“Một nhà văn nói, sở dĩ tôi bỏ phiếu cho ông, vì cha tôi từng đi lính lê dương ở VN và lá phiếu hôm nay là để thay cho… lời xin lỗi”- Nguyễn Quang Thiều chia sẻ khi bất ngờ được bầu vào chức danh Phó Tổng thư ký Hội nhà văn – Phi.
Tác giả “Sự mất ngủ của lửa” dường như trẻ ra sau những đêm “không ngủ ở Cairo” (Ai Cập) – nơi vừa diễn ra Đại hội tái thành lập Hội Nhà văn Á – Phi (8 – 10.12) và bất ngờ đặt vào ông chức danh Phó Tổng thư ký thứ nhất của hội. Nhưng trong câu chuyện ngay sau khi trở về, thấy có vẻ ông còn phải “mất ngủ” hơn.
Lá phiếu thay cho… lời xin lỗi
Điều gì khiến ông giành được số phiếu áp đảo vậy? Những cuốn thơ được dịch ra tiếng Anh chăng?
Nếu là thơ thì tôi e đại hội sẽ bầu người khác vì thơ của họ chắc là đỡ bị ghét hơn. May mắn thuộc về tôi, trước hết, chắc vì một số đề xuất cụ thể của tôi đã ít nhiều thuyết phục được họ. Chẳng hạn như đề xuất tái thiết lại tạp chí Hoa Sen (ít nhất phải ra được 2 số/năm), đầu tiên là bằng tiếng Anh, sau đó sẽ thêm tiếng Pháp và Arab. Song song, là phục hồi giải thưởng văn học Á – Phi, để quảng bá mạnh hơn giá trị của một nền văn học đang được coi là chất chứa “vẻ đẹp tiềm ẩn” này, bên cạnh những vẻ đẹp đã mất dần bí mật như Châu Âu, Châu Mỹ…
Nói chung là cả một núi việc phải làm sau 24 năm bị ngắt quãng hoạt động. Và vì thế, phiên họp đầu tiên bàn về đường hướng, hoạt động của hội sẽ được tiến hành vào tháng 4.2013 tại VN. Nhiệm kỳ đầu tiên (kéo dài 3 năm) dự kiến sẽ có nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hiện tại.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (ngoài cùng bên phải) được bầu làm Phó Tổng thư ký Hội nhà văn Á – Phi
Với các quốc gia từng có sự tương đồng trong lịch sử từ Châu Á và Châu Phi, hẳn hai tiếng Việt Nam cũng có ít nhiều ý nghĩa?
Đúng là có những lá phiếu bỏ cho Việt Nam làm tôi cảm động. Chẳng hạn, một nhà văn Morocco nói với tôi: Sở dĩ tôi bỏ phiếu cho ông là vì cha tôi từng đi lính lê dương ở VN và lá phiếu hôm nay của tôi là để thay cho… lời xin lỗi. Một nhà văn Congo thì bảo: Thực ra ông ấy không hề biết Nguyễn Quang Thiều là ai, Hội Nhà văn VN là tổ chức nào, nhưng chỉ cần biết “Việt Nam” tức là “Hồ Chí Minh” và “Điện Biên Phủ”, là đã quá đủ để ông chọn Việt Nam.
Từng rất có duyên đón đưa các đoàn nhà văn cựu binh Mỹ, ông nghĩ câu chuyện lần này có khác, với các nhà văn Á – Phi?
Khác hoàn toàn, tôi cho là thế. Khác, ở những câu hỏi, ngày gặp lại. Chẳng hạn, với các nhà văn Á – Phi, là sau 24 năm. Và câu hỏi khiến họ bỡ ngỡ nhất lúc này là: Chúng ta có thể làm gì cho văn chương, trong một thế giới đã khác xưa rất nhiều? Nhưng cũng chính vì thế giới đã khác, mà những giá trị nguyên sơ như tính bản năng, sự chân thực… mà văn học Á – Phi đang sở hữu, sẽ lại càng trở nên quyến rũ nếu như chúng ta biết cách làm cho nó trở nên nổi bật hơn.
