Văn chương là gì? Khi phải tìm một định nghĩa cho văn chương, người ta bối rối. Chữ văn chương theo nghĩa hiện đại mới chỉ xuất hiện ở Âu châu vào thế kỷ XIX và cho đến nay chưa ai dám khẳng định cái gì là văn chương và cái gì không phải là văn chương.

(NV Nguyễn Huy Thiệp)

Todorov phân biệt hai thể loại chính: Tưởng tượng và Thơ ca và xác định văn chương như cuộc thám hiểm sức mạnh của ngôn ngữ. Nếu đem văn chương ra khám nghiệm, phân chất thì văn chương không thật, không giả. Văn chương là sản phẩm tưởng tượng của con người

Roland Barthes đối chiếu văn chương với lời nói và không ngần ngại tố cáo tính chấtphát xít của lời nói. Mọi phát ngôn đều có chủ đích truyền một lượng tin hay một mệnh lệnh nào đó (cho người nghe), và (người nói) bắt buộc phải nói. Do đó, tự bản chất, lời nói đã có tính chất vụ lợi, một chiều và độc đoán. Những tính chất ấy cũng lại tìm thấy trong huyết mạch của thế quyền (pouvoir). Do đó mà lời nói dễ trở thành công cụ của thế quyền, biến con người thành nạn nhân và thủ phạm. Văn chương ngược lại thuộc lãnh vực tự do: Không ai bị bắt buộc phải viết và người viết chỉ có cái quyền duy nhất là trình bày: nghe hay không nghe, đọc hay không đọc, thuộc quyền độc giả. Barthes xem văn chương là một sáng chế, một diệu kế, một sự lừa bịp lành mạnh của con người giúp cho tiếng nói vượt khỏi lãnh vực của thế quyền để bước vào địa hạt ngoại quyền (hors pouvoir). Nhìn theo hướng đó, thì những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp là văn chương. 

Sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp gây những tương phản dữ dội trong dư luận. Tại sao? Rất có thể là vì cho tới bây giờ, người ta chưa quen với một phong cách văn chương đa diện, đa âm như thế. Trên con đường một chiều, bạn đi dọc ngang, đa đoan, đa dạng, là loạn. 

*

Nếu văn chương là “sự lừa bịp lành mạnh” (nói như Barthes), thì Nguyễn Huy Thiệp quả có bịp. Bản thân dạy sử, lạnh lùng tung ra bộ ba Kiếm Sắc, Vàng Lửa, Phẩm Tiết với những rào đón mô phạm: “Tôi sưu tầm chỉnh lý những tư liệu cần thiết…” Nguyễn Huy Thiệp đã lùa người đọc vào bẫy, lừa những nhà sử, nhà đạo đức nghiêm chỉnh nhất vào tròng. Phản ứng chống đối mãnh liệt của một số người khi những tác phẩm này xuất hiện, chứng minh sự thành công của Nguyễn Huy Thiệp và làm lộ tính chất “lừa bịp” và tác dụng hý lộng của văn chương. 

Văn chương là sản phẩm của tưởng tượng và nếu phải đối lập khoa học với văn chương, người ta chọn khoa học vì nó chính xác, chọn văn chương vì nó gần người. 

Sử là một khoa học nhân văn chính xác và gần người hơn tất cả những khoa học nhân văn khác, nhưng bộ mặt khô khan, nghiêm chỉnh, mô phạm, giam hãm sử trong lãnh vực giáo khoa và biên khảo, ít người chơi, chỉ khi nào người viết mở rộng tầm sử quan về phía xã hội và con người, đưa sử ra ngoài vòng kinh điển thì sử mới thực sự giao lưu với đời sống (như Tam Quốc Chí). Và Thành Cát Tư Hãn chỉ là cái cớ để Vũ Khắc Khoan viết kịch phi lý, đả phá bạo lực và chiến tranh. Huệ, Ánh, chỉ là cái cớ để Thiệp nói chuyện với đời, về chuyện đời xưa, đời nay. 

Vấn đề ở đây là: Nguyễn Huy Thiệp có “bôi nhọ” lịch sử không? Và Quang Trung, Gia Long của Nguyễn Huy Thiệp có giống Quang Trung, Gia Long “thật” không? Về điểm thứ nhất: Ai chẳng biết lịch sử nhọ nhem tự muôn đời? Lịch sử biết nhiều hơn ai hết về thị trường tội ác của mình và không ai có thể bôi nhọ lịch sử bằng chính lịch sử. Về điểm thứ nhì: Chúng ta đang đọc những tác phẩm văn chương, vậy thật giả, không có gì quan trọng.Điều quan trọng là tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp có giá trị hay không? Mặc dù khó đọc, khó hiểu, tại sao các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp vẫn có ma lực lôi cuốn độc giả? 

