, chúng ta có “Một thời đại trong thi ca” mà Hoài Thanh đã từng nhấn mạnh: “Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi…”. Sau đó, văn học cách mạng với đặc thù riêng đã hợp nhất, lôi cuốn con người cá nhân vào tập thể, hình thành kiểu cái tôi đoàn thể. Sau giải phóng, đổi mới đất nước, toàn cầu hóa và hội nhập lại là cơ hội cho con người cá nhân phát triển. Cái tôi trở lại, sắc nét hơn, ngạo nghễ hơn, và cũng đủ đầy toàn diện hơn. Người ta nói đến một cấp độ mới của cái tôi: cái tôi bản thể. Nếu thời Thơ mới, cái tôi ở dạng cá thể – phát hiện ra mình, say sưa chiêm ngắm, bày tỏ mình trong tương quan với cộng đồng (phóng chiếu mình ra bên ngoài), thì trong xã hội đương đại, cái tôi bản thể hiện diện với tư cách là một cá tính không lặp lại nhưng mang đầy đủ các sắc thái của con người muôn nơi và muôn thuở – nó hướng tới phẩm chất toàn cầu. Cái tôi bản thể đối diện chính mình, xoáy sâu vào thế giới bên trong, vào căn nguyên của hiện hữu, tồn tại người (soi chiếu vào bên trong). Sự cô độc của cái tôi bản thể, như thế là vĩnh viễn. Tuy nhiên, chính tại nơi cái tôi bản thể bày tỏ sắc thái cô độc tuyệt đối, nó đồng thời cho thấy những dấu hiệu vô lối của mình. Chúng ta không phủ nhận, cái tôi thể hiện bản sắc chủ thể. Nhưng với nhiều người, cái tôi của một cá nhân khác trở nên vô nghĩa hoặc xa lạ. Người ta không hiểu, không thể hiểu, hoặc không muốn hiểu cái tôi ấy. Mặt khác, có khi, những phô bày của cái tôi này không ích lợi cho mĩ cảm, tri thức của người khác. Đồng thời, nhu cầu bày tỏ cái tôi đôi khi trở nên hợm hĩnh hay cực đoan khiến cho người khác cảm thấy không thích, thậm chí là chán ghét, đến mức cần phải phê phán. Thơ trữ tình, tự truyện là những thể loại thể hiện rõ cái tôi, nhưng cũng là những thể loại buộc phải chấp nhận sự phán xét của những cái tôi khác và cộng đồng. Rõ ràng, ngay từ giai đoạn cuối của phong trào Thơ mới, người ta đã phê phán lối thơ “hũ nút” của “Xuân thu nhã tập”: Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi/ Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y/ Rượu hát bầu vàng cung ướp hương/ Ngón hường say tóc nhạc trầm mi (Buồn xưa – Nguyễn Xuân Sanh). Đến đương đại, những thực hành của dòng thơ vụt hiện, thơ con âm, con chữ, thơ ngoài lời, thơ mẫu tự… đang thực sự thách thức mĩ cảm, tri thức của cộng đồng: Bão loạn. Lốc dù. Xanh mí. Cốc ré. Váy hè. Tiện nghi lạc-xon. Chất chồng trô trố. Môi ngang. Vô hồn. Khoảnh khoắc. Mi-ni mông lông. Cởi quần, chửi thề. Con gà quay con gà quay!
Bão loạn. Múa vàng. Te tua.
Nhừ giấc.
Bão loạn. Rùng rùng. Sặc nước. Giạt tóc. Liên tục địa sầm. Tìm, chết,
đi.
Bão loạn. Dứt tung tay. Óc lói. Lơ láo tù về lạc thế kỉ. Sương đầm đẫm vóc miên mai

(Đường phố – Hoàng Hưng).

