Tác giả tiểu thuyết được cho là đậm chất hậu hiện đại 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] chia sẻ về cuốn sách của anh cùng dư luận về nó.


Đặng Thân tại một hội thảo về văn học mạng ở Hà Nội hồi tháng ba Ảnh: Đặng Thiều Quang.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói: “Nếu Nguyễn Huy Thiệp là chợ quê thì Đặng Thân là siêu thị, nhưng mà siêu thị mới còn ngổn ngang hàng hóa”. Anh thấy thế nào?

Việc so sánh văn chương với chợ búa là một ý rất hay của anh Thiệp. Người ta nói chợ là đời sống, là hình ảnh cô đọng nhất, tập trung nhất, phản ánh rõ nhất mọi mặt của đời sống- từ lối sống, cách nghĩ, cách sinh hoạt đến bản chất con người. Rất nhiều nhà văn trên thế giới dùng hình tượng chợ để nói về xã hội con người, chẳng hạn Hội chợ phù hoa của William Thackeray, hay Tấn trò đời của Balzac cũng là một cái chợ đời; lại còn có cả những cái chợ của Nguyễn Minh Châu, Trung Trung Đỉnh…

Anh Thiệp dùng hình tượng đó để vận vào văn chương của chính anh và của tôi, cũng có chỗ đúng, có chỗ chưa hoàn toàn trúng. Văn anh Thiệp hướng về cái quê, nặng về truyền thống, chiếm lĩnh được cái ngàn đời (chợ quê), nhưng văn anh không chỉ có chợ quê mà còn có chợ cóc, chợ tạm, chợ vừa bán vừa chạy công an, chợ đen bán hàng cấm…

Còn anh Thiệp nói văn tôi là “siêu thị mới” thì cả nước Việt Nam này, cái gọi là siêu thị không có cái nào cũ cả. “Ngổn ngang hàng hóa” thì tôi cho rằng anh Thiệp đang nghĩ về một siêu thị nhỏ, chứ anh chưa từng bước vào một siêu thị lớn của thế giới. Những siêu thị kiểu đó có những khu cực kỳ ngăn nắp, sáng choang nhưng cũng có những khu bán hàng tại kho, hàng hóa ngổn ngang. Quản lý chuỗi siêu thị như vậy cũng không dễ đâu. Tôi thấy người Việt, phần lớn, không cảm nhận được cái đẹp của sự sắp đặt (có vẻ) lộn xộn- cái mà các nhà văn bậc thầy thế giới vẫn làm, rất tuyệt.

Nguyễn Huy Thiệp không phải người duy nhất so sánh văn tôi với siêu thị. Phùng Gia Thế có bài viết “Siêu thị chữ của Đặng Thân”.

Thế còn nhận định của nhà phê bình Đỗ Lai Thúy cho rằng anh là cây bút tiêu biểu cho dòng văn học hậu hiện đại Việt Nam?

Vấn đề này nên hỏi anh Thúy chứ tôi không nghĩ gì, dù tôi rất trân trọng kiến văn và ngòi bút tuyệt cú của anh. Anh Thúy dường như vẫn chưa rõ ràng dứt khoát giữa quan niệm về hậu hiện đại của anh với chủ nghĩa hậu hiện đại của thế giới.

Khái niệm của anh Thúy mang tính lịch đại – chia ra ba thời kỳ văn học là tiền hiện đại (Nam Cao, Vũ Trọng Phụng…), hiện đại (Nguyễn Huy Thiệp đại diện) và hậu hiện đại – hơn là tính lý thuyết, trường phái.

Nhiều nhà văn Việt Nam nghe hậu hiện đại là có vẻ ái ngại hoặc chế giễu?

Nhà phê bình Inrasara (Phú Trạm) từng cho biết, nhà thơ Hữu Thỉnh có hẹn trong năm 2012 Hội Nhà văn sẽ hội thảo lớn về hậu hiện đại. Hữu Thỉnh nói đại ý: Phải hội thảo vì trước nay chúng ta ngộ nhận về hậu hiện đại.

Quả thật lâu nay nhiều người chưa hiểu gì về hậu hiện đại nhưng vẫn nói về hậu hiện đại.