*

Trước hết Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh của Nguyễn Huy Thiệp không nằm khô đét trên bài vị bàn thờ, không mốc meo trong sử viện, cũng không ăn vạ trong các bài sử lãnh cảm mà học trò không chịu học. Huệ, Ánh của Thiệp được làm người, nói thứ tiếng chúng ta đang nói, di động, gian trá, xảo quyệt, lừa bịp, nói tục và nhổ bậy… như chúng ta. Ở đây họ sống, trong sử họ chết. Ở đây họ là hiện tại, trong sử họ là quá khứ. Ở đây họ hèn như chúng ta, trong sử họ hùng không giống ta. Ở đây họ là người, trong sử họ là ma, và ở tha ma, họ chỉ là hài cốt, đôi khi còn bị đào mồ, sọ xương bị “kẻ thù” hành tội, xỉ nhục. 

Hồi sinh là phù phép thứ nhất, giao lưu quá khứ với hiện tại là phù phép thứ nhì của văn chương. 

Qua chân dung Nguyễn Ánh, con người nhìn thấy sự ích kỷ, đáng thương, đê tiện, bất lực và cô đơn của chính mình qua hình ảnh những lãnh tụ: họ cũng giống mình, ham sống, sợ chết. Qua sông gặp cá sấu, Ánh hỏi quần thần ai dám vì nước mà chết? Ánh hau háu lo chiếm được nhiều đất hơn anh em Tây Sơn. Khi Huệ chết, Ánh hăm hở đòi mở tiệc ăn mừng. Gia Long là một khối cô đơn khổng lồ, biết nước mình nghèo đói, biết triều đình thiển cận, biết bọn bầy tôi tráo trở, biếtvinh quang nào chẳng xây trên điếm nhục, biết sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền đê tiện… Biết Ánh chỉ là cái cớ để Thiệp mô tả não trạng của những lãnh tụ độc tài: “Không tin ai, dùng người lấy chữ hiệp, chữ lễ làm trọng, không coi nhân nghĩa trí tín ra gì”. Đối với địch: “Khi nào ta thành nghiệp lớn, ta phanh thây nó, ta chôn ba họ nó.” Đối với văn học:“ta chỉ ghét bọn chữ nghĩa thôi, chữ nghĩa chúng nó thối lắm, ngụy biện xảo trá tinh vi… Ta đến đâu đào hố đến đấy, chôn chúng nó xuống… Rửa đầu óc chúng nó mệt lắm”. Đối với nhân tài, con người không phải là một thực thể mà chỉ hiện hữu qua lý lịch: “Người ấy cha nó là Nguyễn Nhiễm – Anh nó là Nguyễn Khản”. Để nắm vững sự tồn tại của chính quyền, lãnh tụ không dám phá vỡ bất cứ quan hệ nào làm hại đời sống cộng sinh. Không tin học vấn có thể cải tạo giống nòi.

Dưới con mắt ngoại quốc, ngoại cuộc, Phăng nhận xét: “Vua Gia Long không đại diện cho ai, ông chỉ chịu trách nhiệm với mình. Đấy là điều vĩ đại nhưng cũng đê tiện khủng khiếp. Ông khủng khiếp ở khả năng dám bỡn cợt với tạo hóa, dám mang cả dân tộc mình ra lường gạt, phục vụ cho chính bản thân mình.”

Việc thống nhất đất nước dựa vào sức mạnh ngoại bang được đánh giá: “Bệ hạ đẩy vạn con người vào cuộc đao binh là trò chơi sao?” – “Đã ai hiểu việc chúa công dùng Bá Đa Lộc, dùng người ngoại quốc? Chúa công còn phải mang tiếng ba trăm năm”. Gia Long chẳng qua chỉ là portrait robot của những lãnh tụ độc tài muôn thuở: Tất cả mọi phương tiện đều tốt, miễn là đạt được cực quyền, và mọi sự kiện lịch sử đều có mặt trái, kể cả kỳ công “thống nhất đất nước”. 