Người đọc trở nên hoài nghi giá trị của những sáng tạo này. Dĩ nhiên, trong bối cảnh rộng mở, các thể nghiệm nghệ thuật có cơ hội phát triển, nhưng, với một bộ phận không nhỏ, những cách tân vừa nêu hoàn toàn có thể bị xem là một sự cực đoan, vô lối, đánh đố hoặc phản giá trị. Cái tôi trong những thực hành sáng tạo này rất khó nhận diện, nó ẩn sau hệ thống kí hiệu (ngôn ngữ, hình ảnh, thủ pháp,…). Nhiều người đọc và nhà phê bình đã lên tiếng về sự mập mờ, vô lối này. Nhân danh những diễn biến tinh vi, sâu kín nội tại, cái tôi phô bày một hình thái xa lạ, nghịch lí, phi logic,… Có thể, cái tôi ấy sẽ được nhận diện và chia sẻ trong cộng đồng mà nó thuộc về. Tuy nhiên, với những cộng đồng khác, những cái tôi khác, trên một bình diện mĩ cảm, tri thức khác, có thể cái tôi ấy sẽ không được chấp nhận.

Xã hội đương đại đề cao cá nhân, thơ trữ tình càng phát huy tới tận cùng, tận độ cái tôi bản thể. Tuy nhiên, nhìn lại những hình thái hiện diện của cái tôi trong lịch sử thơ ca Việt Nam, dù thực sự tôn trọng cái tôi, cộng đồng văn hóa – văn học cũng không tránh khỏi có những lúc bất lực trước thế giới của những cái tôi cực đoan. Sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi bản sắc, cá tính. Con người đương đại cũng có nhu cầu bày tỏ cái tôi như là sự khẳng định bản sắc tồn tại. Phê phán cái tôi trong ý nghĩa này chính là thái độ cân bằng trong việc phô bày bản thể và khả năng tiếp cận các bình diện phổ quát của nhân loại. Trong tình thế của xã hội hiện nay, dẫu nhận ra sự vô lối của cái tôi, nhưng làm sao để có thể khước từ nó. Bởi lẽ, từ bản chất, vô lối lại cũng là một hình thái của hiện hữu.

2. Kinh nghiệm, kẻ đồng lõa của thất bại

Cái tôi có mối liên hệ đặc biệt đến kinh nghiệm. Bởi lẽ, cái tôi là một nhân cách đại diện cho chủ thể. Kinh nghiệm là sản phẩm của cá nhân chủ thể. Tại đó, khi phê phán cái tôi, đồng thời chúng ta cũng nhận ra giới hạn của kinh nghiệm đối với thực hành sáng tạo.

Kinh nghiệm đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của con người. Nó giúp cho hành trình nhận thức được rút ngắn. Nhưng đối với nghệ thuật, dường như kinh nghiệm không phải là một yếu tố quyết định thành công hay rút ngắn hành trình của tác giả đến với thành công. Thậm chí, chúng ta có thể nghĩ rằng, kinh nghiệm chính là nguyên nhân của sự thất bại trong sáng tạo nghệ thuật. Và như thế, có thể nói đến một cơ chế từ chối kinh nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật?

