Trên nền nhạc saxophone và trong ánh nến đầy mộng mị của buổi tối cuối tuần, tại một quán càphê giữa lòng Hà Nội, Nguyễn Quang Thiều say sưa đọc những vần thơ trong “Sự mất ngủ của lửa.”
23 năm kể từ lần ra mắt đầu tiên và nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1993), 23 năm sau những ồn ào, phê phán đầy nghiệt ngã của “cơn bão” dư luận, ngày 14/11 vừa qua, lần đầu tiên, “Sự mất ngủ của lửa” trở lại đầy ấn tượng trong một diện mạo mới. Đó như khởi đầu thú vị cho một giai đoạn mới trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Quang Thiều.
Lần này, “Sự mất ngủ của lửa” là sự cộng hưởng của thơ ca và hội họa. Bên cạnh các sáng tác của Nguyễn Quang Thiều là 23 bức tranh minh họa của những họa sỹ tài danh đất Bắc.
Vẫn với ánh mắt đầy tinh quái và chất giọng khá ngang tàng, Nguyễn Quang Thiều bảo, thực tế, hội họa đâu cần phải đi minh họa cho thơ ca và thơ ca cũng chẳng cần dựa vào hội họa để tồn tại. Thế nhưng, “Sự mất ngủ của lửa” lần này là sự cộng hưởng sáng tạo, dồn nén nhiều tâm sức giữa nhà thơ và các họa sỹ. Văn bản thơ ca và văn bản hội họa song hành tồn tại, không xếp ngôi bậc chính-phụ.
“Những bức tranh này đã mang đến cho tôi và độc giả một văn bản khác của ‘Sự mất ngủ của lửa.’ Cái văn bản thứ hai này làm cho tập thơ có thêm một không gian mới, một nhịp điệu mới và một suy tưởng mới. Sự thật là, ‘Sự mất ngủ của lửa’ trong văn bản của hội họa đã kích động tôi đọc lại ‘Sự mất ngủ của lửa’ bằng ngôn từ như là tôi chưa bao giờ biết đến nó,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Dường như, ở “Sự mất ngủ của lửa,” Nguyễn Quang Thiều luôn mang trong mình một nỗi ám ảnh về làng Chùa, xứ Đoài quê hương. Để từ đó, ông thể hiện cách nhìn riêng về một hiện thực nhiều niềm đau với những đổ vỡ, thất vọng; về một thế giới đầy biến ảo, day dứt…
Năm tháng sống xa quê, tôi như người bước hụt
Cơn mơ vang tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc
Ầm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn
Tỏa mát xuống cơn đau tôi là tóc mẹ bến mòn đứng đợi
Một cây ngô cuối vụ khô gầy
Suốt đời buồn trong tiếng lá reo… (Sông Đáy).
Nguyễn Quang Thiều cho biết, việc đưa đến cho “Sự mất ngủ của lửa” một diện mạo mới là sự kiện khởi đầu trong hành trình tái bản những sáng tác trong khoảng hai thập kỷ qua của chính ông.
Nhà thơ nhớ lại, sau khi “Sự mất ngủ của lửa” được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, một “cơn bão” với các bài phê phán cay nghiệt và những lời bàn tán đầy nhạo báng về tư duy, ngôn ngữ thơ đã đổ xuống đầu ông. Thậm chí, từ một vài sáng tác in trong tập thơ này, có tác giả đã viết về sự suy đồi đạo đức, nhân cách của Nguyễn Quang Thiều in trên Tạp chí Văn (Thành phố Hồ Chí Minh).
“Thế nhưng, cho đến tận bây giờ, tôi chưa một lần lên tiếng phản bác lại những phê phán và suy xét đó. Chỉ vì tôi tin vào con đường của tôi và không bao giờ chối từ gương mặt của chính tôi, từ chối giọng nói của chính tôi. Tôi phải là chính tôi và không phải bất kỳ một ai khác, kể cả một vị Thánh. Suốt 23 năm qua, tôi đã không hề đổi thay con đường tôi đã đi. Người viết hãy là độc giả trung thành của chính mình trước khi làm thỏa mãn cả triệu người đọc khác,” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự.
Có mặt trong buổi ra mắt “phiên bản” mới “Sự mất ngủ của lửa” tối 14/11, nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết, trước khi tập thơ này trình làng lần đầu tiên vào năm 1992, ông khá dửng dưng với những sáng tác của Nguyễn Quang Thiều.
“Thế nhưng, ‘Sự mất ngủ của lửa’ đã thực sự thu hút tôi. Sau 23 năm, tôi vẫn thấy đó là những sáng tác rất thú vị và vẫn bảo lưu quan điểm của mình rằng, trong tiến trình thơ ca Việt Nam hiện đại, đó là sự lên tiếng của những giá trị mới,” nhà phê bình Chu Văn Sơn nói.
Theo nhà phê bình này, để một cây bút được định danh là tác giả, nhà văn/nhà thơ đúng nghĩa thì điều kiện không chỉ là số lượng đầu sách, đề tài hay thâm niên sáng tác. Điều quan trọng, những sáng tác ấy phải là sự lên tiếng của một giá trị nhân văn mới; để từ đó định hình nên gương mặt riêng của người viết trong đời sống văn chương.
“Với ‘Sự mất ngủ của lửa.’ Nguyễn Quang Thiều đã làm được điều này. Thi pháp mới của thơ đã lên tiếng bên cạnh việc Nguyễn Quang Thiều đã thể hiện được những tư tưởng mới, quan điểm mới về giá trị sống,” ông Chu Văn Sơn bày tỏ.
Cụ thể, từ việc nói về sự kỳ bí trong nỗi buồn của phận người chốn làng quê Việt, Nguyễn Quang Thiều đã linh thiêng hóa cái đẹp trong đời thường. “Nó khác với sự thần thánh hóa cái đẹp trong sáng tác của nhiều nhà thơ trước đó,” nhà phê bình nhận xét.
Bên cạnh đó, âm hưởng thơ trong “Sự mất ngủ của lửa” là sự kết hợp nhịp nhàng của điệu ngâm và điệu nói.
“Sự mất ngủ của lửa” (ấn bản mới) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa và Truyền thông Liên Việt phát hành./.