*

Nặng tay với Ánh bao nhiêu thì Thiệp đãi Huệ nặng tình chừng ấy. Đối với Thiệp: “Huệ không có tội gì, chỉ là người tài bị trời hành”. Về ý thức xã hội, Huệ hơn Ánh: Huệ thắng trong chiến tranh và không bại trong hòa bình, tỏ ra một lãnh tụ có biệt tài kinh bang tế thế: “Thời chiến ta lấy kẻ có sức lực làm điểm tựa, thời bình ta lấy kẻ có trí lực làm điểm tựa”. Đối với bọn địa chủ, Huệ thương lượng, cộng tác mà không cướp của, giết người như Ánh: “Nay các ông đến đây, xin các ông vì ta mà mở mang công nghệ, buôn bán cho nước giàu dân mạnh”. Về ý thức dân chủ bình đẳng và trách nhiệm lương tâm, Huệ cũng hơn Ánh: Huệ đãi Ngô Khải hậu, cho ăn tiệc, Khải chê: “Ngon thì ngon nhưng chưa biết nấu, hơi ghê ghê vì có vị lợm”. Khải phát ngôn như vậy mà Huệ chỉ cầm chổi phất trần quất, nhét cứt vào mồm, lột truồng rồi đuổi về. Đến khi biết tin Khải tự tử vì nhục, Huệ đang đêm xõa tóc, đi chân đất, vừa đi vừa vấp, chạy vào báo tin cho Vinh Hoa (con gái của Khải) biết.   

Đến đây có lẽ cũng nên mở ngoặc về việc nói tục của Quang Trung và Gia Long. Hình như có nhiều người ngượng, bảo Thiệp phạm thượng. Có thể vì thế mà khi in thành sách năm 1989 đã phải sửa vài chỗ, so với bản in trên báo. Ví dụ, bản in trên Văn Nghệ (số 29-30) tháng 7-88, Phẩm Tiết có câu: 

“Thằng mặt xanh kia! Kề miệng lỗ còn dê ư! Ta cho cắt dái mày! Ta cho mày ăn cứt!” Bản nhà xuất bản Trẻ – Sông Hương (1989) sửa lại là: “Thằng mặt xanh kia! Kề miệng lỗ còn ham gái đẹp ư? Ta cho thiến mày!”

Câu sửa yếu hơn câu nguyên bản. 

Giả sử nếu muốn cho “lịch sự” hơn, hợp với “khẩu khí đế vương” hơn, sửa nữa thành: “Trẫm truyền cắt dương vật nhà ngươi” thì hóa buồn cười. Thì hỏng. Không ai chửi tục như thế. Đó là thứ ngôn ngữ chết, ngôn ngữ ghép chữ, mà chúng ta thường thấy trong cuộc sống: Ví dụ như ở một vị trí “trịnh trọng” khác, người ta dùng định thức: “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm thứ…” (mà Nguyễn Huy Thiệp thường hóm hỉnh cho nhân vật mào đầu lời khấn -tức là nói chuyện với người chết), dụng ngữ này vừa khệnh khạng, đế vương, vừa vô nghĩa, bởi vì xã hội chủ nghĩa là một lý thuyết hoặc thực thể chính trị, có tính cách giai đoạn, nước Việt Nam là một thực thể phi chính trị, vĩnh viễn. Ấy là không kể các đảng phái, chủ nghĩa chính trị, không thể là nhãn hiệu của nước Việt Nam, chúng đến rồi đi, phần còn lại là đất nước và con người trường tồn, vĩnh cửu. 

Thứ ngôn ngữ ấy là ngôn ngữ thế quyền mà Bertolt Brecht gọi là Quyền Ngôn (Le Grand Usage), Roland Barthes gọi là “la langue travaillée par le pouvoir”, hợp kim của một chút tâm, một chút tà và rất nhiều đạo đức giả.   

Nhân vật thứ ba là Ngô Thị Vinh Hoa. Vinh Hoa là ai? Có phải là công chúa Ngọc Hân, vợ Quang Trung, hay Ngọc Bình, em út của Ngọc Hân, được Lê Hiển Tông gả cho Quang Toản mà sau này Nguyễn Ánh đưa vào Huế làm Thứ Phi, sinh ra Quảng Oai và Thường Tín Quận Công chăng? Không thể biết được. Vinh Hoa mang màu sắc huyền thoại, kỳ bí. Thiệp bịa. Vậy mà nếu muốn thật, thì chắc chắn nàng lại là nhân vật thật nhất, trong ba người: 

– Vinh Hoa là một người đàn bà. 