Kinh nghiệm được hiểu như là nhận thức của cá nhân khi trực tiếp tham gia, trải qua một sự việc nào đó. Do vậy, kinh nghiệm mang tính chủ quan. Bản thân những kinh nghiệm có được cũng là kết quả của sự tham dự trực tiếp nên nó không phải là cái đầu tiên, cái xuất phát điểm của hành động. Thực tiễn là điều quan trọng đối với cả cuộc sống và văn chương nghệ thuật. Thực tiễn là cơ sở của kinh nghiệm đồng thời nó chất vấn kinh nghiệm – kiểm nghiệm. Chúng ta thường bắt gặp những chia sẻ của các thế hệ đi trước như là kinh nghiệm đối với thế hệ đi sau. Điều đó thật đáng quý với ý nghĩa như chúng ta vừa nêu ra – rút ngắn quá trình nhận thức. Tuy nhiên, dù là tư biện, chúng ta vẫn phải hiểu rằng sáng tạo là làm ra cái mới. Do đó, kinh nghiệm trong tư cách là nhận thức cũ, gắn liền với cá nhân nên ẩn chứa nhiều sai biệt, vô hình trung trở lại ngăn cản hoặc trì níu tư duy sáng tạo. Chẳng hạn, kinh nghiệm của Kazuo Ishiguro (giải Nobel Văn học 2017) là lập ghi chú trước cho các vấn đề trong tác phẩm, viết thử hay liên tục sửa chữa,… Có lẽ, đây cũng là cách làm của nhiều nhà văn. Nhưng, thành công như Kazuo lại không nhiều hoặc chỉ một mình Kazuo. Chúng ta cũng biết rằng, nhiều nhà văn đề cập đến kinh nghiệm viết câu mở đầu, thiết lập tình huống, cách kể, tả, cách thắt nút, gỡ nút, xây dựng nhân vật… trong các bài phỏng vấn hoặc các cuốn sách viết về nghề văn. Điều đó có cần cho những người viết trẻ, những người mới bắt đầu viết không? Dĩ nhiên, rất cần. Thế hệ đi sau sẽ cần những tri thức đó để hình dung vấn đề. Nhưng, thất bại nằm ngay ở chỗ nếu người đi sau thực hành đúng như kinh nghiệm của người đi trước. Trong đời sống dân gian, kinh nghiệm được đúc kết thành tục ngữ, thành ngữ, châm ngôn,… trên cơ sở đó con người có những ứng xử phù hợp (ngay cả những kinh nghiệm này không phải lúc nào cũng đúng). Trong nghệ thuật, khi một nhà văn thế hệ trước nói rằng phải đi thực tế, phải lăn lộn với cuộc sống mới có tư liệu để viết, một nhà văn trẻ hoàn toàn có thể nói rằng: tôi không cần. Tại sao? Kinh nghiệm thực tế rất quan trọng đối với sáng tạo nghệ thuật. Nhưng, tưởng tượng và hư cấu cũng vô cùng quan trọng, thậm chí đó là nguyên lí căn bản của sáng tạo. Hiện thực của văn chương không giống hiện thực đời sống. Đó là hiện thực của trí tưởng, hiện thực được kiến tạo hay diễn giải. Dĩ nhiên, không có sự tưởng tượng nào xuất phát từ chỗ không có gì. Nhà văn dù hư cấu bao nhiêu, với khả năng tưởng tượng cao nhất cũng không thể rời xa thực tiễn. Có điều, kinh nghiệm của người này không trao truyền hay áp dụng được cho người khác. Bản thân chúng ta phải tham dự và tìm kiếm kinh nghiệm của riêng mình. Kinh nghiệm đó đúng với cá nhân này và có thể không đúng hoặc sai với cá nhân khác. Khi Tô Hoài viết cuốn Sổ tay viết văn, ông trình bày những kinh nghiệm của riêng ông, đó là bài học cho thế hệ đi sau, nhưng không chắc chắn nó sẽ đem lại cho họ thành công như  Tô Hoài. Cũng như thế, Nguyễn Công Hoan với Đời viết văn của tôi cũng chỉ là những kí ức về văn chương trong trải nghiệm cá thể. Chúng ta cũng có thể hình dung được mâu thuẫn sẽ xảy ra khi những kinh nghiệm ấy trở nên sai lầm với những nhà văn thuộc trường phái, khuynh hướng khác. Sự khác nhau về quan niệm giá trị, quan niệm nghệ thuật đưa đến những cách tiếp cận thực tiễn khác nhau, mang về những kinh nghiệm khác nhau. Kinh nghiệm “Chân chân chân! Thật thật thật!” của văn chương một thời đến giờ đã không còn phù hợp, thậm chí đi ngược nguyên lí sáng tạo nghệ thuật. Đến giờ, cái chân, cái thật, nếu còn được nhắc đến phải hiểu là một kinh nghiệm trong nhận thức về thực tại trong văn chương. Cái chân – thật của nghệ thuật không vừa khít vào khuôn khổ thực chứng.