Không nhất thiết phải là Nhà hát Lớn thì thơ mới sang trọng
Nhưng ông có nghĩ rằng, đang lúc khó khăn thế này, mà ngồi nói chuyện thơ ca, thì vẻ như… hơi xa xỉ?
Đôi khi cái chết của chúng ta là nằm ở chỗ đấy, khi nghĩ rằng thơ ca, hay rộng hơn là những vẻ đẹp lãng mạn đã chết, trước sự phùng mang trợn má của cơm áo gạo tiền. Rằng, nó là một cái gì đó phù phiếm. Riêng câu trả lời này thì hãy cho tôi được nói với danh nghĩa của một nhà thơ. Chẳng phải càng lúc đời sống trở nên ngột ngạt, bức bối, chúng ta càng cần được khôi phục lòng tin sao? Và đó chính là một trong những sứ mệnh của thơ…
Vậy mà một trong những người gánh sứ mệnh ấy bao lâu nay lại bỏ thơ đi làm báo, đến nỗi cái tên Nguyễn Quang Thiều lúc này được ví như một “cây đũa thần” với một loạt đầu báo bán chạy và không hề… mang chất thơ chút nào. Vẻ như sau “sự mất ngủ của lửa” là… “sự mất lửa của ngủ”?
Có dấu hiệu. Không ngoại trừ, đó có thể cũng là một bi kịch của mình chăng? Bởi có những thứ, nó là do số phận chọn mình, chứ không phải là mình chọn. Nhưng đôi khi, có những sự mất lửa nó không đến từ cá nhân mình mà từ những nhát búa nện vào đầu mình. Có quá nhiều dư luận quanh mình. Không như trước, người ta khích lệ nhau nhiều lắm…
Một người từng hứng không ít nhát búa vì cái “tội” “tây hóa” thơ Việt, nhưng vẫn làm thơ như điên, mà lúc này lại có thể yếu bóng vía thế sao?
Nhưng ít ra, cái sự “chửi” lúc ấy nó còn chân thực hơn bây giờ! Còn lúc này, kể cả là khi biết anh làm được một điều gì đó, người ta cũng có thể sẵn sàng phủ nhận. Nhưng, ai dám chắc là gã nhà thơ ấy không quay lại? Khi hắn vừa hoàn thành một tập trường ca 19 chương có tên là “Lò mổ”, và đang dự kiến sẽ vẽ thêm 19 minh họa bằng sơn dầu. Ngoài ra, còn là một tập thơ về cái thị xã Hà Đông đã biến mất của tôi. Nhất định là tôi sẽ trở lại, dù là được chấp nhận hay không được chấp nhận.
Và sẽ là một đêm thơ sang trọng không kém đêm thơ vừa qua của Vi Thùy Linh, khi Nguyễn Quang Thiều lúc này vừa có tiền vừa có quyền, cùng một gia tài thơ?
Cố nhiên, tôi ủng hộ cách làm của Vi Thùy Linh, nhưng cũng đã hơn một lần băn khoăn hỏi: Có nhất thiết phải thế? Vì tôi quan niệm con đường đi của thơ khác. Càng đi nhiều, tôi càng thấy trên thế giới, kể cả những nơi mà đọc thơ đã thành một thói quen sinh hoạt, các nhà thơ nổi tiếng vẫn có thể ngồi xuống bên cạnh công chúng (thực ra không nhiều), trong một căn phòng giản dị để đọc những tác phẩm để đời của họ. Và lúc đó, sự sang trọng của thơ nằm trong sức mạnh vô hình của ngôn từ, được cất lên bằng giọng mộc, chứ không lệ thuộc vào địa điểm, hay sự tương hỗ của các thể loại nghệ thuật khác. Nhà hát Lớn, hay một tòa nhà chọc trời ở New York, theo tôi không thể làm nên sự sang trọng của thơ, hay khiến nó sang hơn tiếng đàn của người nhạc công trên quảng trường…
Xin cảm ơn và mong ông sớm cùng thơ trở lại!
Nguồn: Lao Động