– Vinh Hoa đẹp. 

– Vinh Hoa là vinh hoa. 

Cả ba yếu tố đều thật 100%. 

Là người đàn bà (phái yếu) Vinh Hoa mang bộ mặt của tầng lớp nhân dân, giai cấp bị trị, mà các thế quyền tranh cướp, hiếp đáp, vắt đến kiệt lực. Sống kiếp nô lệ qua hai triều, cuối cùng là cái chết trôi sông. 

Vinh Hoa đẹp, cái đẹp biểu trưng nghệ thuật. Nghệ thuật làm sao có thể chung chạ với thế quyền? Khi bị thế quyền xâm phạm, làm nhục thì nghệ thuật chết. Phải chăng Vinh Hoa là định mệnh của Trương Chi thời Huệ-Ánh? 

Nhưng ở đây, nhân cách Huệ cũng lại khá hơn Ánh: Huệ khao khát chiếm đoạt “nghệ thuật”, nhưng không dám cưỡng hiếp. Lúc chết mắt Huệ vẫn mở trơ trơ vì chưa được chung chạ với “nàng”. Khi “nghệ thuật” thương tình ban cho Huệ ngón tay út, người “anh hùng áo vải” mới nhắm mắt được. Nhưng khi ngón tay “nghệ thuật” chạm tới thế quyền, chỗ ấy (nhúng chàm) thâm lại, chỉ vất đi. 

Ánh nham hiểm hơn: Không những chiếm đoạt nghệ thuật mà còn vắt chanh bỏ vỏ. Đứa con trên tay Vinh Hoa là sản phẩm của ai? Nguyễn Viết Thi hay Nguyễn Ánh? Con ai chăng nữa, nó cũng là chứng minh thư của sự cưỡng hiếp ô trọc: Nó là sản phẩm văn nghệ phục vụ thế quyền. Ban cho Vinh Hoa hai chữ Phẩm Tiết là tiền thân, quốc táng Trần Đức Thảo là hậu duệ của một “quốc sách” rất Việt Nam: xâm phạm tiết hạnh nghệ thuật rồi phi tang mà xưa nay cha truyền con nối, thế quyền nào cũng sử dụng. 

Sau cùng có thể Vinh Hoa chỉ là vinh hoa: là cái bả mà con người từ thứ dân đến lãnh tụ đều bị mê hoặc. Vinh hoa không sờ mó được nhưng có uy lực trên con người. Vinh hoa là cặn bã mà thế quyền thải ra mà con người khát khao mơ ước, là mũ mã trạng nguyên, vì nó mà người ta uốn cong ngòi bút, vì nó mà có các quan văn nghệ, vì nó mà văn nghệ tố cáo văn nghệ, vì nó mà văn nghệ tuyệt tình với văn nghệ và cũng vì nó chúng ta có hàng kho chữ nghĩa mà lọc ra không được một bát ân tình. 

Phăng là một khuôn mặt lạ lùng trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Phăng là một trong những người Pháp “giúp” vua Gia Long đánh “giặc” Tây Sơn. Không phải tình cờ mà Phăng rớt vào Vàng Lửa. Phăng vào với chủ đích. Phăng là con dao nhiều lưỡi, là sự nhập nhằng đen trắng, Phăng vừa sáng suốt, vừa độc ác, vừa thông minh, vừa tham lam, vừa là kẻ xâm lăng vừa bị tiêu diệt. Phăng như một tấm gương phản chiếu sự tương phản trong cùng một thực thể, giúp người đọc mở rộng tầm nhìn về tất cả mọi vấn đề: từ lãnh vực lịch sử, chính trị đến kinh tế, văn hóa… Phăng chính là sự hoài nghi mà con người đã đánh mất trong một cộng đồng bao cấp lâu ngày trở nên manh mục và có óc nhất trí cao độ. Người kể chuyện nhìn Phăng dưới một góc cạnh. Phăng tự thuật dưới một góc cạnh khác. Người Bồ Đào Nha nhìn Phăng dưới một lăng kính khác nữa. Phăng xét Nguyễn Du một cách. Gia Long tiếp nhận lời Phăng nói về Nguyễn Du một cách khác. Đến cái kết về Phăng cũng có ít nhất ba version, ba cách kết. Cuộc đời là một mớ bòng bong, mỗi người chỉ nắm một phần sự thật và nắm cả cái quyền nói dối. Nguyễn Huy Thiệp tung Phăng như một trái hoả mù cho mọi người cay mắt, để họ nhìn thấy cái đáng ngờ, cái hoài nghi trước bất cứ một dữ kiện gì. Dĩ nhiên dữ kiện lịch sử nằm trong hoài nghi đó. Phăng triệt tiêu khả năng nhất trí tiên thiên trong xã hội chỉ đạo. Phăng mở rộng lối nhìn nhiều chiều về sử quan cũng như nhân sinh quan trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp.   