Vẫn phải thừa nhận, kinh nghiệm vô cùng quý báu. Tuy nhiên, trong sáng tạo nghệ thuật, kinh nghiệm không phải là một thứ cẩm nang hay bí quyết. Sáng tạo cần hơn đến sự dấn thân vào những vùng đất mới, với những trải nghiệm mới. Nghệ thuật nảy sinh trên nền của những kinh nghiệm mới đó. Xét theo ý nghĩa này, việc sáng tác theo kinh nghiệm trở thành nguyên nhân của sự thất bại, nguyên nhân của những sự kéo dài hay nhàm chán, cũ kĩ. Thơ mới 1932 – 1945 là một cú vượt thoát kinh nghiệm sáng tác trung đại ngoạn mục, tạo nên “Một thời đại trong thi ca”. Nhưng, ngay sau đó, người ta nói đến việc “chôn tiền chiến”, vượt qua Thơ mới. Đến giờ, những tác phẩm thơ trữ tình với cảm xúc dào dạt, sự phô bày, kể lể của cái tôi, những cung bậc réo rắt kiểu Thơ mới đã không còn gợi lên mĩ cảm ở người đọc nữa. Một thứ Thơ mới kéo dài chính là thất bại của lối sáng tác này. Những trường hợp khác, Nguyễn Huy Thiệp thành công với Tướng về hưu, Bảo Ninh thành công với Nỗi buồn chiến tranh, Dư Thị Hoàn gây được tiếng vang với Lối nhỏ, Nguyễn Quang Thiều với Sự mất ngủ của lửa, Vi Thùy Linh với Linh, Khát, Nguyễn Thế Hoàng Linh với Ra vườn nhặt nắng, Đinh Phương với Nhụy khúc,… dường như là những biểu hiện sinh động của việc hiểu được giới hạn của kinh nghiệm và chủ động vượt qua giới hạn. Sẽ thật thảm hại cho ai đó muốn đi lại con đường của các tác giả này. Những thực hành dựa trên kinh nghiệm đó đã trở nên quen thuộc với người đọc. Câu chuyện của sáng tạo, như thế vẫn luôn là câu chuyện của quá trình từ chối kinh nghiệm. Từ chối kinh nghiệm ở đây không phải là không biết, mà biết để tránh, biết để không đi lại vết xe của người đi trước. Bởi lẽ, chúng ta sẽ không thể thành công nếu thực hiện đúng như sự thành công của người khác. Sáng tạo là làm ra cái mới trong những hình dung đầy đủ về giới hạn của kinh nghiệm.

3. Ngoảnh lại

Đặt ra vấn đề giới hạn của cái tôi và kinh nghiệm, phê phán những hình thái cực đoan, nhận ra những nguy hại ẩn trong kinh nghiệm chính là thái độ trân trọng cộng đồng văn hóa, cộng đồng diễn giải và ý thức vượt lên những lối mòn. Cuộc sống đương đại, mà văn chương là một hình thái biểu lộ của nó, vẫn dung chứa những cực đoan như là bản chất tồn tại, vẫn cần kinh nghiệm như là một thứ di sản. Tuy nhiên, như một nhà phê bình đã nói, kẻ thù của cái mới không phải là cái cũ mà là cái mới hơn. Sáng tạo nghệ thuật là làm ra cái mới, nó thấm đẫm bản sắc cá thể, khước từ kinh nghiệm, đồng thời, nó cũng luôn phải ngoảnh lại để nhận ra mình trong sự soi chiếu với tha nhân, cộng đồng, không gian, lịch sử mà nó hiện diện.

N.T.T

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version