Anh nói muốn nhiều người đọc sách của anh xong sẽ nghĩ rằng viết tiểu thuyết rất dễ. Cái dễ thể hiện ở đâu, lượng kiến thức “tung hỏa mù” hay phong cách ngông hiếm có của anh?

Dễ ở chỗ nghĩ gì viết nấy, có gì viết nấy, không e dè gì cả. Để làm được điều đó chỉ đòi hỏi chút dũng cảm, thật lòng, không giấu diếm.

Anh đưa từng chương lên mạng trước khi in, sau đó đăng bình luận của độc giả mạng vào sách. Không hiểu sao quanh đi quẩn lại có vài người, không biết những người đọc khác đâu, hay là không có?

Bản gốc của tôi đăng đầy đủ bình luận, có nhiều bình luận cực hay nhưng biên tập cắt đi rất nhiều vì họ cho rằng không phù hợp. Lúc đầu sách dày 900 trang, khi ra còn 668 trang.

Có độc giả bình luận: “Phụ nữ trong này hay bị coi thường nhỉ”, thấy anh đăng lên mà không phản hồi gì?

Tôi không nhớ rõ nhưng có thể đó là cách tôi tỏ thái độ, không trả lời cũng là câu trả lời, không đồng ý.

Thực ra coi thường hay trân trọng cũng là việc bình thường, tôi muốn có những con người thật nhất có thể trong cuốn sách của mình, mà con người nào cũng có những cái đáng trân trọng, những cái đáng coi thường, không riêng gì phụ nữ.

Một số nhà văn đánh giá Đặng Thân là nhà văn mạng, rất thời thượng nhưng chỉ thế thôi. Anh nghĩ sao?

Đấy là ý kiến của vài người. Bạn nên hỏi Đỗ Lai Thúy, Trương Đăng Dung, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Hồng Nhung, Inrasara, Đỗ Quyên, Phùng Gia Thế, Phạm Xuân Thạch – những người dấn thân và thực sự hiểu văn học. Tôi không nỡ tôn trọng và cũng không có thời gian nghe ý kiến của những người không biết gì hoặc quá định kiến hẹp hòi về văn chương.

Anh rất quan tâm James Joyce, nhà văn vĩ đại thế kỷ 20. Anh đã bao giờ cân nhắc dịch tác phẩm của ông sang tiếng Việt?

Nhiều người gợi ý với tôi việc này, nhưng khó làm đấy. Nếu có ai đó nuôi con cho tôi trong dăm năm thì có thể tôi sẽ dịch. Để dịch James Joyce, tôi cần có nửa năm sống ở Ireland, nửa năm ở Thụy Sĩ, Pháp để tìm và hiểu về cuộc sống của nhà văn và ngôn ngữ những nơi ông từng ở. Văn James Joyce có những câu kết hợp nhiều thứ tiếng, chơi chữ đan xen. Nếu không hiểu quê hương, con người ông, cả những thổ ngữ linh tinh nữa thì sẽ không thể hiểu nổi ông viết cái gì.


Trước 3-3.3-9 [những mảnh hồn trần] Đặng Thân ra tập truyện ngắn Ma Net (2008). Nhà nghiên cứu Đà Linh nhận xét: 3.3.3.9 [Những mảnh hồn trần] kể một câu-chuyện-lớn (lịch sử, văn hóa, truyền thống, hiện đại, nhân loại…) chứa đựng nhiều câu-chuyện-nhỏ (gia phả, đạo, âm nhạc, kinh doanh, văn học, dịch thuật, phong tục, nhân vật, du lịch, cửa Phật, ngôn ngữ, thời sự…).

Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy nhận định: Cuốn sách giống như một phản-tiểu thuyết, khác hẳn các hình thức tiểu thuyết trước đó, nhất là ở Việt Nam.

Hồi tháng 1-2012, tọa đàm về cuốn sách tổ chức ở Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội. Trong đó ý kiến so sánh Đặng Thân với Nguyễn Huy Thiệp của Đỗ Lai Thúy gây nhiều tranh cãi.

Pham Mi Ly

Nguồn: Tiền Phong.

Exit mobile version