Người đáng chú ý cuối cùng là Nguyễn Du: Nguyễn Du chỉ đứng vị trí lu mờ trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp. Khía cạnh lu mờ ấy ít nhiều nói lên bản chất nhu nhược của Nguyễn Du con người, và của văn nghệ sĩ, trí thức xưa và nay: “Thông cảm sâu sắc với nhân dân, đại diện cho nhân dân ở phần u uẩn nhất, trữ tình nhất nhưng cũng đáng thương nhất… Thông cảm với những đau khổ của các số phận đơn lẻ mà không hiểu nổi đau khổ của dân tộc… Tất cả đời sống vật chất của ông do những hoạt động cù lần mang lại, năng suất thấp, chỉ thỏa mản nhu cầu tối thiểu.” Với tâm cảm và lối sống đó, người làm văn nghệ không có khả năng phục vụ chính mình, cầu gì ở văn chương nghệ thuật? Cầu gì ở nghệ thuật độc lập với chính quyền? Họ là những thực thể riêng rẽ, chưa nhào nặn được sức mạnh để chống vững ngòi bút của mình. Chờ gì đến một thái độ tuẫn tiết: Có mấy ai thệ tuyệt với tác phẩm của mình nếu tác phẩm bị chính quyền sử dụng, như một Pasolini(1). 

Bộ mặt văn nghệ sĩ phản ánh bộ mặt văn hóa, dân tộc: Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia. Dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình… Cộng đồng Việt là cộng đồng mặc cảm. Nó bé nhỏ xiết bao bên cạnh nền văn minh Trung Hoa, một nền văn minh vừa vĩ đại, vừa bỉ ổi, lại vừa tàn nhẫn.

Thoát thai từ nền văn hóa “thiên triều” ấy, người Việt vẫn còn lưu luyến ân huệ thế quyền: Nhà nước mở những cuộc “thi tuyển quốc ca” và tác phẩm được nhận làm quốc ca là một vinh dự trọn đời cho nhiều nghệ sĩ. 

*

Bộ ba Vàng Lửa, Kiếm Sắc, Phẩm Tiết chấm phá những hiện thực lịch sử. Nguyễn Thị Lộmở quang lộ thi ca, xõa tấm thân gầy phủ lên hiện thực tha hóa của xã hội để đạt tới tình yêu. Tình yêu, một thực tại phi lịch sử, thiêng liêng và miên viễn. 

Nguyễn (Trãi) hôm qua có phải là tiền thân, tự họa của Nguyễn (Huy Thiệp) hôm nay?“gần như không có bạn, không có tri âm tri kỷ, dưới một bề ngoài bình thản mà rụt rè, Nguyễn giấu mình trong vỏ ốc” mà Thị Lộ, là xương thịt, là lương tâm, là con đường, là vừng sáng, là ánh dương chiếu vào nội tâm con người trong nỗi cô đơn hiu quạnh của chính mình. 

Nguyễn Thị Lộ, riêng rẽ trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, xuất thần như một tự truyện của tác giả về nỗi đau, về tình yêu, về nghĩa vụ, về quyền lực, về bản ngã, về mối tương quan giữa những tâm hồn lớn với chính sự khủng hoảng và không tưởng của họ trong dòng đời. Ở đây sử quan đã lùi bước trước nhân sinh quan và vị thế của Nguyễn Thị Lộ đã chạm ngang tầm Nguyễn Trãi, vừa độ lượng, vừa bao dung, vừa đầy kinh nghiệm, nó là toàn bộ tri thức, văn hóa, lương tâm và nỗi đớn đau của con người “cháy bùng như một ngọn đuốc dẻo dai, kiên cường cho đến chót”

Paris tháng 2/1994

Chú thích 

(1) Pasolini chối bỏ ba cuốn phim của mình khi ông nhận thấy những tác phẩm ấy bị chính quyền Ý sử dụng.

– Thụy Khuê – Sóng Từ Trường –

Exit mobile version